Về “3D Cung tâm kế”
Là phim hài cổ trang Việt Nam duy nhất góp mặt tại phòng vé đầu năm mới, 3D Cung tâm kế - bộ phim được biết đến như phần tiếp theo của Xóm trọ 3D khiến khán giả không khỏi tò mò. Ra rạp ngày 12/02/2019 (Mùng 8 Tết Kỷ Hợi), sau Cua lại vợ bầu, Trạng Quỳnh và những tác phẩm điện ảnh nước ngoài khác, bộ phim được chuyển thể từ kịch sân khấu như 3D Cung tâm kế có lẽ sẽ gặp nhiều thách thức.
Bên cạnh đó, khi trào lưu phim cung đấu của Trung Quốc nổ ra và trở thành “hot trend” thời gian qua, thì sản phẩm của NSND Hồng Vân không thể tránh khỏi sự so sánh bởi những cái tên như Diên Hy công lược, Chân Hoàn truyện hay Hậu cung Như Ý truyện,… đã rất thành công trước đó.
Tuy nhiên, không vì vậy mà người nghệ sĩ này trở nên e dè hay lo lắng, trái lại, cô bày tỏ mong muốn bắt kịp trào lưu và tận dụng chất liệu sẵn có từ sân khấu kịch.
“Chắc chắn khi làm phim đề tài này ở Việt Nam ai cũng sẽ có những áp lực nhất định. Câu chuyện trong các phim cung đấu Trung Quốc khiến khán giả nghẹt thở, họ đầu tư rất nhiều từ nội dung đến hình ảnh, nhưng tôi lại muốn bắt kịp thị hiếu khán giả, đáp ứng nhu cầu thị trường với cái vốn mình có sẵn.
Vở kịch '3D Cung tâm kế' ra đời trước 'Diên Hy công lược' đến 3, 4 năm và được số lượng khán giả nhất định ủng hộ, nên tôi cho rằng sở thích của mình cũng không khác mấy với các bạn trẻ bây giờ. Vậy thì tại sao lại không thử? Tôi muốn thử xem từ kịch nói sang phim, khán giả sẽ đón nhận thế nào, bởi có những khán giả ở xa, họ chưa từng đặt chân đến sân khấu kịch thì cũng không bao giờ có dịp xem được vở kịch này”.
Bên cạnh đó, NSND Hồng Vân cũng tiết lộ đây là bộ phim xuyên không và câu chuyện cung đấu sẽ xảy ra ở một thế giới giả định, để những con người của giới tính thứ ba biết được tiền căn của mình thông qua giấc mơ. Vì vậy, cô hi vọng khán giả sẽ nhìn nhận, thưởng thức và đánh giá bộ phim với cái nhìn khách quan nhất, bởi 3D Cung tâm kế hoàn toàn không phải sản phẩm “ăn theo” hời hợt hay hưởng ứng trào lưu.
Chia sẻ về lý do thực hiện bộ phim, nghệ sĩ Hồng Vân thú nhận ngoài muốn thử xem phản ứng khán giả, cô còn tò mò muốn khám phá bản thân, thử sức mình với một tác phẩm đã quá thành công dưới ánh đèn sân khấu.
Trước đây, phần lớn các vở kịch khi được chuyển thể thành phim đều không mấy thành công, song có thể xem Xóm trọ 3D là một ngoại lệ. Tương đối thu hút khi phối hợp nhuần nhuyễn hai yếu tố bi - hài, cởi bỏ lớp áo sân khấu để bước lên màn ảnh rộng, bộ phim vào thời điểm ra mắt vẫn có chỗ đứng cho riêng mình tại phòng vé. Và bây giờ 3D Cung tâm kế lại tiếp tục được điện ảnh hóa, nhưng theo chia sẻ của NSND Hồng Vân, kịch bản và diễn viên đều đã có những sự thay đổi rất lớn để phù hợp hơn với khán giả ở thời điểm hiện tại.
Với nhiều năm kinh nghiệm đi diễn ở sân khấu cũng như tham gia vào các dự án truyền hình và điện ảnh, cô tin vào cảm quan làm nghề của mình. Cụ thể, cô chia sẻ bản thân hiểu rất rõ cái gì có thể “bưng” lên màn ảnh, cái gì chỉ nên làm ở sân khấu kịch. Nghệ sĩ Hồng Vân cho rằng việc biến một vở kịch thành một bộ phim cũng giống như công việc của một bà nội trợ vậy. Bà nội trợ giỏi là người biết tận dụng những gia vị cơ bản, quen thuộc sẵn có để tạo nên những món ăn ngon.
Ngoài ra, khi được hỏi về việc chuyển thể các giai thoại, nhân vật lịch sử, thậm chí là triều đấu - cung đấu của Việt Nam thành phim, NSND Hồng Vân thẳng thắn: “Nếu gắn với lịch sử thì phải làm đúng và làm hay, nhưng dường như đối với các nhà làm phim tư nhân đó là điều không tưởng. Ngoài mục đích thương mại, họ còn phải giữ gìn bản sắc văn hóa và đảm bảo nội dung lịch sử dân tộc, nó đòi hỏi sự đầu tư rất lớn cả về nhân lực, vật chất và chất xám. Hầu hết các nhà làm phim tư nhân đều mong muốn thực hiện một bộ phim như thế song lại lực bất tòng tâm.”
