Phim Ảnh

Hàng loạt sự kiện xoay quanh U23 Việt Nam có xuất hiện ở 'Táo Quân 2018'?

Phương Thảo
Chia sẻ

Việc đội tuyển U23 Việt Nam thành công ngoài kì vọng tại mùa giải U23 châu Á 2018 cùng hàng loạt sự kiện đáng khen, đáng chê đều có khả năng xuất hiện ở "Táo Quân 2018".

Gặp nhau cuối năm (hay còn gọi là Táo Quân) là chương trình hài kịch truyền hình đặc biệt do Trung tâm Sản xuất Phim Truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất, phát sóng ngày Tất niên Âm lịch hằng năm, và từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu vào mỗi dịp Tết Cổ truyền. Táo Quân phản ánh, đả kích những hiện tượng, vấn đề nóng bỏng, nổi cộm ở nhiều lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, giao thông, điện lực, y tế, thể thao,… một năm qua bằng lối dẫn dắt dí dỏm, duyên dáng.

Thực hiện chương trình Gặp nhau cuối năm, dàn nghệ sĩ không chỉ luyện tập nhuần nhuyễn, mà còn cần gấp rút thay đổi nội dung trước các tình huống đột xuất, khi mối quan tâm của khán giả thay đổi hay xuất hiện sự kiện “nóng”. Việc đội tuyển U23 Việt Nam thành công ngoài kì vọng tại mùa giải U23 châu Á 2018 là một minh chứng điển hình, cùng với đó là hàng loạt sự kiện đáng khen, đáng chê có khả năng có mặt ở Táo Quân.

Thành tích của U23 Việt Nam có xuất hiện trong Táo Quân 2018?

Những ngày cuối năm Âm lịch 2017, gác lại bộn bề, lo toan, người người, nhà nhà hào hứng, mê say nói về bóng đá, về đội tuyển U23 Việt Nam. Người ta ùa nhau ra đường ăn mừng, tụ tập trước màn hình TV xem đá bóng, rồi khóc, cười cùng trái bóng lăn. Lần đầu tiên trong lịch sử, U23 Việt Nam vượt qua nhiều đối thủ “nặng ký”, bước vào trận Chung kết tại giải đấu châu lục.

Đáng nói, thành tích của U23 Việt Nam không được tạo nên bởi may mắn, dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang Seo, các cầu thủ trẻ đến từ Việt Nam thể hiện bước đột phá về thể lực, kỹ thuật, lối chơi phòng ngự chủ động, lối đá đồng đội đầy tư duy. Một mùa giải khép lại dang dở, đội bóng Việt Nam trượt chân ở phút thứ 119 trước đỉnh vinh quang, nhưng mở ra niềm hi vọng cho người hâm mộ về nền bóng đá nước nhà với thế hệ cầu thủ tiềm năng.

Khi người hâm mộ Việt Nam dành nhiều tình cảm, sự quan tâm cho những người hùng sân cỏ, thì việc hành trình U23 trên giải U23 châu Á 2018 xuất hiện ở Táo Quân là hoàn toàn có khả năng, như một lời tri ân, cũng như hi vọng từ nhà sản xuất vào thời khắc chuyển giao năm. Dù theo NSƯT Quang Thắng, việc chương trình hài kịch phê phán Táo Quân đề cập đến kỳ tích U23 là không dễ dàng, nhưng dàn diễn viên Gặp nhau cuối năm vẫn dành chú ý đặc biệt cho sự kiện lịch sử này.

Các nghệ sĩ Táo Quân dự đoán vui kết quả trận đấu Chung kết của tuyển U23 Việt Nam.

Minh chứng là trong thời gian tập luyện, các Táo vẫn dành thời gian chia sẻ niềm vui với người hâm mộ bóng đá Việt Nam. Thậm chí, ở clip quay vội lúc giải lao, nghệ sĩ Minh Hằng, Minh Vượng, Xuân Bắc và Tự Long có cuộc bàn tán rôm rả, thú vị về trận chung kết U23 châu Á 2018 giữa U23 Việt Nam và U23 Uzbekistan qua màn bói… hạt hướng dương.

