Fan service (hay cách chiều lòng fan) là một hướng đi khá khó và mạo hiểm của các nhà làm phim, vì nếu làm đúng thì phim sẽ mang đến cảm giác thỏa mãn cực độ cho người xem (như với Avengers: Endgame hay Doctor Sleep), còn nếu làm sai thì phim sẽ chẳng khác gì một nồi lẩu thập cẩm, bao gồm những chi tiết và yếu tố xưa cũ, thân quen từ những phần phim hay tựa phim trước mà vô tình đánh mất bản sắc của chính sản phẩm hiện tại.
Hollywood có không ít các dự án phim vấp phải sai lầm lớn về fan service, chỉ biết se sua chạy đua doanh thu mà bất chấp thêm thắt đủ trò, phớt lờ các yếu tố chất lượng khác, cuối cùng mang đến một sản phẩm “vô hồn”, lai tạp, thiếu tính độc đáo riêng, gây mất lòng khán giả cũ, phiền lòng khán giả mới.
Solo: A Star Wars Story
Có không ít các tựa phim Star Wars tràn ngập những khoảnh khắc chiều lòng fan, như The Phantom Menace, The Force Awakens hay Rogue One, thế nhưng trường hợp của Solo: A Star Wars Story lại hoàn toàn khác và thiếu sự chỉn chu. Ngay từ đầu, nhiều fan đã bày tỏ sự chán nản dành cho dự án ngoại truyện riêng của Han Solo, chưa kể đến việc màn hóa thân của Harrison Ford đã quá đỗi đỉnh cao và khó có thể thay thế được.
Tuy là một tựa phim vừa tạm ổn với sự nỗ lực của dàn diễn viên cùng nhiều cảnh chiến đấu mãn nhãn, nhưng Solo: A Star Wars Story lại có những cảnh “trích dẫn” và hồi tưởng không cần thiết, như việc tốn thì giờ giải thích nickname Chewbecca và họ của Han, một số câu thoại Star Wars nổi tiếng được thể hiện theo phong cách… dễ thương, sự xuất hiện của những Kessel Run, Lando và Darth Maul thời trẻ, khẩu súng và hai viên xí ngầu của Han, hay vô số những biểu tượng đặc trưng của loạt phim dài hơi này. Kết quả, phim thất bại ở phòng vé, cho thấy một sai lầm lớn từ Lucasfilm.
Jurassic World
Jurassic World được xem là phần phim tái thiết lập thế giới khủng long từng tung hoành Hollywood vào những năm chín mươi. Tuy là sở hữu dàn diễn viên hoàn toàn mới cùng cốt truyện mở rộng với quy mô lớn, thế nhưng phim cũng không tránh khỏi việc dành kha khá thời lượng nhằm hồi tưởng lại tựa phim kinh điển của Steven Spielberg.
Chỉ riêng nội dung phim cũng cho thấy nguồn cảm hứng từ Jurassic Park: một công viên trở nên hỗn loạn với đàn khủng long lai tạp, khiến hai đứa trẻ bị mắc kẹt trong nguy hiểm trước khi nhóm người lớn anh hùng kịp thời đến cứu, sau cùng còn có sự giúp sức của một con T-Rex to lớn. Ngoài ra, trong phim còn có vô số “Easter Egg” của siêu phẩm năm 1993, như những cảnh bầy đàn khủng long, chiếc xe jeep cũ, hay anh chàng kĩ sư Lowery mặt chiếc áo Jurassic Park từ đầu đến cuối phim.
Thậm chí, sang phần tiếp theo Fallen Kingdom thì câu chuyện lại tiếp tục chuyển biến khá giống với The Lost World - phần hai của loạt phim Công viên kỷ Jura. Việc cứ mãi “ký sinh” vào loạt phim tượng đài một thời đang vô tình giết chết Jurassic World ở phần chất lượng, mặc cho doanh thu của hai phần phim mới nhất này đang khá tốt, từ đó Universal đã thẳng thắn công bố dự án phần ba sẽ ra mắt vào mùa hè năm 2021.
Terminator: Dark Fate
Loạt phim Terminator vốn dĩ được xây dựng lên từ fan service, khi các phần phim sau luôn có sự móc nối và đề cập nhất định đến phần phim trước đó. Thế nhưng, trải dài theo năm tháng thì công thức này dần mất đi “phép màu”, khiến các phần như Genisys hay gần đây nhất là Terminator: Dark Fate vấp phải những phản ứng trái chiều.
