Phim Ảnh

Không còn nghi ngờ gì nữa, Dương Mịch chính là Bạch Thiển hoàn hảo nhất

Hoàng Phương
Chia sẻ

Vượt qua bao nghi ngờ, chỉ trích ban đầu về tạo hình lẫn khả năng diễn xuất, Dương Mịch đã chứng minh cho khán giả thấy mình là miếng ghép không thể thiếu trong chuyện tình đẫm nước mắt của Tam sinh tam thế thập lý đào hoa.

Trong những năm gần đây, Dương Mịch vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu của nhà sản xuất phim Trung Quốc trong các dự án đầu tư nội địa. Với nét đẹp vừa trong trẻo lại gợi cảm cùng khả năng hóa thân vào mọi vai diễn từ hiện đại đến cổ trang, chỉ cần phim cô đóng, dù truyền hình hay điện ảnh cũng sẽ đạt tỉ lệ người xem và doanh thu kỷ lục. Tuy nhiên khó có thể tin được, khi mới chính thức xác nhận tham gia đoàn phim chuyển thể Tam sinh tam thế thập lý đào hoa, Dương Mịch đã vấp phải làn sóng chỉ trích nặng nề từ người hâm mộ, đặc biệt là fan nguyên tác.

Hàng trăm lý lẽ được đưa ra nhằm chứng tỏ cô và đồng nghiệp Triệu Hựu Đình hoàn toàn không hợp vai diễn: rằng tạo hình không đủ tiên khí, khả năng diễn xuất hạn chế, thậm chí nực cười đến mức chế giễu cái đường chân tóc như bị hói. Đáp lại những bình luận tiêu cực ấy, cô im lặng rời xa dư luận, miệt mài làm việc tại phim trường suốt năm tháng trời. Và phải đến khi Tam sinh tam thế chính thức lên sóng, Bạch Thiển bằng xương bằng thịt bước ra khỏi màn ảnh nhỏ tạo nên cơn sốt suốt một tháng qua, khán giả mới có thể thở phào tin tưởng rằng, nàng chính là “cô cô” hoàn hảo nhất chúng ta vẫn hằng mong đợi.

Dương Mịch - Triệu Hựu Đình từ chỗ bị chê hết lời trở thành ngôi sao sáng trên màn ảnh nhỏ suốt nhiều tuần qua.

Tạo hình xứng đáng trở thành huyền thoại

Trước vai diễn bạch cửu vỹ hồ ly Bạch Thiển, cái tên Dương Mịch với những nhân vật cổ trang đã để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm trí người xem. Đó là Quách Tương của Thần điêu đại hiệp (2006), là Vương Chiêu Quân (2007) đứng đầu Tứ đại mỹ nhân Trung Quốc cổ đại, là nàng Tình Xuyên vượt thời gian về thời Ung Chính trong Cung tỏa tâm ngọc (2011), và đặc biệt là huyền thoại tiên nữ Tịch Dao trong Kiếm Tam (2009) sánh đôi cùng nam diễn viên nổi tiếng Hồ Ca.

Ánh mắt đầy linh khí là điểm mạnh trong diễn xuất của Dương Mịch.

Với Tam sinh tam thế thập lý đào hoa, Dương Mịch vào vai ba kiếp nhân sinh của đệ nhất mỹ nhân của từ hải bát hoang. Câu chuyện bắt đầu khi con cưng của Hồ đế Thanh Khâu giả trai làm Tư Âm lên núi Côn Luân học nghệ, do thiên kiếp mà bị phong ấn tiên lực, trí nhớ thành người phàm trần Tố Tố. Trải qua tình kiếp muôn vàn khổ đau, nàng mới được thăng cấp thượng thần rồi quay về thiên giới đường đường chính chính với cái tên Bạch Thiển.

Tạo hình nhân vật Tư Âm của Dương Mịch.

Những mong đem lại một thế giới huyền huyễn khác biệt, chưa từng xuất hiện bất kỳ bộ tiên hiệp nào trước đó, đoàn làm phim đã mạnh tay đầu tư vào tạo hình và phục trang. Mỗi bộ quần áo đều làm bằng tay sau suốt hai năm dụng tâm nghiên cứu đến từng chi tiết. Điều thú vị nhất là dù Dương Mịch hóa thân vào nhân vật nào, tổ chế tác cũng hạn chế trang điểm quá nhiều. Thay vào đó chủ yếu tập trung vào đôi mắt để tạo hiệu ứng thanh thoát, phiêu dật đúng như ý đồ của kịch bản, để mỗi lần Bạch Thiển xuất hiện dù chỉ một cái nhìn cũng đủ điên đảo chúng sinh.

Tư Âm lém lỉnh, đáng yêu trong lúc bái sư.

Diễn Bạch Thiển bằng cả sinh mệnh

Tuy nhiên nếu chỉ tạo hình thôi thì chưa đủ, diễn viên vẫn cứ nên nói chuyện bằng thực lực. Vượt qua những tranh cãi trước giờ cùng định kiến “bình hoa di động”, Dương Mịch của ngày hôm nay đã chú tâm hơn vào khai thác vai diễn và dần lấy lại phong độ ngày đầu. Cô thừa nhận rằng chính vì có nhiều điểm tương đồng với nữ chính nên có thể dễ dàng thấu hiểu cho nỗi đau của nàng.

