Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Những tựa phim siêu phẩm bị đánh giá thấp nhất 2019 khiến fan 'giận tím người'

Đây đều là những phim hay nhưng bị "flop" do chiến dịch PR thậm tệ, hạn chế suất chiếu, hay đơn giản là khán giả không để tâm đến...

Năm 2019 quy tụ hàng loạt các siêu phẩm và bom tấn ấn tượng, thế nhưng điều đó cũng có nghĩa nhiều tựa phim chất lượng khác khó có được “đất dụng võ” vì một số lí do khác nhau, từ chiến dịch PR thậm tệ, hạn chế suất chiếu, hay đơn giản là không thu hút được sự chú ý nhiệt liệt của khán giả đại chúng. Sau đây sẽ là 10 sản phẩm điện ảnh xuất sắc nhưng lại bị đánh giá thấp, thậm chí thua lỗ doanh thu trong năm 2019.

The Kid Who Would Be King

Đạo diễn Joe Cornish có màn đột phá trong sự nghiệp cùng The Kid Who Would Be King, kể về cậu bé Alex 12 tuổi một ngày phát hiện ra thanh gươm Excalibur của Vua Arthur, cũng là trách nhiệm mới của cậu để giải cứu thế giới khỏi các thế lực hắc ám. Bộ phim hoàn toàn thổi hồn vào câu chuyện đã quá đỗi quen thuộc, thu hút sự chú ý của mọi lứa tuổi với thông điệp tích cực về cộng đồng và sức mạnh trỗi dậy từ nội tâm. Tuy hội tụ nhiều yếu tố điện ảnh hấp dẫn, nhưng The Kid Who Would Be King lại chỉ mang về 32,1 triệu USD so với kinh phí hơn nửa trăm triệu ban đầu.

In Fabric

Năm 2019 đánh dấu sự vực dậy của thể loại kinh dị khi hàng loạt các tác phẩm xoáy sâu vào cốt truyện sáng tạo bắt đầu lên ngôi, thế nhưng chắc chắn sẽ không có phim nào vừa độc đáo nhưng cũng lạ kỳ từ hình thức đến nội dung như In Fabric.

Một người mẹ đơn thân chỉ vì muốn mua một chiếc đầm đẹp để đi hẹn hò nên đã đến một cửa tiệm vô cùng kì lạ, để rồi “tậu” về một chiếc đầm đỏ bí ẩn, cũng là nguồn cơn ác mộng kéo dài đến tận cuối cùng. Phim làm tốt ở mặt hài lẫn chính kịch, khiến khán giả trộm cười và ngay lập tức “căng cứng” với những chi tiết giật gân tột độ. In Fabric không phải là sản phẩm nổi danh nhất của A24 trong năm 2019, nhưng vẫn ghi điểm nhờ lối làm phim cổ điển châu Âu ấn tượng và đâu đó châm biếm tư bản cùng lề lối quảng cáo “giật tít” của các hộ kinh doanh về sản phẩm của mình đến khách hàng.

The Wind

Bên cạnh những bom tấn như IT: Chapter Two hay Us, vẫn có nhiều tựa phim kinh dị kém nổi hơn nhưng chất lượng thì không hề kém cạnh. Nữ đạo diễn Emma Tammi đã mang người xem trở về thế kỉ 19 với The Wind cùng câu chuyện kì bí xoay quanh những số phận bi kịch đang cố gắng chống chọi với thế lực tâm linh. Sản phẩm từng được chiếu tại LHP Toronto mang đến bầu không khí ghê rợn chết chóc đầy cổ điển, thế nhưng có lẽ việc bị so sánh quá mức với The Witch của Robert Eggers đã khiến màn phô diễn tài năng của Tammi khó chạm đến nhiều khán giả hơn.

Missing Link

Laika hiện đang là hãng lớn duy nhất của Mĩ thực sự thâu tóm lĩnh vực hoạt hình stop-motion, thế nhưng tựa phim gần đây nhất Missing Link lại là một thất vọng tại phòng vé, hoàn toàn lép vế trước các đối thủ mạnh và tân tiến như Disney hay Dreamworks.

Missing Link là cuộc hành trình của nhà thám hiểm đi tìm và kết thân với một Chân To, với cốt truyện giản đơn nhưng hài hòa và dễ chạm đến trái tim khán giả trẻ. Khác với Coraline hay Kubo and the Two Strings, phim hoàn toàn không được ưu ái về mặt danh tiếng, trong khi chất lượng thì chẳng hề thua kém các dự án trước đây của Laika. Nói không ngoa, nếu phim được sản xuất dưới trướng một “ông lớn” tầm cỡ cùng chiến dịch PR khả quan hơn thì chắc chắn doanh thu sẽ không chỉ dừng lại ở con số 26 triệu khiêm tốn.

