Phim Ảnh

Những tiểu phẩm hài khiến người xem rơi nước mắt

Chia sẻ

Giữa vô vàn vở hài chọc cười khán giả bằng những câu thoại hay tình tiết ngô nghê, đơn giản, “Thằng Cam con Quýt”, “Kép Tư Bền” và “Nỗi buồn mẹ tôi” lại mang đến nhiều cảm xúc, thông điệp.

Thằng Cam con Quýt

Trong tập 8 của chương trình Hội ngộ danh hài phát sóng hồi đầu tháng 2, Trường Giang - Thu Trang để lại nhiều ấn tượng cho khán giả truyền hình qua tiểu phẩm Thằng Cam con Quýt. Trên sân khấu nghiêng 21 độ, họ vào vai hai anh em đói nghèo, sống lang thang ngoài chợ và được bà chủ bán trái cây (NS Phi Phụng) đưa về làm người ở. Với những cử chỉ, hành động cùng lời nói hiền lành, ngây thơ, cả hai đem đến nhiều tiếng cười cho người xem.

Song, vở diễn cũng làm khán giả lặng đi bằng một số câu thoại giữa Trường Giang - Thu Trang như “Bán dưa biết bao lâu nay mà mình chẳng được ăn một miếng dưa nào hết trơn. Tết tới rồi, em thèm quá”, “Tết tới, người ta có nhà người ta về. Hai anh em mình đâu có nhà đâu mà về”

Nút thắt chính của Thằng Cam con Quýt là tình huống bà chủ mất túi tiền và cho rằng cả hai đã ăn cắp. Cảnh hai em bị vu oan, mắng nhiếc thậm tệ nhưng chẳng biết phải giải thích ra sao khiến người xem nghẹn ngào, xúc động.

May mắn, hiểu lầm được sáng tỏ sau khi ban quản lý chợ phát loa thông báo tìm chủ nhân của túi tiền để quên trong toilet công cộng. Bà chủ ngại ngùng xin lỗi, thừa nhận mình giận quá mất khôn, đồng thời trả lương, tặng áo mới, dưa hấu và hỗ trợ vé tàu cho họ về quê đón Tết.

Tiểu phẩm Thằng Cam con Quýt.

Kép Tư Bền

Trong đêm chung kết 5 của cuộc thi Cười xuyên Việt do Đài truyền hình Vĩnh Long tổ chức vào tối 22/5, hai thí sinh Bảo Lâm - Thùy Trang mang đến tiết mục hài Kép Tư Bền với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

Dựa trên tác phẩm văn học cùng tên của Nguyễn Công Hoan, Bảo Lâm hóa thân thành nhân vật Kép Tư Bền còn Thùy Trang vào vai cô nấu bếp bất đắc dĩ được đóng thế đào chính Thúy Liễu. Ngay khi xuất hiện, cả hai có sự phối hợp nhịp nhàng, tung hứng ăn ý bằng những câu thoại hài hước hay màn cover bản hit đình đám Em của ngày hôm qua (Sơn Tùng M-TP) theo phong cách hồ quảng làm khán giả, ban giám khảo không thể nhịn được cười.

Tuy nhiên, tình tiết đinh của tiểu phẩm là việc em gái chạy đến báo tin cho Kép Tư Bền rằng mẹ bị bệnh nặng, sắp chết. Điều đó buộc anh phải lựa chọn giữa chữ hiếu và khán giả. Cuối cùng, Kép Tư Bền đành nuốt nước mắt để tiếp tục lên sân khấu biểu diễn mua vui cho người xem.

Những trăn trở của Kép Tư Bền - “Em phải làm sao đây anh? Nếu bây giờ em về, em biết ăn nói với khán giả như thế nào đây anh. Còn anh em hậu đài và vợ con họ phải sống sao…” - hay một số câu thoại đến từ cô em gái: “Mẹ mất rồi! Anh Tư có thương mẹ không anh Tư? Mẹ mất mà anh Tư cũng diễn được hả anh Tư?…” khiến cả trường quay lẫn bộ tứ quyền lực (NSND Ngọc Giàu, Kiều Oanh, Trấn Thành, Đức Hải) chẳng ít lần bật khóc.

Tiểu phẩm Kép Tư Bền.

Nỗi buồn mẹ tôi

Trước Thằng Cam con QuýtKép Tư Bền, vở kịch Nỗi buồn mẹ tôi trong live show Tự tình quê hương 1 hồi năm 2009 của Cẩm Ly cũng tạo ra nhiều tiếng cười cho khán giả, đồng thời lấy đi không ít nước mắt từ họ. Bên cạnh “chị Tư”, tiểu phẩm có sự tham gia của các nghệ sĩ Hồng Vân, Hoài Linh và Thanh Duy.

Vở diễn kể về nhân vật Bà Hai (Hồng Vân) sống một mình ở quê trong cảnh thiếu trước hụt sau. Bà có 2 người con trai (Hoài Linh, Thanh Duy) đã trưởng thành nhưng vì họ lên Sài thành lập nghiệp rồi sa vào vòng xoáy cờ bạc, số đề nên ít khi về thăm. Hằng ngày, bà chỉ có cô Hồng (Cẩm Ly) tới lui bầu bạn, giúp đỡ.

Ngoài số ít câu thoại hài hước, yếu tố chính làm người xem khóc, cười cùng tiết mục nằm ở sự vô tâm đến tàn nhẫn của hai cậu con trai. Với họ, vật chất luôn được đặt lên hàng đầu và mặc kệ chuyện mẹ mình bệnh nặng đến đâu - đòi người mẹ gửi tiền, bán hết đất dưới quê để ra thành phố sống, hay việc muốn đào mộ ông bà gửi vào chùa nhằm tránh tốn diện tích, đồng thời dễ đẩy giá bán lên cao…

Tiểu phẩm Nỗi buồn mẹ tôi.

Chia sẻ

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất