Trong những danh sách phổ quát nhất về Top 10 hoặc Top 5 “Phim Tây Ban Nha của mọi thời đại”, hầu như chưa có câu chuyện phim nào của xứ sở này thực sự chạm đến quá khứ của các nước hoặc các vùng đất từng là thuộc địa của Tây Ban Nha. Palm Trees in the Snow, một trong những dự án phim mới nhất của điện ảnh Tây Ban Nha đương đại có đề tài về hậu thuộc địa, dường như có tham vọng trở thành một phim tân kinh điển của “cấm chế” như thế!
Từ những thước phim Tây Ban Nha kinh điển…
All About My Mother (năm 1999) có thể nói là bộ phim Tây Ban Nha được công chúng khắp thế giới biết đến nhiều nhất, sau khi đoạt giải Quả Cầu Vàng và giải Oscar năm 2000 Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc, trước đó phim này đã nhận được đề cử Cành Cọ Vàng tại Liên hoan phim Cannes năm 1999. Bộ phim cũng đã giúp đạo diễn Pedro Almodóvar chiến thắng với giải Đạo diễn xuất sắc tại LHP Cannes 1999. Ngay từ dòng taglines, người xem đã thấy bao hàm một tổng thể về giới, như thể đó là mẫu số chung trên thế giới này: “Một phần của mỗi người đàn ông là một phụ nữ. Và một phần của mỗi người phụ nữ là một người mẹ/ nữ diễn viên/ thánh/ tội nhân”.
Tuy nhiên, câu chuyện phim không hề đơn thuần chỉ là một đạo hàm hoặc định nghĩa lý thuyết mang tính khái quát chung về thuộc tính này. Thậm chí bộ phim dù là một câu chuyện thương tâm nhưng lại được kể rất sát sườn với nhiều khoảnh khắc tồn tại vui sống, trong cuộc tồn sinh ngoài mọi dự liệu của các nhân vật: Manuela là một người mẹ đơn thân, làm việc chăm chỉ để nuôi đứa con trai Esteban của mình, ngay từ lúc được sinh ra. Ấy vậy mà vào đúng sinh nhật thứ 17 của Esteban thì Manuela đã vĩnh viễn mất con trai của mình, trong một tai nạn bất ngờ. Manuela đã quyết định rời Madrid trở về Barcelona để chia sẻ với cha ruột của Esteban về sự thật đau buồn này. Và đó cũng là một hành trình đầy những khám phá bất ngờ về đời thật bị che khuất của Manuela…
Một phim khác, Talk to Her (2002), cũng vẫn do Pedro Almodóvar viết kịch bản và đạo diễn, từng được báo Time bình chọn là bộ phim hay nhất trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, thuộc danh sách 100 Phim hay nhất mọi thời đại. Talk to Her đã chiến thắng ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc tại giải Quả Cầu Vàng năm 2003, giúp Pedro Almodóvar đoạt giải Viết kịch bản gốc xuất sắc trong mùa giải Oscar 2003, bên cạnh đề cử giải Đạo diễn xuất sắc của Oscar cùng năm.
The Sea Inside (2004) do Alejandro Amenábar viết kịch bản và đạo diễn cũng là một tuyệt phẩm điện ảnh để đời của Tây Ban Nha, với câu chuyện đầy thổn thức về một người đàn ông bị liệt đã đấu tranh ròng rã suốt 30 năm cuối của đời mình, chỉ để có quyền được chết không đau đớn (An tử). Dựa trên cuộc đời thực của ông Ramón Sampedro, và được chính người nhà của ông chấp thuận cho việc tái hiện lên phim, với tình yêu cuộc sống và cái chết của ông.
The Sea Inside đã khuynh đảo Giải thưởng Điện ảnh Goya năm 2005 của Tây Ban Nha, chiến thắng giòn giã với 14 hạng mục quan trọng của tổng cộng 15 đề cử nhận được. Phim đã giúp Alejandro Amenábar đoạt giải Đạo diễn tại Giải thưởng Điện ảnh Châu Âu năm 2004, nhận được đề cử Sư Tử Vàng tại LHP Venice 2004, đoạt giải Phim nước ngoài xuất sắc tại Giải thưởng Tinh thần Độc lập năm 2005, tiếp tục chiến thắng tại giải Quả Cầu Vàng 2005 và giải Oscar 2005 dành cho Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất.
The Secret in Their Eyes (2009) của đạo diễn Juan José Campanella, có thể loại chủ đạo là Thriller và Mystery nên cách kể chuyện mang đậm phong cách Kinh dị theo kiểu tâm lý điều tra. Đây là câu chuyện phá án của một viên thanh tra Argentina đã nghỉ hưu, cũng đồng thời là một nhà văn đang viết tiểu thuyết, sử dụng nguồn tư liệu là một hồ sơ đã đóng về một vụ án hiếp- giết tàn bạo. Ánh sáng luôn còn ở phía khuất bóng của công lý chính là điều khiến nhân vật bận tâm nhất, cũng là tinh thần tối thượng của câu chuyện phim. The Secret in Their Eyes là phim hợp tác giữa Argentina và Tây Ban Nha, đại diện Argentina tranh cử và chiến thắng trong hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc tại giải Oscar 2010.
