Phim Ảnh

Những bom tấn cổ trang Trung Quốc sao chép truyện Nhật Bản

Chia sẻ

Các nhà làm phim Trung Quốc không ít lần bị chỉ trích khi mượn những ý tưởng đắt giá từ truyện tranh nổi tiếng của xứ Phù tang.

Thời niên thiếu Bao Thanh Thiên và Conan, Thám tử Kindaichi

Thời niên thiếu Bao Thanh Thiên ra mắt khán giả năm 2000 và được coi là tác phẩm trinh thám thành công của dòng phim cổ trang. Nhờ đó, các nhà làm phim thực hiện tiếp phần 2 và phần 3, dù thay đổi nam diễn viên chính nhưng tên phim giữ nguyên. Đây cũng là phim giúp Lý Băng Băng, Châu Kiệt, Lục Nghị, Nhậm Tuyền đến với khán giả.

Thời niên thiếu Bao Thanh Thiên copy truyện Nhật. Ảnh: Sina.

Thời niên thiếu Bao Thanh Thiên copy truyện Nhật. Ảnh: Sina.

Giữ tỷ lệ người xem cao bởi những tình tiết phá án thông minh tuy nhiên phim vấp phải sự chỉ trích vì mượn ý tưởng từ hai bộ truyện nổi tiếng Nhật Bản - ConanThám tử Kindaichi.

Có khán giả từng phải thốt lên khi xem tập nhà sư Giới Hiền giết người, họ tưởng rằng đang xem Conan. Còn vết kết cấu nhân vật và nhiều tình tiết, phim y chang Thám tử Kindaichi. Baidu từng thống kê, trong 3 phần phim Thời niên thiếu Bao Thanh Thiên, 1/3 số tập gần như “copy y nguyên” từ Kindaichi, 1/3 còn lại là mượn ý tưởng từ Conan.

Cũng vì sự trùng lặp này, nhân vật Bao Chửng do Châu Kiệt đóng từng bị chế ảnh với nhân vật Conan.

Châu Kiệt bị ghép ảnh với Conan. Ngoài ra còn bị so sánh với Thám tử Kindaichi.

Châu Kiệt bị ghép ảnh với Conan. Ngoài ra còn bị so sánh với Thám tử Kindaichi.

Truyền thuyết Nữ Oa - Linh Châu và Inu Yasha

Truyền thuyết Nữ Oa - Linh Châu do Chung Hân Đồng, Đàm Diệu Văn, Bồ Ba Giáp đóng chính trở thành tác phẩm đáng chú ý khi ra mắt vào năm 2011. Phim là câu chuyện về nàng hộ pháp của Nữ Oa - Tiên Lạc (Chung Hân Đồng). Cô là pháp sư bảo vệ Nam Việt. Sau khi Tiên Lạc bị hồn siêu phách tán, bỗng chốc phim quay về thời hiện đại. Lúc này kiếp sau của Tiên Lạc - Đinh Dao vốn chỉ là một cô nữ sinh tinh nghịch vô tình quay ngược thời gian về quá khứ. Câu chuyện giữa quá khứ và hiện tại cùng sứ mệnh bảo vệ dân tộc bắt đầu.

Phim Chung Hân Đồng giống hệt Inu Yasha. Ảnh: QQ.

Phim Chung Hân Đồng giống hệt Inu Yasha. Ảnh: QQ.

Phim khi ra mắt nhận khá nhiều phản ứng trái chiều. Trong đó, cư dân mạng cho rằng, Truyền thuyết Nữ Oa - Linh Châu thực chất đã sao chép cốt truyện từ bộ Inu Yasha của tác giả Rumiko Takahashi.

“Cũng là một pháp sư bị tán hồn, kiếp sau trở về quá khứ. Sau đó vô tình hai người cùng yêu nhân vật nam chính, đấu tranh cho lẽ phải. Khi xem phim tôi đã tưởng rằng mình đang xem bản khác của Inu Yasha”, một cư dân mạng bình luận.

Cung tỏa tâm ngọc và Hana Yori Dango

Cung tỏa tâm ngọc là một bộ phim truyền hình Trung Quốc ra mắt vào năm 2011 do đài truyền hình Hồ Nam sản xuất. Kịch bản phim được làm với đề tài xuyên không do biên kịch Vu Chính chắp bút. Nhờ thành công phim, Dương Mịch, Phùng Thiệu Phong trở thành sao hạng A.

