Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Đoạn kết 'phản cao trào': Vấn nạn đang 'giết chết' dòng phim siêu anh hùng?

Một số sản phẩm điện ảnh siêu anh hùng gần đây đang rất thích xây dựng trận chiến cuối theo lối phản cao trào, khiến phim kết thúc chóng vánh và nhạt nhòa.

Phản cao trào (hay thường được biết đến với thuật ngữ “anti-climax”) là một phương pháp được sử dụng trong một số tựa phim, khi thay vì đem đến một cái kết có phần hoành tráng, mãn nhãn và đáng nhớ như khán giả kì vọng, thì các phim ấy khép lại một cách chóng vánh, có phần ngắn gọn hay thậm chí hờ hững.

Dĩ nhiên, đây không phải một phép thử hoàn toàn tiêu cực vì có rất nhiều các tác phẩm xuất sắc từng sử dụng cách này và tương đối thành công, như The Lord of the Rings: The Return of the King, Kill Bill: Vol. 2 hay No Country for Old Men. Tuy nhiên, khi đề cập đến các siêu phẩm thuộc thể loại hành động, khoa học viễn tưởng hay phạm trù phim siêu anh hùng, thì khán giả có quyền chờ đợi một đại kết cục siêu đỉnh cao giữa phe chánh và phe tà, từ đó giúp mọi cảm xúc được đẩy lên tột cùng, và rồi vỡ òa khi vị anh hùng mà họ yêu quý giành chiến thắng.

The Return of the King là một trong số ít phim có cái kết “phản cao trào” nhưng vẫn thành công và được công nhận về chất lượng.

Đó là điều cần thiết và là một yếu tố làm nên thành công của bất kì bộ phim siêu anh hùng nào, nhưng trong thời gian 1 năm trở lại đây, có không ít các phim đến từ vũ trụ điện ảnh DC hay Marvel lại chọn cách “phản cao trào” để khép lại câu chuyện, và dường như đa số chúng đều gây tranh cãi, thậm chí bị chỉ trích và chê bai thậm tệ. Hãy cùng xem các trường hợp phim siêu anh hùng nào gần đây đã rơi vào vấn đề rất lớn này, và liệu nó có thật sự hiệu quả hay không nhé!

Captain Marvel

Là tựa phim riêng về siêu anh hùng nữ đầu tiên của vũ trụ điện ảnh Marvel, Captain Marvel từng đứng giữa làn sóng khen lẫn chê ngay từ trước khi phim ra mắt. Xét riêng về chất lượng của sản phẩm cuối cùng trước thềm Endgame, nhân vật Carol Danvers trên màn ảnh đã khiến không ít fan thất vọng vì không chỉ bị “cường hóa” quá đà, mà cả cách xây dựng sự phát triển của nhân vật xuyên suốt phim dường như không có.

Từ đó, khi đã tháo bỏ được xiềng xích kìm hãm sức mạnh của chính mình, Captain Marvel trở thành một cơn vũ bão quét sạch toàn bộ mọi kẻ thù, và rồi phim… kết thúc. Đối đầu với Carol trong phim có thể nhắc đến đầu tiên là Ronan trẻ, người xuất hiện với sự cuồng vọng đối với sức mạnh của Carol, nhưng sau cùng lại chạy trối chết cùng binh đoàn của mình.

Sức mạnh của Captain Marvel đã quét sạch kẻ thù, quét luôn cả một đoạn kết hoành tráng mà khán giả mong chờ.

Thêm vào đó, đến lượt Yon-Rogg - người thầy cũ của Carol cũng trở thành phản diện, nhưng thay vì chấp nhận có một trận đấu tay đôi để phù hợp với một chi tiết cũ ở đầu phim khi tập võ, đả nữ của phim lại chọn cách ăn gian và bắn bay hắn. Captain Marvel đã đánh đổi một cái kết đáng ra có thể hấp dẫn và hoành tráng dù chỉ gói gọn trong một màn đấu võ, chỉ để tiếp tục củng cố cho nét tính cách đơn điệu của nữ chính, khiến phim trở thành một trong những sản phẩm tệ nhất của MCU.

Dark Phoenix

Là tựa phim thứ 12 trong chuỗi series X-Men, Dark Phoenix cũng xoay quanh nhân vật nữ chính sở hữu sức mạnh nhất nhì vũ trụ, và đó là Jean Grey. Lần này, không chỉ cô mà cả nhóm dị nhân phải đối đầu với một tộc người cũng sở hữu khả năng biến hình, dẫn đầu bởi Vuk. Sau hàng loạt những biến cố, Jean chính thức đối đầu trực diện với Vuk, và khi này thay vì có một trận song đấu đáng mong đợi, thì cô lại hóa thành Phượng hoàng Bóng tối, giải phóng sức mạnh chết người và “quện” Vuk không còn lối về.

Dark Phoenix là một nỗi thất vọng lớn, trong đó đoạn kết lại rất đuối và vô cùng nhàm chán.

