Phim Ảnh

Diễn viên nhí và câu chuyện điện ảnh hai miền Nam - Bắc

Dx3
Chia sẻ

Khi mà khán giả dễ dàng nhớ đến những cái tên diễn viên nhí như Thanh Mỹ, Trọng Khang... thì để gọi tên đại diện phía Bắc lại là một phép thử khó.

Không phải chỉ đến thời điểm này, khi Cô gái đến từ hôm qua đang gây sốt ngoài rạp chiếu phim thì các diễn viên nhí như Hà Mi, Minh Khang hay Bảo An mới bắt đầu được chú ý. Lịch sử phim Việt đã ghi dấu ấn của nhiều gương mặt nhỏ trên màn ảnh rộng từ khá lâu, như Em bé Hà Nội với cô bé Lan Hương 4 tuổi vào năm 1972 (đến nay đã là NSND Lan Hương), Hùng Thuận - Phùng Ngọc trong Đất phương Nam vào năm 1997, Gia Kỳ trong Gia đình phép thuật (2009), hay Lý Mỹ Sang - Phan Quốc Bảo trong Cánh đồng bất tận (2010)… Dấu ấn rõ nét nhất đã xuất hiện khi “người mẹ nhí” Phương Trinh tỏa sáng với hai phim Người mẹ nhíMùa ngò gai, trở thành một trong những cái tên được săn đón cho đến tận ngày hôm nay.

Lan Hương - Em bé Hà Nội.

Phương Trinh trong Mùi ngò gai được đánh giá cao về diễn xuất.

Dẫu vậy, hầu hết các diễn viên nhí thường xuất hiện trong phim truyền hình từ Bắc vào Nam, như loạt phim Kính vạn hoa, Đội đặc nhiệm nhà C21…, còn ở thị phần phim điện ảnh, con số gương mặt được nhớ đến có lẽ chỉ trên đầu ngón tay. Trong số đó, tại thời điểm hiện tại, ta có thể nhớ ngay đến bé Thanh MỹTrọng Khang - hai gương mặt gây ấn tượng với Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh cùng những phim khác như Đoạt hồn, Chạy đi rồi tính, Găng tay đỏ…; bé Ben (Nguyễn Hồng Quân) trong Lửa Phật, Trúng số…; Hà Mi - Minh Khang và Bảo An trong Cô gái đến từ hôm qua, bé Kutin (Huỳnh Minh Hoàng) trong Bảo mẫu siêu quậy, Anh em siêu quậy và cô bé mang đến niềm vinh dự cho điện ảnh Việt - Phùng Hoa Hoài Linh với giải thưởng Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất phim Á - Phi tại Liên hoan phim Dubai với vai diễn trong bộ phim Tâm hồn mẹ (2011).

Đội đặc nhiệm nhà C21 vào 20 năm trước.

Lời giải đáp từ chính người trong cuộc

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ - người đã tạo ra nhiều phim điện ảnh thành công về mặt thương mại lẫn nghệ thuật như Và anh sẽ trở lại, Cuộc đời của Yến, Chờ em đến ngày mai đã có sự chia sẻ về bối cảnh phát triển của các diễn viên nhí:

“Điện ảnh Việt Nam trong những năm qua đang phát triển chóng mặt, đặc biệt là sự tăng vọt về số lượng phim sản xuất mỗi năm. Điều này đòi hỏi các nhà làm phim phải luôn tìm tòi những đề tài mới. Và sự xuất hiện của những diễn viên nhí cũng như những luồng gió mát thổi vào mỗi bộ phim. Không chỉ đóng những vai diễn phụ mà các diễn viên nhí hiện nay đã đảm đương những vai chính trong các phim điện ảnh, và đều gây được ấn tượng tốt đẹp đối với khán giả”. Bởi vậy trong tương lai, anh tin rằng sẽ có thêm nhiều diễn viên nhí tài năng được phát hiện và khán giả sẽ được xem nhiều bộ phim hay, xúc động với những nhân vật chính là trẻ em.

Trọng Khang - Thanh Mỹ và Thịnh Vinh trong Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.

Có thể thấy, hầu hết những gương mặt điện ảnh được nhắc đến đều xuất phát những bộ phim được khán giả yêu thích ở miền Nam, trong khi đại diện duy nhất của phía Bắc là Phùng Hoa Hoài Linh. Nếu như bé Thanh Mỹ, Trọng Khang, bé Ben… liên tục được mời tham dự trong nhiều dự án phim thì cô bé Phùng Hoa Hoài Linh lại có phần im hơi lặng tiếng hơn.

Là đại diện cho điện ảnh phía Bắc, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ cũng có cái nhìn về sự chênh lệch này: “Hiện nay, điện ảnh phía Bắc đang khá hiếm những nhà sản xuất phim, bởi vậy, cơ hội cho các bé ở ngoài Bắc cũng ít hơn rất nhiều. Bản thân tôi khi làm Cuộc đời của Yến cũng làm việc với rất nhiều diễn viên nhí ngoài Hà Nội như Kim Anh, Khánh Nam, Duy Khánh, Vân Khánh… và tôi luôn muốn có dịp tái hợp với các bé. Tôi thích sự hồn nhiên, trong trẻo trong diễn xuất của các diễn viên nhí này. Trong tương lai, tôi cũng ấp ủ một dự án có thể có sự xuất hiện của các diễn viên nhí cả hai miền”. 

Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ.

Đúng như đạo diễn Đinh Tuấn Vũ đã chia sẻ, điện ảnh phía Nam là cái nôi phát triển mạnh mẽ cho các hoạt động nghệ thuật, hầu hết các phim chiếu rạp hiện nay đều xuất phát từ đây. Nếu như điện ảnh phía Nam thường chú ý đến thị hiếu của khán giả, mang đến những bộ phim “hợp thời”, dễ xem và cập nhật nhanh chóng những xu hướng sở thích của người xem, thì điện ảnh phía Bắc thường mang đậm màu sắc nghệ thuật, tạo ra những sản phẩm có thể tranh giải quốc tế tại các liên hoan phim, hơn là hướng đến khán giả đại chúng.

Diễn xuất tự nhiên của Hà Mi và Minh Khang trong Cô gái đến từ hôm qua được khán giả đón nhận.

Cũng chính vì thế, trong những năm qua, số lượng đạo diễn và bộ phim đến từ khu vực miền Bắc khá ít trên thị trường, ấn tượng có thể kể đến đạo diễn Đinh Tuấn Vũ, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp (Đập cánh giữa không trung), đạo diễn Vũ Ngọc Phượng (12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy) hay đạo diễn Lương Đình Dũng (Cha cõng con)…

Tiềm năng phát triển thương mại và nghệ thuật của điện ảnh phía Bắc

Sau cơn sốt 2 phim truyền hình phía Bắc - Sống chung với mẹ chồngNgười phán xử, khán giả miền Nam bày tỏ sự yêu thích của mình đối với kịch bản, đạo diễn, dàn diễn viên, dù họ vẫn còn khá xa lạ và chưa mang những danh hiệu lớn như “đạo diễn triệu đô” hay “nữ hoàng phòng vé”.

Vì vậy, thị trường phim ảnh phía Bắc đang ngày càng mở rộng hơn, tiếp cận đến khán giả cả nước, vươn ra từ truyền hình đến điện ảnh. Cơ hội lớn dành cho các nhà sản xuất sẽ kéo theo những cơ hội khác cho dàn diễn viên nhí ở phía Bắc, để các bé phát huy những năng khiếu của mình, đồng thời được rèn luyện, trau dồi và giới thiệu bản thân đến khán giả cả nước.

Người phán xử bản điện ảnh.

Diễn viên nhí miền Bắc nói riêng, nền điện ảnh phía Bắc nói chung đang cần được phát triển mạnh trong thời gian tới. Dự án Người phán xử phiên bản điện ảnh cũng là một cầu nối góp phần thúc đẩy sự phát triển, tạo ra nhiều tác phẩm điện ảnh giao thoa giữa nghệ thuật và giải trí, vừa mang lại doanh thu phòng vé cao, đồng thời xây dựng tên tuổi cho các diễn viên miền Bắc, tạo ra điểm tựa cho các gương mặt nhí và giúp các em có thêm điều kiện phát triển tài năng của mình. Biển rất rộng, cá rất đông nhưng vẫn luôn có chỗ cho những loài cá mới tìm đến cư trú.

Chia sẻ

Bài viết

Dx3

Tin mới nhất