Một phân đoạn ngọt ngào giữa Dạ Hoa và Bạch Thiển.

Trong phim, Mịch phải đóng cùng lúc ba vai diễn, tượng trưng cho ba giai đoạn trưởng thành của nhân vật. Mỗi kiếp nhân sinh ấy lại có những nét tính cách khác nhau, vừa mâu thuẫn nhưng vừa đồng nhất, ẩn giấu sự kiên cường, cố chấp khó lòng che giấu được. Dĩ nhiên Tư Âm dưới lốt con trai nhí nhảnh, vô tư trước mối tình đầu dang dở, không thể ngây thơ, thiện lương mà cương liệt như người phàm trần Tố Tố, càng không có được phong thái bá đạo, “bà nội thiên hạ” như nữ thượng thần duy nhất của trời đất, nữ vương xứ Thanh Khâu Bạch Thiển.

Khí chất ngông nghênh đúng kiểu “bà nội thiên hạ” Bạch Thiển.

Càng xem phim, ta càng nhận ra sự cố gắng của Dương Mịch khi thể hiện tròn trịa từng vai diễn mà không bị lẫn vào nhau, thậm chí còn đặc biệt xuất thần trong những phân đoạn tay đôi với nam chính Triệu Hựu Đình. Hợp tác cùng một diễn viên thực lực như anh cũng là một phần lý do khiến tương tác giữa cặp đôi vô cùng tự nhiên và chân thực. Khán giả có thể rung động trước sự ngọt ngào của Dạ Hoa - Tố Tố, lại càng không thể cầm nước mắt trước cảnh nàng vì chết tâm mà nhảy xuống Tru Tiên đài. Không phải nàng không còn yêu chàng nữa, chỉ là bao lời thương giấu kín cũng không đủ để an ủi những tủi nhục, oan ức, cô độc mà thân phận phàm nhân này phải gánh chịu. Chẳng những vậy, cùng là đối mặt với cái chết của người thân, nhưng Tư Âm ôm xác sư phụ gào khóc đau đớn bao nhiêu, một Bạch Thiển mất hồn, lặng im tạo tiên chướng ôm xác phu quân mãi không buông lại giằng xé tâm can bấy nhiêu. Giống như Hựu Đình đã nói về bạn diễn: “Cô ấy đã dùng cả sinh mệnh để diễn Bạch Thiển.”

Bạch Thiển và Dạ Hoa trong giờ phút sinh ly tử biệt.

Một trong những phân cảnh khó nhất chính là khi Mịch Mịch đóng vai đúp - Bạch Thiển huyết chiến Đại tử minh cung và đối diện với nhân vật phản diện Huyền Nữ đang sử dụng dung mạo của mình. Cô phải học thuộc từng cử chỉ điệu bộ, ánh mắt của bạn diễn để hóa thân vào Dực hậu mà không tạo cảm giác chỉ do một người thay đổi trang phục đóng. So với thời điểm trước đó đóng Cổ kiếm kỳ đàm, Người phiên dịch, Dương Mịch thực sự đã tiến bộ rất nhiều. Những lời chỉ trích khả năng diễn xuất của cô cứ thế mà lặng lẽ biến mất.

Dương Mịch khi vào vai Huyền Nữ.

Cô phải tự phân thân để thể hiện trọn vẹn cả hai nhân vật cùng lúc.

Tinh thần làm việc chuyên nghiệp

Trong lớp tiểu hoa đán đương thời, Tiểu Mịch có thể chưa phải diễn viên xuất sắc nhất, nhưng nhất định là một trong những diễn viên chăm chỉ và chuyên nghiệp nhất. Bốn tháng trời quay phim là bốn tháng trời cô rời xa mọi phương tiện truyền thông đại chúng. Không một ngày nghỉ, không tham gia bất cứ sự kiện hay quảng cáo nào, ngày ngày trang điểm, học kịch bản rồi quay từ sáng sớm đến tối muộn.

“Bạch Thiển này không phải dạng vừa đâu”!

Có phân cảnh say rượu bắt đầu từ nửa đêm, Mịch mê man diễn đến quên cả ngày tháng, mông lung mãi không thoát khỏi nhân vật được. Trong hàng trăm, hàng ngàn phân cảnh lớn nhỏ, chỉ duy nhất một lần cô sử dụng diễn viên đóng thế vì lý do trường quay. Có mấy diễn viên tuyến 1 sẵn sàng đóng tất cả những cảnh khó từ chiến đấu, dầm mưa, dưới nước giữa thời tiết âm độ? Có tiểu hoa nào vì trời lạnh, viêm xoang tái phát, nước mũi ròng ròng vẫn quyết tâm đóng cho bằng được. Nhưng Dương Mịch chấp nhận. Với cô, sự liều mạng ấy sẽ được trả giá xứng đáng bởi đây là kịch bản tốt nhất, mang tính thách thức nhất mình từng nhận được. Sự cố gắng ấy, đã làm nên một Bạch Thiển sống động của ngày hôm nay.

Diễn xuất của Dương Mịch trong phân đoạn Tư Âm trước cái chết của sư phụ được đánh giá rất cao.

Chia sẻ

Bài viết

Hoàng Phương

Tin mới nhất