Phim Ảnh

Những điểm khiến khán giả nhíu mày trong ‘Ông ngoại tuổi 30’

Lạc Lạc
Chia sẻ

Một số người xem khó tính cho rằng mẹ trẻ Mi Trần đã khóc "lố" đến nỗi có thể cuốn trôi cả bầu trời nắng, trượt theo những nỗi buồn. Chuyện gì đã xảy ra với gia đình bá đạo của ông ngoại Sơn Huy vậy? Cùng đón theo dõi trong bài viết dưới đây nhé!

Mặc dù được làm lại (remake) từ tác phẩm đình đám một thời, Scandal Makers của Hàn Quốc, song Ông ngoại tuổi 30 phiên bản Việt vẫn tạo nên sự thành công nhất định trong thị trường điện ảnh nội địa. Khai thác câu chuyện theo đề tài không mới nhưng lại chẳng bao giờ ngừng hot - đề tài về gia đình và sự nghiệp - bộ phim xem chừng vẫn khá tròn trịa cho đến những phút cuối cùng. Bên cạnh đó dàn diễn viên chính trong Ông ngoại tuổi 30 tuy không được đào tạo bài bản trong diễn xuất nhưng vẫn chiếm được cảm tình từ phía khán giả. Và thế là hết, bộ phim hầu như chỉ có vậy!

Như đã chia sẻ, Ông ngoại tuổi 30 vẫn chưa thoát khỏi cái bóng quá lớn của người tiền thân xứ Hàn để trở thành một tác phẩm hoàn hảo. Bằng chứng là bộ phim còn vướng một số lỗi mà hầu hết các phim Việt Nam đều gặp phải, khiến khán giả nước nhà phải nhíu mày khó chịu.

Đại từ xưng hô, lời nói quá văn vẻ, mỹ miều

Tại sao phim Mỹ thường rất thành công, dù là phim hài tâm lý hay hành động, khoa học viễn tưởng? Đó là vì khâu biên kịch và biên tập của họ đã lược bớt những đoạn lời thoại quá màu mè, văn vẻ, thay vào đó, họ thường đưa vào những câu từ bình dân, gần gũi bao gồm cả tiếng lóng, những cách thức giao tiếp mà người Mỹ vẫn hay dùng. Nếu đặt lên bàn cân các sản phẩm remake gần đây thì Tháng năm rực rỡ rõ ràng “rực rỡ” hơn hẳn, chính nhờ phần thoại trong phim không quá kịch và tiểu thuyết hóa. Hầu hết các tác phẩm còn lại, bao gồm cả Ông ngoại tuổi 30 đôi lúc lại khiến khán giả Việt phải chán ngán vì có phần lời thoại được xây dựng quá cứng nhắc, không giống như một cuộc đối thoại thông thường, dù các diễn viên đã cố gắng thể hiện rất tự nhiên.

Ví như một số lời thoại trong phân đoạn người yêu của cô gái Mi Trần (Kiều Trinh) bày tỏ sự ghen tuông trước mối quan hệ giữa cô và Sơn Huy (Trịnh Thăng Bình). Đa phần các câu thoại đều bị quá đà do biên kịch quá tay, khiến một chàng trai chỉ mới ở độ tuổi đôi mươi lại có thể có những phát ngôn khá “trật” tuổi và “trật quẻ”.

Cắt ghép cảnh không hợp lý ở giai đoạn hậu kỳ

Bất kỳ tác phẩm nào muốn trình chiếu đều phải trải qua giai đoạn hậu kỳ kỹ lưỡng để tạo ra thành quả sau cùng từ những thước phim thô trước đó. Thế nhưng với Ông ngoại tuổi 30, dường như giai đoạn hậu kì lại chính là giai đoạn khiến bộ phim trở nên kém hoàn thiện như mong đợi. Lấy ví dụ điển hình là tình tiết thấy vật nhớ người của ông ngoại trẻ Sơn Huy khi anh vô tình tìm được chú gà đồ chơi của cháu trai Phương Đông (bé Gia Bảo).

Vấn đề ở đây chính là người xem còn chưa kịp nhớ ra Phương Đông có một chú gà luôn mang bên mình thì bộ phim đã vội vàng dẫn dắt mạch phim đến tình tiết “tức vật sinh tình”. Lẽ ra cả hai ông cháu phải có nhiều thời gian vui đùa bên nhau hơn, dĩ nhiên là cùng với chú gà, tự khắc những tình tiết về sau sẽ hợp lý mà thôi. Đây cũng là lí do vì sao những cảm xúc khi đẩy lên cao trào của Sơn Huy lại khiến người xem khó tính cảm thấy không tới, vì chẳng biết anh và hai mẹ con Mi Trần - Phương Đông có kỉ niệm gì đáng nhớ, hay tại sao con gà lại có tác động mạnh như vậy đến anh. Việc các tình tiết phim không được xử lý ổn thỏa sẽ khiến một bộ phim dù hay cách mấy cũng sẽ trở nên vụn vặt.

Diễn viên đôi khi hơi lố lăng trong diễn xuất

Nếu để hỏi yếu tố nào khiến bản Hàn Scandal Makers “ăn đứt” bản Việt Ông ngoại tuổi 30 thì có lẽ chính là diễn xuất. Nhiều ý kiến cho rằng dường như dàn diễn viên Ông ngoại tuổi 30 đang cố gắng vùng vẫy trong vô vọng khi được giao cho những “chiếc áo” vai diễn quá lớn. Chẳng hạn như cảnh Mi Trần (Kiều Trinh) vừa khóc vừa chạy đi kiếm Phương Đông trước sự thờ ơ đến đáng sợ của Sơn Huy, người lẽ ra cũng phải nháo nhào cùng cô đi tìm lại thành viên nhí trong gia đình. Có lẽ sự thật phũ phàng đó đã khiến cho Mi Trần phải tủi thân mà bật khóc. “Nhọ” thay, giọt nước mắt tủi hổ ấy không đủ cứu Kiều Trinh khỏi những ý kiến trái chiều từ phía công chúng. Một số người xem khó tính cho rằng Kiều Trinh đã khóc “lố” đến nỗi có thể cuốn trôi cả bầu trời nắng, trượt theo những nỗi buồn.

Tạm kết:

Trailer phim.

Dù hiện tại, Ông ngoại tuổi 30 không đủ sức cho cuộc đua tranh ngôi ông hoàng phòng vé, nhưng tác phẩm lại khá ổn về mặt nội dung truyền tải và diễn xuất ở mức trung bình, phù hợp với vị trí một phim giải trí cuối tuần để giải tỏa căng thẳng. Ông ngoại tuổi 30 hiện đang được trình chiếu chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc.

Chia sẻ

Bài viết

Lạc Lạc

Tin mới nhất