Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Phim Việt hóa không được tranh giải 'Kịch bản' và 'Phim xuất sắc' của Liên hoan phim Việt Nam 2017

Liên hoan phim Việt Nam 2017 đã bắt đầu khởi động với nhiều phim đăng ký, tuy nhiên, dư luận quan tâm nhiều hơn hết chính là việc các phim Việt hóa (remake) không được phép tranh giải một số hạng mục phim.

Năm nay, Liên hoan phim Việt Nam đã có nhiều yếu tố mới mẻ đối với các đối tượng tham gia, trong đó có phim Việt hóa (remake). Theo đó, dòng phim này được phép đăng ký tham dự vào hệ thống tranh giải cá nhân, nhưng không có cơ hội tranh giải Phim xuất sắc nhấtBiên kịch. 

Trích quy định về phim tham dự Liên hoan phim Việt Nam 2017:

Phim làm lại (remake) từ kịch bản, hoặc từ phim nước ngoài có thể đăng ký tham dự tất cả các chương trình của Liên hoan phim . Trường hợp phim được chọn dự thi sẽ được xét các giải thưởng dành cho các cá nhân (trừ giải thưởng cho tác giả kịch bản); không được xét giải thưởng dành cho bộ phim (giải Bông Sen).

Như vậy, cánh cửa của phim Việt hóa tuy được mở ra nhưng khá hẹp. Dẫu rằng đây là một thay đổi tích cực đối với dòng phim này, nhưng đồng thời cũng gây ra tranh luận trong giới làm phim.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn.

Trên trang cá nhân của mình, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn (Dành cho tháng Sáu - 2012) đã bày tỏ quan điểm của mình: “Điều này chứng minh cái tấm lòng với các kịch bản original, với các phim original, thì thực tế chỉ làm nhà làm phim càng ngao ngán. Chẳng ai cần những lời nói suông và những chuyện lặt vặt kiểu ngăn cấm phim remake tranh giải. Cái người ta cần là những hành động thực tế, những hỗ trợ cụ thể để kịch bản original được hoài thai, phim original được bấm máy”.

Thành công của Em là bà nội của anh khởi xướng cho sự phát triển của dòng phim Việt hóa.

Anh bức xúc nhận định: “Ngành điện ảnh như đứa bé bị bỏ rơi, tự nuôi tự lớn, cho nên nó khoẻ được bằng này là chuyện mừng rớt nước mắt rồi”. Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn chỉ ra rằng, xu hướng làm phim Việt hóa không phải tự nhiên xuất hiện, mà là nhu cầu thực tế của thị trường, “là sinh mạng kinh tế của các nhà sản xuất”. Anh chia sẻ, “Người ta từ chối phim original để làm phim remake là chuyện quá dễ hiểu, nhất là khi kịch bản mà người Việt Nam viết ra tệ tới 99%”. Thậm chí, vị đạo diễn cũng tiết lộ rằng, trong một cuộc thi viết kịch bản, trong số hàng trăm ngàn kịch bản được gửi về, số lượng kịch bản có thể ưng ý chưa đến hai bàn tay.

Sắp đẹp ngàn cân vừa công chiếu từ ngày 04/08 với nhiều tranh cãi xung quanh bản Việt hóa từ 200 Pounds Beauty.

“Nói vậy để có thể hiểu nền tảng của chúng ta yếu đến thế nào. Nhưng yếu đến đâu cũng vẫn có những trường hợp đơn lẻ thực sự xứng đáng được hỗ trợ, hỗ trợ bất vụ lợi. Các nhà sản xuất tư nhân khó có thể làm được chuyện ấy. Chỉ có nhà nước mới có thể làm được, điện ảnh Việt Nam cần cái này chứ không cần rào cản cho các phim remake” - Đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn kết luận.

Sắp tới đây, vào ngày 25/8, Yêu đi, đừng sợ! của Ngô Kiến Huy và Nhã Phương sẽ chính thức ra mắt. Phim được Việt hóa từ phim Hàn Quốc Spellbound.

Có thể nói, việc hạn chế khung giải thưởng của dòng phim Việt hóa có thể hiểu được nguyện vọng của Liên hoan phim Việt Nam năm nay nhằm thúc đẩy sự phát triển của những kịch bản thuần Việt (original), thay vì nhà làm phim quá tập trung vào các kịch bản nước ngoài và làm lại chúng. Tuy nhiên, để biên kịch Việt “có đất dụng võ” thì yếu tố chất lượng là điều cần được chú ý. Chắc chắn rằng trong năm nay và vài năm tới, số lượng phim Việt hóa sẽ không ngừng tăng lên.

Tháng năm rực rỡ của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng là dự án Việt hóa mới nhất từ kịch bản Sunny của Hàn Quốc.

Vì lẽ đó, các biên kịch Việt cần nâng cao sự sáng tạo của mình, vượt ra khỏi chiếc hộp thông thường để có thể tạo ra những kịch bản thuần Việt đáp ứng yêu cầu của thị trường khán giả cũng như nhà làm phim. Có như thế thì nền điện ảnh nước nhà mới thực sự phát triển, thay vì sống dựa vào kịch bản gốc nước ngoài như nhiều phim hiện nay.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Tiến Đạt

Được quan tâm

Tin mới nhất