Trong khi truyền thông và công chúng dồn mọi chú ý cho siêu phẩm sắp ra mắt của nhà Marvel, có những bộ phim khác vẫn âm thầm ra rạp tuy không nhận được sự quan tâm của khán giả, trong đó có tác phẩm hành động kinh dị đến từ Nga mang tên Bờ vực tử thần. Tại đây, đạo diễn Tigran Sahakyan đã khai thác nỗi sợ sâu thẳm trong mỗi người xem, nhất là đối với những khán giả sợ độ cao.
Bối cảnh kinh hoàng với những ai sợ độ cao
Bờ vực tử thần theo chân nhóm bạn trẻ kéo nhau lên đỉnh núi lạnh lẽo để đón thời khắc giao thừa. Trong tuyến cáp treo chạy chui ngày cuối năm, những sự cố nối tiếp nhau xảy ra khiến nhóm bạn bị kẹt lại trên cabin giữa tuyết, gió, và hoàn toàn bị lãng quên vào ngày đầu năm mới. Nỗ lực thoát ra khỏi bờ vực cái chết, những người bạn bị kẹt lại trên cabin dần bộc lộ góc khuất, lúc này, bản năng sinh tồn của con người vừa có thể vượt lên trên tình bạn, vừa làm sống dậy tình yêu và lòng ham sống bên trong nhân vật.
Những bộ phim kinh dị, giật gân mới đây đang nỗ lực khai thác nỗi sợ sâu thẳm bên trong con người. A Quiet Place từng xuất sắc chinh phục khán giả bằng quái vật âm thanh với không gian thinh lặng đến rợn tóc gáy. Trong bộ phim của đạo diễn người Nga Tigran Sahakyan, nỗi sợ độ cao cũng được khai thác triệt để. Với bối cảnh tại đỉnh núi lửa Elbrus đã ngừng hoạt động hơn 2000 năm có độ cao 5621 mét, Bờ vực tử thần đưa sự đối nghịch giữa con người và thiên nhiên lên đến đỉnh điểm: con người nhỏ bé, bất lực trở thành tù nhân trong chiếc cabin cũ, treo chênh vênh giữa không gian rộng lớn phủ trắng tuyết, gió thổi ngày một mạnh có thể rơi rụng từng khớp nối của cỗ máy cũ kỹ.
Lồng ghép giữa chất kinh dị và yếu tố giật gân, đạo diễn Tigran Sahakyan cho thấy nỗ lực làm mới mình ngay cả khi khai thác chủ đề sinh tồn không còn xa lạ. Trận chiến khốc liệt trên cabin cáp treo là một bối cảnh độc đáo, mang đến trải nghiệm mới lạ cho người xem bởi độ cao choáng ngợp và âm thanh gió rít kinh hoàng.
Bên cạnh độ cao chết người, sự cũ kỹ của máy móc và nỗi kinh hoàng gió tuyết đem đến cũng làm người xem kinh sợ. Với hệ thống điện, cáp treo dễ gặp sự cố; sự táo bạo, vô kỷ luật của những người trẻ đã phải trả bằng cái giá quá đắt. Bi kịch xảy ra liên tiếp nhưng đến cuối, “thủ phạm” cũng đã trở thành nạn nhân. Ngoài những cỗ máy kém chất lượng quá dễ dàng tước đi mạng sống của con người, tác phong chậm trễ của hệ thống nhân viên dịch vụ cáp treo khiến khán giả phát bực: nhân viên trực ca làm việc máy móc, đội cứu hộ trì trệ.
Nỗi sợ khi bị bạn thân trở mặt
Tuy nhiên, bị mắc kẹt trong chiếc cabin cũ kỹ treo chênh vênh giữa không trung không phải nỗi sợ duy nhất trong Bờ vực tử thần. Đáng sợ hơn là trước bờ vực của cái chết, trong số những người đồng hành cùng mình có một người bạn quá ích kỷ, sẵn sàng tước đi quyền được sống của người khác để bảo toàn tính mạng bản thân.
Có thể thấy, hoạn nạn cũng là lúc những bản năng nguyên thủy nhất của con người được bộc lộ. Ngay sau giây phút tiệc tùng cười nói, họ có thể chì chiết, trách móc, đổ lỗi, thậm chí là cắt đứt sợi dây, tước đi mạng sống của nhau để bảo toàn tính mạng cho bản thân. Chàng trai chỉ vừa đêm hôm qua còn ngỏ lời tỏ tình với cô gái, ngay sáng hôm sau đã chửi thề, đẩy cô vào chỗ nguy hiểm và cuối cùng là chủ động giết chết chính bạn mình.
Không có gì đáng sợ hơn một “cuộc chiến nội”. Trong không gian nhỏ hẹp, chông chênh của chiếc cabin cũ kỹ bị gió tuyết tấn công, những trường đoạn hành động khiến người xem không khỏi nổi da gà, bởi chỉ một vài tích tắc thôi, các nhân vật đã có thể bị trượt chân rơi xuống từ độ cao gần 6000 mét.
Tuy bộ phim lấy chủ đề sống sót thảm họa đến từ Nga còn nhiều thiếu sót để có thể trở thành hiện tượng, nhưng sự kết hợp giữa kinh dị, giật gân và triết lý về tình yêu, tình bạn vẫn là món ăn lạ miệng trên màn ảnh rộng khoảng thời gian này.