Đây tiếp tục là một cái kết phản cao trào đầy chóng vánh đến từ một tựa phim siêu anh hùng, khi Jean và Vuk bay ra ngoài không gian, và rồi chính nguồn sức mạnh của nữ dị nhân đã giết cả hai. Từ đó, sự nguy hiểm tiềm tàng của Vuk và tộc D'Bari hoàn toàn bị vứt sang một bên, trong khi Jean Grey tiếp tục nối gót Carol Danvers trở thành một siêu anh hùng bất khả chiến bại, bóp nát kẻ thù chỉ trong tích tắc, nhưng vẫn khả quan hơn vì ít ra phim còn cố gắng xây dựng và phát triển tính cách của nhân vật chính.

Birds of Prey

Trong số các tựa phim siêu anh hùng sử dụng “phản cao trào” trong danh sách lần này, thì Birds of Prey lại là sản phẩm có phần khả quan nhất, dù cho theo tính chất của “anti-climax” thì tất nhiên đã có không ít khán giả thất vọng với cái kết lần này.

Cái kết “phản cao trào” của Birds of Prey lại khá hài hước, và đúng với chính tuyến xây dựng tính cách của Black Mask.

Cuộc hành trình riêng của nữ hề quái chiêu Harley Quinn hậu chia tay Joker đã rẻ sang cung đường mới đầy thú vị, khi cô gặp gỡ nhóm Chim săn mồi, cô bé “trung tâm rắc rối” Cassandra Cain, và dĩ nhiên là phe phản diện cầm đầu bởi tên trùm dị hợm Black Mask. Khác với sự nguy hiểm trong truyện, Mặt nạ đen của Birds of Prey lại khá kỳ quặc, có phần đồng bóng nhưng vô cùng quyền lực. Từ đó, dễ dàng hiểu được khi phía sản xuất mang đến cho y một kết cục có phần “hèn hạ”.

Tuy rằng nó đúng với cách xây dựng nhân vật ngay từ đầu phim của Black Mask, nhưng Birds of Prey thừa sức mang đến một trận chiến cuối mãn nhãn, gay cấn, một trận giằng co bụi bặm và “sống mái” đúng chất DC giữa Harley và tên Roman này, nhất là khi cả hai lại có mối thù khá thâm sâu tại Gotham. Đúng là đáng tiếc!

Bloodshot

Nếu để ý kĩ, cả 3 tựa phim tận dụng “phản cao trào” nêu trên đều có các nhân vật chính là nữ, và việc có một đoạn kết nơi kẻ phản diện bị tiêu diệt chóng vánh và nhanh gọn chính là cách để thúc đẩy sức mạnh và vai trò của phe chính diện, và cả sự lên ngôi rõ ràng của nữ quyền. Tuy nhiên, tựa phim gần đây nhất sở hữu yếu tố “anti-climax” lại là Bloodshot, với nhân vật nam chính do Vin Diesel đảm nhận.

Sau khi khám phá ra sự thật về thân phận và lý do mình có thêm một “mạng” mới để sống, Ray (tên thật của Bloodshot) lên đường cùng những người bạn thật sự để tiêu diệt kẻ phản diện thật sự - tiến sĩ Harting, cũng là người hồi sinh anh và xem anh như con cờ để trả thù riêng. Ở cảnh gần cuối, Bloodshot đã mặt đối mặt với Harting, và thay vì thật sự có một cuộc đấu cuối cùng, thì siêu anh hùng của chúng ta chỉ đơn giản sử dụng một quả đạn nổ để giết cả hai.

Khán giả vẫn trông đợi một điều gì đó lớn lao và hoành tráng hơn khi Bloodshot đụng độ Harting lần cuối.

Hãy tưởng tượng đó là sự kết hợp giữa Birds of PreyDark Phoenix, nhưng Harting của Bloodshot hoàn toàn không yếu ớt như Black Mask. Ngược lại, ông có một cánh tay siêu khỏe siêu cứng cáp, và nếu không thì một lãnh đạo khoa học tài tình như thế hẳn phải trang bị cho mình một vũ khí bí mật tối tân khác, và người xem vẫn xứng đáng có một màn cận chiến hoành tráng hơn chỉ là một vụ nổ và hết.

“Phản cao trào”, như đã đề cập, không hẳn là một điều tiêu cực khiến bất kì tựa phim nào cũng bị “tịt ngòi” khi dần đi đến hồi kết, song với một lô những ví dụ nêu trên cùng hàng loạt đánh giá tốt lẫn xấu xoay quanh mỗi dự án, thì các hãng lớn nên thật sự chú trọng và cực kì cẩn thận nếu dự định dùng “anti-climax” trong bất kì tựa phim nào khác trong tương lai.

Bloodshot chính thức công chiếu ngày 13/3/2020.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Đông Hải

Được quan tâm

Tin mới nhất