Monos

Monos sở hữu dàn diễn viên không hề tiếng tăm, thế nhưng sản phẩm đến từ đạo diễn Alejandro Landes chắc chắn sẽ khiến bạn đứng ngồi không yên với dàn chiến binh thiếu niên vác trên mình những khẩu súng to ngất ngưởng, tất cả chỉ để trông chừng tên tù nhân và con bò Shakira của y. Bộ phim có phần nhạc tuyệt vời cộng hưởng cùng bối cảnh rừng rậm thổ phỉ lấy cảm hứng rõ rệt từ Apocalypse Now, thế nhưng chuyến phiêu lưu trong Monos lại méo mó và mang hơi hướng man rợ, nổi loạn hơn.

Under The Silver Lake

Tuy là một hãng phim lớn đang lên, thế nhưng không phải tựa phim nào của A24 cũng nhận được sự quan tâm lớn đến từ khán giả. Under the Silver Lake có bước khởi đầu sừng sỏ khi góp mặt tại LHP Cannes, thế nhưng sau đó lại không được phòng vé và đại chúng ưu ái. Dự kiến công chiếu vào tháng 6/2018, thế nhưng tựa phim của David Robert Mitchell sau đó bị dời đến tận tháng 4/2019. Phim kể về anh chàng đam mê thuyết âm mưu Sam (Andrew Garfield) lên đường truy tìm cô bạn hàng xóm mất tích bí ẩn.

High Flying Bird

Đạo diễn Steven Soderbergh đã “ghi điểm” với hai tựa phim chất lượng trên nền tảng Netflix, trong đó High Flying Bird được xem là cú đột phá sáng giá nhất. Câu chuyện được chắp bút bởi biên kịch Moonlight Tarell Alvin McCraney đã mang đến góc nhìn độc đáo và tinh tế về thế giới thể thao, cụ thể ở đây là bóng rổ.

Tuy tập trung khai thác nội dung qua các cuộc hội thoại, nhưng High Flying Bird đã làm khá tốt việc vẽ nên bức tranh hệ sinh thái thể thao cùng các yếu tố khác như sắc tộc, tầng lớp và công tác xã hội. Nước phim cũng đẹp và sinh động đến mức chắc chắn bạn sẽ không tin toàn bộ mọi thứ đều được quay bởi một chiếc điện thoại iPhone không hơn không kém.

Charlie Says

Gia đình Manson cùng câu chuyện gieo rắc kinh hoàng khắp Hollywood của họ vào năm 1969 đã được tái hiện sinh động thông qua hai tựa phim chất lượng trong năm nay, một là Once Upon a Time in Hollywood đến từ Quentin Tarantino, và hai là Charlie Says của Mary Harron.

Nếu ở phim Tarantino, hành trình của gia đình Manson chỉ đóng vai trò phu trợ cho các nhân vật chính, thì Charlie Says thật sự tập trung khai thác vụ thảm sát và những hậu quả sau cùng gây ra bởi Charles Manson và đồng bọn. Trong phim, ba cô gái nhà Manson trải qua thời thiếu niên sau song sắt, sau đó dần dần nhận ra nỗi đau khó tả mà họ đã gây ra, cùng với đó là những đoạn hồi tưởng về khoảng thời gian xưa cũ cùng người đàn ông nguy hiểm khét tiếng (do Matt Smith thủ vai).

Her Smell

Elisabeth Moss có một sự nghiệp bùng nổ sau Mad Men, và trong năm 2019 cô đã tham gia tận 4 tựa phim điện ảnh. Trong số đó, sản phẩm ít được biết đến nhất của Moss lại là sản phẩm do chính mình sản xuất - Her Smell.

Trong phim, Moss vào vai Becky Something - một cô nàng rock chick máu lửa, ăn chơi thác loạn, nhưng cũng đầy mạnh mẽ dù cho nhiều lần bị bạo hành bởi chính người thân và bạn bè. Người xem sẽ bước vào “hệ sinh thái” mà cô đang sống, cảm nhận được sự náo nhiệt ồn ào của thành phố không ngủ, để rồi nửa sau ập đến như một nốt lặng, thể hiện sự đấu tranh của cô gái trẻ trước cuộc sống rộng lớn đến hãi hùng. Sự tan rã của ban nhạc đều do Something gây ra, và sự thay đổi, chuộc lỗi của cô sau đó chính là điều giúp Her Smell ghi điểm và trở nên hấp dẫn.

The Nightingale

Sau thành công từ The Babadook, Jennifer Kent tiếp tục chinh phục một tựa phim khó nhằn hơn, đó là The Nightingale lấy bối cảnh trong lúc cuộc Chiến tranh Đen đang vô cùng gay gắt. Trong phim, nhân vật chính Clare Carroll - một tù nhân Ireland đến làm việc trong quân đội Anh với hi vọng tìm kiếm tự do cho chồng và con gái nhỏ của mình. Không may, gia đình cô hoàn toàn bị hủy hoại trong tay bọn binh lính máu lạnh, để rồi sau đó Clare quyết định đứng lên trả thù.

The Nightingale mang không khí lạnh lẽo, tang tóc đúng chất thời chiến, ẩn sau trong đó là những tội ác chiến tranh ghê rợn cùng sức mạnh của những con người vốn bị ức hiếp và vùi chôn dưới đáy xã hội.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Đông Hải

Được quan tâm

Tin mới nhất