Phim Ảnh

Những cuộc chạm mặt giữa nhân vật và chính mình trong quá khứ tạo bước ngoặt cho 'Avengers: Endgame'

Grassie
Chia sẻ

Chuyến du hành không chỉ tua lại MCU từ những ngày đầu, tạo nên những mắt xích chặt chẽ không tưởng khiến công chúng phấn khích, mà còn khắc họa sự tương quan giữa các nhân vật trong hiện tại và quá khứ. Mỗi cuộc gặp mặt đều tạo nên bước ngoặt lớn cho mạch phim và tô đậm thêm tính cách mỗi người.

* Bài viết tiết lộ TOÀN BỘ nội dung, độc giả cân nhắc trước khi đọc

Trải dài hơn một thập kỷ với hơn 20 tác phẩm có kết nối chặt chẽ với nhau, Vũ trụ điện ảnh Marvel (MCU) trở thành đế chế hùng mạnh bậc nhất, sở hữu số lượng người hâm mộ đông đảo khắp toàn cầu. Tuy vẫn tiếp tục xây dựng kế hoạch phát triển bài bản trong tương lai, giai đoạn đầu tiên của MCU đã phải đi đến hồi kết với Avengers: Infinity War - bộ phim khép lại bằng chiến thắng của Thanos sau cái búng tay làm mất một nửa sinh vật trong Vũ trụ - và năm nay là Avengers: Endgame.

Ở hồi kết của giai đoạn đầu MCU, những siêu anh hùng trong biệt đội Avengers thế hệ đầu thể hiện đúng tinh thần của cái tên Avengers: không phải phòng vệ mà là báo thù. Sau cú búng tay của Thanos trong Avengers: Infinity War, một nửa sinh linh còn lại không thể vượt qua mất mát quá lớn. Ngay vào thời điểm mọi hy vọng dập tắt, sự kiện bất ngờ xảy ra khiến biệt đội Avengers tìm ra hướng đi để làm lại một lần nữa.

Không phải trở về quá khứ, biệt đội Avengers rời khỏi dòng thời gian gốc và di chuyển đến những dòng thời gian khác mượn đá vô cực để hồi sinh những người đã tan biến. Trong các chuyến phiêu lưu này, nhân vật được gặp quá khứ hoặc tương lai của chính mình, mở ra những bước ngoặt mới cho mạch phim.

Captain America gặp mình trong quá khứ

Những thành viên sống sót của Avengers chia thành ba nhóm để trở về quá khứ, trong đó Banner, Rogers, Lang và Stark quay lại trận chiến ở New York năm 2012 để lấy Time Stone, Space Stone và Mind Stone. Lấy được Mind Stone từ gián điệp của Hydra, Captain America chạm mặt chính mình trong quá khứ và bị lầm tưởng là Loki giả trang thành. Tại đây, cặp đôi Captain America đã có cuộc va chạm với nhau.

Cảnh quay Captain America chiến đấu với chính mình trong quá khứ là một trong những chi tiết được yêu thích bậc nhất bộ phim. Cùng lúc, cả hai phô diễn những thế võ y chang và lời thoại: “Tôi có thể làm vậy cả ngày” của Captain America năm 2012 được Captain America hiện tại lắc đầu ngao ngán đáp trả: “Tôi biết mà”.

Captain America và Thor trong “Avengers: Age of Ultron”.

Sau đó, vì tiết lộ thông tin Bucky còn sống cho Captain America trong quá khứ, Rogers hiện tại tranh thủ hạ gục đối phương và rời khỏi với viên Mind Stone. Đây là một trong những cảnh quay thể hiện mức độ chiều fan cực độ của Vũ trụ điện ảnh Marvel. Khỏi phải nói, người hâm mộ gắn bó với MCU từ những ngày đầu sẽ phấn khích đến nhường nào với sự kết nối, liên kết chặt chẽ và thú vị này.

