Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

'Ông hoàng Oscar 2020' - Ký sinh trùng (Parasite): Niềm tự hào châu Á, kỳ tích điện ảnh đến từ hiện thực nghiệt ngã

Tại lễ trao giải Oscar 2020, phim điện ảnh Parasite (Ký sinh trùng) của đạo diễn Bong Joon Ho đã đại thắng với các hạng mục quan trọng: Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Kịch bản gốc xuất sắc nhất và Phim nước ngoài hay nhất.

Ký Sinh Trùng thuộc thể loại hài kịch đen do Bong Joon Ho làm đạo diễn kiêm viết kịch bản cùng Han Jin Won, với sự tham gia của dàn diễn viên thực lực, nổi tiếng là: Song Kang Ho, Lee Sun Kyun, Cho Yeo Jeong, Choi Woo Shik, Park So Dam… Phim ra mắt vào tháng 5/2019 với thời lượng 130 phút kể về cuộc sống rất đời thường nhưng đầy ám ảnh về người giàu kẻ nghèo trong xã hội Hàn Quốc hiện đại, nơi con người vẫn hằng ngày tìm cách để được sống mà hít thở bầu không khí trong lành, đắm mình trong ánh nắng tinh khiết và khát khao, hy vọng rồi chấp nhận thực tại vốn dĩ luôn khắc nghiệt.

Kịch bản của Ký Sinh Trùng bắt đầu tại một căn nhà ở dưới lòng đường, tọa lạc sâu bên trong những con hẻm, góc phố của thủ đô Seoul hoa lệ. Tại đây có gia đình nhà ông Kim Ki Taek (Song Kang Ho) sống quanh quẩn, ngày qua ngày trong ngôi nhà chật hẹp, tồi tàn; tựa như một căn hầm tối tăm, dơ bẩn hôi thối. Họ thất nghiệp và kiếm sống tạm bợ bằng nghề gấp hộp bánh pizza cho đến khi anh chàng sinh viên Min Hyuk (Park Seo Joon) xuất hiện, cuộc đời của bốn người nhà ông Kim đã thay đổi choáng váng.

Min Hyuk đến cầm theo một hòn đá phong thủy, vật hiện thân cho sự may mắn để tặng cho Ki Woo (Choi Woo Sik), đứa con trai đáng tự hào của ông Kim. Sau đó, anh ta nhờ Ki Woo giả danh làm gia sư tiếng Anh cho cô tiểu thư của một gia đình giàu có. Ki Woo đã gật đầu đồng ý và bước đến căn nhà xa hoa, lộng lẫy của quý ông Park Dong Ik (Lee Sun Kyun); ở chốn giàu sang phú quý này cậu đã được gặp gỡ quý bà Park (Jo Yeo Jeong) hiền hậu, cô con gái Da Hye xinh đẹp, cậu con trai Da Song nghịch ngợm và bà giúp việc Moon Gwang.

Họ là những kẻ giàu có thân thiện, rất dễ tin người vì vậy Ki Woo đã nhanh chóng lấy được lòng tin của bà Park và liều lĩnh lên một kế hoạch táo bạo khi giới thiệu cô em gái Ki Jung (Park So Dam), bậc thầy về Photoshop; giả dạng làm nữ sinh viên mỹ thuật xuất sắc vào dạy vẽ cho cậu bé Da Song. Kế hoạch dễ dàng thành công rồi hai đứa con họ Kim lại tiếp tục mưu tính để đưa bố là ông Kim Ki Taek vào làm lái xe và mẹ là bà Chung Sook (Jang Hye Jin) làm người giúp việc.

Họ vui vẻ với công việc mới, tràn trề hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn thế nhưng cuộc đời vốn lắm điều bất ngờ và kế hoạch luôn tồn tại những thứ vượt ngoài tầm kiểm soát. Khi bầu trời đổ cơn mưa tầm tã, bà giúp việc cũ Moon Gwang (Lee Jung Eun) đã quay trở lại, lấy đồ ở trong căn hầm nhà ông Park; lúc đó cũng là khi sự thật được phơi bày, những con “ký sinh trùng” đã tranh chấp, giết hại lẫn nhau để được sống trên người “vật chủ”. Trong đêm mưa tối, hiện thực hiện lên đầy chua xót và cay đắng.

