Vừa qua, sự việc Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (ISEE) cùng Trung tâm Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người LGBT (ICS) phản đối việc sử dụng hình ảnh Bắc Đẩu trong Táo Quân để bôi bác người thuộc giới tính thứ ba đang trở thành tâm điểm chú ý của khán giả và cộng đồng mạng.
Là một trong những người thuộc cộng đồng LGBT, nữ ca sĩ chuyển giới Lâm Khánh Chi cũng bày tỏ suy nghĩ của bản thân về sự việc. Cô cho biết, bản thân cũng rất yêu thích Táo Quân, bởi lẽ đó là một chương trình hay và có nhiều ý nghĩa, đặc biệt về giá trị phản ánh hiện thực xã hội. Lâm Khánh Chi cũng khẳng định: “Là một chương trình hài, nên ngoài việc đả kích thói hư tật xấu, Táo Quân hiển nhiên phải có những chi tiết trào phúng, gây cười cho khán giả. Để làm được điều đó, không thể thiếu các hình tượng kệch cỡm, khác người”.
Tuy nhiên, khi Táo Quân lựa chọn đem người thuộc giới tính thứ ba vào kịch bản chương trình thông qua hình tượng nhân vật Bắc Đẩu (Công Lý thủ vai), nữ ca sĩ cho rằng đây là một hành động đáng buồn. Đặc biệt là khi biên kịch cố gắng nhồi nhét vào nhân vật này chi tiết lố lăng, thô thiển nhất như đanh đá, điêu ngoa, mê trai, hám tình dục,… Bên cạnh đó, từ trang phục, đầu tóc, trang điểm tới hành động, cách nói năng của Bắc Đẩu đều khá phản cảm và không đúng thực tế giới LGBT.
“Tôi rất thích xem Táo Quân vì đó là chương trình hài có giá trị. Nhưng nhiều năm gần đây, tôi cảm thấy khó chịu mỗi khi mở ti vi vào đêm 30 vì bị đập vào tai những lời giễu nhại giới tính của mình.” - Lâm Khánh Chi bộc bạch.
Là một trong những người chuyển giới đã phải đấu tranh, thay đổi hết mình để sống đúng với con người thật của bản thân, Lâm Khánh Chi chia sẻ quá khứ từng chịu đựng giây phút khó khăn, gian nan và đau đớn nhất: “Người chuyển giới phải đấu tranh với gia đình, xã hội, phải làm lụng vất vả để tích lũy và tự vượt qua chính mình. Chưa kể, họ còn phải chịu đựng hàng trăm cơn đau khi dao kéo xẻ vào da thịt mình và đứng trên ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết”.
Cũng chính bởi vậy, nữ ca sĩ cho biết, người chuyển giới rất nhạy cảm và dễ tổn thương trước thái độ ứng xử của người khác. Có thể những chi tiết trên Táo Quân bình thường với khán giả đại chúng, nhưng với họ, đó là sự xúc phạm, ảnh hưởng không nhỏ tới tinh thần của chúng tôi.
Lâm Khánh Chi đưa ra giả thuyết: “Giả dụ như trên cơ thể bạn có khiếm khuyết nào đó mà bạn không mong muốn, nhưng người khác lại cứ lôi nó ra để bịa đặt, phóng đại nhằm mua vui cho thiên hạ, bạn có chịu được không? Đó chính là cảm giác của tôi khi xem Táo Quân đấy”.
Có thể nhiều người không biết rằng ở các nước ngoài, đặc biệt là Âu Mỹ, người chuyển giới vẫn thường xuyên xuất hiện trên phim ảnh, những chương trình truyền hình. Tuy nhiên, theo cái nhìn của Khánh Chi, dù cách ăn mặc của họ có màu mè, trang điểm sặc sỡ nhưng hoàn toàn theo hướng nghiêm túc, chứ không phải làm lố như cách tạo hình của Bắc Đẩu ở Táo Quân.
Cô bộc bạch: “Người chuyển giới, hoặc giả gái trong truyền thông Âu Mỹ vẫn bộc lộ đúng giới tính của mình như điệu đà, kiểu cách,… Nhưng tôi hầu như không thấy họ bị chế giễu, lôi ra làm trò đùa.
Chỉ ở Việt Nam và một số nước Á Đông khác, tôi mới thấy việc người chuyển giới bị đem ra làm trò cười lố bịch như vậy. Đối với Táo Quân, nó càng cho thấy sự thiếu sáng tạo của họ, khi cả một tập thể người không còn những ý tưởng gây cười nào khác ngoài việc lôi người chuyển giới ra huyên thuyên”.
Kết thúc vấn đề, nữ ca sĩ kiên quyết phản đối cách thể hiện của Táo Quân. Cô cho rằng chương trình không có quyền miệt thị và xúc phạm giới LGBT.