Được thực hiện bởi đạo diễn trẻ Lê Dung, nội dung phim ngắn Tan xoay quanh mối quan hệ không tên của đôi nam - nữ chính (do Nguyễn Lê Trung Hải và Lê Thục Anh thủ vai). Cô gái nóng lòng gặp lại chàng trai sau thời gian lạnh lùng không liên lạc. Chàng trai điềm tĩnh đối diện cô gái gây ra bão tố trong lòng trước lúc ra đi.
Những lời hỏi han xa gần, quanh co mà trực diện, lửng lơ nhưng thành thật… như chính nội tâm của mỗi người. Cả hai nhanh chóng quấn lấy nhau. Nụ hôn cuồng nhiệt bị cắt ngang bởi cuộc gọi đến điện thoại anh từ người yêu của anh. Cô chấp nhận để anh bước ra ngoài nghe điện thoại, rồi chấp nhận nghe anh mắng mỏ, xua đuổi. Cô chấp nhận anh, người đàn ông giận dữ, đau khổ, co ro trên sàn nhà.
Những giọt nước mắt rơi ra từ đôi mắt cả hai là thương xót thân mình hay thương người đầy tổn thương trước mắt - người mình thương? Thương cả hai? Hay cả hai là một - mỗi người nhìn thấy mình phản chiếu nơi đối phương - tổn thương và đáng thương như vậy?
Theo Lê Dung chia sẻ, anh nghĩ đa số ai trong chúng ta đều từng rơi vào mối quan hệ hoặc ít nhất từng trải qua cảm xúc tương tự. Ta bất chấp lao vào nhau rồi cố chấp đẩy nhau ra tháo chạy. Ta biết không thể sống thiếu nhau nhưng chấp nhận từ bỏ nhau mà sống tiếp.
Ta thấu hiểu nhau. Ta chấp nhận nhau. Ta tin mình được chấp nhận như chính mình là, bởi một người đã thấy ta trần trụi cả xác thân lẫn tâm hồn… tại thời điểm chính ta không chấp nhận được mình, không thấu hiểu được mình. Vậy nên ta yêu thương nhau vô cùng đồng thời tổn thương nhau tận cùng.
Hoa hướng dương luôn hướng về phía mặt trời cho dù mặt trời có bị sương mù che phủ. Vì mặt trời vẫn ở đó, luôn ở đó, còn sương mù sẽ tan. Dù mặt trời có sưởi ấm được hoa hướng dương hay không, nó vẫn hướng mặt trời mà nở. Người không cần làm gì cho tôi, tôi vẫn yêu người. Chỉ cần hiện hữu, vậy là đủ.
Sau khi xem Tan, “đàn chị” Trác Thúy Miêu chia sẻ suy nghĩ của mình với đạo diễn La Dung, diễn viên Lê Thục Anh và MC Liêu Hà Trinh. Trác Thúy Miêu dùng từ “vạm vỡ” để mô tả nữ chính trong phim: cô ôm lấy những tổn thương nơi người đàn ông cô yêu, xoa dịu anh ngay cả khi chính mình cũng đầy tổn thương cần được an ủi.
“Ánh sáng yếu ớt hắt vào căn phòng bệ rạc, nhếch nhác đó thì bất luận, người phụ nữ này là đàn bà duy nhất và người đàn ông kia là đàn ông duy nhất. Đó là vườn địa đàng. Đó là nơi người ta yêu nhau một cách cường tráng mà không cần danh phận. Họ yêu nhau mà không cần đặt tên Adam hay Eva.
Và đó chẳng phải là điều đẹp nhất mà chúng ta, mỗi ngày, đều có quyền chọn nhưng lại lướt qua bởi những hashtag, những danh phận, bởi những vết cắn trên trái cấm mà chúng ta tự gọi là sự ích kỷ, tham vọng trong ái tình.” – Trác Thúy Miêu thẳng thắn nhận định về quan hệ không tên.
Tan là tác phẩm đánh dấu bước chuyển mình của La Dung từ lĩnh vực quảng cáo sang phim ảnh. Quyết tâm gác lại những thành công trước đây để bắt đầu lại từ số 0 - bài học vỡ lòng về làm phim truyện, La Dung chia sẻ anh không đặt nặng tính đột phá ở tác phẩm này mà đơn giản, chỉ là một phim ngắn rất “La Dung”: dùng những gì học được trong nhiều năm qua để kể lại câu chuyện mình hiểu rõ. Tan là khởi đầu của hành trình kể chuyện bằng hình ảnh mà La Dung theo đuổi sắp tới, xuất phát từ phim ngắn để tiến đến đích phim dài.