Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

'Ở đây có nắng': Ý tưởng nhân văn và những điều gây nuối tiếc

"Ở đây có nắng" là một phim có thông điệp giàu tính nhân văn, đem đến nguồn năng lượng tích cực cho điện ảnh Việt những ngày đầu 2018 dù chưa trọn vẹn...

Cuối năm 2017, khán giả được thưởng thức Khi con là nhà, một bộ phim về tình phụ tử hài hước và duyên dáng đến từ đạo diễn Vũ Ngọc Đãng. Sang năm 2018, đạo diễn Đỗ Nam và biên kịch Việt Linh đem đến cho điện ảnh Việt một câu chuyện cũng về tình cha con, về hành trình lạc mất và tìm lại nhưng theo một cách hoàn toàn khác.

Ở đây có nắng kể về Tùng Nhân, một anh chàng MC nổi tiếng sống hạnh phúc bên người yêu Phương Thùy (Quỳnh Chi). Một ngày, anh phát hiện ra mình có con rơi với tình cũ. Cuộc sống của Tùng Nhân hoàn toàn đảo lộn. Trong khi Phương Thùy không mấy vui vẻ với sự thật này thì Long (Trương Thanh Long) - quản lý của Tùng Nhân lại ủng hộ anh nhận con. Sau những hoang mang và giằng xé, Tùng Nhân quyết định nuôi con bất chấp sự nghiệp có nguy cơ xuống dốc vì scandal.

Nếu chỉ mới nghe qua nội dung, Ở đây có nắng khiến người ta liên tưởng ngay đến một bộ phim Hàn ăn khách cách đây mười năm: Speed Scandal (tên tiếng Việt: Ông ngoại tuổi 30). Trong phim, nam diễn viên nổi tiếng Cha Tae Hyun vào vai một phát thanh viên độc thân quyến rũ phải đối mặt với tình cảnh éo le con rơi tìm đến nhà, không những thế còn dắt theo cả cháu nội. Câu chuyện hài hước và cảm động này ngay lập tức trở thành hiện tượng phòng vé với 8 triệu vé được bán và trở thành phim Hàn Quốc có lượt xem cao nhất năm 2008.

Quay trở lại với sản phẩm đầu tay của đạo diễn Đỗ Nam, dù ý tưởng không mới nhưng bộ phim có cách triển khai khá thú vị và gần gũi với tâm lý người Việt. Hành trình đoàn tụ gia đình của hai cha con Tùng Nhân diễn biến lớp lang với nhiều cao trào khiến khán giả chú ý.

Kịch bản phim do biên kịch kì cựu Việt Linh chắp bút. Đây là tác phẩm đánh dấu sự trở lại của chị sau thành công vang dội của Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanhDễ nhận thấy sự chắc tay của biên kịch trong việc cài cắm các tình tiết về tình thân gia đình, chạm đến cảm xúc khán giả. Đặc biệt phân cảnh cậu bé Bin có cha mà không được nhận, phải đứng nhìn cha mình từ xa qua màn hình tivi khiến nhiều người không khỏi nghẹn lòng. Các tuyến nhân vật phụ cũng được dành cho nhiều đất diễn và có một vài phân cảnh đáng yêu, đáng nhớ.

Bên cạnh những điểm cộng, Ở đây có nắng vẫn mắc phải một số hạt sạn đáng tiếc trong cách xây dựng và triển khai tâm lý nhân vật. Phim dường quá tập trung vào mối quan hệ chủ điểm cha - con mà coi nhẹ các tuyến tình cảm khác, đặc biệt là câu chuyện tình yêu giữa Phương Thùy - Tùng Nhân. Diễn biến tình cảm của cặp đôi diễn ra hời hợt, thậm chí là vô lý. Khán giả hoang mang vì mới cảnh trước cả hai đang ngọt ngào với nhau thì cảnh sau đã trở thành “anh đường anh, tôi đường tôi”.

Khó hiểu nhất là mạch tâm lý của nam chính Tùng Nhân do Quý Bình thủ vai. Trong phim, nhân vật này hiện lên như một người đàn ông trẻ con, ích kỉ, dễ nổi nóng khiến khán giả không thể nào đồng cảm nổi. Mỗi khi rơi vào tình thế khó khăn, Tùng Nhân chỉ biết cau có và xả giận lên những người xung quanh. Anh to tiếng với người yêu mới, người yêu cũ, với cả những người chẳng liên quan như cô giữ trẻ hay bạn tri kỉ và cũng là quản lý của mình. Anh ném đồ và đuổi hết mọi người ra khỏi nhà khi có chuyện gì không như ý. Dẫu Tùng Nhân được xây dựng là người có quá khứ phức tạp với vết thương lòng khó lành nhưng điều đó cũng không thể lý giải nổi cách hành xử thiếu thuyết phục của anh.

