Phim Ảnh

'Spider-man: Homecoming' có thực sự 'đã' như mong đợi?

Dx3
Chia sẻ

Mang về doanh thu cao chỉ trong những ngày đầu công chiếu, thế nhưng "Spider-man: Homecoming" có thực sự thỏa mãn khán giả, đặc biệt là fan của Marvel?

Trước tiên vẫn phải nhắc lại sự thành công mà Spider-man: Homecoming đã làm được trong những ngày qua. Sau Wonder Woman đầy thành công của DC Comics, các fan nhà Marvel vô cùng háo hức chờ đợi sự trỗi dậy của Người Nhện vào tháng 7 với hy vọng sẽ tạo nên những kỷ lục mới về doanh thu, thậm chí phá vỡ những con số mà “người nhà” Guardians of Galaxy Vol.2 đã tạo ra vào đầu hè. Chính vì vậy chỉ trong vòng 3 ngày ra mắt, Người Nhện tuổi teen nhanh chóng “đút túi” 117 triệu USD ngay tại quê nhà của mình - thị trường Bắc Mỹ.

Tuy vậy, không ít khán giả vẫn cho là, thành công rực rỡ trong lần đầu chào sân với một vai diễn lớn này của Tom Holland, phần lớn là nhờ vào thương hiệu Spider-man cũng như công lao đáng kể của Iron Man. Nói thế không hẳn là vô căn cứ, khi mà fan của Marvel đều biết rõ, Iron Man là nhân vật có sức hút lớn nhất trên màn ảnh rộng của gia đình này. Những phần phim riêng của tỷ phú Tony Stark luôn mang về doanh thu cao nhất, đơn cử là phần 3 với tổng doanh thu 409 triệu USD, xếp thứ ba sau 2 phần của “đại gia đình” Avengers (và chắc chắn trong gia đình ấy thì Iron Man cũng chiếm vai trò quan trọng). Còn về thương hiệu Spider-man thì không có gì để bàn cãi khi chỉ trong vòng 15 năm đã có 3 series của anh chàng Người Nhện với dàn diễn viên mới toanh. Tuy không phải phần phim nào cũng thành công nhưng nhân vật Peter Parker cũng đã có dấu ấn lớn trong lòng khán giả.

Spider-man: Homecoming mang đến bối cảnh hoàn toàn mới mẻ khi Peter chỉ mới 15 tuổi. Anh chàng tuổi teen này có đầy đủ những tính cách ở độ tuổi này: Nghịch ngợm, háo thắng, nóng vội, thích chứng tỏ bản thân mình với những người khác, đặc biệt là người lớn. Dĩ nhiên Peter Parker cũng có những cảm xúc rung động đầu đời, những cậu bạn thích đấu đá, và cả suy nghĩ “con đã lớn khôn”. Nhưng cũng chính vì sở hữu những điều mới ấy mà Tom Holland đã khác hẳn những đàn anh Tobey Maguire và Andrew Garfield trước đây, thú vị hơn, cảm xúc hơn và…”trẻ trâu” hơn. Việc làm mới lại hình ảnh “Nhện chưa 16” này là một điều đáng khen dành cho Marvel để nhắm đến giới trẻ, đặc biệt là độ tuổi học sinh sinh viên - những đối tượng khách hàng chính của rạp chiếu phim.

Ấy thế mà, bên cạnh những câu chuyện tâm sinh lý học đường có mặt trong nhiều phim dành cho tuổi teen, sự giúp đỡ - dạy bảo nhiệt tình của Iron Man đối với Siêu Nhện thì yếu tố hành động, chiến đấu - yếu tố hàng đầu trong những phim bom tấn, đặc biệt là thuộc Marvel Cinematic Universe - lại khá “nhạt nhòa”. Trong suốt 2 giờ đồng hồ, thời lượng phim phần lớn dành cho việc phân tích nhân vật Peter Parker 15 tuổi, những suy nghĩ tâm tư của cậu, những cuộc truy đuổi liên hoàn nhưng lại khá… kém kịch tính và nguy hiểm cùng với những trận “giáp là cà” chưa đủ mạnh như những người tiền nhiệm. Rõ ràng trong những cuộc rượt đuổi ngoạn mục của Spider-man và bè lũ The Vulture, người xem chỉ cảm thấy thú vị chứ không hoàn toàn bị cuốn hút vào đấy, những phân cảnh chiến đấu không tạo ra sự hồi hộp lớn như các series của Iron Man, Captain America hay Avengers đã làm được.

