Từ xưa đến nay, phim truyền hình luôn là “món ăn tinh thần” của nhiều thế hệ, nhiều tầng lớp khán giả Việt. Không phân biệt thể loại - phim hình sự hay phim gia đình, chữa lành, các “món ăn” này sẽ được người xem lựa chọn, thưởng thức miễn nó “ngon mắt” và có giá trị về nội dung. Tiếng lành đồn xa, các tựa phim này được khán giả bàn luận, giới thiệu cho nhau qua phương thức truyền miệng, hay qua các phương tiện truyền thông đại chúng.
Dần dần, người Việt hình thành nên thói quen xem phim truyền hình, sau thời gian làm việc, học tập căng thẳng. Và dù công nghệ có phát triển, kéo theo sự xuất hiện của các nền tảng chiếu mạng, nhưng phim truyền hình chiếu đài truyền thống vẫn giữ được một lượng khán giả trung thành.
Hiểu được nhu cầu xem phim của người Việt, các ê-kíp sản xuất cũng dần đổi mới về nội dung lẫn hình thức, để tác phẩm dễ “lọt vào mắt xanh” của khán giả. Tuy nhiên, có một thực trạng đáng buồn trong bức tranh truyền hình nội địa những năm gần đây, đó là việc đổi mới không tỷ lệ thuận với sự ủng hộ của khán giả.
Phim Việt đang nỗ lực đổi mới
Trong 10 năm trở lại đây, khán giả yêu phim truyền hình càng ngày càng có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc tìm kiếm một tác phẩm chất lượng để theo dõi. Số lượng phim ra mắt ngày càng nhiều, đa dạng các thể loại, khung giờ phát sóng cũng tăng đáng kể. Tuy nhiên, đội ngũ biên kịch, đạo diễn cũng nhìn nhận một thực tế, đó là khán giả Việt ngày nay xem phim rất “có gu”, có chọn lọc và ngày càng trở nên khó tính.
Một ví dụ cụ thể đó là các hạt “sạn” trên phim giờ vàng như Gara Hạnh Phúc, Thương Ngày Nắng Về hay Đừng Nói Khi Yêu,... khán giả xem đài đều tinh mắt phát hiện ra. Một bộ phim hay - dở, logic hay chưa, nhìn vào bình luận của khán giả là biết ngay. Chính vì thế, các nhà làm phim Việt luôn nỗ lực đổi mới, bằng nhiều cách khác nhau để “đứa con tinh thần” của mình trở nên chỉn chu, ít lỗi, thu hút đông đảo khán giả hơn.
Đầu tiên, phim Việt giờ vàng đang có nhiều thay đổi thú vị về nội dung. Nhìn vào 2 bộ phim lên sóng gần đây nhất của vũ trụ VTV, dễ nhận thấy nội dung phim đang trở nên “đời” hơn, tạo sự gần gũi, thoải mái cho khán giả xem đài. Nếu vài ba năm trước, phim Việt đầy rẫy drama, thường xuyên xuất hiện những bà mẹ chồng tai quái, chửi rủa con dâu, thì giờ đây, hình tượng mẹ chồng trở nên dễ thương hơn bao giờ hết.
Trở lại sau vai mẹ chồng tai quái trong Thương Ngày Nắng Về, NSND Lan Hương đốn tim người xem với bà Cúc ở Gia Đình Mình Vui Bất Thình Lình. Đây là người mẹ chồng trong mơ của các cô gái, bà thương con dâu như con ruột, không khó để bắt gặp các bình luận khen ngợi bà trên các diễn đàn phim ảnh.
Bà Tình (NSƯT Thanh Quý) trong Cuộc Đời Vẫn Đẹp Sao thương con dâu Luyến (Thanh Hương) hơn cả con trai ruột - người mà bà dứt ruột sinh ra. Bà Vân (Nguyệt Hằng) trong Đừng Làm Mẹ Cáu được khán giả ưu ái gọi là “mẹ chồng quốc dân” vì ra sức bảo vệ con dâu Vy (Quỳnh Lương đóng),...
