Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Những bộ phim thành công nhất được chuyển thể từ tiểu thuyết của tác giả Phỉ Ngã Tư Tồn

Một trong những “phù thủy” nổi tiếng của dòng truyện ngôn tình Trung Quốc đó chính là tác giả Phỉ Ngã Tư Tồn. Cô sở hữu nhiều tác phẩm đình đám được nhiều khán giả đón nhận và được chuyển thể thành phim.

Phỉ Ngã Tư Tồn (sinh năm 1978), tên thật là Ngải Tinh Tinh, một nhà văn nữ thuộc dòng văn học hiện đại người Trung Quốc. Sinh ra tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Phỉ Ngã Tư Tồn nổi lên từ một tác giả internet. Các tác phẩm của cô được yêu thích và luôn giữ kỉ lục bán ra trong giới đồng nghiệp. Cô khá khép kín và ít khi trả lời các cuộc phỏng vấn. Cô có hơn 20 quyển sách đã được xuất bản và nhiều tác phẩm trong số đó đã được chuyển thể thành phim truyền hình.

Tác giả nổi tiếng của Trung Quốc - Phỉ Ngã Tư Tồn.

Phong cách viết truyện của cô thường theo chiều hướng thê lương với cái kết buồn khiến người đọc bị day dứt khôn nguôi. Sự tài tình của cô chính là đào sâu vào nội tâm của nhân vật, khiến họ khổ sở, dằn vặt, đau khổ vì tình yêu và trách nhiệm. Các tác phẩm của cô thường sẽ có kết cục bi thảm tới ảm ánh, khiến người đọc dằn vặt, tiếc nuối một thời gian dài.

1. Không kịp nói lời yêu em

Một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của Phỉ Ngã Tư Tồn là Không kịp nói lời yêu em. Cuốn tiểu thuyết này được chấp bút viết vào năm 2006. Và tác phẩm này được chuyển thể thành phim năm 2010 với những tình tiết có chút thay đổi so với nguyên tác. Sự thể hiện của hai diễn viên chính Chung Hán Lương (Mộ Dung Bái Lâm)Lý Tiểu Nhiễm (Doãn Tĩnh Uyển) đã tạo nên một bộ phim ngôn tình lấy được nhiều cảm xúc từ phía khán giả.

Lấy bối cảnh chiến tranh loạn lạc thời dân quốc, bộ phim xoay quanh chuyện tình trắc trở nhiều nước mắt giữa đại tướng quân Bái Lâm và nàng đại tiểu thư Doãn Tịnh Uyển. Nhân vật Bái Lâm trong phim được dựng lên như một vị vua đứng đầu lục tỉnh. Anh mang đủ mọi tố chất của một người lãnh đạo, vừa cứng rắn mạnh mẽ, vừa lạnh lùng tàn nhẫn. Tịnh Uyển là tiểu thư vừa du học ở Pháp về. Chuyến tàu định mệnh đã kết nối hai con người lại với nhau. Tịnh Uyển có thể được sống cuộc đời yên bình nếu kết hôn với người bạn thanh mai trúc mã Kiến Chương. Nhưng rồi định mệnh đã đưa cô đến bên Bái Lâm. Tuy nhiên, chuyện tình của hai người vừa bi thương vừa trắc trở giữa thời chinh chiến.

Trong truyện, Phỉ Ngã Tư Tồn đã đưa ra một cái kết quả hết sức đau lòng. Tịnh Uyển bỏ đi Mỹ cùng Tín Chi - một người đàn ông thầm yêu và hết lòng chăm sóc cô. Sau 8 năm, họ gặp lại Bái Lâm. Lúc này vì quá ghen tuông nên Bái Lâm đã hại chết con của Tịnh Uyển mà không biết đó chính là giọt máu của chính mình. Quá đau đớn, Tịnh Uyển ôm xác đứa bé đến trước mặt anh rồi tự sát bằng chính khẩu súng anh tặng cô năm xưa. Trước khi chết, cô không nói được hết câu “đó là con của anh” để rồi Bái Lâm phải sống một đời ân hận.

