Gần đây, tác phẩm điện ảnh Em của niên thiếu đạt được rất nhiều thành công về mặt doanh thu phòng vé. Thế nhưng, bộ phim vấp phải sự tranh cãi lớn khi chuyển thể từ nguyên tác dính nghi án đạo văn, sao chép từ tác phẩm khác. Mặc dù có ý kiến cho rằng ekip và dàn diễn viên của bộ phim không có lỗi, lỗi chỉ do bên tác giả nguyên tác mà thôi. Tuy nhiên, số đông dư luận lại không đồng tình với quan điểm này.
Trước đây, những bộ phim cổ trang như Cẩm tú vị ương, Sở Kiều truyện đến Tam sinh tam thế: Thập lý đào hoa đều bị tố chuyển thể từ tác phẩm đạo văn. Tuy tất cả những bộ phim này đều rất nổi tiếng và đạt được thành công vang dội, nhưng đều thuộc dạng phim khai máy sau khi nguyên tác gốc bị tố là sản phẩm đạo, ăn cắp chất xám của người khác. Chính vì vậy, dù rằng phim nổi như thế nào đi chăng nữa đều hứng chịu sự chỉ trích của dư luận. Diễn viên tham gia rơi vào trạng thái khó xử, tiến thoái lưỡng nan.
Nói là vậy nhưng cũng có nhiều diễn viên thẳng thừng lên tiếng từ chối đóng những dự án chuyển thể từ đạo phẩm. Họ không muốn danh tiếng mình bị ảnh hưởng, bên cạnh đó là sự tôn trọng của những nghệ sỹ đối với tác phẩm gốc và bài trừ những sản phẩm đạo nhái, ăn cắp chất xám và thành quả của người khác. Ngay từ đầu nhà sản xuất gửi lời mời, sau thời gian tìm hiểu nghiên cứu thì những diễn viên sau đây đã từ chối tham gia những nguyên tác dính nghi án là “hàng đạo”.
Ngôi sao của bộ phim Tôi không phải là dược thần - Vương Truyền Quân từng công khai bày tỏ sẽ không tham gia bộ phim Tình yêu chung cư. Lý do Vương Truyền Quân đưa ra rằng vì nguyên tác sao chép quá nhiều khiến anh không thể chấp nhận. Cách làm này của nam diễn viên nhận được rất nhiều sự ủng hộ của mọi người.
Không chỉ có Vương Truyền Quân, Hồ Ca cũng là tuýp nghệ sỹ nói không với đạo phẩm. Lúc trước, nhà sản xuất bộ phim Tam sinh tam thế: Thập lý đào hoa từng hy vọng Hồ Ca sẽ là nam chính trong tác phẩm của họ. Kết quả cuối cùng, nam tài tử cự tuyệt, tuyên bố sẽ không tham gia bộ phim.
Trước đó, Hậu cung Chân Hoàn truyện vô cùng nổi tiếng, được xếp vào là hàng kinh điển trong cung đấu. Nhưng bộ phim gặp phải vấn đề khi dính đến chuyện nguyên tác bị nghi ngờ đạo văn khiến cho Tôn Lệ khá khó xử. Cho nên, diễn viên là người của công chúng, cần phải lựa chọn xem xét kịch bản thật kỹ lưỡng để không ảnh hưởng đến danh tiếng của mình.
Một trường hợp khác, khi Như Ý truyện ra mắt, nữ chính của bộ phim là Châu Tấn bị đẩy lên nơi đầu sóng ngọn gió. Thật ra, kịch bản này ban đầu tìm đến Tôn Lệ nhưng “Nương Nương” từng trải qua hoàn cảnh tham gia vào tác phẩm bị tố đạo văn nên cô hiểu rõ cảm giác này mà nhanh chóng từ chối.
Ngoài nguyên tác Em của niên thiếu dính nghi án sao chép tình tiết, đạo văn từ Bạnh Dạ Hành và Phía sau nghi can X, tác giả Cửu Nguyệt Hi còn gây tranh cãi với vấn đề tương tự trong tác phẩm Anh biết gió đến từ đâu. Dù là hàng nhái nhưng vẫn được các bên mua về chuyển thể thành phim, nhà sản xuất từng ngỏ lời mời Trần Khôn tham gia. Nam diễn viên bày tỏ đặc biệt hứng thú với kịch bản, nhưng khi phát hiện đây là sản phẩm đạo văn, Trần Khôn liền vội vàng từ chối dù cát-sê có cao đến đâu đi chăng nữa.
Khách quan mà nói, để tìm hiểu một nguyên tác tiểu thuyết có dính phốt đạo hay không thì vô cùng dễ dàng với thời đại công nghệ phát triển như hiện nay. Nếu như đoàn đội hay diễn viên bày tỏ không hề biết sự việc này thì chứng tỏ họ vô trách nhiệm trong việc nghiên cứu kịch bản, làm ăn thất trách. Dân mạng có thể dễ dàng tra ra được hàng tá thông tin, bài viết liên quan đến việc đạo văn, hà cớ gì ekip diễn viên tham gia lại tỏ ra “ngây thơ” không hề biết rõ.