Đi cùng sự phát triển xã hội, nhu cầu về tinh thần của khán giả ngày một cao hơn, đòi hỏi những bước chuyển mình ở ngành công nghiệp giải trí, trong đó có điện ảnh. Năm 2017, màn ảnh rộng nước nhà đã để lại không ít dấu ấn đáng chú ý, khiến nhiều người hâm mộ đặt kì vọng và niềm tin vào tiềm năng sáng lạn tương lai.
Điện ảnh Việt Nam nửa đầu 2017: Khi phim tình cảm “lên ngôi” và những kỷ lục đáng kinh ngạc
Nửa đầu năm 2017, có thể dễ dàng nhận ra, các bộ phim Việt khá an toàn. Đa số những dự án phim khoảng thời gian này đều lấy chủ đề tình cảm, phim mang màu sắc giải trí, nhẹ nhàng. Tuy nhiên, an toàn nhưng không nhàm chán, không ít tác phẩm đạt thành công về mặt doanh thu, cũng như tạo hiệu ứng đối với khán giả có thể kể đến như Bạn gái tôi là sếp, Em chưa 18, Cô gái đến từ hôm qua,…
Tháng Hai năm 2017, Bạn gái tôi là sếp - bộ phim do đạo diễn Hàm Trần thực hiện làm lại từ nguyên tác Thái Lan có tên ATM: Er Rak Error - chính thức ra rạp, phim xoay quanh sếp nữ khó tính Oanh (Miu Lê thủ vai) và anh chàng nhân viên tên Cường (Đỗ An). Những tình huống trớ trêu xảy ra giữa cặp đôi được thể hiện một cách tự nhiên, tươi trẻ, giúp tác phẩm thu hút số lượng lớn người xem. Thu về 16 tỷ đồng với gần 230.000 lượt vé sau bốn ngày công chiếu, Bạn gái tôi là sếp được xem là tín hiệu khởi sắc của điện ảnh Việt Nam đầu năm 2017.
Teaser “Bạn gái tôi là sếp”.
Nối tiếp thành công của Bạn gái tôi là sếp là Em chưa 18 - bộ phim tình cảm, hài hước xoay quanh nữ sinh trung học Linh Đan (Kaity Nguyễn) và gã trai hư Hoàng (Kiều Minh Tuấn thủ vai). Không quá cầu kì hay kịch tính, Em chưa 18 mang đến nụ cười hóm hỉnh, duyên dáng. Đặc biệt, diễn xuất tự nhiên và các “phản ứng hóa học” giữa cô gái trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm diễn xuất - Kaity Nguyễn và nam diễn viên Kiều Minh Tuấn gây ấn tượng cho người xem. Với tình tiết đơn giản, phim giúp nhân vật phát triển tình cảm chân thật, không gượng gạo, khiến người hâm mộ có thể cùng khóc, cùng cười.
Phim Em chưa 18 đạt thành công ngoài mong đợi, trở thành phim Việt có doanh thu chiếu sớm cao nhất lịch sử phòng vé: 13,2 tỷ đồng sau ba ngày ra rạp, tự tin đối đầu với hai tác phẩm Hollywood ra mắt cùng thời điểm là Vệ binh dải Ngân Hà 2 và Xì Trum: Ngôi làng kỳ bí. Bộ phim đạp đổ nhiều kỉ lục trước đó, đạt những thành tích như: Phim Việt có doanh thu một ngày cao nhất lịch sử điện ảnh Việt (15,6 tỷ đồng/ngày), Phim Việt đạt doanh thu 100 tỷ đồng nhanh nhất (sau 7 ngày công chiếu chính thức), Phim Việt có doanh thu cao nhất lịch sử (đạt 107 tỷ đồng sau 8 ngày công chiếu chính thức), Phim có doanh thu cao nhất Việt Nam (đạt 169 tỷ đồng sau 1 tháng công chiếu chính thức). Đồng thời, Em chưa 18 giành giải thưởng danh giá Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XX.
Trailer “Em chưa 18”.
Mùa hè năm 2017, phim tình cảm, nhẹ nhàng tiếp tục “lên ngôi”, với minh chứng là Cô gái đến từ hôm qua do Phan Gia Nhật Linh đạo diễn, được chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Dựng phim từ trang văn Nguyễn Nhật Ánh là cơ hội, cũng như thách thức không nhỏ dành cho mỗi nhà làm phim, làm sao để phim trong sáng, nhẹ nhàng, mà vẫn thu hút, giữ chân người xem. Cô gái đến từ hôm qua đã làm được điều ấy, sức hấp dẫn của phim khẳng định qua những con số: Trong 4 ngày chiếu sớm, phim thu hút gần 1900.000 lượt khán giả ra rạp, thu về 14 tỷ đồng; có tổng doanh thu là 65 tỷ đồng với một triệu lượt xem sau ba tuần ra rạp.
Nửa sau năm 2017: Những dự án “táo bạo” ra đời, đặt nền móng cho bước chuyển mình của nền điện ảnh Việt Nam
Nếu nửa đầu năm 2017, những bộ phim tình cảm, nhẹ nhàng thắng lớn về doanh thu, cũng như để lại dấu ấn không nhỏ trong lòng khán giả, thì nửa sau năm 2017, hàng loạt dự án “táo bạo” ra đời. Thật vậy, “Vũ trụ điện ảnh cổ tích Việt Nam đầu tiên”, “Phim siêu anh hùng made in Việt Nam đầu tiên”, “Phim về cuộc chiến thâm cung đầu tiên tại Việt Nam”,… là các cụm từ để miêu tả “bom tấn” màn ảnh rộng Việt khoảng thời gian này.