Việc thôi “hắc hóa” hình tượng mẹ chồng đã khiến các bộ phim gần đây trở nên dễ chịu hơn nhiều. Chưa kể, những bình luận như: “Khổ như Khánh (Lan Phương, Thương Ngày Nắng Về) thì tôi ly hôn; Nhìn bà Hiền trong Thương Ngày Nắng Về khiến tôi không muốn lấy chồng nữa,...” sẽ không còn cơ hội xuất hiện, định kiến của khán giả về hình tượng mẹ chồng trong xã hội được giảm đi phần nào.
Bên cạnh đó, nội dung phim Việt giờ đây còn chú trọng yếu tố chữa lành - xu hướng thưởng thức phim mới của khán giả. Chính vì thế, những bộ phim vui nhộn như Gara Hạnh Phúc, Đừng Làm Mẹ Cáu mới ra đời, nhanh chóng gây sốt vì sự đáng yêu, không drama “rating” vẫn tăng đều đều.
Việc “bắt trend” giới trẻ cũng được các ê-kíp làm phim vận dụng tốt, điển hình như lời thoại “hết nước chấm” của Lưu (NSƯT Hoàng Hải) trong Cuộc Đời Vẫn Đẹp Sao, những câu nói “viral” của cậu Hai Lương (Bạch Công Khanh) trong Duyên Kiếp,... cũng nhanh chóng được trích dẫn lên các nền tảng MXH, được khán giả hưởng ứng mạnh mẽ.
Đổi mới tiếp theo trong phim Việt giờ vàng chính là sự xuất hiện của các gương mặt mới, cùng việc lựa chọn vai diễn ngày càng chuẩn xác của đội ngũ làm phim. Dễ nhận thấy, phim Việt hiện tại ưu tiên chọn diễn viên phù hợp, hơn là diễn viên nổi tiếng. Điều này nhằm tạo nên cảm giác mới mẻ cho khán giả, tránh sự nhàm chán khi phải xem đi xem lại các gương mặt cũ, cũng như tạo cơ hội để diễn viên trẻ thể hiện tài năng.
Thời điểm đóng Đừng Làm Mẹ Cáu, Quỳnh Lương chưa phải là một tên tuổi hot của màn ảnh, vai Vy trong phim khiến cô thu được lượng fan lớn, cùng sự mến mộ của đông đảo khán giả. Bộ ba Việt Hoàng - Tuấn Anh - Hà Đan trong Cuộc Đời Vẫn Đẹp Sao chỉ là những gương mặt mới, nhưng lại được khen ngợi vì diễn xuất tự nhiên. Vai Bát trong Cuộc Đời Vẫn Đẹp Sao được khán giả công nhận là được “đo ni đóng giày” cho Tuấn Anh, bởi ngoài anh ra, họ cho rằng khó ai có thể diễn được nét “bựa” của nhân vật này.
Yeye Nhật Hạ ghi điểm với vai nữ chính trong Rồi 30 Năm Sau, trước đó, cô không được quá nhiều khán giả nhớ đến. Lãnh Thanh đóng chính trong Nơi Giấc Mơ Tìm Về sau thời gian bám trụ mảng điện ảnh, anh lập tức được khen vì sự hợp vai, bên cạnh gương mặt kỳ cựu NSND Lê Khanh. Có thể thấy, luồng gió mới đến từ các diễn viên trẻ đã khiến những bộ phim truyền hình Việt trở nên mới mẻ, bớt đi sự nhàm chán, độ “viral” mà họ đem lại không thua kém diễn viên thực lực.
Ngoài ra, việc lựa chọn cách quay “cuốn chiếu” thay vì quay hết 100% rồi mới phát của các ê-kíp cũng mang lại nhiều lợi ích. Dù tiêu tốn nhiều công sức, chi phí, nhưng lối quay này sẽ giúp các nhà làm phim dễ thu thập ý kiến khán giả, từ đó có sự điều chỉnh về kịch bản.
