Sự góp mặt của nữ diễn viên nhí Kim Soo Ahn trong The Battleship Island (Đảo địa ngục) khiến người xem không khỏi nhớ lại hình ảnh của cô bé ở một siêu phẩm điện ảnh từng làm mưa làm gió tại thị trường điện ảnh châu Á cách đây 1 năm - Train To Busan. Không dừng lại ở đó, nhiều khán giả tinh ý còn nhận ra nhiều nét tương đồng khá bất ngờ từ cả hai bộ phim. Hãy cùng Saostar so sánh để tìm ra những điểm giống nhau thú vị giữa một tác phẩm kinh dị siêu thực với một tác phẩm điện ảnh mang đậm tính sử thi tưởng chừng như không liên quan này.
Thảm họa khủng khiếp do chính con người tạo ra
Đại dịch xác sống bắt nguồn từ một nhà máy sử dụng hóa chất để sản xuất cây trồng, cũng là công ty do nhân vật nam chính Seok Woo (do diễn viên Gong Yoo thủ vai) sở hữu. Do vô tình làm rò rỉ hóa chất độc hại đang được nghiên cứu ra ngoài trong quá trình vận chuyển, hậu quả dẫn đến thảm họa khủng khiếp cho hàng triệu người dân vô tội khắp Hàn Quốc.
Còn ở The Battleship Island, câu chuyện lại diễn ra trong bối cảnh một trong những thảm họa tồi tệ nhất do con người tạo nên - chiến tranh. Chính chiến tranh là thứ đem đến sự nghèo khổ, phân biệt chủng tộc, những quy luật hà khắc và cuộc sống khổ sai nô lệ cho người dân Triều Tiên trước sự thống trị của quân Nhật. Ở nơi đó, con người bị tước đi quyền tự do, bình đẳng, được nhảy múa, ca hát, thậm chí là cả quyền được sống và lao động theo đúng nghĩa. “Đảo địa ngục” - Địa ngục trần gian ấy do chính con người - những kẻ mang danh “sử dụng chiến tranh để đưa con người đến với một cuộc sống văn minh và bình đẳng” - một tay tạo thành.
Tình phụ tử thiêng liêng bất diệt
Trailer phim The Battleship Island.
Khán giả xem qua 2 siêu phẩm điện ảnh Hàn Quốc Train To Busan và The Battleship Island chắc hẳn đều nhận ra sự góp mặt của cô bé diễn viên nhí Kim Su An. Và điều đặc biệt hơn nữa là ở cả hai bộ phim, hình ảnh Kim Soo Ahn đều gắn liền với tình phụ tử bao la đầy cảm động. Dù là khi đi bên người cha giám đốc thông minh, giàu có Seok Woo đối mặt với thảm họa xác sống hay ông bố nhạc công Lee Kang Ok tầm thường trong thảm cảnh chiến tranh, cô bé luôn được bao bọc, che chở trong sự yêu thương, bảo vệ của người cha cho đến tận phút cuối cùng.
Không thể phủ nhận, vai diễn cảm xúc của cô bé Kim Soo Ahn cùng 2 nam diễn viên gạo cội Gong Yoo và Hwang Jung Min đã lấy đi nhiều nước mắt của khán giả xem phim, khiến họ như hòa vào một cuộc sống đầy đau khổ, hiểm nguy nhưng sự yêu thương, tình phụ tử bất diệt vẫn một mực đong đầy.
Nỗi sợ hãi trước sự quay lưng của chính đồng loại
Trailer phim Train To Busan.
Ở Train To Busan, khán giả hẳn không thể nào quên cảnh tượng nhóm người Seok Woo (Gong Yoo) bị mắc kẹt trên toa tàu nằm giữa những con người và Zombie. Đứng trước cảnh đồng loại đang bị lũ xác sống tấn công, nhóm người trong toa tàu an toàn đã quyết định đóng cửa, bỏ mặc mạng sống của những người trong khoang nguy hiểm. Trong số họ có người già, trẻ em, thậm chí là phụ nữ đang mang bầu.
