Tom Hardy với Mad Max: Fury Road (2015): Bộ phim chuyển thể Child 44 gây ra thất vọng lớn bởi chất lượng thuộc dạng yếu kém với doanh thu chỉ 13 triệu USD so với kinh phí sản xuất lên tới 50 triệu USD. Nhưng một trong số các ngôi sao của tác phẩm đã có cú trở lại đầy mạnh mẽ là Tom Hardy. Mùa hè 2015, Mad Max: Fury Road trở thành cục cưng của giới phê bình, dù đây thực tế vẫn là bộ phim mang đậm tính giải trí. Phim sau đó thậm chí nhận 6 giải thưởng Oscar và phần tiếp theo của Max Điên hiện rất được mong chờ.
Keanu Reeves với John Wick (2014): Gây lỗ gần 150 triệu USD, 47 Ronin (2013) tưởng như là dấu chấm hết dành cho sự nghiệp nhiều thăng trầm của Keanu Reeves. Nhưng ngôi sao của loạt phim Ma trận đã có cuộc hồi sinh mạnh mẽ và đầy bất ngờ với bộ phim hành động John Wick (2014). Thực tế thì phong độ của Keanu Reeves vẫn đang trong quãng thời gian trồi sụt. Bởi ngay trước thành công của John Wick: Chapter 2 hồi đầu năm, anh góp mặt trong tác phẩm tệ hại Knock Knock (2016). Dù sao, Keanu Reeves vẫn là ngôi sao đáng mến và công chúng đang rất chờ đợi phần ba của John Wick.
Natalie Portman với Thor (2011): Bộ phim hài Your Highness (2011) chẳng thể khiến người ta cười nổi, và nhiều nhà phê bình thắc mắc không hiểu sao Natalie Portman lại nhận lời tham gia một dự án ngớ ngẩn, tục tĩu đến vậy sau khi thắng giải Oscar với Black Swan (2010). Nhưng chẳng để người hâm mộ đợi lâu, cô gây ấn tượng trở lại bằng vai diễn Jane Foster trong bom tấn Thor của Marvel Studios. Sau này, “thiên nga đen” còn thêm một lần nữa trở lại trong Thor: The Dark World (2013). Nhưng bất đồng với hãng phim khiến nhân vật Jane Foster của cô sẽ vắng mặt trong tập phim thứ ba về Thần Sấm - Thor: Ragnarok - chuẩn bị ra mắt trong năm nay.
Sandra Bullock với The Blind Side (2009): Năm 2009 quả là thời điểm kỳ lạ đối với minh tinh người Mỹ. Bộ phim hài All About Steve ra mắt vào tháng 9 khiến Sandra Bullock phải ẵm giải Mâm xôi vàng cho Nữ diễn viên chính tệ nhất. Nhưng tác phẩm tâm lý The Blind Side ra mắt đúng hai tháng sau đó lại đem về cho cô giải Oscar Nữ diễn viên chính xuất sắc, đồng thời gặt hái thắng lợi lớn tại phòng vé. Và Sandra Bullock đã có mặt ở cả hai lễ trao giải diễn ra chỉ cách nhau 24 tiếng đồng hồ.
Daniel Craig với Quantum of Solace (2008): Tham gia một thương hiệu kéo dài, đòi hỏi nhiều thời gian như 007 là thách thức không nhỏ đối với các ngôi sao. Daniel Craig luôn nỗ lực cân bằng giữa hai thái cực nghệ thuật và giải trí, nên sau thành công của Casino Royale (2006), anh tìm đến Flashbacks of a Fool (2008). Nhưng bộ phim nghệ thuật chỉ nhận được sự ghẻ lạnh từ cả công chúng lẫn giới phê bình. Chỉ đến lúc trở lại sắm vai James Bond trong Quantum of Solace, nam diễn viên người Anh mới được chào đón trở lại tại rạp chiếu phim, dù đây thực tế là tập có chất lượng nội dung kém của thương hiệu bom tấn. Hiện vẫn chưa rõ Daniel Craig có tiếp tục đóng James Bond sau Spectre (2015) hay không.
Arnold Schwarzenegger với True Lies (1994): Từ thành công của Terminator 2: Judgment Day (1991), người ta kỳ vọng rất nhiều ở The Last Action Hero (1993) của Arnie. Song, đó là nỗi thất vọng lớn lao đối với khán giả, và bộ phim trở thành “bom xịt” tại phòng vé bởi sự xuất hiện của Jurassic Park - Công viên khủng long (1993). Tuy nhiên, cuộc tái hợp với đạo diễn James Cameron ở True Lies khiến công chúng lập tức nhớ lại rằng Arnold Schwarzenegger thực sự là biểu tượng hành động Hollywood trong 20 năm cuối của thế kỷ XX.
John Travolta với Pulp Fiction (1994): Có sự nghiệp cất cánh từ cuối những năm 1970, nhưng John Travolta vấp phải nhiều thất bại trong đầu thập niên 1990. Điểm đáy chính là Look Who’s Talking Now (1993) - bộ phim đạt điểm… 0% trên Rotten Tomatoes và khi ấy được coi là dấu chấm hết cho tài tử. Song, ông bất ngờ trở lại mạnh mẽ với tác phẩm kinh điển Pulp Fiction của đạo diễn Quentin Tarantino và nhận đề cử Oscar Nam diễn viên chính xuất sắc cùng nó. John Travolta tiếp tục có quãng thời gian hồi sinh ấn tượng với Face/Off (1997), để rồi lại chìm trong thất bại kể từ Battlefield Earth (2000). Ông hẳn rất cần một Pulp Fiction thứ hai vào lúc này.
Bruce Willis với Die Hard (1988): Bộ phim thám tử Sunset tưởng như đã chôn vùi sự nghiệp Bruce Willis từ sớm khi chỉ thu vỏn vẹn 4 triệu USD so với nguồn kinh phí 16 triệu USD. Nhưng may mắn thay, Die Hard không chỉ giúp cứu vãn tên tuổi ông, mà còn biến nam diễn viên trở thành ngôi sao hành động hàng đầu thập niên 1980. Suốt 20 năm sau đó, Bruce Willis liên tục góp mặt trong nhiều bộ phim ăn khách. Nhưng thời gian qua, ông vướng phải nhiều rắc rối, cũng như bị tố cáo là khó hợp tác, tới mức bị đuổi khỏi thương hiệu The Expendables - Biệt đội đánh thuê vì đòi thù lao quá cao.
Tom Cruise với Top Gun (1986): Trong quãng thời gian sung sức buổi đầu sự nghiệp, Tom Cruise vấp phải thất bại với Legend (1985) - bộ phim của đạo diễn Ridley Scott chỉ mang về 15,5 triệu USD. May mắn cho tài tử, anh còn ký hợp đồng với dự án hành động Top Gun của Tony Scott - em trai của Ridley. Đây là tác phẩm đã đưa Tom Cruise thành ngôi sao hạng A, mở ra chuỗi tác phẩm cực kỳ ấn tượng của anh trong suốt hơn 10 năm sau đó. Giờ thì anh mới thông báo mình sẽ tham gia và thực hiện tiếp Top Gun 2 sau ba thập kỷ.