Phim Cuộc Đời Vẫn Đẹp Sao của đạo diễn - NSƯT Nguyễn Danh Dũng tăng lên hơn 30 tập, thay vì kết thúc ở tập 24 như dự định ban đầu. Điều này khiến khán giả đặt kỳ vọng vào một cái kết chỉn chu hơn cho dự án, bởi trước đó, họ lo ngại phim dễ bị “đầu voi đuôi chuột” nếu chỉ gói gọn ở 24 tập. Nhờ việc quay “cuốn chiếu”, việc tăng giảm, tinh chỉnh số tập của ê-kíp trở nên thuận tiện hơn.
Khi ‘xem phim là 9 - tranh cãi là 10’ và điểm yếu chí mạng của phim Việt
Phim Việt đang đổi mới, cải tiến là vậy nhưng thực trạng đáng buồn là số lượng tác phẩm chất lượng, được lòng số đông khán giả chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Trong những năm gần đây, không phải bộ phim nào cũng thành công dù sở hữu dàn cast giàu kinh nghiệm cùng đội ngũ truyền thông tốt. Có những bộ phim liên tục gây tranh cãi về nội dung lẫn diễn xuất. Thậm chí, dễ bắt gặp tình trạng khán giả cãi nhau chí chóe bên dưới các video, bài viết về phim, chứ còn những lời khen tích cực thì vô cùng khan hiếm.
Nếu trước đây, khán giả gọi Phương (Hồng Diễm) trong Hành Trình Công Lý như “gọi đò” trên các bài đăng vì sự “bất ổn” trong tâm lý, hành động của cô, thì nhân vật Hà của Lan Phương trong phim đang lên sóng cũng gặp tình trạng y hệt.
Gia Đình Mình Vui Bất Thình Lình khiến cảm xúc của khán giả lên xuống “bất thình lình” y hệt tên phim. Thời gian đầu, phim gây tranh cãi về hình tượng nhân vật Hà, tiếp đến là sự thực dụng của Công (Quang Sự), rồi đến hình ảnh mẹ vợ của Danh (Thanh Sơn) cũng gây ức chế.
Từ giữa phim, Hà được yêu quý trở lại nhờ sự tốt bụng, thường xuyên giải vây cho người thân trong nhà. Tuy nhiên, sau tập 22, khán giả lại “tắt TV” vì Hà tiếp tục lố lăng như những ngày đầu. Từ một bộ phim được yêu thích vì sự vui nhộn, Gia Đình Mình Vui Bất Thình Lình nay đã hết vui, hết hấp dẫn.
Phim Cuộc Đời Vẫn Đẹp Sao cũng gây tranh cãi dữ dội, khiến nhiều người đòi bỏ xem ở những tập cuối vì sự xuất hiện của một số nhân vật gây ức chế, nhất là Bát (Tuấn Anh). Đặc biệt, nhân vật dễ thương như Luyến (Thanh Hương) cũng khiến nhiều người quay lưng vì sự thay đổi trong tính cách, "đưa đẩy" khách hàng quá nhiều.
Trước đó, phim Hành Trình Công Lý cũng bị “ném đá” tơi tả vì nội dung chán, diễn xuất của Hồng Diễm, Việt Anh xuống phong độ. Một tác phẩm khác của Việt Anh là Chồng Cũ, Vợ Cũ, Người Yêu Cũ cũng nhận "gạch đá" vì… quá nhàm chán trong nội dung lẫn diễn xuất. Một số dự án khác như: Thông Gia Ngõ Hẹp, Đừng Nói Khi Yêu,... cũng không tránh được những tranh cãi.
Có nhiều nguyên nhân khiến phim nội địa bị khán giả quay lưng. Nguyên nhân chính và là điểm yếu chí mạng của truyền hình Việt chính là ở khâu kịch bản. Đạo diễn Võ Thanh Hòa thừa nhận điện ảnh Việt thiếu kịch bản hay, thì truyền hình cũng không ngoại lệ.