Để chiều lòng khán giả, đạo diễn phim đã lên một cái kết có hậu hơn. Tịnh Uyển tìm lại Bái Lâm sau 7 năm xa cách. Lúc này anh đã mất trí nhớ và không còn gánh nặng giang sơn như trước. Sau một thời gian bên nhau, anh đã nhớ lại chuyện cũ và hai người được bên nhau mãi mãi.

2. Thiên Sơn Mộ Tuyết

Bìa tiểu thuyết Thiên Sơn Mộ Tuyết được mua bản quyền xuất bản tại Việt Nam.

Được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên, ngay từ khi ra mắt, bộ phim đã nhận được sự chú ý của khán giả trong và ngoài nước. Bộ phim nói về mối tình của Mạc Thiệu Khiêm (Lưu Khải Uy)Đồng Tuyết (Dĩnh Nhi). Nam chính Mạc Thiệu Khiêm là người có tính cách phức tạp, vì ân oán từ đời trước, anh luôn đối xử tệ bạc với Đồng Tuyết nhưng thực ra anh rất yêu cô. Đồng Tuyết vì người thân mà bất đắc dĩ phải ở bên cạnh anh.

Bộ phim kết thúc khá sát với nguyên tác và là một kết thúc buồn. Chỉ khi rời xa Thiệu Khiêm, Đồng Tuyết mới nhận ra tình cảm của anh, và tiếng òa khóc nức nở của cô giữa sân bay khi tìm thấy chiếc điện thoại giấu kín dưới vali với dòng chữ “anh yêu em” chắc chắn đã lấy đi nước mắt của nhiều khán giả, để lại nỗi day dứt khôn nguôi bởi mối tình đầy trắc trở này.

Nếu như trong truyện, tác giả xây dựng hình ảnh Thiệu Khiêm đầy độc đoán với chiều sâu phức tạp thì trên phim, dưới diễn xuất của Lưu Khải Uy, nhân vật này có hồn và tình cảm hơn hẳn. Dù nhân vật Thiệu Khiêm được vẽ nên có phần lạnh lùng, thù hận và thủ đoạn nhưng trong phim anh không tàn nhẫn và “cầm thú” như nguyên tác. Trong tiểu thuyết, Mạc Thiệu Khiêm khi mới gặp Đồng Tuyết chỉ đơn giản là cảm giác hứng thú. Còn trong phim, người xem cảm nhận rõ được tình yêu sâu sắc anh dành cho người con gái vừa đáng giận vừa đáng thương.

Bộ phim bám khá sát với truyện khi để kết thúc buồn. Chỉ khi rời xa Thiệu Khiêm, Đồng Tuyết mới vỡ lẽ tình cảm anh dành cho mình. Cô đã òa khóc nức nở giữa sân bay khi tìm thấy chiếc điện thoại giấu kín dưới đáy vali với dòng chữ “Anh yêu em”. Tình cảm hai người dành cho nhau có thực nhưng phải chăng vì Đồng Tuyết luôn phủ nhận nên không thể nhận ra?

3. Tịch Mịch Không Đình Xuân Dục Vãn

Tác phẩm xoay quanh mối tình tay ba giữa vua Khang Hy (Lưu Khải Uy), Vệ Lâm Lang (Trịnh Sảng)Nạp Lang Dung Nhược (Trương Bân Bân).Truyện đem đến một góc nhìn khác về tình yêu của bậc đế vương. Hậu cung của Khang Hy có hơn hai nghìn phi tần mỹ nữ, nhưng chỉ có duy nhất một bóng hình khắc sâu vào trong trái tim hắn, đó là Lâm Lang. Nói về hình tượng vua Khang Hy, Phỉ Ngã Tư Tồn đã xây dựng thành công hình ảnh bậc đế quân không những đa tình mà còn nhất mực chung thủy.