Câu chuyện của Ký Sinh Trùng ẩn chứa muôn vàn sắc thái với tính hài hước trào phúng, chính kịch đan xen chút kinh dị, bí ẩn khiến khán giả được trải qua những cung bậc điện ảnh giàu cảm xúc, đi từ bất ngờ này sang ngạc nhiên khác vì không thể ngờ được những điều xảy ra trong phim lại kịch tính, gay cấn và ám ảnh đến như vậy. Ấn tượng và gây sốc nhưng cũng rất bình dị và thiết thực là những gì mà khán giả được trải nghiệm, thấu hiểu khi dõi theo tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Bong Joon Ho.

Chuyện về “ký sinh trùng” và “vật chủ”, về kẻ giàu sang người nghèo hèn. Hai khái niệm khác biệt nhưng lại hòa nhập vào nhau để tồn tại trong một ý nghĩa giàu tính nhân văn

Tác phẩm có tựa đề là Ký Sinh Trùng nhưng những gì diễn ra trong phim lại không có sự tồn tại của virus hay loài ký sinh gây mầm bệnh chết chóc nào mà đó chỉ là một khái niệm mang nghĩa bóng miêu tả về một chủng loài đang bám vào những “bậc thang” địa vị xã hội để sinh sống, đó là: con người.

Chuyện phim đã dẫn dắt người xem dõi theo quá trình “ký sinh trùng xâm nhập vật chủ” được xây dựng rất tài tình, ẩn ý qua các tình tiết bốn thành viên gia đình ông Kim từng người một bước vào dinh thự của ông Park. Những “ký sinh trùng” đã tìm được “vật chủ” và bắt đầu hút lấy nguồn sống tươi mới, dồi dào chất dinh dưỡng; sự tham lam chiếm hữu cũng hình thành từ đó.

Theo một quy luật tự nhiên, “ký sinh trùng” với lối sống “ăn bám” luôn sinh sôi, nảy nở và phát triển rất nhiều thế nên mảnh đất màu mỡ của “vật chủ” không thể chứa đủ cho tham vọng, khao khát tồn tại của “ký sinh trùng”. Điều đó dẫn đến chiến tranh, đối đầu và bốn người họ Kim khốn khổ phải chiến đấu với hai vợ chồng bà Moon Gwang. Bà giúp việc cũ Moon Gwang trong đêm mưa tối đến nhà ông Park lấy lại đồ cũ đó đã cất giấu một bí mật kinh hoàng, khi bà ta đã nuôi chồng mình, ông Oh Geun Se (Park Myung Hoon) dưới tầng hầm suốt 4 năm trời.

Khi hai giống loài ký sinh nhìn thấy bộ mặt xấu xa, tồi tệ của nhau thì cũng là lúc cao trào được đẩy lên; họ đã lao vào cấu xé, trừng phạt để giành quyền sống, cố gắng che lấp âm mưu của mình. Trong tiếng mưa rơi hòa lẫn với giai điệu giao hưởng da diết; những kẻ nghèo khổ đã đấu tranh quyết liệt để bảo vệ quyền lợi bản thân. Khung cảnh đó được diễn tả mang tính trào phúng, thể hiện sự chua xót, sâu cay của cái nghèo lúc lâm vào hoàn cảnh khốn khó, khi lợi ích về cuộc sống sung túc, ấm no hay đơn giản chỉ là được sống bị đe dọa. Thế rồi khi “vật chủ” trở về, ánh đèn được bật sáng, những “con gián” sống ký sinh lại chạy trốn, chui lủi vào bóng tối để im lặng chờ đợi, tìm kiếm cơ hội sống sót tiếp theo.

Nhưng “ký sinh trùng” đâu phải chỉ người nghèo và “vật chủ” cũng không hẳn là kẻ giàu. Như bốn thành viên nhà ông Park phải sống “ký sinh” vào người nghèo, không thể làm những công việc nhà bình thường như nấu nướng, dọn dẹp, lái xe hay nuôi dạy con cái; vợ chồng họ Park phải dùng tiền bạc và sự cả tin để thuê người khác thực hiện nghĩa vụ của người cha, người mẹ.