Bên cạnh đó, trong các phim về siêu anh hùng, tầm quan trọng của họ được đẩy lên cao khi đất nước lâm nguy, những nhân vật phản diện đe dọa sinh mạng của hàng triệu con người. Còn trong Spider-man: Homecoming, câu chuyện vẫn còn ở tầm vi mô như một bộ phim dành cho tuổi teen về siêu nhân, giống như Sky High (2005) đã từng làm. Câu chuyện vừa phải, kẻ ác vừa phải, nguy hiểm cũng ở mức vừa phải khiến cho người xem… cười nhiều hơn là căng thẳng. Dẫu biết là, yếu tố hài hước là điểm nhấn ấn tượng của các phim nhà Marvel so với DC Comics, thế nhưng khi bộ phim bị đẩy mạnh những yếu tố gây cười, giảm bớt sự kịch tính cao trào, thì rõ ràng khá rủi ro.

Trận chiến cuối cùng của phim cũng dễ khiến khán giả hụt hẫng. Spider-man và The Vulture gần như không đánh tay đôi trực diện mà chỉ vờn nhau, tránh né nhau, dùng như công cụ hỗ trợ để khóa đối phương. Không một trận đấu thực sự diễn ra, không cao trào ở phần kết để khán giả cảm thấy thở phào nhẹ nhõm. Bản thân nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến cuối cùng không mang tầm vĩ mô, không phải vì kẻ phản diện đe dọa thành phố New York, mà đơn giản là một câu chuyện cá nhân. Có thể đối với một bộ phim siêu anh hùng đơn lẻ, đây là điều có thể chấp nhận được và thậm chí là khá ổn, thế nhưng Marvel lại sử dụng với hình tượng Spider-man - một trong những nhân vật siêu anh hùng truyện tranh được yêu thích nhất thì lại dễ khiến thất vọng. Có vẻ như tình trạng “đầu voi đuôi chuột” không chỉ xuất hiện trong kịch bản Việt mà còn ở cả kinh đô điện ảnh Hollywood, bởi lẽ khán giả ắt hẳn mong chờ sự hoành tráng, gây cấn hơn những gì đã có Spider-man: Homecoming.

Trận chiến với The Vulture chưa thực sự kịch tính.

Không chỉ vậy, nhiều nhân vật tưởng chừng có vai trò quan trọng đối với anh chàng Siêu Nhện này thì lại trở nên khá mờ nhạt. Đơn cử như Ned (Jacob Batalon) - cậu bạn thân “bé bự” của Peter Parker, thoạt đầu hỗ trợ trong quá trình Siêu Nhện truy đuổi The Vulture nhưng chỉ diễn ra chưa đến 5 phút là… hết game. Hay cô nàng Michelle (Zendaya) bí ẩn, có phần lập dị trong suốt bộ phim, nhưng thực tế cũng không đóng vai trò gì ngoài việc gây tò mò cho khán giả về nhân vật này. Cũng đã có vài lời dự đoán hoặc giải thích từ fan của Marvel về Ned và Michelle, nhưng chắc chắn khi Marvel làm phim, hãng này cũng không muốn chỉ mang đến một bộ phim dành riêng cho fan, mà phải là dành cho cả công chúng, những người chưa rõ, hoặc chưa biết về Vũ trụ điện ảnh Marvel vốn dĩ đang ngày càng phức tạp.

Nhiều người vẫn thắc mắc về vai trò của nhân vật mà Zendaya đảm nhận trong phim.

Cũng như Ned có thật sự quan trọng hay chỉ là một cậu bạn gây cười?