Trong bộ phim này, Phỉ Ngã Tư Tồn đã dành không ít lời khen cho nữ chính Trịnh Sảng: “Mặc dù đây là lần đầu hợp tác với Trịnh Sảng, nhưng cô ấy khiến tôi thấy ngạc nhiên. Đầu tiên là vì Trịnh Sảng rất kính nghiệp, thời tiết rất nóng nực nhưng chưa bao giờ than lấy một lời. Tạo hình của Vệ Lâm Lang hoàn toàn phù hợp với khí chất trong sáng, yêu kiều của Trịnh Sảng. Tuy còn nhiều tranh cãi quanh diễn xuất, nhưng cô ấy đã làm rất tốt rồi”.

4. Nhân sinh nếu như lần đầu gặp gỡ

Bộ phim Nhân sinh nếu như lần đầu gặp gỡ cải biên từ tiểu thuyết Dạ sắc/Mê vụ vi thành (Sương mù vây thành) của Phỉ Ngã Tư Tồn. Bộ phim mở đầu câu chuyện về nhà họ Dịch. Dịch Kế Bồi có ba người con trai. Đại công tử Dịch Liên Di giữa lúc tuổi trẻ khí thịnh lại bị người sắp đặt hại cho ngã ngựa, Nhị công tử Dịch Liên Thận kiêu dũng thiện chiến, ngược lại Tam công tử Dịch Liên Khải nổi tiếng chơi bời thanh sắc, phong lưu thành tính.

Dịch Liên Khải một lần tình cờ gặp gỡ Tần Tang, liền phí hết tâm tư cưới Tần Tang vào cửa, mà không biết Tần Tang cũng là ôm tâm tư khác gả vào Dịch gia. Sau khi kết hôn, bất kể Dịch Liên Khải ở bên ngoài chơi bời trăng gió, ngợp trong vàng son thế nào, Tần Tang cũng chỉ nhìn anh bằng ánh mắt lạnh nhạt của người ngoài cuộc. Gả cho anh chỉ là để phụ thân có thể trở về quan trường, sau khi xong việc, cô cũng sẽ thành toàn cho anh.

Lúc này Lịch Vọng Bình - người yêu cũ của Tần Tang dùng tên giả Phan Tiễn Trì cố tình tiếp cận Dịch Liên Khải, trở thành phụ tá bên người anh. Thời cuộc đột nhiên xảy ra biến động lớn, người có khả năng tiếp quản Dịch gia nhất - nhị công tử Dịch Liên Thận thực ra lại là con của Lục thúc Dịch Thụ Thành. Mà Dịch gia đại công tử cũng tra ra người hại mình ngã ngựa năm đó là Dịch Thụ Thành - thủ lĩnh Thiên Minh hội.

Giữa lúc trong ngoài cùng bức bách, anh em bất hòa, Dịch Liên Khải dốc hết toàn lực thậm chí liều mình bảo hộ Tần Tang, Tần Tang cũng là trong lúc sinh tử gắn bó dần dần phát hiện ra bản thân đã yêu Dịch Liên Khải…

So với các anh chị em trước đó như Tịch Mịch không Đình Xuân Dục Vãn, Không kịp nói yêu em, Thiên Sơn mộ tuyết… thì phim có phần thiệt thòi khi năm lần bảy lượt bị hoãn phát sóng. Tuy nhiên, dù có lên sóng muộn đi chăng nữa, phim đang thu hút lượng lớn khán giả theo dõi yêu thích bộ phim. Nội dung hay sát với nguyên tác, dàn diễn viên thể hiện vô cùng tròn vai, tạo hình phù hợp đã giúp bộ phim có lượng xem vô cùng cao không chỉ ở Trung Quốc, mà ngay tại Việt Nam cũng hồi hộp đón chờ các tập tiếp theo của bộ phim.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Huỳnh Oanh

Được quan tâm

Tin mới nhất