Những bộ phim Việt lên sóng giờ vàng gần đây thường đi vào vết xe đổ “đầu voi đuôi chuột”. Phim đặt vấn đề quá nhiều ở những hồi đầu, rồi dần “hụt hơi” về sau, rồi chọn cái kết như làm cho có, mặc cho khán giả không ngừng la ó. Những tựa phim Việt bị chỉ trích vì “đầu voi đuôi chuột” có thể kể đến như: Đấu Trí, Thương Ngày Nắng Về, Gara Hạnh Phúc, Hương Vị Tình Thân, Người Phán Xử, Tình Yêu Và Tham Vọng,...
Bên cạnh đó, việc phim đưa quá nhiều nhân vật phụ vào ở chặng đường cuối, mà không làm rõ mục đích, tác dụng của vai diễn cũng khiến người xem trở nên khó hiểu, mạch phim vì thế cũng lê thê, mất điểm trầm trọng.
Ngoài việc thiếu kịch bản hay, phim Việt còn một điểm yếu lớn, đó là sự lên xuống thất thường về diễn xuất của dàn cast. Dễ nhận thấy có vài tựa phim gây lãng phí cả dàn cast gạo cội, khi quy tụ nhiều gương mặt lão làng, nhưng không khai thác hết thế mạnh về diễn xuất của họ.
Đặc biệt, có nhiều diễn viên mới thể hiện rất tốt, nhưng cũng có người không nhận được sự tán dương của khán giả. Cũng có trường hợp diễn viên giàu kinh nghiệm, nhưng diễn xuất lại thụt lùi, hoặc nhận vai không hợp với sở trường.
Khả Ngân từng có màn thể hiện ấn tượng trong 11 Tháng 5 Ngày, đóng cùng Thanh Sơn, cô ẵm luôn Cánh Diều Vàng cho vai diễn này. Tuy nhiên, khi sang Gia Đình Mình Vui Bất Thình Lình, Khả Ngân lại bị chê diễn xuất đơ cứng, đài từ “ngang phè”, gây thất vọng.
Quang Sự được yêu mến với vai nam chính trong Hoa Hồng Giấy, nhưng khi sang Gia Đình Mình Vui Bất Thình Lình, diễn xuất của anh gần như bị “phong ấn”, nhiều lần bị chê vì sự nhạt nhòa. Bên cạnh kịch bản, diễn xuất của dàn cast cũng đóng vai trò rất quan trọng, có tác phẩm còn không đáp ứng được cả hai yếu tố trên, cho nên khó lòng chinh phục được khán giả.
Học được gì từ thành công của những bộ phim “thoát vòng”?
Nhìn vào thị trường phim Việt những năm gần đây, những dự án được lòng số đông khán giả đúng là hiếm gặp nhưng không phải không có. 2 bộ phim được ví như “hiện tượng” truyền hình lên sóng cách đây không lâu chính là Đừng Làm Mẹ Cáu và Duyên Kiếp. Đây là hai dự án không có nhiều lỗ hổng về nội dung, lẫn diễn xuất, đều tạo nên xu hướng trên các nền tảng mạng xã hội.
Với Đừng Làm Mẹ Cáu, phim được khen ngợi bởi nội dung chữa lành, Nhan Phúc Vinh và Quỳnh Kool tạo được phản ứng hóa học tốt. Đặc biệt, phim đánh dấu sự trưởng thành về diễn xuất của Quỳnh Lương và Bình An - người trước đó chuyên trị vai “phi công” màn ảnh.
Điểm nhấn lớn của phim chính là sự xuất hiện của các diễn viên nhí - bé Cherry An Nhiên (Happi), bé Tuấn Phong (Voi). Dù còn nhỏ tuổi, gặp khó khăn trong việc học thoại, song các bé rất cố gắng học hỏi, diễn xuất được đánh giá là tự nhiên, có nhiều tiềm năng.
