Có nhiều lý do để khiến chúng ta đi xem một tác phẩm điện ảnh: vì nội dung, dàn diễn viên tham gia hoặc là những thông tin quảng bá bên lề. Nhưng chắc chắn, poster cũng đóng vai trò khá quan trọng khi là lời chào đầu tiên, từ đó, nhiều người đã “phải lòng” hoặc ghi nhớ bộ phim ấy vào đầu dù chưa hề dự tính trước.
Ấn tượng này đôi khi sâu đậm tới mức còn lôi kéo được một lượng khán giả muốn tìm lời giải đáp, liệu poster ấy đã truyền tải bao nhiêu phần trăm câu chuyện? Nhưng không chỉ là mặt hình thức, poster còn cho thấy tư duy nghệ thuật của nhà sản xuất trong việc đầu tư một cách chỉn chu và đồng bộ.
Mùa hè chiều thẳng đứng (2000) - Trần Anh Hùng
Là bộ phim thứ 3 của đạo diễn hải ngoại Trần Anh Hùng, Mùa hè chiều thẳng đứng thuộc bộ tam Việt Nam trilogy, là một phim bi kịch của 3 chị em gái Sương, Khánh, và Liên - ba mảnh đời tiêu biểu của phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ đồng thời cũng là ba nhân vật chính trên tấm poster. Sương, Khanh, Liên khăng khít bên nhau và nở nụ cười đầy mê hoặc trên nền xanh của cây lá.
Tương tự Mùi đu đủ xanh, trong Mùa hè chiều thẳng đứng, đạo diễn Trần Anh Hùng rất chú trọng đến ngôn ngữ hình ảnh và tâp trung khai thác toàn bộ những yếu tố làng quê của Việt Nam với chất thơ quen thuộc. Cũng chính lẽ đó, poster của phim đã trở thành món khai vị cho một bữa tiệc của hình ảnh và màu sắc.
Mùa len trâu - Nguyễn Võ Nghiêm Minh (2003)
Chuyện phim dựa trên tác phẩm Mùa len trâu trong tập truyện Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam, kể về cuộc sống của những người nông dân miền Nam đầu thế kỷ 20. Mỗi khi mùa mưa về, nước tràn ngập mọi nơi, có những người làm nghề “len trâu”, đưa trâu đi tìm cỏ để sống qua mùa lũ.
Poster phim được chia ra nhiều phiên bản khác nhau. Phiên bản Việt Nam tập trung vào nhân vật Kìm, con trai một gia đình nông dân nghèo. Từ một cậu bé mới lớn ngây thơ nhưng lâm vào cảnh bức bách, ba Kìm cho phép theo len trâu với những người khác. Từ đây, hành trình vào đời của Kìm bắt đầu. Còn trong hai phiên bản tiếng Anh và tiếng Pháp lại bày ra một trời sông nước, nơi đó, hình dáng con người trở nên bơ vơ trước những cơn thoái trào của Mẹ thiên nhiên.
Sống trong sợ hãi - Bùi Thạc Chuyên (2005)
Là phim nhựa đầu tay của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, Sống trong sợ hãi xoay quanh cuộc sống của một người lính thời hậu chiến. Trở về sau chiến tranh, anh chọn công việc gỡ bom mìn đem bán sắt vụn để kiếm tiền nuôi gia đình. Sau thời gian dài bị người đời cười chê, sống cô lập, cuối cùng Tải cũng mở lòng khi anh được ghi nhận giúp chính quyền tháo gỡ hàng trăm tấn bom, mìn còn sót lại của chiến tranh.
Poster phim chính là nhân vật Tài với khuôn mặt đăm chiêu trước một quả mìn, cũng là công việc hằng ngày của anh. Hình ảnh này đã mang lại cảm giác căng thẳng cho bất cứ ai nhìn vào và phần nào cảm nhận được tâm trạng của nhân vật.
Áo lụa Hà Đông - Lưu Huỳnh (2006)
Áo lụa Hà Đông không nằm ngoài môtip các bộ phim mang phong cách sử thi và cảm hứng chiến tranh khác. Trương Ngọc Ánh vào vai cô Dần, vốn là một người ở nhưng đã theo tiếng gọi tình yêu để trốn đi cùng người đàn ông tên Gù. Dù phải làm lụng cực khổ nhưng Dần vẫn cố gắng đi làm thuê để may được cho cô con gái một tấm áo dài.
Cả bộ phim chính là một tấn bi kịch đầy đau thương, mất mát nhưng vô cùng đẹp đẽ. Diễn xuất của Trương Ngọc Ánh không chỉ ghi dấu ấn trong phim mà còn thể hiện rõ nét trên tấm poster, là một người đàn bà đang ôm con mình vào lòng.