Biutiful (năm 2010) của đạo diễn lừng danh Alejandro G.Inarritu hẳn nhiên không thể không nhắc đến. Cốt truyện có phần mang hơi hướng tâm linh, kể về Uxbal, một người đàn ông sống trong thế giới thực nhưng lại có thể nhìn thấy cái chết của chính mình. Ngoài ra Biutiful còn được phối trộn những hiện thực khắc nghiệt của đời sống đương đại, bởi lẽ Uxbal còn là một người cha đơn thân với hai đứa con, bắt buộc phải tồn sinh trong thế giới ngầm của tội phạm ở Barcelona.
Uxbal cũng đồng thời phải sống thường trực trong trạng thái tâm thần thể “Hưng trầm cảm”, di chứng của một tình yêu với hôn nhân tan vỡ, vấn nạn bị lạm dụng tình dục từ người thân. Biutiful do Alejandro G.Inarritu viết kịch bản, là phim hợp tác giữa Mexico và Tây Ban Nha nên đại diện Mexico nhận đề cử Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc mùa giải Oscar 2011. Trước đó phim này cũng nhận được đề cử Cành Cọ Vàng tại LHP Cannes năm 2010. Alejandro G.Inarritu gần đây cũng đã liên tục có phim mới tranh giải Oscar, như Birdman (2014); The Revenant (2015).
…đến phim Tây Ban Nha hồi niệm “hậu thuộc địa.
Palm Trees in the Snow, một tuyệt phẩm điện ảnh mới nhất của Tây Ban Nha, do đạo diễn Fernando González Molina chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Luz Gabás, vốn dĩ là một tác phẩm thuộc hàng Best-seller khi được chính thức phát hành tại Tây Ban Nha từ năm 2012, đến nay đã bán ra hơn 500.000 bản. Để hiệu quả cho việc ghi hình mang tính phục dựng quá khứ, đoàn phim đã đến đảo Gran Canaria thuộc quần đảo Canary của Tây Ban Nha (nằm ở ngoài khơi phía Tây Châu Phi, trong Đại Tây Dương), trồng hơn 400 cây Cọ và tái hiện đồn điền Cacao ở Guinea- vốn dĩ đã từng tạo nên thương hiệu Cacao Sampaka và là thành phẩm Chocolate huyền thoại của Barcelona một thuở.
Huy động toàn trình với hơn 70 diễn viên, 200 nhân viên kĩ thuật và hơn 2000 thành viên khác nữa, ngân sách dành cho sản xuất ước lượng vào khoảng 10 triệu Euro, Palm Trees in the Snow được xem như là một trong những dự án phim thuộc hàng “bom tấn” của điện ảnh Tây Ban Nha đương đại. Chỉ trong 3 ngày đầu tiên công chiếu tại Tây Ban Nha, bộ phim đã thu hút 500.000 lượt người xem, và đã thành công vang dội với hơn 3 triệu lượt người xem tại khắp các phòng vé ở chính thị trường nội địa của mình.
Lẽ đương nhiên, không phải kinh phí đầu tư hoặc cách thức ghi hình là điều khiến cho Palm Trees in the Snow trở nên ngoạn mục trong cách nhìn nhận đánh giá từ các nhà phê bình phim quốc tế, hoặc với riêng khán giả sở tại. Sự chủ đạo cũng đồng thời là tinh thần chính yếu làm nên giá trị lưu cữu ở thì Hiện tại của phim, hẳn nhiên là đến từ cuộc hành trình lần ngược về Quá khứ của nhân vật nữ Clarence, từ thời điểm năm 2003 của câu chuyện phim, nơi vùng núi Huesca quanh năm lạnh giá của vùng Pyrénées giáp giới giữa Tây Ban Nha với Pháp. Cung đường “xuyên không” ấy khiến cô không ít lần phải đụng độ về ý thức hệ với nhiều thanh niên bản xứ của vùng đảo Bioko thuộc Guinea, xứ Tây Phi.
Những va đập bước đầu này dường như đã dọn đường một cách nghiệt ngã về những năm 1954, nơi người cha Jacobo cùng người chú Kilian của cô đã trải qua những năm tháng tuổi trẻ yêu thương nghiệt ngã cùng cô gái bản địa Bisila người Bubi của Guinea. Đó cũng chính là hành trình lịch sử của người Tây Ban Nha với xứ sở đã từng là thuộc địa của mình: vùng đảo Fernando Pó (bây giờ là Bioko) ngoài khơi bờ biển Tây Phi, từng có tên ban đầu là Formosa Flora (Bông hoa Xinh đẹp)- là một phần của Guinea. Tình sử bi thương dằng vặc suốt kiếp người giữa Kilian và Bisila có lẽ cũng chính là tâm thức đầy ám ảnh của dân tộc Tây Ban Nha thời hậu thuộc địa, với những sám hối truyền đời về tội lỗi cưỡng đoạt và xâm thực.
Phim Palm Trees in the Snow của đạo diễn Fernando González Molina đã nhận được nhiều đề cử tại Giải thưởng Goya 2016 (Giải thưởng Điện ảnh danh giá hàng đầu Tây Ban Nha), chiến thắng ở các hạng mục: Ca khúc gốc xuất sắc; Thiết kế Sản xuất xuất sắc.
Phim Palm Trees in the Snow (tên phim phát hành tiếng Việt: Đảo tình yêu), khởi chiếu tại Việt Nam từ 22/04/2016.