Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

'Doctor Sleep': Những điểm cộng và trừ đến từ siêu phẩm kinh dị kế tiếp của Stephen King

Doctor Sleep rất hay và chất lượng, nhưng "quá dài" chính là từ khóa mà phần đông những ai đã xem đều đồng ý là điểm trừ lớn nhất của phim.

Được xem như chương tiếp theo nối tiếp bi kịch trong tác phẩm điện ảnh nổi tiếng The Shining, Doctor Sleep đang rất được mong chờ chính từ bộ sậu gồm những cái tên đầy thực lực minh chứng cho một trải nghiệm đầy chất lượng, như đạo diễn Mike Flanagan rất “có duyên” với vũ trụ truyện kinh dị của Stephen King, hay bộ đôi diễn viên tài hoa Ewan McGregor và Rebecca Ferguson. Dù cho đã cố gắng hết nấc để xứng tầm với sản phẩm tiền nhiệm, song Doctor Sleep vẫn có một số điểm hạn chế bên cạnh nhiều chi tiết thật sự sáng giá.

Poster chính thức của Doctor Sleep.

Diễn xuất tuyệt vời của Ewan McGregor

Nam diễn viên Ewan McGregor đã có màn hóa thân tuyệt hảo vào vai Danny Torrance phiên bản trưởng thành trong Doctor Sleep, với điều đặc biệt là anh không hề xuất hiện trong tất cả phân đoạn phim như một nhân vật chính phải làm. Trái lại, có những lúc anh thật sự biến mất, nhưng mỗi lần xuất hiện thì Danny lại có cú chốt hạ tuyệt vời. Đạo diễn Mike Flanagan đã thúc đẩy McGregor để anh thể hiện cảm xúc sâu thẳm của Danny thông qua những phân cảnh rất con người, như khi anh trấn an những bệnh nhân sắp chết trong bệnh viện trước khi biến cố ập đến.

Ngoài ra, McGregor cũng khá “hợp cạ” với bạn diễn trẻ tuổi Kyliegh Curran (trong vai cô bé Abra). Vốn là nhân vật được yêu thích bậc nhất ngay từ The Shining trước đây, có thể khẳng định rằng Danny Torrance phiên bản trưởng thành đã có sự tái xuất ấn tượng đầy chất lượng.

Ewan McGregor đã hoàn thành xuất sắc vai chính của phim.

Tài năng đến từ đạo diễn Mike Flanagan

Trước khi cầm trịch Doctor Sleep, đạo diễn Mike Flanagan đã ghi dấu ấn với hàng loạt dự án phim kinh dị đình đám, như Gerald's Game hay phim dài tập The Haunting of Hill House. Không hề dễ để kế thừa di sản để lại từ Stanley Kubrick, thế nhưng Flanagan thật sự đã làm quá tốt so với những gì khán giả từng mong đợi, qua đó tập trung hơn vào sự lặng thinh dẫn đến bùng nổ từ bên trong cảm xúc của nhân vật, hơn là tính ồn ào, dồn dập rõ ràng vốn có của The Shining.

Thực chất, đây là một chiến lược hoàn hảo để Flanagan tách mình khỏi dòng chảy, khỏi cái bóng của Kubrick và định hình chính mình cùng sản phẩm mới mang màu sắc rất Mike Flanagan chứ không chỉ là hậu truyện của một tuyệt tác kinh dị đình đám.

Mike Flanagan tiếp tục ghi điểm với giới mộ điệu dòng phim kinh dị.

Vai phản diện xuất sắc của Rebecca Ferguson

Tuy nhân vật phản diện của phim - Rose the Hat vẫn chưa được xây dựng kĩ lưỡng, thế nhưng màn trình diễn đỉnh cao của Rebecca Ferguson đã hoàn toàn “bù đắp” được những nét hạn chế ấy. Thay vì cố gắng trở nên rùng rợn như một ác nhân kinh dị quen thuộc, Ferguson lựa chọn phương pháp tiếp cận chậm rãi nhưng chắc cứu, do Rose luôn khao khát vầng sáng của bọn trẻ, và sự đong đầy của chúng lại tỉ lệ thuận với thời gian tra tấn kéo dài.

