Trong phần credit có tên các vị đầu bếp
Hóa ra các món ăn trong phim đều có thật, và các diễn viên cũng đều ăn thật, đúng là một bộ phim hậu cung ăn thật uống thật.
Hoàn Hoàn (Thái hậu) vẫn luôn nhớ về tiểu chủ My Trang (Huệ Phi trong Chân Hoàn truyện)
Sau khi Hoằng Lịch (Hoắc Kiến Hoa) đăng cơ, Thanh Anh (Châu Tấn) vì mang thân phận là cháu của Cảnh Nhân cung nương nương nên chịu sự giày vò đủ bề của Thái hậu. Đỉnh điểm, cô bị Thái hậu giam lỏng ở Tiềm Để (nơi Càn Long cùng thê thiếp của mình ở trước khi đăng cơ). Vì để thoát thân, cô đã nhờ Hải Lan, tỉ muội thân thiết của mình, giúp đỡ để vào cung gặp Hoàng thượng, cô còn mang theo một chút điểm tâm do chính tay mình làm. Ngoài đồ ăn làm cho Hoàng thượng thì cô còn làm cho Hoàn Hoàn - Thái hậu một ít bánh bột nếp nữa. Được biết đây là món ăn được Huệ Phi - My tỷ tỷ của Thái hậu - yêu thích nhất trong phần phim Chân Hoàn truyện.
Xem đến cảnh này thực sự khiến người khác phải rơi nước mắt. My tỷ tỷ thích loại bánh bột nếp này nhất, My tỷ tỷ đã qua đời nhiều năm rồi nên loại bánh bột nếp này trở thành món bánh mà Hoàn Hoàn thích ăn nhất. Thì ra bao nhiêu năm nay, My tỷ tỷ vẫn luôn sống trong lòng Hoàn Hoàn.
Ẩn ý về tính cách của Tuệ Quý phi
Trong những tập phim đầu tiên, Tuệ Quý phi (Đồng Dao) đã ở trong cung của mình lén mặc xiêm y đẹp. Việc này vốn dĩ bị Hoàng hậu (Đổng Khiết) cấm đoán với lí do tiết kiệm cho hậu cung. Khi Gia Quý nhân (Tân Chỉ Lôi) đột nhiên ghé thăm, Quý phi đã phải một phen giật mình, động thái này rất giống với hành vi những đứa con giấu giếm cha mẹ làm điều minh thích. Chính cảnh phim này đã giúp cho khán giả có sự nhận định về tính cách nhân vật Tuệ Quý phi.
Còn có một cảnh nữa thể hiện rõ tâm tính ngây thơ của Tuệ Quý phi, đó là cảnh cô độn gối vào bụng để giả mang thai. Quả nhiên, người xem không cần gợi ý cũng có thể nhận ra sự đáng yêu, trẻ con của Quý phi qua cảnh quay này.
Đây là cách đạo diễn không thông qua lời thoại hay lời kể của người khác để khắc hoạ chân dung của một vị Quý phi tính khí tiểu thư õng ẹo. Thủ pháp này cũng được áp dụng đối với các nhân vật phi tần khác trong phim, nhưng không quá rõ ràng như Quý phi Cao thị mà thôi.
Lời tiên tri và nghịch lý trong tên của các phi tần
Những cái tên hay phong hiệu của các phi tần đôi khi lại không ứng nghiệm vào cuộc đời của họ. Cụ thể:
Như Ý, nhưng từ đầu đến cuối, cô đều không hề được như ý;
Thận Thường tại, nhưng lại không thận trọng;
Ý Hoan, nhưng lại không thể đổi được sự vui vẻ của trái tim;
Cát Thái tần, nhưng lại không hề cát tường;
Hoàn Hoàn nuôi mèo cũng vì tưởng nhớ một người?
Trong Hậu cung Chân Hoàn truyện, Hoàn Hoàn (tên gọi thân mật Hoàng đế Ung Chính gọi Hi Quý phi Chân Hoàn) vô cùng sợ mèo, điều này tất cả mọi người đều biết. Nhưng trong Hậu cung Như Ý Truyện, Hoàn Hoàn lại ôm một chú mèo con trong lòng, hơn nữa lại biểu hiện rất điềm nhiên, không sợ sệt. Có ẩn ý nào phía sau hay không?
Không biết khán giả có còn nhớ Ninh Tần trong Chân Hoàn truyện hay không? Đây là nhân vật cuối cùng đã liên kết với Chân Hoàn để độc chết Hoàng thượng, báo thù cho Quả Quận vương (tình lang của Chân Hoàn và cũng là người Ninh Tần ngày đêm thương nhớ), sau đó, cô đã cắt tay tự vẫn. Cô có nuôi một con mèo trong cung, và là một người rất yêu mèo.
Phải chăng chi tiết này nhằm ám chỉ tính cách của Thái hậu đã không còn yếu mềm như trước, đã có thể dễ dàng chế ngự nỗi sợ hay vì Thái hậu muốn hồi tưởng về người chung chí hướng ngày trước là Ninh Tần?
Sự thức tỉnh chủ nghĩa nữ quyền của Như Ý
Trong những tập mở màn, Lang Thế Ninh, một hoạ sư của hoàng thất, mang dòng máu Phương Tây, đã vô tình tiết lộ với Như Ý rằng ở chỗ ông ta chỉ tồn tại chế độ một vợ một chồng, không hề có thê thiếp. Như Ý nghe xong liền nói với Hoằng Lịch, nhưng Hoằng Lịch lại cười cô nói lời ngốc nghếch, nói chuyện với Lang Thế Ninh cũng là điều không đúng phép tắc.
Cảnh này thực ra là do đạo diễn cố tình sắp xếp, vì điều này có ý nghĩa thể hiện sự thức tỉnh về chủ nghĩa nữ quyền của Như Ý. Cũng từ lúc này trở đi, Như Ý và Hoằng Lịch đã không còn có cùng tư tưởng nữa. Đây là ý định của đạo diễn cho bộ phim này, không hề muốn sao chép hoàn toàn một bộ phim cung đấu như Chân Hoàn truyện.
Trong Hậu cung Như Ý Truyện, mỗi một nhân vật, khán giả đều không thể dễ dàng phân biệt được ai tốt ai xấu. Cái xấu của Tuệ Quý phi hình thành dựa trên sự sủng ái không thật lòng của Hoàng thượng. Cái xấu của Phú Sát Hoàng hậu lại đến từ vinh nhục của gia tộc Phú Sát thị. Còn cái xấu Gia Quý phi Kim thị phần lớn đều vì người cô thầm thương.
Còn một điểm nữa làm nên sự riêng biệt cho hai bộ phim đều của Lưu Liễm Tử đó là cá tính của nhân vật chính. Trong Chân Hoàn truyện, Chân Hoàn (Tôn Lệ) từ một cô gái lương thiện buộc phải tranh đấu với các phi tần, rồi cuối cùng là Hoàng thượng, người chung chăn gối với cô. Kết cục, cô thắng được cả hậu cung, nhưng lại mất đi con người của mình, phải cô độc tới già trong thâm cung.
Còn với Hậu cung Như Ý truyện, Như Ý (Châu Tấn) không tranh đấu với phi tần, cũng không buồn đấu với phu quân, bởi vì cô vẫn luôn phải đấu tranh với chính mình, để giữ được con người mình.
Như Ý có thể chưa từng thắng bất cứ chuyện gì, cũng chưa từng chiến thắng bất kỳ ai, nhưng cô đã chiến thắng bản thân, sống cho chính bản thân mình.