NSND Hồng Vân và sân khấu kịch
Thực tế chảy trôi, sân khấu đã đi qua thời vàng son, hưng thịnh của nó một cách rực rỡ và hào nhoáng nhất. Bây giờ đây dẫu cho vị thế của kịch nói đã không còn như xưa nhưng đối với những người yêu kịch, sân khấu vẫn luôn là điểm dừng chân lý tưởng vào dịp cuối tuần hoặc lễ tết.
Vé vẫn luôn “sold out” dịp cao điểm, nhưng khi được hỏi có nên mở rộng quy mô hiện tại (khoảng 200 ghế) để phục vụ khán giả hay không, NSND Hồng Vân khẳng định:
“Không, không nên tăng như vậy! Đối với sân khấu kịch, sự lan tỏa và cộng hưởng là điều vô cùng cần thiết, nên nếu khán giả quá đông, không gian quá lớn, không khí của vở kịch sẽ bị loãng đi”.
Có thể nói trong quá khứ, sân khấu kịch Hồng Vân là sân khấu tiên phong cho thể loại kịch ma - kinh dị. Và rõ ràng trào lưu này đã được hưởng ứng vô cùng mạnh mẽ, thu hút không ít sự quan tâm chú ý của khán giả. Chia sẻ về bí quyết và động lực thực hiện thể loại này, nghệ sĩ Hồng Vân thật tình:
“Đầu tiên là vì tôi rất sợ ma, nhưng tôi cũng lại rất tò mò, ta nói cái tánh tình kì cục ghê! Bởi vậy tôi thích xem phim ma, từ hồi yêu cho đến lúc lấy ông xã tôi bây giờ, trước khi đi ngủ hay lúc rảnh rỗi hai vợ chồng lại rủ nhau coi phim ma. Chồng tôi rất hay hù ma tôi, nhưng cảm giác sợ đó lại rất… đã. Lúc đó tôi nghĩ nếu mang điều này lên sân khấu thì sẽ thế nào?
Tôi là một người hay thích khám phá bản thân vậy đó, và 'Người vợ ma' là vở kịch ma đầu tiên ra đời sau ba năm ấp ủ. Lúc đó tôi hợp tác cùng Thái Hòa để làm, cậu ấy cũng là một người rất nhát, nhưng chính vì nhát thì mới biết được điều gì khiến mình và người khác sợ”.
Tuy nhiên, để thực hiện được vở kịch thành công như thế, NSND Hồng Vân và các diễn viên phải trải qua rất nhiều khó khăn, mà có lẽ vấn đề mấu chốt vẫn là kinh tế. Thời điểm đó, mọi việc liên quan đến xử lý kĩ xảo sân khấu đều được dàn dựng hoặc làm thủ công, nhưng cô cho rằng mình đã rất may mắn khi có được những người làm hậu đài vô cùng tài năng.
Bao giờ cũng vậy, đối với những môn nghệ thuật đã đi hết đoạn đường hoàng kim, việc duy trì và làm “sống lại” trào lưu đã nguội lạnh luôn là những vấn đề nan giải. Suất diễn với tiền vé ít ỏi, sau khi trừ đi các loại thuế, phần mà sân khấu và diễn viên thu về thực tế lại chưa xứng đáng với công sức họ đã bỏ ra.
Với cô, thời kì hưng thịnh của sân khấu chỉ vừa chớm qua đi và sự lao đao chỉ xuất hiện trong hai năm trở lại đây, khi các game show truyền hình bắt đầu bùng nổ. Trong vòng hai năm, NSND Hồng Vân đều phải bỏ tiền túi để duy trì hoạt động của sân khấu và các diễn viên đã bên cạnh, gồng gánh cùng cô. Hụt đi bao nhiêu, mọi người sẽ nhận phần tiền ít lại, đó chính là những cá nhân thật sự dành tình yêu cho sân khấu.
“Gầy thì khó, buông lại quá dễ! Mọi người đã cùng mình gánh vác, họ cũng đâu hơn gì mình, vả lại động lực lớn nhất lại xuất phát từ cái đám học trò. Thấy tụi nó mê quá đi, nên thôi mình cũng đành cố gắng. Đến một lúc nào đó mình đã cố gắng rồi, mà không trụ được nữa thì lỗi cũng không phải do mình…” - NSND Hồng Vân chia sẻ.
Tạm kết
Buổi trò chuyện khép lại với nụ cười buồn trên gương mặt người phụ nữ ấy khiến chúng tôi - những người cầm bút cũng cảm thấy chạnh lòng trong những ngày làm việc giáp Tết. Không biết nên nói nghệ sĩ Hồng Vân quá mạnh mẽ và kiên cường, hay tình yêu cô dành cho sân khấu là quá lớn, nhưng có còn quan trọng không khi cô lẫn các diễn viên của Phú Nhuận hay Super Bowl đều xem sân khấu là nhà, là gia đình, thậm chí là cả cuộc đời mình?
Họ không khác gì những kẻ si tình cố chấp khi khư khư ôm mãi tình yêu dành cho kịch và sân khấu, nhưng nếu không có họ - những người như NSND Hồng Vân và bạn bè đồng nghiệp đã sát cánh duy trì hoạt động của sân khấu cùng cô thì có lẽ Sài Gòn sẽ mất đi nửa hồn văn hóa khi sân khấu kịch đang dần bị bức tử bởi vô vàn những lý do.
Cảm ơn cô, cảm ơn các nghệ sĩ đã ở lại vì tình yêu dành cho ánh đèn, những vở kịch và những suất diễn miệt mài nhiều năm qua…