Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

'Khi tôi trở về nhà, vợ tôi luôn giả vờ chết' - Đằng sau hành động lầy lội của người vợ là một sự thật đẫm nước mắt

Tại đất nước Nhật Bản có anh chồng nọ muốn khi tan sở trở về nhà đều bị cô vợ hù dọa cho “hồn xiêu phách tán” bởi những màn cosplay hết sức kinh dị và đẫm máu.

Bàn đến sự quái dị, hài bựa với những ý tưởng kịch bản “khó đỡ” thì không thể không nhắc đến phim Nhật, trong đó bộ phim Khi Tôi Trở Về Nhà, Vợ Tôi Luôn Giả Vờ Chết là một ví dụ điển hình cho điều đó. Phim được sản xuất vào năm 2018 và khiến cư dân mạng Việt quan tâm, để ý đến thời gian gần đây vì sự lầy lội, duyên dáng lẫn hài hước trong các tình tiết độc lạ xoay quanh cuộc sống của cặp vợ chồng nhà Kagami.

Quý ông Kagami Jun (Yasuda Ken) là một người bình thường, đã lập gia đình với Chie (Eikura Nana), một quý cô cũng “bình thường”. Họ sống với nhau yên ổn, hạnh phúc trong căn hộ nhỏ tại thành phố Tokyo. Vào ngày kỷ niệm ba năm cưới nhau, Jun như thường lệ trở về nhà và bắt gặp sự việc kinh hoàng, anh thấy vợ mình ngã xuống, nằm bất động với cái miệng tuôn đầy máu. Jun hét lên trong đau đớn rồi tìm điện thoại gọi xe cứu thương thì đúng lúc đó cô vợ Chie tỉnh dậy, trợn trừng mắt rồi mỉm cười chào mừng chồng về nhà, còn Jun thì ngạc nhiên đến mức dựng tóc gáy, “cạn lời” với “màn troll” đỉnh cao của bà xã yêu dấu. Đó là màn mở đầu ấn tượng tạo sự bất ngờ cho chồng yêu của Chie và kể từ đó Jun phải đối mặt với hàng loạt cách giả chết rùng rợn do vợ anh dàn dựng nên.

1001 cách chết không có lầy nhất chỉ có lầy hơn

Hằng ngày Chie vẫn cư xử bình thường, nấu ăn quét dọn nhà cửa; làm một bà nội trợ tốt, chăm sóc chu đáo cho anh chồng Jun nhưng mỗi khi chiều về thì… cô lại “nổi hứng” sáng tạo khi tìm cách giả chết giật gân và “sốc tận óc”. Khi thì bị cá sấu gặm đầu lúc lại mũi tên xuyên não, tên cắm vào cổ dao đâm nát tim… Nữ chính còn dàn cảnh như thật, đầu tư bối cảnh và trang phục rất hoành tráng khi “xuyên không” về thời cổ trang phương Đông bị sát hại, máu đổ tràn lan rồi lại chuyển sang cảnh ở phương Tây khi hóa thân ma cà rồng bị đóng đinh thập giá hay bị người ngoài tinh mổ xác, rồi biến hình thành nàng Juliet hay siêu nhân Gao với những cái chết lãng mạn, đầy oanh liệt vẻ vang.

Những “màn troll” đỉnh cao và đẳng cấp của vợ khiến chồng khốn khổ sống giật mình sợ hãi mỗi ngày.

Với sự sáng tạo vô bờ bến đó của vợ thì ban đầu Jun cũng hốt hoảng, đau đầu phiền não không biết làm thế nào với sở thích quái dị kia nhưng dần dần rồi anh cũng đành phải học cách thích nghi, diễn cùng vợ mình những phân cảnh bi thương mùi mẫn.

Anh chồng đành bất lực, phối hợp “diễn sâu” cùng vợ yêu.

Những màn hóa trang, diễn kịch của Chie cùng sự phối hợp ăn ý của anh chồng Jun diễn ra rất tự nhiên, mang lại bầu không khí vui tươi, hóm hỉnh cho bộ phim. Câu chuyện của Chie và Jun bắt đầu vui vẻ và lầy lội nhưng đoạn sau của phim lại man mác nỗi buồn với một hiện thực nghiệt ngã.

Sự thật giàu tính nhân văn về hành động lầy lội của người vợ

Ngay từ khi bắt đầu với những “màn troll” dù hưởng ứng nhiệt tình phi vụ bày trò của vợ nhưng trong thâm tâm Jun rất khổ sở khi nhìn thấy vợ mình dần trở nên lập dị, biến thành một kẻ khác thường thích trò chết chóc. Anh tìm cách tìm hiểu, chiều chuộng vợ mình như cho cô đi làm bán việc thời gian, mua hoa và bánh về tặng Chie nhưng tình hình vẫn không thay đổi. Chie vẫn hóa thân thành các nhân vật khác nhau, vui thích với việc diễn kịch. Thế rồi sau biết bao lần giả chết quái dị đó thì Jun cũng hiểu ra được sự thật về hành động kỳ lạ của Chie.

Hóa ra cô làm vậy để chứng minh sự tồn tại của mình, để chồng chú ý đến người vợ suốt ngày lam lũ ở nhà, quanh quẩn với công nội trợ mà đánh mất chính bản thân. Cô nổi loạn để được người đàn ông sẽ chung sống với mình suốt quãng đời còn lại sẽ nhìn nhận sự vất vả, lo toan; đồng cảm và thấu hiểu với nỗi khổ của cô. Bên cạnh đó, Chie làm vậy để cho Jun thích ứng với sự mất mát, chia ly và đau khổ. Ngày còn bé, khi chứng kiến cảnh mẹ mình ra đi, người cha đau khổ thương nhớ bà nên Chie đã nghĩ cách làm cho ông vui bằng những màn hóa trang khác nhau. Khi là ninja, lúc lại thành mèo con, ẩn nấp xung quanh để cha đi tìm và vui mừng khi thấy Chie bé nhỏ. Từ đó, ông mới có thể vơi bớt đi nỗi buồn và an yên sống tiếp.

Hành động giả chết của Chie là quái dị, khác biệt nhưng việc cô làm đó chính là sự khao khát muốn được quan tâm, yêu thương của một người vợ. Phụ nữ khi lập gia đình họ đã hy sinh tất cả cho chồng con, họ dường như lãng quên trong chính ngôi nhà của mình. Qua hành động kỳ quặc, Chie chỉ muốn nhắc cho chồng biết rằng cô vẫn tồn tại, vẫn sống; rằng xuất hiện của người thân bên cạnh ta quý giá đến mức nào đừng để khi một ai đó ra đi chúng ta mới nuối tiếc, thương nhớ thì đã quá muộn màng. Sau tất cả, Jun đã nhận ra tình yêu của mình với vợ và anh vui vẻ chấp nhận sự lập dị của Chie. Mỗi ngày với anh là một niềm vui mới với những trò lầy lội của vợ; cuộc sống trở nên thú vị và đầy tính bất ngờ.

Khi Tôi Trở Về Nhà, Vợ Tôi Luôn Giả Vờ Chết là câu chuyện đong đầy niềm vui cùng nỗi buồn, giàu tính triết lý nhân sinh. Một tác phẩm đậm chất Nhật, ẩn trong sự hài hước là những thông điệp ý nghĩa, thâm thúy mà sâu cay về con người và cuộc đời.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Vô Diện

Được quan tâm

Tin mới nhất