Ngoài ra, chính ngoại hình bắt mắt, có phần quyến rũ cùng chất giọng lai Ireland của Ferguson của khiến Rose trở nên thu hút lạ kỳ, nhất là trong trận chiến cuối cùng đối đầu với phe chính diện. Khán giả chắc chắn sẽ còn muốn biết nhiều hơn về cô sau khi phim kết thúc, và Rose the Hat của Ferguson đã trở nên đáng nhớ nhờ phong cách hết sức “hoạt họa” cùng lối dẫn dắt khó đoán và tràn đầy năng lượng.

Rose the Hat được thể hiện khá thu hút và độc đáo thông qua tài nghệ của Rebecca Ferguson.

Phim rất biết chiều lòng fan

Câu hỏi mà phần lớn các fan đều đặt ra đối với Doctor Sleep đó là làm cách nào phim có thể tiếp nối câu chuyện trong The Shining, và Mike Flanagan đã tháo dỡ rất tốt nút thắt này. Tuy nhiên, trong hai tiếng đầu của phim lại có rất ít các “Easter egg” đến từ phần phim năm 1980, thay vào đó tập trung khai thác diễn biến cốt truyện chính. Phải đến trường đoạn cuối cùng thì các fan mới có dịp “ghé thăm” lại những khoảnh khắc quen thuộc và “thần thánh” nhất từ The Shining, như bối cảnh khách sạn Overlook được tái hiện gần như nguyên vẹn khiến người xem không khỏi hoài niệm.

Nhiều cảnh phim kinh điển của The Shining được tái hiện trong Doctor Sleep.

Dàn nhân vật phụ gây ấn tượng

Bên cạnh Ewan McGregor và Rebecca Ferguson thì dàn diễn viên phụ cũng có đóng góp không nhỏ vào thành công của Doctor Sleep. Mike Flanagan từng có nhiều kinh nghiệm làm việc với diễn viên trẻ từ trước, vì thế lần này ông đã ở bên hỗ trợ rất tốt Kyliegh Curran trong vai trò một “phụ tá” đắc lực sát cánh cùng Danny.

Ngoài Curran ra còn có Cliff Curtis khá đặc sắc khi vào vai Billy - bạn của Danny, Jacob Tremblay cũng có màn xuất hiện chớp nhoáng nhưng đáng nhớ khi vào vai đứa trẻ bị Rose săn đuổi, và Carel Struycken cũng xuất hiện đầy táo bạo trong vai một trong những đồng môn của Rose. Doctor Sleep vẫn còn kha khá những nhân vật cameo nổi trội nữa, nên hãy mở to mắt trong quá trình thưởng thức phim nhé!

Dàn nhân vật phụ cũng khá “chất”, nhất là vai diễn của Kyliegh Curran.

Phần hình ảnh và thiết kế âm thanh sắc sảo

Với sự dẫn dắt của Mike Flanagan, Doctor Sleep không chỉ là tựa phim chất lượng ở phần nội dung mà còn ở phần hình ảnh và âm thanh đầy sắc sảo. Về phần nhìn, Michael Fimognari đã lựa chọn tông màu trầm tối, u ám thừa hưởng từ tinh hoa của The Haunting of Hill House. Fimognari cũng “học hỏi” từ Flanagan khi không hề sao chép hoàn toàn những phân đoạn kinh điển của The Shining, mà tái dựng chúng bằng một phong cách rất riêng của mình.

Ngoài ra, phần nhạc đến từ anh em nhà Newton cũng tô điểm toàn vẹn hơn cho các phân cảnh, lấy cảm hứng từ nhiều bản soạn nhạc gốc của The Shining nhưng vẫn thêm vào đó màu sắc sởn gai ốc rất riêng và độc đáo.

Doctor Sleep có bối cảnh hình ảnh cùng chất lượng âm nhạc miễn chê.

Là một sản phẩm đáng mong chờ, thế nhưng Doctor Sleep cũng khiến khán giả và giới phê bình khó lòng chấm điểm xuất sắc vì những lí do sau.

Phim QUÁ dài

Gần đây, Hollywood đang tràn ngập những tựa phim điện ảnh với thời lượng phim dài “khủng khiếp” đến bàng hoàng như Avengers: Endgame hay IT: Chapter Two. Với Doctor Sleep cũng không là ngoại lệ khi phim dài tận 152 phút, và theo như lời của phần lớn khán giả và giới chuyên môn thì đây chính là điểm trừ lớn nhất của phim. Tài nghệ của Mike Flanagan là không thể chối cãi, thế nhưng anh cũng không hoàn toàn “gánh” được hết từng giây từng phút trong gói hầu bao 2 tiếng rưỡi ấy.