Giao lộ định mệnh - Victor Vũ (2010)
Dù dính phải nghi án đạo nhái, khi nội dung phim được nhiều người cho rằng rất giống kịch bản phim Shattered do Hollywood sản xuất năm 1991. Tuy nhiên, Giao lộ định mệnh vẫn là một bộ phim khá ổn và có sự đầu tư chuẩn mực từ dàn diễn viên, biên kịch cho đến poster phim. Tất cả nhân vật như đang tham gia vào một trò chơi đuổi bắt mà người chiến thắng sẽ là kẻ nắm giữ nhiều bí mật.
Cánh đồng bất tận - Nguyễn Phan Quang Bình (2010)
Có lẽ không cần phải nói nhiều về Cánh đồng bất tận. Đây từng là một trong những tác phẩm có kinh phí cao nhất, ồn ào nhất nhưng cũng ấn tượng nhất của đầu thập niên 2010. Đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình đã tái hiện lại cánh đồng lúa chín bao lao, như đang bao trùm lấy số phận của con người.
Phim mở đầu với cảnh một nhóm phụ nữ đánh ghen trên xóm nhà ven sông. Người bị đánh ghen, đổ keo vào chỗ kín là Sương (Đỗ Thị Hải Yến), một cô gái điếm với lý do là đã quyến rũ chồng người khác. Điền (Võ Thanh Hòa), một cậu bé động lòng thương đã ra tay giải cứu và đưa Sương về nhà mình, là một con thuyền trên sông.
Hotboy nổi loạn - Vũ Ngọc Đãng (2011)
Năm 2011, Vũ Ngọc Đãng từng khiến báo chí tiêu tốn giấy mực trong thời gian dài bởi câu chuyện tình đồng tính bi thương của màn ảnh Việt. Trở lại với sở trường của mình khi làm phim về những số phận ngang trái, cơ cực và lạc lõng giữa thành phố Sài Gòn hoa lệ, anh đã mang tới một cái nhìn đầy cảm thông về hai chàng trai tình cờ gặp gỡ rồi phải lòng nhau.
Hot boy nổi loạn lấy bối cảnh ở thành phố Hồ Chí Minh và kể lại hai câu chuyện khác nhau. Câu chuyện thứ nhất kể về tam giác tình giữa ba chàng trai tên Khôi, Lam và Đông; trong đó Lam và Đông làm nghề mại dâm. Câu chuyện thứ hai kể về một chàng khờ tên Cười và tình bạn giữa anh với một cô gái điếm tên Hạnh.
Nước 2030 - Nguyễn Võ Nghiêm Minh (2014)
Về ấn tượng đầu tiên, chắc chắn Nước 2030 chính là bộ phim có poster đẹp nhất khi lồng ghép khá nhiều ý nghĩa vào trong một bức hình. Tất cả chi tiết từ màu sắc, bố cục, kiểu chữ cho đến yếu tố con người đều vô cùng hài hòa, biến tổng thể thành một bức tranh nghệ thuật rất sáng tạo.
Nói sơ về phim, phong cách quen thuộc của Nguyễn Võ Nghiêm Minh từ Mùa len trâu một lần nữa được lặp lại trong Nước 2030. Những góc máy cao, toàn cảnh đã mang lại những thước phim chân thật nhất của đời sống người dân Đông Nam Bộ. Câu chuyện mở đầu bằng một dự báo rằng với đà nhiệt độ Trái đất tăng như hiện nay thì đến năm 2030, khoảng nửa đất nông nghiệp của Nam bộ mà cụ thể là vùng ven Sài Gòn sẽ chìm trong biển nước.
Cha và con và… - Phan Đăng Di (2015)
Cha và con và… là một trường hợp vô cùng đáng tiếc của điện ảnh Việt bởi đã không nhận được sự chú ý mà nó nên có. Sở hữu phần kịch bản đen tối, dữ dội, phim đã tạo nên một cảm xúc lưng chừng áng ngay tâm trí người xem. Poster tiếng Anh của phim khá táo bạo khi chụp lại một người đàn ông khỏa thân đang đứng trong mưa, dường như ít ai nhận ra đó là một bộ phim Việt Nam nếu chưa nghe qua hoặc đã tìm hiểu trước.
Mối tình giữa Vũ -Thăng nằm trong vòng xoáy mưu sinh được ví là sự thất bại của nam tính khi mở đầu, kết phim là bối cảnh hai chàng trai đi thắt ống dẫn tinh. Đạo diễn Phan Đăng Di đã thể hiện ngôn ngữ điện ảnh bằng cách rất riêng và đáng ngạc nhiên, một dòng chảy cảm xúc thư thái, tự do nhưng không kém phần quanh co, khúc nẻo như cuộc đời này.