Sang đến The Battleship Island, sự bàng quan trước sống chết của con người xuất phát từ vấn đề phân biệt chủng tộc. Những người Triều Tiên phải lao động khổ sai dưới hầm mỏ vì lý do “Ông cha mắc lỗi, con cái phải chịu” có cuộc sống hoàn toàn trái ngược với những người dân Nhật Bản sống tại hòn đảo với đầy đủ cơm áo, học hành. Khi trực thăng Mỹ dội bom xuống hòn đảo Hashima nhỏ bé, quân Nhật tự cho mình cái quyền chỉ bảo vệ người Nhật mà đóng hầm chủ ẩn, bỏ mặc hàng trăm người Triều Tiên đối mặt với hiểm họa bên ngoài. Để rồi đến tàn cuộc, khi hàng trăm mạng người Triều Tiên đổ xuống, người Nhật lại lên giọng xót thương cho mạng sống của một nữ sinh Nhật duy nhất mất đi.
Những người hùng xuất thân do hoàn cảnh
Nếu như ở Train To Busan, người xem cảm phục trước một Sang Hwa (do Ma Dong Seok thủ vai) với thân hình mạnh mẽ, luôn sẵn sàng bảo vệ người vợ đang mang thai và cứu giúp mọi người thì ở The Battleship Island, vai diễn Choi Chil Sung của So Ji Sub chính là người anh hùng xuất thân từ thời cuộc.
Là người đàn ông với cuộc sống bình thường, yêu thương vợ con và không hề nuôi chí lớn, Sang Hwa thậm chí chẳng nghĩ tới việc sẽ hi sinh bản thân để cứu sống mọi người. Cũng giống như Choi Chil Sung, anh dũng chống trả ngòi súng dã man của quân Nhật, ngăn cản đường để người Triều Tiên có thời gian đào tẩu, tất cả cũng chỉ vì lời hứa với một người phụ nữ làng hoa. Để rồi cuối cùng, dù có ngã xuống, họ tự khi nào đã trở thành những người hùng trong lòng khán giả, mỗi người một dấu ấn, tư vị khác nhau, rất khó phai mờ.
Khúc hát bi tráng và đẫm nước mắt cho những người ở lại
Kết thúc Train To Busan, người xem như vỡ òa khi tiếng hát của Su An ( do Kim Su An) cất lên phía cuối đường hầm, nơi có những người lính với súng đã lên nòng trực chờ ngay phía trước. Mất cha, chứng kiến thảm cảnh khủng khiếp, giọng ca cất lên như đánh thẳng vào trái tim khán giả. Đó là khúc ca bi tráng của sự khải hoàn, là niềm hi vọng được sống sót hay chính là nỗi tuyệt vọng của của một đứa trẻ cùng người phụ nữ mang thai khi đã phải trải qua ngần ấy khổ đau và mất mát chỉ sau một ngày?
Cuối tác phẩm The Battleship Island, trong những giây phút cuối đời của người nhạc công Lee Kang Ok, ông cũng đã yêu cầu đứa con gái nhỏ mà mình yêu thương hát lên một bài.Tiếng hát cất vang khi Kang Ok đã nhắm mắt xuôi tay, tất cả chìm vào bóng tối, cũng chính là lúc kết thúc bộ phim, để lại trong lòng khán giả ngổn ngang bao suy nghĩ. Đó là sự cảm thông, là nỗi bàng hoàng trước một thảm kịch hi sinh quá lớn do chính con người tạo ra, cũng là niềm lo lắng cho số phận tương lai vô định của những người sống sót lênh đênh trên biển. Rồi cuộc sống của họ sẽ trôi dạt về đâu? Một thế giới mới tràn đầy ánh sáng và hi vọng, hay lại một “địa ngục trần gian” chờ đợi phía trước, khi chiến tranh và những phân biệt giai cấp, chủng tộc giữa người Nhật và Triều Tiên còn chưa chấm dứt?
Hai tác phẩm điện ảnh tưởng chừng như khác xa nhau cả về hình thức lẫn nội dung truyền tải, thế nhưng đâu đó vẫn tồn tại mối dây liên kết bởi giá trị nhân văn cao cả, những ý nghĩa sâu lắng ẩn chứa trong từng thước phim. Đó là một trong những điểm nhấn đặc biệt của phim điện ảnh Hàn Quốc mà nhiều quốc gia có nền điện ảnh đang phát triển khác, trong đó có Việt Nam cần tiếp thu và học tập.
Độc giả có thể truy cập TVING để xem lại các tập phim Hàn Quốc hoặc theo dõi thông tin phim tại Ghiền phim Hàn.