Giữa lúc truyền hình Việt đang bão hòa như hiện tại, hiếm có một dự án nào như Đừng Làm Mẹ Cáu - khiến khán giả tiếc hùi hụi khi chiếu đến tập cuối. Thậm chí, có người còn viết tâm thư xin nhà đài làm phần 2 vì họ muốn dõi theo hành trình của mẹ con Hạnh (Quỳnh Kool) sau khi về chung nhà với Quân (Nhan Phúc Vinh). Phim được ví như một tác phẩm chữa lành, một khóa học làm mẹ dành cho những người có cùng hoàn cảnh như nữ chính.
Để giải mã sức hút của Đừng Làm Mẹ Cáu, cốt truyện hấp dẫn trong một bối cảnh quen thuộc là điều được khán giả nhắc đến. Chính biên kịch của dự án - Nguyễn Thủy cũng thừa nhận muốn làm một bộ phim mới 100% là rất khó, cho nên cô và ê-kíp bắt buộc phải làm mới những điều đơn giản, thân thuộc ở cuộc sống thường nhật. Và cuối cùng, câu chuyện về một người mẹ đơn thân bất đắc dĩ và cô con gái hiểu chuyện đã được lựa chọn.
Có thể thấy, sự gần gũi trong nội dung, kết hợp với một kịch bản thông minh, chỉn chu là chìa khóa để làm nên thành công của dự án. Thêm vào đó, sự “mát tay” trong việc tuyển chọn diễn viên cũng là điều mà các nhà làm phim cần phải học hỏi.
Khác với quyền sáng tạo vô hạn trong Đừng Làm Mẹ Cáu, phim Duyên Kiếp lại được chuyển thể từ vở cải lương cùng tên. Vì thế, phim ít nhiều phải tuân thủ cốt truyện chính. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, ê-kíp vẫn sáng tạo một số tình tiết mới, song vẫn đảm bảo tôn trọng nguyên tác.
Điểm đặc sắc làm nên thành công của Duyên Kiếp chính là diễn xuất của dàn cast, nổi bật nhất là vai cậu Hai Lương khù khờ của Bạch Công Khanh. Nam diễn viên được khen ngợi ngay từ những tập đầu vì diễn xuất tự nhiên, hài hước, vai diễn này được ví như đã “đo ni đóng giày” cho anh.
Ngoài ra, dàn cast còn lại như Huỳnh Đông, Thân Thúy Hà, Khương Thịnh,... cũng có màn thể hiện tròn vai. Bên cạnh Đừng Làm Mẹ Cáu, Duyên Kiếp cũng là một ví dụ cụ thể về tầm quan trọng của việc chọn diễn viên phù hợp đối với một dự án truyền hình.
Tạm kết
Khán giả ngày nay rất "sành" phim ảnh, có tiếng nói và quyền lực ngày càng mạnh mẽ trong việc quyết định thành công, độ thu hút của tác phẩm. Chính vì thế, các nhà làm phim Việt cần có tư duy làm mới đề tài, chỉn chu trong khâu xây dựng kịch bản, casting diễn viên,... Đặc biệt, các nhà làm phim cần tìm hiểu, khảo sát xem khán giả đang ưa chuộng thể loại nào, song song với việc trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng làm phim.
Ngoài ra, cần chú trọng tìm kiếm các chất liệu mới cho tác phẩm, tránh đi theo lối mòn của đồng nghiệp. Việc mở các workshop thảo luận về quy trình làm phim, tổ chức lớp học về diễn xuất cho diễn viên trẻ, hay mở cuộc thi viết kịch bản phim dành cho khán giả,... cũng là những điều nên cân nhắc thực hiện.
Xem thêm tại: Gia Đình Mình Vui Bất Thình Lình tập 25: Hà bị mẹ chồng mắng, vợ chồng Danh bị đuổi ra khỏi nhà