Tuyến tình yêu và tính cách nhân vật Cung tỏa tâm ngọc giống Hana Yori Dango.

Tuyến tình yêu và tính cách nhân vật Cung tỏa tâm ngọc giống Hana Yori Dango.

Mặc dù thành công về tỷ lệ người xem nhưng phim bị cho có nhiều “sạn”. Đặc biệt, nhiều người cho rằng, phim vay mượn ý tưởng từ Hana Yori Dango - truyện tranh nổi tiếng Nhật Bản. Bộ truyện từng dựng thành phim với tên gọi Vườn sao băng tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản.

Nhân vật nam chính do Phùng Thiệu Phong đóng được coi là bản sao của nam nhân vật trong Hana Yori Dango khi có phần ngông cuồng nhưng lại xao lòng vì một cô a hoàn cá tính. Vai Bát Ca do Hà Thịnh Minh đóng rất tương đồng với Rui Hnaazawa.

Lan Lăng Vương và Nữ hoàng Ai Cập

Lan Lăng Vương được dựng thành phim sau khi chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Thiên tử. Chuyện tình tay ba của cô gái nhỏ bé Dương Tuyết Vũ và Lan Lăng Vương và hoàng đế Chu Văn Ung giúp bộ ba Lâm Y Thần, Phùng Thiệu Phong, Trần Hiểu Đông thắng lớn tại Đại lục năm 2013.

 Lan Lăng Vương và Nữ hoàng Ai Cập có nhiều tình tiết giống hệt. Ảnh: Sina.

Lan Lăng Vương và Nữ hoàng Ai Cập có nhiều tình tiết giống hệt. Ảnh: Sina.

Vậy nhưng, với nhiều người, bộ ba này chẳng khác nào câu chuyện của nàng Carol - Menfuisu và hoàng tử Izumin trong Nữ hoàng Ai Cập. Trong phim, nhiều tình tiết cũng y chang truyện như cảnh nhân vật Tuyết Vũ lọc nước bẩn thành tinh khiết, bẻ cong sắt bằng tấm vải. Sự trùng hợp giữa các tình tiết từng được báo chí Trung Quốc đặt lên so sánh.

Đây bị cho là điểm trừ đáng tiếc của Lan Lăng Vương khi không thể là chính mình.

Lan Lăng Vương. Ảnh: Sina.

Lan Lăng Vương. Ảnh: Sina.

Sơn Hải Kình và Cuốn sách kỳ bí

Sơn Hải Kình truyền thuyết Xích Ảnh ra mắt khán giả Trung Quốc với dàn diễn viên trẻ đẹp Trương Hàn, Cổ Lực Na Trát, Cao Quân Hiền…Được cho cải biên tử tác phẩm văn cổ của Trung Quốc nhưng khi phim lên sóng, tác phẩm bị cho quá giống Fushigi Yuugi - bộ truyện xuất bản với tên Cuốn sách kỳ bí ở Việt Nam.

Nữ chính trong phim vốn là huyền nữ Chu Tước vì bị bạn thân phản bội nên rơi vào cảnh khó khăn. Tình tiết rất giống với câu chuyện của Cuốn sách kỳ bí. Đôi bạn thân trong truyện bị hút vào cuốn sách, tại đây một cô gái vì không có được tình yêu nên đã lầm đường lạc lối.

Tác phẩm mới của Trương Hàn, Cổ Lực Na Trát cũng là copy. Ảnh: QQ.

Tác phẩm mới của Trương Hàn, Cổ Lực Na Trát cũng là copy. Ảnh: QQ.

Tình tiết trong phim cũng rất giống truyện. Vấn đề này khiến Sơn Hải Kình bị chỉ trích ăn cắp nội dung. Trong buổi phỏng vấn khi ra mắt phim, tài tử Trương Hàn khó chịu: “Là Nhật Bản khi viết truyện đã tham khảo từ sách cổ Trung Quốc. Sự trùng hợp là do phía họ”. Câu trả lời này khiến tác giả bộ truyện bất bình.

Tác giả Watase Yuu cho biết có tham khảo truyền thuyết về Tứ thần nhưng cốt truyện, nội dung và quan hệ các nhân vật là sản phẩm của bà. Bà lên án Sơn Hải Kình đã đạo truyện không xin phép.

Chia sẻ
Tin mới nhất