“Ký sinh trùng” về bản chất là nương nhờ, bám vào “vật chủ” để có nguồn sống như bà Yeon Kyo, vợ ông Park thuộc kiểu phụ nữ vô dụng sống dựa vào tiền bạc, danh vọng mà chồng tạo nên, bà ta không biết làm việc nhà hay nuôi dạy con cái thế nên mọi công việc đều phải thuê người làm thay, ông Park thì sống vì vị thế, sự kính trọng tôn sùng giả tạo của người đời và thứ tình yêu mơ hồ với vợ con; cô gái Da Hye thì thiếu thốn tình cảm của cha mẹ nên dễ xiêu lòng và tin tưởng vào tình yêu với anh gia sư Ki Woo còn cậu bé Da Song được cả nhà quan tâm nhưng lại bị bất ổn về mặt tâm lý, luôn tự sống theo phong cách tự do, hoang dã trong thế giới của riêng mình. Bốn người nhà ông Park đều thấp thoáng hình bóng của nỗi cô đơn, họ sống giữa sự dồi dào của vật chất lại thiếu thốn về mặt tình cảm trái ngược với thành viên gia đình ông Kim dù nghèo đói nhưng luôn quây quần vui vẻ ở bên nhau, bất kể là lúc đau khổ hay hạnh phúc.

“Ký sinh trùng” chính là con quái vật đang ngự trị vào ý thức, nhân cách của mỗi con người trong sự phân hóa giữa giàu nghèo, mâu thuẫn khác biệt giữa các tầng lớp xã hội. Nó hình thành nên sự mặc cảm, tự tin từ cái nghèo của người lao động, dẫn dắt dục vọng, tính tham lam của họ để tìm cách rút ngắn khoảng cách giai cấp, xóa bỏ định kiến hay sự coi thường, khinh miệt để được công nhận mà từ đó nảy sinh ra những hành động trái với lương tâm đạo đức. Nó gặm nhấm, ăn sâu vào suy nghĩ của người giàu, khiến họ luôn tự đề cao, coi trọng bản thân và cho mình là giống loài thượng đẳng nên có cái quyền dùng đồng tiền để chi phối, khinh rẻ, miệt thị người ở tầng lớp thấp kém hơn.

Bộ phim đã dựng nên một vở hài kịch đẫm máu có tính thâm thúy mà tinh tế để đả kích, giễu nhại sự lố lăng của kẻ giàu và cái ma mãnh, quỷ quyệt lừa lọc của người nghèo. Cuối cùng sự phân hóa sâu sắc giai cấp xã hội đã dẫn đến bi kịch; dòng máu chảy đỏ thẫm, xác người nằm la liệt, tiếng la hét khóc lóc để hạ màn một tấn trò đời. Người cha nghèo khổ Kim Ki Taek sau khi chứng kiến đứa con gái bị đâm chết, đứa con trai vỡ đầu đi cấp cứu, vợ đang vật lộn để thoát chết và đỉnh điểm là cái bịt mũi khó chịu của lão chủ họ Park đã thúc giục ông hành động, đưa dao lên đâm một nhát chí mạng vào lão Park. Con “ký sinh trùng” rồi cũng giết chết “vật chủ” và lại đi tìm cho chính mình một “vật chủ” khác để sinh tồn, tiếp tục kiếp sống vật vờ, bám víu vô nghĩa.

Chất điện ảnh thấm đẫm tính trừu tượng “rất đời”

Cái hay, sự sâu sắc của Ký Sinh Trùng được khắc họa đầy tinh tế, ẩn dụ trong mỗi thước phim, hình ảnh đậm chất nghệ thuật. Sự nghèo hèn hiện hữu trong khung cảnh ẩm thấp, căn hầm u tối chật vật với những kiếp sống mưu sinh của nhà ông Kim tương phản với sự tráng lệ, rộng lớn tràn đầy ánh sáng của gia đình ông Park.

Sự phân biệt giàu nghèo được vẽ nên với những gam màu, hình tượng đối lập mang nhiều tầng ý nghĩa, giá trị điện ảnh.

Bắt đầu là hòn đá phong thủy, vật đem lại tài lộc cho gia đình họ Kim, biểu tượng cho sự giàu có, thịnh vượng mà Ki Won luôn mong mỏi, khao khát. Viên đá mang theo tham vọng của một chàng trai trẻ muốn đổi đời nhanh chóng, nó đè nặng và gặm nhấm lấy tâm hồn cậu. Trong cơn lũ, Ki Won đã ôm khư khư giữ lấy hòn đá như bảo vật và dùng nó để giải quyết hai kẻ ở dưới tầng hầm là Moon Kwang và chồng bà ta nhưng quả báo đã đến với cậu. Hòn đá - vật đem lại may mắn đã tuột khỏi tay Ki Won khi cậu bước xuống căn hầm tăm tối và tai họa đã ập đến. Hòn đá cũng chỉ là vật vô tri vô giác nhưng dưới suy nghĩ, hành động của con người nó đã được hình tượng hóa để gieo nên niềm tin cùng tội ác, biến kẻ lương thiện thành quỷ dữ vì tiền tài, phú quý.