Chưa về nước, các chàng trai U23 Việt Nam đã vướng thị phi với showbiz Việt!

Khi chặng đường của U23 Việt Nam chưa kết thúc tại mùa giải U23 châu Á, các người hùng sân cỏ gấp rút tập luyện cho trận thi đấu sắp diễn ra, thì những bình luận trên trang mạng xã hội Facebook, tin nhắn riêng tư Instagram giữa thủ môn Bùi Tiến Dũng và Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, nữ diễn viên Angela Phương Trinh, người đẹp Minh Tú được cư dân mạng đem ra bàn tán xôn xao.

Không ít người hâm mộ cho rằng sự xuất hiện của những “bóng hồng” này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các cầu thủ bóng đá chân chất, dung dị trên hành trình thi đấu tại U23 châu Á 2018 cũng như sự nghiệp sau này. Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng một số người đẹp showbiz “ăn theo”, “ké fame” (ké sự nổi tiếng) từ những chàng trai U23, từ đó tranh thủ chú ý của khán giả.

Một số hành động “ăn theo” gây ảnh hưởng xấu đến các cầu thủ, mà rộng ra là những chiêu trò showbiz cũng có thể được đề cập tại Táo Quân 2018 thông qua lời thoại, câu hát ngắn. Bởi lẽ, đi cùng sự phát triển của truyền thông, chương trình thực tế và gameshow hay thế giới nghệ sỹ Việt Nam ngày càng nhận nhiều quan tâm từ khán giả.

Đón U23 Việt Nam về nước và những câu chuyện “dở khóc dở cười”

Sự kỳ tích của bóng đá Việt Nam đã khiến cả đất nước hòa chung niềm vui, chung nhịp đập bóng đá rất lâu mới trở lại. Ngay cả khi phải dừng chân tại trận chung kết, các cầu thủ U23 Việt Nam vẫn được người dân cả nước hân hoan nghênh đón. Mọi tuyến đường rợp cờ hoa, chật kín người, nhật báo hàng đầu nước Anh - Daily Mail giật tít: “Những cầu thủ trẻ Việt Nam được chào đón như những ngôi sao nhạc rock khi trở về nhà” và dẫn: “Một cuộc diễu hành chưa từng thấy trong lịch sử”. Chiếc xe bus diễn hành mất 5 tiếng để đưa người hùng sân cỏ trên con đường ngày thường đi hết… 40 phút!

Tuy nhiên, sự ồn ào, đông đúc ấy xét cho cùng vẫn xuất phát từ tình cảm nồng hậu của người hâm mộ đến các người hùng sân cỏ đã làm rạng danh nước nhà. Mặt khác, dư luận vẫn lên án, chỉ trích một số hành động bị cho là “ăn theo” thành công của thầy trò U23 Việt Nam trong quá trình đón tuyển thủ U23 về nước. Đáng chú ý hơn cả là sự kiện hãng hàng không Vietjet đưa người mẫu mặc bikini phản cảm để đón tiếp dàn cầu thủ tuổi mười chín, đôi mươi…

Chia sẻ về Táo Quân 2018, NSƯT Quang Thắng cho hay dù việc đưa thành tích của U23 Việt Nam vào chương trình hài kịch đả kích, gây tiếng cười trào phúng như Táo Quân là rất khó, nhưng những chuyện chưa đúng, chưa hay bên lề mùa giải U23 châu Á vẫn có thể được đề cập. Bởi lẽ, Gặp nhau cuối năm luôn tạo ra tính giải trí bằng lời thoại, câu hát châm biếm, chỉ trích vấn đề tồn đọng một cách khéo léo.

Đằng sau một mùa giải thành công, các cầu thủ trẻ phải đối mặt với những gì?!

Chưa bao giờ bóng đá nước nhà vui như hiện tại, kỳ tích của U23 trở thành niềm cảm hứng cho hàng chục triệu người dân Việt Nam. Sau khi các chàng trai bước chân vào vòng chung kết, “cơn mưa” tiền thưởng và lời hứa thưởng từ những Mạnh Thường Quân là cá nhân, doanh nghiệp gửi đến thầy trò U23 Việt Nam liên tục.

