Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Phim Ebola Syndrome: Nguy hiểm tột cùng đến từ kẻ giấu bệnh giữa đại dịch

Tựa phim Hong Kong "Ebola Syndrome" ra mắt năm 1996 đã truyền tải ý nghĩa cộng đồng cao trong bối cảnh đại dịch bằng câu chuyện không thể nào gớm ghiếc hơn.

Xem qua trailer của “Ebola Syndrome”.

Trước tình hình COVID-19 đang vô cùng phức tạp hiện nay, ý thức của từng cá nhân đang là yếu tố mấu chốt quyết định tình trạng lây lan của dịch bệnh, thể hiện qua việc ở yên trong nhà và thành thật khai báo nếu có tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, đã từng có không ít người cố ý giấu bệnh, ủ bệnh, từ đó dẫn đến những hệ quả khôn lường ảnh hưởng đến xã hội, điều mà có một tựa phim từng ra mắt vào thập niên 90 của Hong Kong thể hiện theo cách rất độc đáo: máu me, điên loạn, vượt xa mọi giới hạn nhưng vẫn mang những giá trị thực tế rất riêng.

Poster chính thức của “Ebola Syndrome”.

Ra mắt năm 1996, Ebola Syndrome lấy bối cảnh đại dịch Ebola đang hoành hành tại châu Phi khiến dân chúng khốn khổ. Khi ấy, một tên tội phạm giết người đang bị truy nã tên A Kê (Huỳnh Thu Sinh) đã trốn từ Hong Kong và vào làm việc trong một nhà hàng món Hoa ngay tại lòng Nam Phi.

Một ngày nọ, A Kê có dịp cùng ông chủ ghé thăm một bộ lạc đang chịu dịch Ebola. Tuy nhiên, hai người không hề hay biết tình trạng hiện tại, thảnh thơi đến mức A Kê còn phóng túng “xâm hại” một người phụ nữ đang hấp hối, để rồi nhận lấy hậu quả bị lây bệnh.

Bỏ lại quê hương và gia đình, A Kê trốn đến Nam Phi, nơi có tình hình dịch Ebola đang rối ren.

Tuy nhiên, có lẽ thần may mắn vẫn còn độ A Kê rất nhiều khi y miễn dịch với Ebola, nhưng sau đó việc ung dung tiếp xúc với cộng đồng đã khiến virus lây lan, lây cả cho vợ chồng ông chủ. Xảy ra xích mích, A Kê “ngựa quen đường cũ” giết cả hai người họ, sau đó thủ tiêu bằng cách dùng thịt họ làm nhân hamburger tại cửa hàng. Vậy là, cơn ác mộng thật sự đã bắt đầu, từ lúc những vị khách vô tội ăn phải những miếng bánh “độc”, đến khi y trốn chạy quay trở về Hong Kong.

Ebola Syndrome trước hết là tựa phim rất “Huỳnh Thu Sinh” - tràn ngập những cảnh phim bạo lực, máu me, vô cùng khó chịu không thua kém bất cứ tựa phim chém giết nào của Hollywood. Nam diễn viên từng đạt giải Kim Mã đã truyền tải đúng với tinh thần một tên sát nhân biến thái, vô nhân tính như đã từng thể hiện trong The Untold Story.

Huỳnh Thu Sinh xuất sắc hoàn thành vai diễn tên sát nhân bệnh hoạn bất chấp như mọi khi.

Thêm vào đó, bối cảnh đại dịch lan rộng từ Phi sang Á chỉ bởi một con người được thể hiện vô cùng rõ ràng và khôn khéo như một phép ẩn dụ lên án những cá nhân vô tâm trước thời sự và tình hình sức khoẻ thế giới. Vì thế, chắc chắn Ebola Syndrome còn dễ dàng được thông cảm và đồng tình hơn ở tình trạng thực tại, khi nước ta và thế giới đang phải đối phó với COVID-19.

A Kê trở về Hong Kong “trả thù đời” bằng cách truyền dịch bệnh khắp nơi, ngay cả cho chính người thân.

Bị dồn vào đường cùng, A Kê vẫn không buông tha cho nạn nhân và chống trả đến cùng.

Có thể trích ra từ phim một chi tiết khá quen thuộc và có thể từng xảy ra ngoài đời, đó là khi A Kê biết mình là “ổ dịch”, và y sẵn sàng đi khắp nơi khạc nhổ, tấn công người dân với mục đích “có chết thì chết chung”. Dịch bệnh đích thị rất nguy hiểm, nhưng những con người có ý chống đối, không chịu hợp tác trong thời điểm xã hội cần sự đồng thuận, đoàn kết mới chính là hiểm hoạ thật sự.

Hành trình truyền bệnh của A Kê từ châu Phi về lại Hong Kong khiến nhiều khán giả không khỏi rùng mình.

Tóm lại, Ebola Syndrome là một trải nghiệm phim ảnh không dành cho người yếu tim, là một tựa phim thương mại vượt xa khỏi luân lý thông thường, nhưng đồng thời cũng truyền tải những thông điệp minh bạch và trực tiếp về xã hội trong thời điểm thế giới biến đổi dữ dội vì đại dịch.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Đông Hải

Được quan tâm

Tin mới nhất