Trong phim, Phương Thùy là một cô gái đỏng đảnh, hời hợt nhưng thật lòng yêu chàng MC điển trai. Đang say đắm trong mối quan hệ lãng mạn, Phương Thùy bất ngờ nhận tin bạn trai có con rơi. Ở tình huống này, không chỉ Phương Thùy mà bất cứ cô gái nào cũng sẽ sốc và nảy sinh phản ứng tiêu cực. Nhưng trớ trêu thay, không phải cô mà chính anh bạn trai nổi tiếng mới là người làm quá mọi chuyện. Dù vô tình hay cố ý, trong tình huống này Tùng Nhân là người có lỗi và Phương Thùy là người chịu thiệt thòi. Đáng lẽ phải kiên nhẫn và thuyết phục bạn gái thông cảm nhưng nam chính của bộ phim mỗi lần gặp mặt lại chỉ biết giận dỗi, trách ngược người yêu của mình.

Tâm lý nhân vật nhảy cóc một phần đến từ cách cắt dựng, chuyển cảnh khá vụng khiến mạch phim lúng túng trong việc dẫn dắt cảm xúc của người xem. Không ít cảnh đối thoại rời rạc, gượng gạo như được lấy ra từ một bộ phim truyền hình cũng là một điểm yếu của phim.

Được biếtỞ đây có nắng vốn được biên kịch Việt Linh viết theo một kịch bản đặt hàng cho phim truyền hình. Tuy nhiên vì nhiều lí do, chị đã chuyển thể lại câu chuyện này thành truyện và nay là kịch bản điện ảnh. Có lẽ vì thế mà đâu đó trong phim, thoại của nhân vật vẫn mang tính kịch. Các nhân vật dường như bị đặt vào tình huống phải nói câu nói đó chứ chưa hẳn nó là tiếng nói xuất phát từ chính nội tâm của chính họ.

Điểm đáng tiếc lớn nhất chính là cú twist được cài cắm ở đoạn kết của phim. Tự hỏi một bộ phim gia đình có cần bất ngờ phút cuối như thế để gây ấn tượng với khán giả. Trước đó, biên kịch Việt Linh từng chia sẻ về thông điệp đậm chất nhân văn của bộ phim: “Xã hội hiện đại khiến con người phải sớm xa người thân, bắt đầu những quan hệ khăng khít với người xa lạ. Hiện tượng này tạo nên định nghĩa gia đình mới, ở đó gia đình không chỉ là mối tương quan cốt nhục, mà còn là sự thương yêu, gắn bó giữa những tâm hồn với nhau để tạo nên một gia đình”. Nếu cú bẻ ngoặt mang tính quyết định này được thêm vào kịch bản chỉ để làm nổi bật lên thông điệp mà bộ phim muốn truyền tải thì e rằng nó đã quá lý tưởng và xa rời thực tế.

Dù mang trên vai thông điệp nhân văn về gia đình nhưng dường như Ở đây có nắng vẫn chơi vơi và đuối sức trong việc đem những tầng ý nghĩa sâu xa đó chạm đến trái tim khán giả. Vai diễn của Quý Bình, Quỳnh Chi không mấy nổi bật trong phim này. Thay vào đó, diễn xuất của dàn diễn viên nhí lại là cứu cánh cho bộ phim.

Cô bé Vui do Ngân Chi thủ vai mỗi lần xuất hiện đều đem đến cho khán giả những tiếng cười sảng khoái. Sự tự nhiên, linh hoạt và dễ thương không cần diễn của Vui gần như là một điểm sáng của bộ phim, khiến nó ngời lên sức sống của cuộc đời thực ngoài kia. Gia Bảo đóng vai Bin, đứa con trai thiếu thốn tình thương của bố cũng nhiều lần khiến khán giả nghẹn lòng. Bên cạnh đó, Trương Thanh Long dù chỉ diễn một vai phụ nhưng lại diễn khá mượt hình ảnh một người đàn ông trong mối tình đơn phương khó nói.

Phân cảnh cuối của bộ phim có lẽ là một trong những cảnh phim trọn vẹn nhất. Một cảnh quay đẹp đậm chất điện ảnh và dồn nén được nhiều cảm xúc. Đây cũng là một cái kết trọn vẹn dẫu nó vẫn khiên cưỡng nhưng phần nào có thể chấp nhận được sau ngần ấy những thử thách và trải nghhiệm cảm xúc mà nhân vật đã trải qua.

Nhìn chung, Ở đây có nắng là một phim có thông điệp giàu tính nhân văn, đem đến nguồn năng lượng tích cực cho điện ảnh Việt những ngày đầu 2018. Phim dành cho mọi đối tượng khán giả bởi ai cũng có những hồi ức và tình cảm thiêng liêng với hai tiếng gia đình. Điều gây tiếc nuối nhất là Ở đây có nắng vẫn chưa tìm và kể được câu chuyện thực sự đủ sức nặng cảm xúc và tính thuyết phục để cất cánh cho thông điệp đẹp đẽ mà bộ phim hướng tới. Phim vì thế vẫn chỉ là phim, chứ chưa thể là đời…

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Thu Phương

Được quan tâm

Tin mới nhất
Phòng Khám Đa Khoa Hồng Phúc – Được Ưu Tiên Lựa Chọn Tại Cẩm Mỹ Đồng Nai