Số tiền thưởng được hứa hẹn tăng thêm niềm vui cho người hâm mộ, làm ấm lòng các người hùng sân cỏ, bởi lẽ, họ chưa có mức lương lớn để bù lại tháng ngày cống hiến vì bóng đá nước nhà. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin, đến hết tháng Một, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) chỉ nhận khoảng 7 tỷ đồng trên 28 tỷ đồng hứa thưởng. Tiền thưởng U23 Việt Nam rơi vào nỗi lo “Con ma nhà họ Hứa”.

Nữ hoàng tốc độ Vũ Thị Hương từng gây xôn xao khi chia sẻ “tâm thư” gửi các Mạnh Thường Quân, trong đó cô viết: “Thế rồi, sau khi tưng bừng hết niềm vui này đến chồng chất niềm vui khác. Cuối cùng cháu cứ dài cổ đợi, hết ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng nọ… rồi bao kì SEA Games đã đi qua mà phần thưởng của các bác vẫn không đến tay”.

Thực tế, trong thể thao, không ít vận động viên đã rơi vào tình cảnh được hứa thưởng nhưng… không thấy tiền về. Bởi lẽ, nhiều cá nhân, doanh nghiệp hứa… cho vui rồi “làm lơ”, tiêu cực hơn, họ hứa để “ăn theo”, trục lợi từ thành công của những người hùng thể thao và thất hứa. Hành động đáng lên án này hoàn toàn có khả năng xuất hiện ở Táo Quân như một lời cảnh báo, đồng thời khích lệ, giúp vận động viên thể thao an tâm thi đấu hơn trong tương lai.

Táo Thể thao đề cập đến những tiêu cực trong bóng đá ở Táo Quân 2012.

Bên cạnh đó, sự nổi tiếng quá bất ngờ của các người hùng U23 Việt Nam dẫn đến một số hệ lụy. Trong số đó, mới đây, bảng báo giá hình ảnh thủ môn Bùi Tiến Dũng mang tính thương mại được công bố bởi một công ty truyền thông khiến dư luận không khỏi bất bình, đặc biệt là CLB Thanh Hóa. CLB nhanh chóng đưa ra thông cáo viết: “Bản báo giá quảng cáo này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của cá nhân cầu thủ Bùi Tiến Dũng, tập thể đội U23 Việt Nam, đội bóng chủ quản Thanh Hoá và cả nền bóng đá Việt Nam”, đồng thời khẳng định cá nhân, doanh nghiệp muốn khai thác hình ảnh cầu thủ phải thông qua CLB.

Đối với nhiều người, danh vọng là thứ họ theo đuổi cả đời, tuy nhiên, sự nổi tiếng chỉ giống như “phần thưởng kèm theo” trên con đường chinh phục các đỉnh cao mới của các cầu thủ. Do đó, không ít người hâm mộ lo ngại việc kinh doanh hình ảnh sẽ làm mất đi sự chất phác, đơn thuần mà khán giả vẫn luôn yêu mến từ chiến binh sân cỏ, mặt khác, gây ảnh hưởng đến sự nghiệp đá bóng, nhất là khi mâu thuẫn giữa công ty quản lý truyền thông và CLB chủ quản diễn ra. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng việc tăng thêm thu nhập từ hợp đồng quảng cáo giúp cầu thủ có nguồn thu ổn định, giảm thiểu tình trạng bán độ, nhưng cần tránh truyền thông tiêu cực, cũng như đảm bảo tính pháp lý.

Câu chuyện gây nhiều ý kiến trái chiều mấy ngày gần đây cũng có thể lồng ghép khéo léo vào chương trình Gặp nhau cuối năm 2017 (Táo Quân 2018). Bởi lẽ, đây là những vấn đề tồn đọng đã được đưa ra bàn luận từ lâu, nhưng đến sự việc của U23 Việt Nam mới thực sự “bùng lên” tranh cãi. Các hệ lụy sau chiến thắng vinh quang cần giải quyết triệt để, tạo niềm tin, động lực cho nền thể thao Việt tiếp tục phát triển.

Chia sẻ

Bài viết

Phương Thảo

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất