Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Hồi kết bi tráng và hợp lòng fan của 'Đại chiến hành tinh khỉ'

“Planet of the Apes” là một trong số ít các thương hiệu điện ảnh của Hollywood dù đã bước qua phần phim thứ ba nhưng vẫn giữ nguyên phong độ đỉnh cao của mình. "War for the Planet of the Apes" đã mang đến một kết thúc ấn tượng nhưng vẫn hợp lòng khán giả.

Còn nhớ với sự thành công cả về tính thương mại lẫn doanh thu của phần phim tái khởi động cho loạt phim kinh điển Planet of the Apes - Rise of the Planet of the Apes (2011), Hollywood đã mang lại niềm tin cho các tín đồ điện ảnh đối với dòng phim làm lại vốn tưởng đã sáo mòn. Sau đó, phần tiếp theo Dawn of the Planet of the Apes (2014) cũng được đón nhận nồng nhiệt như người tiền nhiệm. Trong năm nay, hồi kết cho cuộc hành trình giải cứu giống loài của thủ lĩnh khỉ Caesar sẽ khép lại với War for the Planet of the Apes.

War for the Planet of the Apes sẽ là phần cuối của loạt phim.

Sau khi virus cúm Simian lan ra toàn thế giới và tiêu diệt 80% dân số Trái đất, con người hiện đang bước dần đến bờ vực tuyệt chủng. Trong khi đó, loài linh trưởng lại trở nên thông minh vượt bậc, trở thành một cộng đồng riêng ngày một lớn mạnh.

Lúc này, thủ lĩnh tinh tinh Caesar (Andy Serkis) cùng bầy khỉ đang phải đối mặt với một cuộc tấn công toàn diện từ một toán quân vũ trang của con người, được cầm đầu bởi tay Đại tá McCullough tàn nhẫn. Giống loài chiến thắng trong trận chiến định mệnh giữa người và khỉ sẽ trở thành kẻ thống trị hành tinh xanh.

Đại tá McCullough quyết tấn công vào bầy khỉ bằng nhiều vũ khí hiện đại.

Từ sau Rise of the Planet of the Apes, loạt phim “Hành tinh khỉ” đã được đánh giá cao khi đi tiên phong trong phong cách motion-capture, tức dùng những cử động của diễn viên thật để “thổi hồn” cho nhân vật CGI. Cũng nhờ vậy, người xem đã có dịp choáng ngợp với tạo hình chân thật cùng cử động mượt mà của các chú khỉ trong phim.

Chuyển động mượt mà của Caesar tiếp tục “đốn tim” các tín đồ đồ họa

Trong War for the Planet of the Apes, phong độ này vẫn nguyên vẹn, nhưng có vẻ đã được dành để khắc họa sâu tâm lý phức tạp của Caesar thay vì phô diễn hình ảnh. Sau khi giết chết khỉ Koba (Toby Kebbell) vì những hành động quá khích dẫn đến chiến tranh của hắn trong phần hai, giờ đây Caesar luôn sống trong những giờ phút tự cắn rứt lương tâm. Chưa kể, sự tàn nhẫn của loài người càng nung nấu lửa phẫn nộ trong trái tim vị thủ lĩnh đáng kính. Các cảm xúc vui, buồn, phẫn nộ và dằn vặt của Vua khỉ đều được diễn viên Andy Serkis bộc tả tinh tế; nhiều lúc còn lấy được nước mắt của khán giả.

Thiết nghĩ, Andy Serkis xứng đáng được đề cử giải Oscar cho những nỗ lực diễn xuất của mình. Tài tử trước đây cũng từng được biết đến khi diễn motion-capture cho Gollum trong loạt phim Chúa Nhẫn.

Song, sức hấp dẫn của War of the Planet of the Apes chắc chắn không chỉ nằm ở phần nhìn, mà còn ở một kịch bản có chiều sâu. Mang tựa đề “Chiến tranh”, nhưng bản thân phần phim thứ ba lại không tập trung quá nhiều vào những pha hành động cháy nổ. Những triết lý sâu sắc cùng các hình ảnh mang tính ẩn dụ cao vốn là “đặc sản” của loạt phim, nay lại tiếp tục được phát huy. Mâu thuẫn ngày một leo thang giữa người và khỉ được khắc họa rõ nét đến rùng mình chỉ bằng những lời thoại. Trong khi loài linh trưởng có trí tuệ bị xem là “quái vật”, thì loài người tuy luôn tự nhận bản thân “đại diện cho công lý và chính nghĩa” lại có thể gieo rắc những hành động tàn ác đến không tưởng.

Mâu thuẫn giữa người và khỉ được khắc họa đậm tính hình tượng.

Cũng trong những trường đoạn khi nhóm quân của McCullough đàn áp và nô dịch loài khỉ, người xem có kiến thức về lịch sử dễ dàng nhìn ra được một sự mỉa mai vô cùng cay đắng. Phe con người sẵn sàng quất roi vào những con khỉ đói lả chỉ để bắt chúng phục dịch mình, không những thế còn khiến nhiều con khỉ khác phản bội chính giống loài của chúng. Sự tàn nhẫn ấy lại luôn được bao bọc bởi bài nhạc quốc ca hào hùng của Mỹ, như để nhắc nhở thế hệ trẻ về một chế độ thực dân phương Tây man rợ, từng là nỗi kinh hoàng cho các dân tộc nô lệ.

Tương tự, những cột mốc lớn của nhân loại giờ đây được chính loài khỉ tái hiện; có thể thấy thấp thoáng hình ảnh những cuộc Thập tự chinh đẫm máu, những cuộc di dân đến vùng đất mới mà con người đã thực hiện từ hàng ngàn năm trước. Đây quả nhiên là những hình ảnh đầy tính ám ảnh, nhưng cũng mang một ẩn ý rằng loài khỉ trong phim là một nấc tiến hóa mới, không sớm thì muộn cũng sẽ tiếp bước và thay thế con người cũ kỹ.

Trận chiến khốc liệt giữa người và khỉ.

Đối lập với sự nhân đạo của Caesar, hình tượng gã sĩ quan McCullough được xây dựng là một kẻ không biết khoan nhượng, luôn giải quyết mọi vấn đề bằng “thiết quân luật”. Song, nhân vật cũng có cho mình những góc tối, những trăn trở riêng và không hề “một màu”. Khi hiểu được quá khứ dẫn đến việc gã căm ghét loài khỉ đến thế, cũng là lúc người xem có được sự đồng cảm với gã. Qua sự thể hiện của sao Hunger Games Woody Harrelson, khán giả có thể cảm nhận được sự độc địa luôn ẩn sau đôi mắt của McCullough, nhưng đồng thời cũng là nỗi đau chí tử mà người đàn ông này phải gánh vác trên vai.

Nhân vật phản diện được xây dựng thành công với động cơ rõ ràng.

War for the Planet of the Apes giống với một bộ phim chính kịch - tâm lý hơn là phim hành động. Nên nếu đi xem phim với tinh thần mong đợi những trận đối đầu dai dẳng và ác liệt, người xem chắc chắn sẽ thất vọng. Đây có thể là một điểm trừ của phần ba khi so sánh với cuộc chiến nảy lửa giữa Caesar và Koba trong Dawn of the Planet of the Apes, nhưng đồng thời cũng là điểm nhấn tách biệt tác phẩm với những phim ra mắt cùng thời điểm.

Phim cũng có cho mình những phân đoạn dí dỏm, nhẹ nhàng, qua sự xuất hiện của hai nhân vật mới là cô bé loài người Nova (Amiah Miller) và chú khỉ nhí nhố Bad Ape (Steve Zahn). Đặc biệt, sao nhí Amiah Miller dù chưa phải là một khuôn mặt quen thuộc của làng điện ảnh Mỹ, song em luôn như tỏa ra một nguồn năng lượng trẻ trung và tích cực trong mỗi thước phim mà mình xuất hiện.

Nova - “Bông hoa tuyết” đáng yêu của Hành tinh khỉ.

Trên tất cả, War for the Planet of the Apes mang đến một cái kết trọn vẹn cho loạt phim, chứ không cố tình cài cắm nhằm “bồi thêm” như nhiều tựa phim bom tấn khác. Ở đoạn kết của tác phẩm, số phận của loài người và loài khỉ đã ngã ngũ, chuyến hành trình đầy quả cảm và kiêu hãnh của Caesar cũng thực sự ngừng lại. Cuộc chiến đầy bi tráng giữa hai giống loài chính là chiếc chìa khóa mở ra tương lai cho cả Địa cầu.

Nhìn chung, phần kết của Planet of the Apes vẫn giữ được vị thế là một bom tấn có chiều sâu, tính cách nhân vật được phát triển một cách hợp lý. Hiện tại, Hollywood vẫn chưa có kế hoạch phát triển tiếp hay làm lại thương hiệu này lần nữa. Nhưng đối với đại đa số fan, đây là một cái kết đẹp và nên được ngừng lại ít nhất từ 10 đến 20 năm sắp tới.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Phúc Logic

Được quan tâm

Tin mới nhất
Hồ Ngọc Hà lại 'nóng bỏng tay'
Top 30 biệt đội KOLS nhí 2024 bùng nổ visual
Trải Nghiệm Sân Chơi Băng Tuyết Độc Đáo Giữa Lòng Thành Phố