Đập cánh giữa không trung - Nguyễn Hoàng Điệp (2015)
Thoạt nhìn, poster của Đập cánh giữa không trung khá tương đồng với những poster của các bộ phim từ LHP Sundance, ngày hội dành cho những tác phẩm nghệ thuật độc lập, kinh phí thấp của Mỹ. Hình ảnh này tạo nên một ảo giác lơ lửng về một câu chuyện đầy bạo liệt, u tối nhưng vẫn mang màu sắc lạc quan và lãng mạn.
Nhân vật chính của câu chuyện là Huyền, cô sinh viên thuê trọ ở xóm đường tàu Hà Nội. Sau khi dính bầu với bạn trai là Tùng, một anh chàng công nhân chuyên thay đèn đường và có sở thích chọi gà đã bỏ đi. Huyền bắt đầu băn khoăn và mơ hồ với việc phá thai. Để có tiền, Huyền nhờ Linh - người bạn chuyển giới chuyên giả gái để bán dâm - môi giới cho một má mì. Tuy nhiên, dự định phá thai của cô gái trẻ cứ bị trì hoãn hết ngày này qua ngày khác, tới khi đứa trẻ trong bụng lớn dần lên…
Siêu trộm - Hàm Trần (2016)
Tính đến thời điểm hiện tại, Siêu trộm dường như là bộ phim ấn tượng nhất những tháng đầu năm 2016 bởi sự đồng bộ về nội dung, diễn viên và poster phim khi đã tập hợp đầy đủ những gương mặt trong phim như đặc vụ Đa Đa, biệt đội siêu sáu bao gồm 5 thành viên toàn là tội phạm với các biệt danh như: thánh lừa, hacker, siêu đạo chích, đa nhân diện và nội gián; họ được tập hợp bởi một đặc vụ cảnh sát quốc tế tên Đa Đa để cùng đi bắt một tên siêu tội phạm khác về tin tặc là Thomas.
Sau khi tung teaser poster đầu tiên “trong chiếc nhẫn chứa 170 tỉ đồng và nó sắp bị hack” kèm theo là teaser trailer với sự xuất hiện chớp nhoáng của các nhân vật “siêu trộm” trong phim. Teaser poster 2 đã giới thiệu rõ ràng hơn về tạo hình cũng như các khả năng của từng thành viên trong “biệt đội siêu sáu- siêu trộm“, và chân dung của ông trùm cùng các sát thủ.
Câu chuyện Siêu trộm xoay quanh những mánh khóe trong thế giới tội phạm siêu kỹ thuật, một hacker có tên là Bóng Ma đã tạo ra phần mềm có thể khóa ổ cứng của máy tính và buộc nạn nhân sử dụng phải trả một khoản tiền chuộc bằng những đồng tiền ảo. Đa Đa (Nhung Kate), một trinh sát đặc nhiệm, được chỉ đạo hợp tác với liên đoàn cảnh sát quốc tế Interpol và lực lượng đặc nhiệm Việt để bắt Bóng Ma. Nhưng phải dùng một tên trộm để bắt một tên cướp.
Bao giờ có yêu nhau - Dustin Nguyễn (2016)
Dù chưa ra mắt, song những hình ảnh của phim được tung ra đã khiến nhiều người trầm trồ không ngớt bởi sự lãng mạn pha chút kỳ ảo với cảnh tượng Quý Bình và Minh Hằng ôm nhau thân mật ẩn hiện giữa đồi cát lộng gió.
Không những vậy, ngay cả bộ teaser poster bao gồm 3 tấm với hình ảnh Minh Hằng ẩn hiện giữa núi rừng, với 3 sắc thái khác nhau cũng lung linh không kém. Khu rừng này cũng là một trong những bối cảnh chính tuyệt đẹp của Bao giờ có yêu nhau.
Bao giờ có yêu nhau là bộ phim tình cảm lãng mạn với nhiều yếu tố bất ngờ. Chuyện xoay quanh mối nhân duyên sâu nặng giữa Linh và Huy cùng những khung hình đẹp say lòng người. Linh (Minh Hằng thủ vai) - cô gái trẻ thích khám phá thiên nhiên bất ngờ gặp nạn tại một khu rừng hoang sơ. Lúc ấy, Huy (Quý Bình thủ vai) cũng đang tản bộ và cứu được Linh, đưa cô đến trạm xá. Và thế là họ yêu nhau từ lần gặp gỡ ấy.