Tuy nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại, mặc dù rằng Spider-man: Homecoming không mang đến những cú nổ hoành tráng, những nguy hiểm đe dọa toàn cầu hay những trận đánh một mất một còn, nhưng bộ phim đã mang lại nhiều giá trị nhân văn. Đó là câu chuyện của một siêu anh hùng “học việc” từ người thầy của mình - Iron Man. Anh chàng 15 tuổi vô cùng tự hào, hãnh diện với sự kiện này, với sự liên kết dù không chính thức giữa mình và biệt đội Avengers. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng sự chín chắn cũng đã bắt đầu xuất hiện trong cậu, khi cậu nhất quyết không công khai danh chính mình là Spider-man, ngay cả với cô bạn gái mà cậu thầm thương trộm nhớ. Chỉ cần 5 phút xuất hiện với thân thế Người Nhện, Peter Parker hoàn toàn có khả năng chiếm được trái tim của người đẹp, nhất là khi cậu từng cứu mạng cô. Ấy vậy mà, vì đại sự mà bỏ qua tình riêng thì đủ hiểu Peter Parker cũng “không phải dạng vừa đâu”, nhất là khi cậu chỉ mới 15 tuổi - cái tuổi rất dễ bồng bột.

Song song đó, như bài học hay dành cho giới trẻ, Jon Watts lồng ghép nhiều ý đồ của mình trong việc thiết lập mối quan hệ giữa Iron Man và Spider-man. Không đơn thuần là đồng đội hay một người anh, nhân vật Người Sắt còn là người thầy tuyệt vời, lý tưởng và thương trò như thương con. Với những gì mà vị tỷ phú đã làm cho Spider-man, khán giả đã có một cái nhìn khác hơn về nhân vật này. Rõ ràng anh chẳng có sự ràng buộc hay lý do gì bắt buộc mình phải đứng ra bảo bọc cho Spider-man, nhưng ắt hẳn Iron Man đã nhìn thấy tiềm năng có thể khơi dậy từ anh bạn nhỏ.

Ngoài ra, những chia sẻ của The Vulture về gia đình, về con cái cũng khiến người xem phải suy nghĩ. Bản chất nhân vật này không xấu xa, khi hắn nhiều lần ngăn cản trợ tá của mình gây hại cho đám đông. The Vulture làm mọi việc chỉ vì tiền, vì cuộc sống của gia đình anh. Những trăn trở của nhân vật phản diện này, đặc biệt là điều anh đã làm ở phần after credit đã khiến khán giả phải bình chọn, đây là vai phản diện nhân văn nhất trên màn ảnh rộng.

Thế nhưng The Vulture lại là nhân vật phản diện nhân văn nhất trên màn ảnh rộng.

Trong Spider-man: Homecoming, chúng ta có Người Nhện hành hiệp trượng nghĩa nhưng vẫn thân thiện như anh bạn hàng xóm; chúng ta có một siêu anh hùng Iron Man uy mãnh, giàu có nhưng ấm áp và mang trái tim của một người thầy, người cha; chúng ta có một nhân vật phản diện đầy nhân văn… Và chắc chắn chúng ta đã có những khoảnh khắc đầy thú vị khi xem bộ phim này. Thế nên, dù vẫn còn hạn chế, dù khác hẳn với cách làm phim bom tấn siêu anh hùng trước đây, nhưng Spider-man: Homecoming vẫn là một tác phẩm điện ảnh đáng xem, để bạn nhận ra một góc nhìn khác, rằng câu chuyện về siêu anh hùng không chỉ có những trận đánh máu lửa, những hiểm họa của nhân loại, mà còn mang nhiều giá trị nhân văn và tính giáo dục cao. Và nếu dung hòa được hai yếu tố này trong một bộ phim, thì rõ ràng đây chính là một sản phẩm thành công.

Thực ra Peter Parker tuổi 15 chỉ cần như thế là quá đủ rồi, một anh chàng dễ thương, tốt bụng, sống vì bạn bè, người thân và có lý tưởng riêng của mình.

Có lẽ đây là bộ phim siêu anh hùng Marvel gây cười nhiều nhất từ trước đến nay.

Peter Parker dễ dàng trở thành bạn của mọi nhà.

Chia sẻ

Bài viết

Dx3

Tin mới nhất