Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Phim kinh điển 'Cao lương đỏ' của Trương Nghệ Mưu tái chiếu sau 30 năm

Bộ phim kinh điển của điện ảnh Trung Quốc Cao lương đỏ sẽ chính thức phát hành lại từ ngày 12/10 sau 30 năm công chiếu lần đầu tiên.

Thập niên 80 - 90 của thế kỷ trước là khoảng thời gian điện ảnh Trung Quốc bứt phá ngoạn mục và được thế giới biết đến nhiều hơn. Còn nhớ vào năm 1987, những cái tên vô danh là Trương Nghệ Mưu, Củng Lợi, Khương Văn đã cùng hợp tác trong bộ phim Cao lương đỏ và chẳng ai nghĩ rằng phim lại có thể thành công đến như vậy. Cao lương đỏ cũng là một trong những bộ phim đầu tiên giúp điện ảnh Trung Quốc tiến đến với ảnh đàn thế giới, nhận được giải thưởng cao quý như giải Gấu vàng tại LHP quốc tế Berlin. Cho đến nay, Cao lương đỏ vẫn là một trong những tượng đài lớn của điện ảnh, thật sự một từ “hay” không thể nói hết về bộ phim này được.

Khác so với những bộ phim cùng thời, Cao lương đỏ lại nói về miền quê Cao Mật ở Trung Quốc vào thập niên 20 - 30 của thế kỷ trước. Ở Cao Mật, người ta chẳng thấy gì ngoài sự nghèo khó, đất đai cằn cỗi, dân cư ít. Cửu Nhi, một cô gái trẻ trung xinh đẹp bị bố mẹ gả cho ông chủ một xưởng rượu để trả nợ khiến cuộc đời cô trở nên tăm tối. Ngày được gả đi, Cửu Nhi đã gặp Dư Chiêm Ngao, một phu kiệu khỏe mạnh và anh cũng là người đã cứu cô trong vụ cướp khi cô đi đến nhà chồng.

Ngày thứ ba sau khi được gả đi, Cửu Nhi trở về nhà mẹ đẻ. Nhưng khi đi qua rừng cao lương đỏ, Cửu Nhi đã bị Dư Chiêm Ngao bắt và chính ngày hôm đó đã khiến cho cô mang thai. Sau việc này, Dư Chiêm Ngao biến mất, còn Cửu Nhi về nhà chồng và được tin chồng đã qua đời một cách bí ẩn. Xưởng rượu không có người thừa kế, Cửu Nhi khuyên nhủ mọi người ở lại cùng cô làm việc, cùng cô đưa rượu Cao Mật được biết đến rộng rãi hơn. Nhưng rồi Dư Chiêm Ngao trở về, nói với mọi người về mối quan hệ giữa anh và Cửu Nhi khiến cô rất xấu hổ, còn kêu người đuổi anh ra khỏi nhà. Dư Chiêm Ngao không hề quan tâm cho đến khi Cửu Nhi bị bắt cóc và được chuộc trở về. Anh đã đi tìm tên thổ phỉ vì nghĩ hắn đã cưỡng bức Cửu Nhi nhưng không phải. Dư Chiêm Ngao tức giận liền cho nước tiểu vào rượu, nào ngờ rượu lại ngon hơn bình thường khiến rượu trở nên nổi tiếng, đem lại thu nhập cho người dân ở đây.

Chiến tranh nổ ra và Nhật bắt đầu tấn công vào vùng quê hẻo lánh này, chúng đã giết La Hán - người bạn rất thân thiết của Cửu Nhi và cô đã kêu gọi mọi người trả thù cho anh. Khi Cửu Nhi mang cơm đến cho những người đang lẩn trốn trong cánh rừng cao lương đỏ để phục kích thì quân Nhật đến. Bọn chúng giết chết Cửu Nhi, cùng những người dân có một cuộc chiến đẫm máu, cuối cùng chỉ còn lại Dư Chiêm Ngao cùng con trai của anh và Cửu Nhi còn sống…

Cao lương đỏ khiến người ta khâm phục về những con người nông thôn giữa thời chiến, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu cuộc sống và sự khát khao mưu cầu hạnh phúc. Họ đều là những người dân lương thiện chỉ muốn một cuộc sống bình yên nhưng họ không hề yếu đuối một chút nào. Những người dân ở Cao Mật vẫn sẵn sàng đứng lên chiến đấu với kẻ thù dù họ không có sức mạnh, không có vũ khí và họ chỉ có mạng sống mà thôi. Bộ phim mang đến một hình ảnh giản dị nhưng ẩn chứa sau đó là một sức mạnh lớn, một hình ảnh bạo lực nhưng vẫn vô cùng tinh tế và xuất sắc. Điều đó tạo nên một tuyệt phẩm, tuyệt phẩm có một không hai của điện ảnh Trung Quốc.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết LiLy

Được quan tâm

Tin mới nhất