Bậc cầu thang hiện lên thường xuyên ở mỗi phân cảnh, đặc biệt là ở phần mở đầu của phim như để giới thiệu về sự phân cấp giữa hai tầng lớp xã hội. Ở địa vị cao, thượng lưu là những bậc thang hướng phía trên khi mọi người đều phải bước lên đến dinh thự của ông Park còn trái lại vị trí thấp kém thì phải đi xuống với căn nhà dưới lòng đường của ông Kim hay tầng hầm của vợ chồng bà Moon Gwang. Những bậc cầu thang tựa như đang dẫn loài người lên thiên đường và xuống địa ngục theo từng thân phận, hoàn cảnh khác biệt.

Tầm nhìn ngoài cửa sổ cũng khiến người xem day dứt, suy ngẫm khi ông Kim và vợ cùng các con phải nhìn thế giới bên ngoài chỉ qua lớp cửa sổ kính nhỏ bé đặt ngay bên cạnh lề đường, nơi hằng ngày những người qua kẻ lại tùy hứng phóng uế lên đó. Ngược lại cánh cửa của căn hộ cao cấp nhà họ Park lại rộng rãi, thoáng đãi để ánh nắng tràn vào, bừng sáng cả ngôi nhà. Chỉ đơn giản là cánh cửa hướng ra ngoài nhưng lại phản ánh rõ nét thân phận, đời sống trái ngược của nghèo khổ và giàu sang.

Và cái nghèo đã thực sự được khắc sâu, thấm đẫm trong cơn mưa tầm tã rơi trên bước chân vội vã của ba bố con họ Kim khi họ chạy trốn khỏi căn biệt thự. Sự cùng cực, khốn cùng đó đã hiện diện nơi cơn mưa cuốn trôi đi mọi đồ đạc trong ngôi nhà ở dưới lòng đường, hình ảnh nước thải bắn lên tung tóe và cô gái Ki Jung bình thản ngồi hút thuốc tựa như một sự chấp nhận đầy cay đắng, bất lực trước hiện thực phũ phàng chết tiệt đeo bám gia đình cô. Cơn mưa đối với kẻ giàu là sự lãng mạn, họ sẽ ngồi ngắm mưa trong căn phòng ấm áp, thưởng thức vẻ đẹp của tạo hóa rơi xuống để chờ đợi ánh nắng của ngày mai tươi sáng. Còn với người nghèo mưa chính là nỗi đau khi tài sản, mọi nỗ lực, cố gắng của họ bị cuốn trôi để rồi khi mưa tạnh là sự túng thiếu được phơi bày, tàn khốc và đau đớn.

Sự bần hàn còn dai dẳng bám riết lấy ông Kim khi cái mùi hôi được vợ chồng nhà Park phàn nàn, kể lể cứ ngự trị lên người đàn ông trung niên đó dù ông đã giặt giũ, chùi rửa bằng xà phòng cũng không thể xóa bỏ được cái mùi ấy. Vì mùi hôi đó đã ăn sâu vào tầm tức của tầng lớp thượng lưu, thể hiện sự kỳ thị, để ý xét nét của kẻ lắm tiền trước sự vất vả, lam lũ của người lao động. Định kiến phân biệt được lên cao trào bởi hành động bịt mũi và chính điều đó đã khiến lòng tự trọng của ông Kim bị chà đạp, từ đó mà bộc phát lên hành động vượt quá tầm kiểm soát rồi dẫn đến một xã hội bạo lực, xung đột với kết cục bi thảm.

Ánh đèn chập chờn theo mã Morse thể hiện tiếng nói yếu ớt, hy vọng mong manh le lói của người nghèo trong thế giới giàu sang. Nó cũng truyền tải sự cô đơn, cùng cực của nhân loại khi lâm vào hoàn cảnh khốn cùng, phải sinh tồn ở dưới đáy xã hội. Bóng đèn nhấp nhánh truyền tải tín hiệu mà chỉ những người đồng cảnh ngộ mới có thể thấu hiểu như Ki Won cảm nhận được thông điệp muốn gửi gắm của bố mình, còn với Da Song đó cũng chỉ là một trò chơi trẻ con dù cậu bé đã giải mã được lời kêu cứu của gã trốn dưới tầng hầm phát lên.

Cái hay của Ký Sinh Trùng là đã khéo léo xâu chuỗi những chi tiết mang tính ẩn dụ, sắp đặt cầu kỳ tinh vi từng tình huống để tạo nên một tổng thể kịch tính trong từng phút giây, ma mị theo mỗi khung hình. Cuộc sống, góc khuất xã hội Hàn Quốc được lột tả đầy chân thực, trần trụi qua không gian đầy biến hóa với những sắc màu nghệ thuật hài hòa, xen kẽ trong phần âm thanh là bản nhạc giao hưởng có giai điệu, tiết tấu dồn dập như giễu cợt, đánh vào tâm thức người xem khiến thiên hạ phải rùng mình sợ hãi. Bộ phim đã dùng những chất liệu điện ảnh chất lượng cao để diễn tả nên cái sự đời đầy biến động của nhân loại.

Những nhân vật không ai tốt hay xấu hẳn, họ chỉ là vừa đáng thương vừa đáng sợ

David Ehrlich của tờ Indiewire đã viết “Parasite (Ký Sinh Trùng) không có người tốt hẳn hoặc xấu hẳn, không ai được Bong Joon Ho xây dựng đáng sống hay nên chết nhất”, vị đạo diễn tài năng đã xây dựng nên một hệ thống nhân vật có tâm lý phức tap, nội tâm mâu thuẫn giữa đúng sai, giữa khát vọng và thực tiễn. Những nhân vật tốt hay xấu được xác định thông qua giá trị của đồng tiền vì “Có tiền nên mới tốt bụng” hay vì tiền mà con người ta mới trở nên xấu xa. Kẻ giàu có tiền nên mới làm từ thiện, trở thành “đấng cứu thế” còn người nghèo vì tiền mà bán rẻ lương tâm, mưu mô toan tính để thành kẻ giàu. Đó như một cái vòng tuần hoàn luẩn quẩn, chi phối con người lạc lối trong mê cung giữa phải trái, thiện ác khó phân định.

Như vợ chồng họ Park giúp người nhà ông Kim thoát khỏi cảnh thất nghiệp, mang theo hy vọng đổi đời nhưng suy cho cùng thì với hai kẻ giàu sang đó bốn thành viên mới đến kia cũng chỉ là người làm công hưởng lương, lấy tiền bạc ra trao đổi dịch vụ đến khi có biểu hiện không làm tốt thì sẽ bị loại bỏ không thương tiếc như bà giúp việc Moon Gwang, dù là người làm lâu năm cũng bị xua đuổi một cách nhanh chóng. Còn bốn người họ Kim tha hóa, biến chất, lừa dối để làm giàu cũng chỉ vì mong ước nhỏ nhoi là được sống trong một ngôi nhà tốt, thoát khỏi cảnh thiếu thốn, đói khổ. Chúng ta vì tiền mà đánh đổi tất cả để đến khi nhận ra sai lầm thì đã quá muộn.

Bức tranh châm biếm, mang tính ngụ ngôn của Ký Sinh Trùng được phác họa bởi diễn xuất chân thực, tự nhiên, dày dặn kinh nghiệm của dàn diễn viên tài năng. Họ đã lột tả sống động hình ảnh đối lập giữa những giống loài trong xã hội; nổi bật trong đó là sự sang chảnh, kiêu sa hiện hữu trong gương mặt lạnh lùng của ông Park đối lập với vẻ khép nép, khắc khổ in hằn lên thân hình của người bố Kim Ki Taek. Sự kinh dị trong phim cũng ẩn hiện qua những góc quay cận mặt của mỗi diễn viên, bộc lộ rõ cảm xúc biến đổi liên tục của họ tạo nên bầu không khí u ám, lạnh lẽo, phảng phất sự kinh dị. Như nụ cười quái đản trong đêm mưa của bà Moon Gwang, khuôn mặt đẫm máu với đôi ngươi mở trừng điên rồ của gã Geun Se hay ánh mắt bi phẫn đau thương của ông Kim khi nhìn bữa tiệc tàn cuộc trong máu; những diễn biến kỳ dị từ tâm lý của nhân vật đó khiến người xem phải ớn lạnh.

