Năm bùng nổ của phim Việt trên trường quốc tế
Năm 2016 chứng kiến sự lên ngôi của phim Việt khi có rất nhiều tác phẩm được mang đi dự các Liên hoan phim lớn nhỏ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Sau khi được chọn tham dự Oscar, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh tiếp tục đến Anh tham gia LHP London; Tấm Cám: Chuyện chưa kể được mời tham gia LHP Busan, cùng với hàng loạt tựa phim tham gia các sự kiện tại nước bạn như LHP Fukuoka - Nhật Bản, Liên hoan Điện ảnh Việt Nam 2016 diễn ra tại Australia…
Hiện nay trên thế giới có khoảng hơn 500 LHP khác nhau, trong số đó những cái tên danh giá, lâu đời, được đánh giá cao như LHP Cannes, Venice, Berlin, Toronto… sẽ được xếp vào hạng A (theo xếp loại của Hiệp hội Điện ảnh quốc tế). Dù phim Việt khá ít khi được mời tham gia những sự kiện lớn và danh tiếng này, nhưng việc ngày càng nhiều tác phẩm trong nước đến gần với khán giả quốc tế cũng là một tín hiệu đáng mừng. Dù không nhận giải thưởng đặc biệt nhưng điều này cho thấy các nhà làm phim trong nước đang ngày càng chú trọng hơn đến chất lượng, tính nghệ thuật của phim chứ không phải quan tâm duy nhất đến hiệu quả thương mại.
Năm nay, bên cạnh việc “đi cho biết”, nhiều bộ phim, diễn viên Việt bắt đầu khẳng định được vị thế của mình trên trường quốc tế. Isaac dành giải Ngôi sao đang lên tại LHP Busan với vai Thái tử trong Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Hương Ga được vinh danh Phim Việt Nam hay nhất tại LHP quốc tế ý tưởng mới San Francisco (Mỹ) hay Nhã Phương vinh dự nhận giải Ngôi sao châu Á với Khúc hát mặt trời trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Seoul Drama Awards 2016 là những điểm sáng của điện ảnh Việt trong năm nay. Hay như trường hợp Angela Phương Trinh tỏa sáng trên thảm đỏ Cannes cũng góp phần giúp khán giả nước bạn có cái nhìn mới mẻ hơn về nền điện ảnh Việt vốn im lìm trên trường quốc tế bấy lâu. Đây cũng là một cơ hội tốt để các diễn viên, nhà sản xuất Việt tìm cơ hội hợp tác quý báu không dễ gì có được.
Tham gia LHP quốc tế: một cách để PR?
Bên cạnh những bộ phim đạt chất lượng cao về nghệ thuật, gây tiếng vang trong lòng khán giả, có khá nhiều tác phẩm khi được báo chí đưa tin tham gia một LHP nào đó lại khiến khán giả ngơ ngác bởi không hiểu tiêu chí lựa chọn của sự kiện đó ra sao. Có những diễn viên xuất hiện trên thảm đỏ, thậm chí tham gia tranh giải nhưng diễn xuất trong phim không được đánh giá cao, hoặc chất lượng bộ phim nhìn trên phương diện khách quan đã thấy không cân bằng với những tựa phim khác.
Từ đây, nhiều người đặt câu hỏi: có phải việc tham gia LHP quốc tế không đơn thuần để vinh danh những bộ phim chất lượng, có tiếng vang, mà còn là một cách để PR cho tác phẩm của mình, mà nhà sản xuất bằng một cách nào đó đã có được lời mời chính thống từ ban tổ chức LHP. Hay cũng có nhiều trường hợp, những bộ phim ra mắt từ rất lâu, nhưng bỗng nhiên lại được đem đi tham gia LHP và dành giải thưởng (ví dụ như trường hợp Hương Ga gần đây). Điều này mâu thuẫn với định nghĩa về LHP vẫn được sử dụng từ trước đến nay: “Liên hoan phim là những liên hoan văn hóa về điện ảnh, tại đó các bộ phim mới sản xuất được chiếu ra mắt và tham gia tranh giải do ban giám khảo của Liên hoan bầu chọn”.
Kết
Với những gì đã, đang và sẽ làm được, điện ảnh Việt vẫn còn một chặng đường rất dài để đi trước mắt. Dù mỗi ê-kip sản xuất tham gia LHP quốc tế với những mục đích riêng (PR tác phẩm, tạo danh tiếng cho bản thân, tìm cơ hội hợp tác…), nhưng đều thấy rằng họ đang nỗ lực vì sự vươn xa của tác phẩm “Made in Vietnam“. Mong rằng thời gian tới, khán giả Việt sẽ được chứng kiến sự những thành công mới của phim Việt tại các sân chơi toàn cầu này.