Nằm trong ngõ nhỏ ở phố Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), nhà nghệ sĩ Hồng Chương được phủ mát bởi hàng cây cổ thụ. Những cây cảnh trong nhà như xanh, phong lan, mẫu đơn… cũng một tay ông chăm sóc. Nghệ sĩ Hồng Chương bảo:“Việc chăm sóc cây là cả một nghệ thuật, chứ không đơn thuần là việc cắt cắt tỉa tỉa”.
Nghệ sĩ Hồng Chương năm nay đã bước sang tuổi 83. Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng ông vẫn rất minh mẫn. Ông nói về nghiệp diễn say mê và tràn đầy nhiệt huyết. Ông nhớ kỷ niệm diễn ông bác mù trong phim Đạo nhà, được khán giả gọi là “cụ Cố” ở ngoài đời khi diễn tác phẩm Trò đời của đạo diễn Nhuệ Giang, hay trải nghiệm cảm giác nằm trong quan ở phim ngắn Người đợi chết của một sinh viên trường Sân khấu - Điện ảnh.
“Ông bụt” của làng điện ảnh Việt cho hay: “Người diễn viên diễn phải có tâm, bằng đam mê chứ không diễn chỉ đòi hỏi danh vọng hay quyền lợi. Có lẽ những nghệ sĩ trẻ chưa hiểu được những ngụ ý này, nhưng tôi tin thời gian sẽ nghiệm chứng điều đó”.
“Ai cũng thích nổi tiếng, nhưng trước khi nổi tiếng thì phải làm đúng cái nghề nghiệp của mình. Như nghề viết báo chẳng hạn, cái đựng nhiều máu nhất là ngòi bút. Ngòi bút là lưỡi không xương nhưng nhiều đường lắt léo. Phải yêu, phải cười, phải khoan dung chứ đừng oán giận, ghen ghét, đố kỵ”, “cụ Cố Hồng” chia sẻ thêm.
Trong suốt sự nghiệp, nghệ sĩ Hồng Chương không thể nhớ nổi đã đóng bao nhiêu bộ phim, chỉ biết rằng nó lớn hơn tuổi ông gấp hai, ba lần. Ông cho hay, mỗi một lần nhận vai là chất dày thêm những kỷ niệm làm nghề. Và đã là nghề nghiệp thì phải đem cái tâm, trí tuệ nhập hết vào, diễn bằng hồn mới thu hút khán giả. Ông không đồng tình với trào lưu sính ngoại của khán giả Việt, chỉ xem những phim của Mỹ, Ấn Độ hay Hàn Quốc mà quên đi phim Việt, bởi phim Việt không dở tệ chút nào.
Nghệ sĩ Hồng Chương nhận định, cái khó nhất với bộ môn nghệ thuật thứ 7 là thực hiện một phim ngắn. “Thế nên, nhiều thi hào trên thế giới như Victor Hugo, Maksim Gorky hay Lev Nikolayevich Tolstoy bảo rằng, họ không đủ thời gian viết cái ngắn, chỉ đủ trí tuệ và thời gian để viết cái dài”. Nhưng viết ngắn khó lắm! Ngắn là sự cô đọng, đúc kết, chắt lọc ý tứ và thể hiện tư duy của chủ thể sáng tác, không phải ai cũng có thể làm được.
Khi được hỏi, sau bao nhiêu năm cống hiến cho nghệ thuật, nhưng nghệ sĩ Hồng Chương vẫn chưa một lần được phong tặng danh hiệu NSƯT, ông xua tay: “Với tôi 2 từ diễn viên đã quá đủ trong sự nghiệp diễn xuất. Tôi không đòi hỏi phải được Nhà nước phong tặng Nghệ sĩ ưu tú hay Nghệ sĩ Nhân dân gì cả. Đến tuổi này vẫn được cống hiến cho điện ảnh, cho nghệ thuật đã là một sự ban ơn của Tổ nghiệp”.
Không chỉ chia sẻ về nghiệp diễn, ông còn tâm sự về “tuổi thơ đầy dữ dội” của mình. Diễn viên Hồng Chương mồ côi cha mẹ từ nhỏ, phải đi làm thuê từ rất sớm: “Những công việc như gánh lúa, gánh phân, giúp việc, đào đất… tôi chẳng nề hà. Ai bảo gì tôi cũng làm miễn là có đồng tiền, miếng ăn”.
Mặc dù cuộc sống vất vả, nhưng may mắn, nghệ sĩ Hồng Chương được trời phú cho trí tuệ. Ông vốn thông minh, lại yêu con chữ nên ông được học hành đàng hoàng. Ông học đến trung cấp rồi đi làm công nhân đường sắt 4 năm. Thế nhưng vì đam mê nghệ thuật, ông đã rẽ ngang, bỏ nghề đường sắt để đi học lớp điện ảnh cùng khóa 1 với diễn viên Thế Anh, Trọng Khôi, Trà Giang, Đoàn Dũng, Nguyệt Ánh… Ông cho biết, không bao giờ ân hận với quyết định thời trai trẻ.
Nói về tình yêu lớn nhất của cuộc đời, nghệ sĩ Hồng Chương cho hay: “Tôi nên duyên với bà nhà khi đi sơ tán ở làng Văn Lâm, Hưng Yên. Tôi ra đồng gặt lúa, gánh lúa như người dân trong làng. Lúc đó ông Hoàng Minh Giám bảo, “Mày là nghệ sĩ sao làm nông giỏi thế?”, rồi gợi ý: “Mày lấy vợ quê tao đi”. Thế xong xui rủi thế nào tôi lấy bà“.
“Mối tình của tôi đơn sơ lắm, yêu nhau không dám nói. Tôi chênh bà 13 tuổi, nhưng tình yêu không có tuổi, tình yêu là sự hòa hợp tâm hồn. Có lúc người ta thấy chênh nhau quá, người ta nghi ngờ tôi là nội gián vì lấy một cô gái nông thôn”, ông nói thêm.
Chia sẻ về chặng đường mấy chục năm qua, nghệ sĩ Hồng Chương cho hay, ông luôn cảm thấy tâm hồn thư thái, dù công việc “không tên” làm ông bận rộn.
“Có ngày, một mình loay hoay với “đống” cây cảnh ngoài vườn, hoặc đi diễn phim từ sáng đến tối nhưng tôi vẫn cảm thấy may mắn. May mắn vì mình còn sức khỏe để làm việc”, ông cười.