Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

‘One Cut of the Dead’: Bước tiến mới của dòng phim zombie

Dù bạn xem phim với mục đích giải trí đơn thuần hay yêu thích những tìm tòi về ngôn ngữ điện ảnh, One Cut of the Dead cũng chiều lòng tất thảy.

Vừa ra mắt khán giả Việt Nam tại Liên hoan phim Nhật Bản 2018, One Cut Of The Dead đã ngay lập tức gây ra một cơn sốt nho nhỏ trong cộng đồng những người yêu điện ảnh nơi đây. Trong khi đó, tại thị trường quê hương, bộ phim đã trở thành một cơn bão lớn khủng khiếp càn quét khắp 350 rạp chiếu và thu về 3.03 tỷ yên, gấp 1010 lần so với con số 3 triệu yên ngân sách (số liệu ngày 3/12). Điều gì khiến một bộ phim độc lập có kinh phí “bé xinh” hơn 600 triệu đồng tiền Việt, quay trong 8 ngày với một ekip không chút tiếng tăm từ đạo diễn cho đến diễn viên, có thể vừa được giới phê bình ca ngợi lại vừa được đông đảo công chúng yêu mến như vậy?

Cảnh long take dài 37 phút

Có quá nhiều điều đặc biệt để nói về bộ phim này, mà trước hết, chúng ta hãy đến với ấn tượng đầu tiên: Cảnh long take dài 37 phút mở màn. Long take (cảnh quay dài không có xử lý cắt dựng) là loại cảnh quay tham vọng bậc nhất của giới đạo diễn, vì nó đòi hỏi rất nhiều tài năng và công phu để hoàn thành. Trong One Cut Of The Dead, bạn có thể thấy chuyển động máy quay khá thoáng và năng động, nhưng thật ra đó là hiệu ứng cố tình đạt được qua sự tập luyện và kiểm soát kỹ càng.

Cảnh quay càng dài càng khó, càng nhiều diễn viên càng khó, càng nhiều bối cảnh càng khó… và One Cut Of The Dead có tất cả những điều này. Thật khó mà tưởng tượng một cảnh 37 phút đã tiêu tốn của đoàn làm phim biết bao thời gian, khi chỉ một lỗi nhỏ cũng khiến họ phải làm lại từ đầu!

Nhưng tất nhiên, khán giả không thể yêu quý một bộ phim vì chỉ vì ekip đã vất vả để làm ra nó. Những phút đầu của One Cut Of The Dead khiến người xem rơi vào trạng thái đấu tranh tư tưởng “xem tiếp hay không xem tiếp” này: Bộ phim bắt đầu với cảnh một cô gái đang khóc lóc cầu xin anh bạn trai (đã bị biến thành zombie) rủ lòng thương. Diễn xuất tệ hại cùng bối cảnh, hóa trang… đều cho ta thấy đây là một bộ phim rẻ tiền đầy rẫy cliché của thể loại. “Cắt!” - đạo diễn hô lên đầy mệt mỏi. Và chúng ta biết họ đã quay cảnh này tới 42 lần mà đạo diễn vẫn chưa ưng ý. Ông lao vào mắng mỏ diễn viên, diễn viên cũng tỏ ra không vừa, không khí trở nên căng thẳng đến mức cả đoàn phải nghỉ quay để mọi người bình tĩnh lại.

Trailer phim.

Khi các diễn viên và người phụ nữ trang điểm đang nói chuyện với nhau thì một con zombie xông vào, chấm dứt cuộc nói chuyện gượng gạo của họ. Một con, rồi hai con, rồi đạo diễn?! Ông ta dường như đứng ngoài cuộc vật lộn giữa người với zombie, nhảy ra nhảy vào khung hình với những câu như “Diễn!”, “Không được dừng máy quay!”, “Đây chính là điện ảnh!”… Chuyện gì đang xảy ra thế? Trên màn hình vẫn là những cliché của phim zombie, nhưng có gì đó sai sai? Không phải những thứ ta đã xem cả ngàn lần trong những bộ phim trước. Bộ phim đang muốn nói gì đây?

Đơn cử, chúng ta đều biết zombie tấn công tất cả những người sống, nhưng tại sao đạo diễn lại không hề hấn gì? Cả người quay phim nữa? Anh ta lau máu trên máy quay và còn bị đẩy ngã, chứng tỏ anh ta có tồn tại. Nhưng tại sao chỉ trừ đạo diễn, tất cả các nhân vật đều tỏ ra không có ý thức gì về anh ta? Hay đạo diễn và quay phim là zombie? Nhưng zombie thì đâu thể hành động có lý tính như vậy được? Hay phim đang sáng tạo ra một “loài” thứ ba ngoài con người và zombie? Cả một gã áo vàng không-biết-là-ai ngồi gần cửa nữa? Tại sao anh ta ngồi im suốt cuộc vật lộn giữa người với zombie, sau đó mọi người đẩy được zombie ra ngoài rồi thì nhất quyết đòi ra ngoài với chúng? Zombie mới học được thuật hớp hồn người chăng?…

Đầu óc bạn sẽ quay mòng mòng với đủ loại câu hỏi như vậy suốt cảnh long take mở đầu. Khi cảnh này kết thúc, phần một của bộ phim cũng kết thúc. Chúng ta chuyển đến phần sau với thời điểm được lùi về một tháng trước - khi ekip (trong phim) đang ở giai đoạn chuẩn bị cho bộ phim. Chúng ta hiểu được những khó khăn trong công việc làm phim, dù là làm một bộ phim có-vẻ-nhảm-nhí như trên.


Sức hấp dẫn của phim thể loại (genre film)

One Cut Of The Dead có cái tên rất thú vị khi khéo léo giới thiệu được cả hai thể loại nó theo đuổi: Phim về chuyện làm phim (“One Cut”, nghĩa tương tự “long take” - cảnh quay dài, thể hiện một tham vọng về điện ảnh) và phim về zombie (“Of The Dead” là cụm từ đã trở nên quen thuộc qua series kinh điển “Living Dead” của George A. Romero, gồm 6 phim đều chứa đuôi “Of The Dead”).

Phim theo thể loại vốn có sẵn một lượng khán giả nhất định - những người mong muốn gặp lại những câu chuyện và khuôn mẫu họ yêu thích từ trước. Đây là cơ sở cho phim nhại ra đời - sử dụng những khuôn mẫu sẵn có để hướng cho khán giả một mong đợi nào đó, rồi ngay lập tức đi ngược lại để tạo ra cảm giác chưng hửng. Ví dụ như bộ phim nhại Shaun Of The Dead nổi tiếng đã chơi đùa với khán giả bằng cách cho những nhân vật trong phim mới đầu gặp zombie thường rất bình thản (chứ không hoảng loạn như ta vẫn thấy).

Nếu như bộ phim trên thành công bằng cách nửa tuân theo - nửa phá hoại các quy ước thể loại thì One Cut Of The Dead thậm chí còn đi xa hơn. Nó tỏ ra rằng mình không hề cố tình đùa cợt như Shaun Of The Dead, ngược lại, nó rất nghiêm túc và cố gắng tuân thủ những “khuôn vàng thước ngọc” mà Romero đặt ra. Nhưng chính đám zombie không cho nó làm điều đó. Việc đoàn làm phim phải cố gắng làm phim zombie trong khi bị chính zombie phá hoại - hay sự cố gắng làm phim thể loại mà bị chính khuôn mẫu thể loại đó phá hoại - là một suy tư về bản thân vô cùng hài hước.

Sự suy tư này cũng có mặt trong phần sau, khi khán giả được giới thiệu đến quá trình chuẩn bị của đoàn làm phim. Nếu tai nạn đột ngột ở phần trên là đám zombie, thì ở đây là đám diễn viên bỏ vai, chảnh chọe, diễn sai… đe dọa bộ phim đi lệch hướng, khiến những người còn lại trong đoàn phải nỗ lực đưa nó về lại con đường ban đầu. Tương tự phần trước, phần này thể hiện rằng tuân thủ theo khuôn mẫu khó khăn đến mức nào, và sự quyết tâm tuân thủ của họ khiến khán giả vừa cảm động, vừa buồn cười.

Càng xem, phim càng hài hước, và bạn sẽ càng ấn tượng với bộ não đứng sau One Cut Of The Dead - đạo diễn (kiêm biên kịch và dựng phim) Shinichirou Ueda. Đạo diễn hình ảnh Takeshi Sone cũng có công lớn với những đóng góp cho cảnh long take mở đầu. Cùng với các nhà làm phim, dàn diễn viên (Takayuki Hamatsu, Yuzuki Akiyama, Harumi Shuhama…) đều là gương mặt mới song diễn xuất rất tốt (những phút đầu còn thuyết phục được khán giả là họ diễn dở). Trong bối cảnh điện ảnh Nhật đang ngập tràn phim chuyển thể từ truyện tranh, phim thần tượng… như hiện nay, một ekip giỏi và đam mê thế này thật đáng quý.

Làm phim là công việc tốn kém, nhưng One Cut Of The Dead chứng minh rằng ít tiền vẫn có thể làm phim hay (và lãi) được. Đối với khán giả, One Cut Of The Dead sẽ khiến bạn thấu hiểu và trân trọng công sức của những người đứng trước và sau máy quay. Còn đối với những nhà làm phim độc lập hay mới “chân ướt chân ráo” bước vào ngành công nghiệp này, bộ phim là một nguồn cảm hứng vô cùng mạnh mẽ chống lại muôn vàn khó khăn, đúng như hiệu lệnh trong tên gốc của nó: “Kamera wo tomeru na!” - Không được dừng máy quay!

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Dodieuha

Được quan tâm

Tin mới nhất
Siêu mẫu Bình Minh tái xuất