Sau dự án phim gây tiếng vang Tấm Cám: Chuyện chưa kể vào năm 2016, trong tư cách nhà sản xuất, “đả nữ” Ngô Thanh Vân tiếp tục cho ra rạp bộ phim lấy cảm hứng từ tà áo dài truyền thống - Cô Ba Sài Gòn. Với chất liệu dân tộc được tận dụng triệt để, tác phẩm thành công về doanh thu và nhận không ít phản hồi tích cực. Phim là minh chứng cho lối tư duy điện ảnh ngày càng đổi mới, sáng tạo, sự đầu tư chỉn chu của các nhà làm phim Việt Nam. Đồng thời, đây là một trong những viên gạch đầu tiên cho kế hoạch xây dựng Vũ trụ điện ảnh cổ tích Việt Nam.
Cũng ở những tháng cuối năm, hàng loạt bộ phim đáng mong chờ “đổ bộ” ra rạp, trong đó có thể kể đến như Mẹ chồng, Khi con là nhà, Lôi Báo,… Đặc biệt, xoay quanh mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu, con dâu cả - con dâu thứ tại gia đình giàu có, quyền thế Hội đồng Lịnh, phim Mẹ chồng do đạo diễn Lý Minh Thắng “cầm trịch” được xem là tác phẩm về thâm cung nội chiến đầu tiên, có đầu tư, chỉn chu từ kịch bản cho đến dàn diễn viên là hàng loạt mỹ nhân như Thanh Hằng, Lan Khuê, Ngọc Quyên, Midu,…
Đặc biệt, ra rạp cuối năm 2017, Lôi Báo được coi là phim siêu anh hùng made in Việt Nam đầu tiên, lấy chủ đề: đổi đầu người. Trong phim, những pha hành động mãn nhãn như đấu đá, đua xe kịch tính, cũng như các màn phô diễn khả năng của người hùng Lôi Báo (Cường Seven thủ vai) khiến khán giả có cái nhìn tích cực về thể loại phim siêu anh hùng Việt Nam.
Như vậy, dù không phải tác phẩm nào cũng thắng lớn về mặt doanh thu, đây vẫn được xem là dấu hiệu khả quả, minh chứng cho sự bứt phá khỏi thể loại, phương thức làm phim cũ, cũng như lối mòn tư duy đối với điện ảnh. Đồng thời, các dự án ngày càng được đầu tư chỉn chu, chú trọng từ khâu làm phim đến truyền thông. Do vậy, khán giả hoàn toàn có quyền trông chờ vào những bước chuyển mình của nền điện ảnh nước nhà.
Những “nốt trầm” trên màn ảnh rộng năm 2017
Sau những thành công bất ngờ từ các bộ phim chuyển thể như Em là bà nội của anh, Bạn gái tôi là sếp, nhiều nhà làm phim chọn hướng đi là làm lại phim từ nguyên tác nước ngoài. Bên cạnh thuận lợi, không ít thách thức đặt ra đối với nhà sản xuất cũng như dàn diễn viên. Đặc biệt, một số ý kiến cho rằng việc liên tục remake phim khiến người hâm mộ dễ nhàm chán.
Chưa xét đến mặt doanh thu, có thể dễ dàng nhận thấy, bộ phim Yêu đi, đừng sợ! do đạo diễn quá cố Stephane Gauger thực hiện - cùng những thay đổi phù hợp với văn hóa và thói quen khán giả Việt - đã nhận phản hồi tích cực. Mặt khác, ở Sắc đẹp ngàn cân - phiên bản remake của nguyên tác Hàn Quốc cùng tên, sự rập khuôn so với bản gốc khiến phim gây nên không ít ý kiến trái chiều. Do đó, trước một số dự án truyền hình, điện ảnh làm lại từ nguyên tác nước ngoài dự kiến sẽ công chiếu vào năm 2018, nhiều người xem tỏ ra nghi ngại.
Bên cạnh đó, nếu mỗi năm, phim kinh dị Việt Nam đều để lại dấu ấn đối với khán giả như Quả tim máu (2014), Đoạt hồn (2014), Cô hầu gái (2016), thì năm 2017 dường như không phải thời điểm thích hợp cho các nhà làm phim trong nước, trước sự “đổ bộ” của hàng loạt bom tấn nước ngoài như Amityville: The Awakening, Annabelle: Creation, It… Tuy nhiên, ngay những ngày đầu năm 2018, bộ phim kinh dị lấy đề tài và bối cảnh độc đáo - Xưởng 13 ra rạp, như một tín hiệu khởi sắc cho thể loại này trong năm nay.
Dẫu có những “nốt trầm” trên màn ảnh rộng Việt Nam năm 2017, nhìn chung, nền điện ảnh đã có sự phong phú, đa dạng hóa thể loại và cách triển khai kịch bản, cũng như tiếp cận khán giả. Vì vậy, không ít khán giả đặt kì vọng vào bước tiến của nền điện ảnh Việt năm 2018!