Nebula giết chết Nebula quá khứ

Đổi từ phe của Thanos sang biệt đội Avengers, Nebula là một trong những mắt xích quan trọng bậc nhất của hồi kết cuộc chiến vô cực. Đồng hành cùng các siêu anh hùng trở về quá khứ, song cô bị xung đột ý thức với chính mình năm 2014, bị mắc kẹt lại Morag và khiến Thanos quá khứ biết rõ kế hoạch trả thù của Avengers.

So với những cuộc chạm mặt khác, cuộc gặp gỡ của Nebula hiện tại và Nebula quá khứ khiến mạch phim chuyển đổi rõ ràng nhất. Bởi lẽ, cũng vì sự xung đột ý thức giữa hai Nebula, Thanos biết rằng mình đã giành chiến thắng, đồng thời lên kế hoạch ngăn chặn Avengers trả thù bằng cách đưa Nebula năm 2014 trà trộn vào biệt đội Avengers.

Sau cùng, Nebula trong quá khứ bị bắn chết bởi Nebula hiện tại. Đây cũng là một trong những tình tiết gây tranh cãi bậc nhất Avengers: Endgame vì nhiều khán giả cho rằng phim đã tạo ra lỗ hổng về mặt logic. Tuy nhiên, theo quy tắc vận hành thời gian được lý giải ở Avengers: Endgame, hai dòng thời gian hoàn toàn tách biệt và nếu nhân vật trở về quá khứ, hiện tại sẽ là quá khứ, còn quá khứ trở thành tương lai. Như vậy, việc Nebula quá khứ - cũng như Thanos khi còn là em bé - có chết đi, cũng không ảnh hưởng đến những gì đang tiếp diễn tại dòng thời gian gốc.

Thanos gián tiếp nhìn thấy cái chết của chính mình

Giống như trong Avengers: Infinity War, Avengers: Endgame vẫn gây ấn tượng về nhân vật phản diện có chiều sâu Thanos ngay cả khi ác nhân chết ngay từ đầu phim. Tại Morag năm 2014, dựa vào những ký ức của Nebula, Thanos biết mình sẽ thực hiện được cái búng tay, trở về ở ẩn và cuối cùng bị giết bởi Thor, song hắn vẫn hoàn toàn hài lòng và tiếp tục thực hiện kế hoạch.

Theo như lời Thanos nói trong trận chiến cuối tại Trái đất, bao năm tháng qua hắn chưa bao giờ chinh chiến vì mục đích cá nhân. Song bởi sự cố chấp của loài người, gã Titan điên buộc phải nghĩ đến cách thức thứ hai: thay vì làm tan biến một nửa sinh linh, hắn sẽ làm tan biến tất cả và gây dựng lại từ đầu - những sinh vật mới với lòng biết ơn hoàn toàn.

Trong ba cuộc chạm mặt, Captain America dường như không có nhiều thay đổi với bản thân của quá khứ, trong khi Nebula lựa chọn lại phe phái cho mình. Riêng về phía Thanos, hắn vẫn kiên định, mang trong mình tư tưởng làm Vũ trụ trở nên tốt đẹp hơn nhưng với một kế hoạch hoàn toàn khác: quyết liệt và triệt để hơn để tránh khỏi loài người cứng đầu, ngoan cố.

Chuyến du hành thời gian của biệt đội Avengers không chỉ tua lại Vũ trụ điện ảnh Marvel từ những ngày đầu, tạo nên những mắt xích chặt chẽ không tưởng khiến công chúng phấn khích, mà còn khắc họa sự tương quan giữa các nhân vật trong hiện tại và quá khứ. Mỗi cuộc gặp mặt đều tạo nên bước ngoặt lớn cho mạch phim và tô đậm thêm tính cách mỗi người. Không quá khi cho rằng, đây là một bước ngoặt lớn của MCU nói riêng và thể loại phim siêu anh hùng nói chung, cho thấy bàn tay tạo dựng và ghép nối đỉnh cao của hai anh em nhà Russo, cũng như tư duy, chiến thuật điện ảnh bài bản, dài hơi của đế chế Marvel.

Chia sẻ

Bài viết

Grassie

Tin mới nhất