Lấy mốc thời gian tiếp nối Terminator: Judgment Day, Terminator: Dark Fate là dự án mang hi vọng về một “T3” đúng nghĩa, thế nhưng sản phẩm thực sự lại giống như món sinh tố trộn lẫn giữa hai bom tấn đầu tiên. Tương tự trường hợp của Jurassic World, sự trở lại của James Cameron kết hợp cùng đạo diễn Tim Miller lần này có phần giống với câu chuyện gốc xảy ra với Sarah Connor, nhưng thay vào đó, giờ đây nữ chính được thay đổi.
Ngoài ra, việc mang hai siêu sao Linda Hamilton và Arnold Schwarzenegger trở lại cũng không đủ để vực dậy một cốt truyện thân quen đến nhàm chán xoay quanh một nhân vật trung tâm thiếu sức hút của Dark Fate. Sự thất bại rõ ràng ở doanh thu phòng vé chính là đòn cảnh tỉnh dành cho Paramount Pictures nếu hãng vẫn tiếp tục bám trụ lấy thương hiệu này, rằng loạt phim cần có một cú “F5” hoàn toàn từ diễn viên đến nội dung, thay vì cứ bám víu vào những cái tên cũ để dụ fan mà bỏ qua những yếu tố quan trọng khác.
Fantastic Beasts: The Crimes of Grindelwald
Fantastic Beasts and Where to Find Them là một khởi đầu tương đối ổn cho tương lai tiếp theo của vũ trụ phép thuật do J.K. Rowling tạo nên. Tuy nhiên, phần hai mang tên Fantastic Beasts: The Crimes of Grindelwald lại là một nỗi thất vọng có phần… bất ngờ khiến các fan không khỏi hoang mang.
Bên cạnh diễn xuất đáng khen của những cái tên như Jude Law (trong vai Albus Dumbledore), Johnny Depp (trong vai Gellert Grindelwald) hay Eddie Redmayne (trong vai Newt Scamander),… những gì còn lại của phim là một nỗi hổ thẹn lớn. Phim càng ngày càng rời xa tựa đề “Sinh vật huyền bí” mà tập trung vào mối quan hệ giữa Dumbledore và Grindelwald, trong khi xung quanh lại là những câu chuyện lằng nhằng phức tạp khác.
Bên cạnh đó, còn có một số chi tiết được mang đến như cách “xoa dịu Potterhead” như cô McGonagall thời trẻ, hay câu chuyện riêng về Nagini đều không (hoặc chưa) cần thiết, thậm chí mang lại những “hạt sạn” logic mới. Đặc biệt, điều khiến cộng đồng fan điên tiết hơn cả chính là plot-twist chính của phim: Credence Barebone thực chất là em trai bí mật tên Aurelius của Dumbledore. Điều này đã gây nên những cuộc tranh cãi gay gắt, gây nên nhiều điểm mâu thuẫn trong “Potter học” nói chung.
Không được đánh giá cao bởi giới chuyên môn, doanh thu thấp hơn mong đợi, có lẽ Warner Bros. giờ đây đang dành kha khá thời gian và sức lực để giám sát chặt chẽ phần ba, có lẽ bắt đầu từ việc mang đến một cốt truyện kĩ và cố kết hơn, và tạm ngưng fan-service vô tội vạ.
Superman Returns
Đạo diễn của Superman Returns - Bryan Singer vốn là một fan cứng của tựa phim Superman năm 1978 của Christopher Reeve. Thế nhưng, điều này lại không được anh thể hiện khôn ngoan trong chính sản phẩm của mình, dẫn đến việc Superman Returns chẳng khác gì một bom tấn fan-fic tràn ngập những “trứng phục sinh” không cần thiết.
Ngay từ cốt truyện, phim đã cho thấy sự “học hỏi” của mình từ Superman (1978), nhất là về tiến trình câu chuyện và âm mưu của Lex Luthor. Ngoài ra, Superman Returns còn “mượn” cả phong cách có phần cổ điển thuộc thập niên bảy mươi, cho thấy sự dụng tâm đầy hoài niệm của Bryan, nhưng cuối cùng kết quả lại không được như mong muốn. Các fan của phần phim năm 1978 phim như “con ghẻ”, còn các fan thế hệ trẻ thì khó mà kết nối được với màu sắc xưa cũ này, khiến phim thua thiệt ở phòng vé và mang về “rổ thị” từ giới phê bình.