Trong phim vẫn có không ít cảnh dư thừa mà nếu được hậu chỉnh hay thậm chí xóa đi thì cũng sẽ không ảnh hưởng gì mấy đến tiến trình cốt truyện, ngược lại có thể giúp khán giả đỡ được phần ngao ngán. Nói đơn giản, Doctor Sleep lần này giống như một trường hợp bản mở rộng của đạo diễn (vốn tung ra sau dưới định dạng DVD hay Blu-ray) lại trở thành bản chính thức, bao gồm gần như tất cả những gì mà nhóm sản xuất đã gầy dựng nên.

Hai tiếng rưỡi có lẽ là quá dài với một câu chuyện như Doctor Sleep.

Kịch bản mơ hồ

The Shining có một lối diễn đạt khá mơ hồ, nhưng ít nhất phim có câu chuyện đủ sức hút và tương đối đơn giản, và Kubrick đã rất thành công trong việc “lèo lái” khán giả bước vào mê cung do chính mình tạo nên. Với Doctor Sleep, diễn biến mạch phim lại còn rối ren và bí ẩn hơn, nhất là khi có sự can thiệp của ma thuật và sự huyền bí nhưng lại không hề đả động đến nguồn cơn hay cơ chế hoạt động của những năng lực siêu nhiên này.

Như đã đề cập, nhân vật phản diện Rose the Hat của Rebecca Ferguson đúng là khá thu hút, nhưng lại được xây dựng hời hợt thiếu chiều sâu, khiến người xem không khỏi băn khoăn do bị “đói” thông tin từ bộ phim. Nếu bạn đang tìm kiếm một sản phẩm điện ảnh kinh dị với mô-típ rõ ràng rành mạch, thì Doctor Sleep không phải là sự lựa chọn khôn ngoan và xứng đáng.

Doctor Sleep vẫn có nhiều chi tiết còn bỏ ngỏ, làm khơi gợi sự tò mò đầy hoang mang nơi người xem.

Phim không hề kinh dị

Tuy được xem như là chương tiếp theo của siêu phẩm kinh dị The Shining, thế nhưng Doctor Sleep lại không hề “kinh” như mong đợi của khán giả. Chắc hẳn Flanagan đã cân nhắc về việc tác phẩm của mình khó lòng vượt qua được tượng đài của Stanley Kubrick, thế nên phim lại mang màu sắc giật gân huyền ảo hơn là kinh dị, với trung tâm cốt truyện nằm ở chính sự biến hóa nội tâm và chuyển biến hành vi của nhân vật. Bất quá, vấn đề này hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng vốn có của phim, trái lại chính một kịch bản lôi cuốn đã là đủ để khán giả quên đi điều đó.

Tuy nhiên, có lẽ với đối tượng người xem mong muốn có một trải nghiệm thót tim vào dịp tối thứ Sáu cùng gói bỏng ngô nóng hổi giòn tan, thì Doctor Sleep có lẽ không phải là lựa chọn tương đối phù hợp.

Doctor Sleep thiên về thể loại giật gân, tà thuật hắc ám hơn là kinh dị.

Nhìn chung, bất cứ tựa phim nào cũng có điểm cộng và trừ, và với một hậu truyện của tác phẩm điện ảnh kinh điển thì áp lực đến từ sự kì vọng của khán giả lại càng cao hơn. Mike Flanagan đã hoàn toàn dốc hết sức để mang đến một hành trình tâm linh dị biệt mang nặng yếu tố tâm lý, giật gân nhưng vẫn mang nhiều giá trị tích cực ở khía cạnh nội dung, hình ảnh và thiết kế sản xuất. Doctor Sleep tuy không hoàn toàn “kinh dị”, nhưng chắc chắn là một đề xuất tuyệt hảo để mở đầu cho mùa phim tháng 11 năm nay.

Xem qua trailer chính thức của Doctor Sleep.

Doctor Sleep chính thức công chiếu ngày 8/11/2019.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Đông Hải

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giải mã sức hút của show 'Hành Trình Kỳ Thú' đang phát trên MyTV