Bắt đầu từ tháng 3 vừa qua, Phượng Khấu - một series rất được đầu tư của nền điện ảnh Việt Nam đã chính thức ra mắt khán giả. Là tác phẩm thuộc thể loại cung đấu - cuộc cạnh tranh giữa các hoàng hậu, cung tần mĩ nữ của vua chúa thời phong kiến - Phượng Khấu không chỉ gây chú ý khi được xây dựng khá gần với lịch sử, mà còn nhờ dàn diễn viên gạo cội của nước ta: Hồng Đào, Hồng Vân, Minh Trang, Lê Thiện và Thành Lộc.
Lấy bối cảnh triều vua Thuận Trị - vị vua thứ ba của triều Nguyễn, Phượng Khấu xoay quanh hành trình của bà Phạm Thị Hằng, từ một cung tần trải qua bao gian nan hiểm nguy trở thành Từ Dụ Hoàng Thái Hậu đầy quyền lực. Ngay từ những tập đầu tiên, Phượng Khấu đã lôi cuốn khán giả bằng loạt tình tiết tranh đấu gay cấn giữa các cung tần với nhau, và giữa Thái Hoàng Thái Hậu với Hiền Phi Ngô Thị của tiên đế. Trong tập 5 vừa qua, sự kiện Hiền Phi cuối cùng đã đến hồi kết, mở ra cuộc tranh đấu chính của các phi tần đương triều: Hiệu Nguyệt, Phương Nhậm, Đoàn Viên, Tịnh Yên, Tịnh Xuyên…
Cung đấu vốn là một nhánh hấp dẫn của thể loại cổ trang và đặc biệt được yêu thích trong nền điện ảnh Hoa ngữ. Một tác phẩm cung đấu thường được định nghĩa bởi những nhân vật nữ mạnh mẽ, nhiều mưu kế thâm sâu, sẵn sàng đấu đá lẫn nhau để tranh đoạt sủng ái của vua và chiếm lấy quyền lực. Đặc biệt, khán giả phim cung đấu thường thích mạch phim chậm rãi, thâm thúy, để tính cách lẫn mưu đồ của từng nhân vật bộc lộ từ từ. Trong những bộ phim này, một cái bẫy có thể mất đến nhiều tập để giăng ra, nhưng khi con mồi đã sa lưới thì “rớt đài” vô cùng nặng nề đến không kịp trở tay.
Chính vì những đòi hỏi khó nhằn này mà từ trước đến nay, chỉ có vài bộ phim được đánh giá là “thuần cung đấu” như Thâm Cung Nội Chiến (2004), Hậu Cung Chân Hoàn Truyện (2011), Hậu Cung Như Ý Truyện (2018)… Bên cạnh đó, nhiều tác phẩm khác lựa chọn cách pha lẫn cung đấu với ngôn tình, phiêu lưu và đã thành công như Bộ Bộ Kinh Tâm, Mỹ Nhân Tâm Kế, Mẫu Nghi Thiên Hạ, Diên Hi Công Lược… Nhìn chung, cách làm phim thâm sâu, khó lường dù được đánh giá cao nhưng lại kén người xem, không dễ thực hiện.
Phượng Khấu là series cung đấu đầu tiên của Việt Nam, được xúc tiến thực hiện từ năm 2018 - một năm đình đình đám của thể loại cung đấu với hai series thành công Diên Hi Công Lược và Hậu Cung Như Ý Truyện. Với kịch bản vững chắc cùng sự tư vấn của nhiều nhà sử học nổi tiếng, nhà sản xuất Phượng Khấu đã chọn cách thực hiện một bộ phim với nhịp chậm, từ từ, thâm sâu đúng kiểu “thuần cung đấu”. Từ những tập phim đã công chiếu, người xem có thể nhận thấy rõ điều này qua nhiều phân cảnh xỉa xói, cà khịa khi thỉnh an, dùng thiện… của các phi tần.
Có điều, những bộ phim cung đấu Trung Quốc sở dĩ dám vận dụng mạch phim chậm rãi, thâm thúy do họ đã quay xong cả series rất dài. Điển hình như Chân Hoàn Truyện có 76 tập, thì dành tới 6, 7 tập đầu cho việc tuyển tú, tiến cung, trốn tránh thị phi của nhân vật chính Chân Hoàn. Tương tự với Như Ý Truyện, có tới 87 tập thì dùng hết những tập đầu cho việc kết hôn, giải quyết mâu thuẫn của tiền triều, sắc phong, phân cung thất… Tuy nhiên, Phượng Khấu của Việt Nam thì không được như vậy. Bộ phim dự kiến chỉ ra mắt phần 1 gồm 11 tập trong năm nay, sau đó mới tiếp tục thực hiện. Với con số tập giới hạn như vậy, nhà sản xuất lại liều lĩnh làm phim với mạch chậm rãi, khiến nó không từ tốn như phim Hoa ngữ mà trở nên lê thê, dông dài trong khi nửa chặng đường đã trôi qua.
Nhân vật chính của Phượng Khấu chắc chắn là bà Hiệu Nguyệt, sau này là Từ Dụ Hoàng Thái Hậu. Vậy nhưng, 4 tập đầu của bộ phim chẳng xoay quanh Hiệu Nguyệt nhiều lắm, mà lại được dùng để khai thác nhân vật Hiền Phi Ngô Ngọc Kiều trong cuộc tranh đấu với Thái Hoàng Thái Hậu. Mãi tới tập 5, tức là hơn 1/3 phần đầu series, Hiền Phi mới chịu nhường bước cho Hiệu Nguyệt “lên sàn đấu”. Và dù ở tập mới nhất, những diễn biến mới căng thẳng đã nổi lên giữa Hiệu Nguyệt và trắc cơ Phương Nhậm, nhưng với vỏn vẹn 6 tập phim nữa, liệu Hiệu Nguyệt có kịp lưu lại dấu ấn đậm nét cho người xem, khiến họ phấn khích và chờ đợi đến phần tiếp theo hay không?