Bong Joon Ho đã xuất sắc xây dựng nên một sân khấu với những con người được đặt trong tình cảnh khốn cùng, kinh hãi nhưng rất thực tế như cuộc đời vốn diễn ra như vậy.

Tuyệt phẩm tạo nên những kỳ tích lịch sử cho điện ảnh Hàn Quốc

Thông thường những tác phẩm được lòng giới phê bình đánh giá cao thường kén người xem nhưng Ký Sinh Trùng lại khác khi ngay từ khi công chiếu phim đã tạo nên vô số kỷ lục về mặt doanh thu. Bộ phim đã tạo nên “cơn sốt” phòng vé vào mùa hè năm 2019 khi khởi chiếu tại Hàn Quốc vào ngày 30/5 và thù về 30 tỷ won sau 5 ngày công chiếu với 3.7 triệu lượt xem. Hiện tại, phim đã vượt mốc cơn số 10 triệu lượt khán giả phòng vé tại xứ Hàn.

Đến Việt Nam vào ngày 21/6/2019, Ký Sinh Trùng đã dắt túi 50 tỷ đồng với hơn 650 nghìn khán giả, chính thức trở thành phim Hàn có doanh thu phòng vé cao nhất tại thị trường Việt Nam.

Theo tờ The Hollywood Reporter của Mỹ thì Ký Sinh Trùng đã lập kỷ lục doanh thu phòng vé toàn cầu với 145 triệu USD. Tại thị trường Bắc Mỹ phim đạt được 9,4 triệu USD, trở thành phim nước ngoài có doanh thu cao nhất trong năm 2019.

Đó là những chiến tích lừng lẫy về mặt doanh thu còn sự công nhận, đánh giá về giá trị điện ảnh Ký Sinh Trùng được tán dương qua hàng loạt giải thưởng danh giá như sau:

Đạo diễn xuất nhất, Phim nước ngoài hay nhất tại Oscar 2020, trở thành phim Hàn Quốc đầu tiên nhận tượng vàng danh giá tại lễ trao giải lớn nhất hành tinh.

Phim nước ngoài hay nhất tại giải Quả Cầu Vàng lần thứ 77, đánh dấu bước ngoặt lịch sử khi Ký Sinh Trùng là tác phẩm Hàn Quốc đầu tiên lập nên thành tích này.

Ký Sinh Trùng là phim do Hàn Quốc sản xuất đầu tiên được nhận giải thưởng Cành cọ vàng cho phim hay nhất tại Liên hoan phim Canes lần thứ 72.

Nam diễn viên Song Kang Ho (vai Kim Ki Taek) vinh dự nhận giải thưởng danh giá Excellence Award của Liên Hoan Phim Lorcano lần thứ 72. Song Kang Ho là nghệ sĩ châu Á đầu tiên được nhận giải thưởng cao quý này.

Đạo diễn Bong Joon Ho cùng diễn viên Song Kang Ho nhận Huân chương Văn hoá Eungwan (hạng 2) và Huân chương Văn hoá Okgwan (hạng 4) từ Chính phủ Hàn Quốc

Bong Joon Ho giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất, Jo Yeo Jeong giành giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất và Lee Jung Eun nhận giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Rồng Xanh lần thứ 40.

Hiệp hội Phê bình phim Hàn Quốc 2019 đã trao cho Ký Sinh Trùng giải Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất và Quay phim xuất sắc nhất

Viện Hàn lâm điện ảnh Úc lần thứ 9 trao giải thưởng Quốc tế và Phim hay nhất.

Hiệp hội Phê bình phim Chicago trao giải Phim hay nhất, Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất và Kịch bản gốc hay nhất.

Với những thành công rực rỡ đã đạt được thì Ký Sinh Trùng xứng đáng là niềm tự hào của nền điện ảnh Hàn Quốc.

Ký Sinh Trùng là một trong những tác phẩm điện ảnh xuất sắc nhất thế giới của thập niên 2010, bộ phim mà bất cứ ai cũng nên xem ít nhất một lần trong đời để chiêm nghiệm, suy ngẫm và được thấu hiểu, sợ hãi khi tìm thấy bản ngã của chính mình ở đâu đó từ những nhân vật “kí sinh” đang vật lộn để được tồn tại giữa dòng đời nghiệt ngã.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Vô Diện

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giải mã sức hút của show 'Hành Trình Kỳ Thú' đang phát trên MyTV