Logo Saostar - Special
SPECIAL

'Như Ý truyện': Không chỉ là đại chế tác, mà đã đẩy khái niệm 'cung đấu' lên tầm cao mới!

Chia sẻ
'Như Ý truyện': Không chỉ là đại chế tác, mà đã đẩy khái niệm 'cung đấu' lên tầm cao mới! Ảnh 1

'Như Ý truyện': Không chỉ là đại chế tác, mà đã đẩy khái niệm 'cung đấu' lên tầm cao mới!

'Như Ý truyện': Không chỉ là đại chế tác, mà đã đẩy khái niệm 'cung đấu' lên tầm cao mới! Ảnh 2

Nói Như Ý truyện là một đại chế tác thôi vẫn chưa đủ, mà quả thật, tác phẩm đã đẩy giới hạn và định nghĩa của hai từ “cung đấu”, mà cụ thể hơn là dòng phim cung đấu Thanh triều, lên một tầm vóc mới. Tạm hiểu hai chữ “cung đấu” ở đây theo nghĩa cao nhất của nó, với những minh tranh ám đấu, tầng tầng lớp lớp chứ không phải những bộ phim theo hướng ngôn tình lấy bối cảnh triều đại nhà Thanh. Trước Như Ý truyện Hậu cung Chân Hoàn truyện, Thâm cung Nội chiến, Thương khung chi Mão, Vạn phụng chi vương,… nhưng sau Như Ý truyện, chúng ta sẽ có gì? Đó là một câu hỏi và cũng là một thách thức lớn với các đoàn làm phim sau này. Bộ phim của đạo diễn Uông Tuấn đã tạo nên một chuẩn mực mới, kĩ lưỡng và tinh tế đến mức những chế tác sau, nếu làm không khéo léo, sẽ bị va ngay vào bức tường rất cao vừa được tạo nên.

'Như Ý truyện': Không chỉ là đại chế tác, mà đã đẩy khái niệm 'cung đấu' lên tầm cao mới! Ảnh 3

Đã có rất nhiều bài viết và bài báo trước đây phân tích về các khía cạnh nội dung, các mối quan hệ và kết cục nhân vật, bài viết này với mục đích nhấn mạnh: vì sao Như Ý truyện không chỉ dừng lại ở đại chế tác, mà đã nhanh chóng liệt vào hàng kinh điển, đồng thời đẩy chuẩn mực của hai chữ “cung đấu” lên một tầm cao mới.

'Như Ý truyện': Không chỉ là đại chế tác, mà đã đẩy khái niệm 'cung đấu' lên tầm cao mới! Ảnh 4

Trước khi bắt đầu đi sâu vào Như Ý truyện, rõ ràng ai trong chúng ta đều có một lần tự hỏi: “Vì sao Trung Hoa có hàng chục triều đại nối tiếp nhau cai trị trong lịch sử, từ những triều đại đầu tiên như như Hạ, Thương, Chu đến những triều đại vô cùng rực rỡ trong sử sách như Hán, Đường, Tống, Minh,… nhưng chỉ có duy nhất nhà Thanh dường như được “ưu ái” rất nhiều khi đưa lên phim - vậy đâu là lí do? Vì sao lại là Thanh triều?”

Ngược dòng về lịch sử, trong quá khứ, chỉ có duy nhất hai lần lãnh thổ Trung Quốc thống nhất được cai trị bởi hai ngoại tộc (tức không phải người Hán): triều đại nhà Nguyên, cai trị bởi người Mông Cổ, tồn tại từ năm 1271 - 1368 và triều đại nhà Thanh, cai trị bởi những người Mãn Châu từ năm 1636 - 1912. Tuy đều là ngoại tộc và có mối liên hệ khá mật thiết với nhau trong lịch sử, nhưng có sự khác biệt rất lớn giữa hai triều đại này.

'Như Ý truyện': Không chỉ là đại chế tác, mà đã đẩy khái niệm 'cung đấu' lên tầm cao mới! Ảnh 5

Trong khi các Hoàng đế Nguyên triều ra sức thi hành các chính sách phân biệt chủng tộc, kì thị người Hán nặng nề, áp đặt các phong tục Mông Cổ lên khắp lãnh thổ Đế quốc, gây sự oán thoán trong đại đa số người dân. Nhà Thanh, ngược lại, có sự dung hòa rất lớn giữa văn hóa Hán truyền thống với văn hóa du mục bán khai của người Nữ Chân. Bên cạnh việc bảo vệ các tập tục cổ truyền của dân tộc, các Hoàng đế Thanh triều ra sức cổ súy văn hóa Hán: tôn sùng Khổng-Mạnh, bày tỏ sự ngưỡng mộ rất lớn với văn hóa Hán, không ngại nạp các nữ tử người Hán vào hậu cung, trọng dụng đại thần người Hán, v…v… Với một nền văn hóa truyền thống của người Mãn Châu đặc sắc với tôn giáo, ngôn ngữ, trang phục, tập tục, lễ nghi độc đáo riêng - hòa quyện với nền văn minh Nho giáo với hệ tư tưởng cùng những quy cách, điển chế, lễ nghi, tín điều tồn tại đã nghìn năm - tất cả đã tạo nên một văn hóa cung đình Mãn Thanh độc nhất vô nhị trong lịch sử Trung Quốc, không bị nhầm lẫn với bất kì triều đại nào khác.

'Như Ý truyện': Không chỉ là đại chế tác, mà đã đẩy khái niệm 'cung đấu' lên tầm cao mới! Ảnh 6

Bên cạnh đó, với vai trò là triều đại quân chủ chuyên chế cuối cùng của Trung Quốc, nên tư liệu về giai đoạn này gần như còn tồn tại đầy đủ vì chủ thể này gần với thời hiện đại hơn cả so với Hán, Đường, Tống, Minh,… Lượng văn vật này khổng lồ đến nỗi, dù phải trải qua các đợt cướp phá của người phương Tây, trải qua chiến tranh, thời cuộc, thế sự xoay vần, tuy lượng văn vật đã bị cướp phá rất lớn, nhưng số lượng còn lại vẫn còn đủ nhiều để hình dung chi tiết về một triều đại đã cai trị Trung Hoa suốt gần 300 năm, từ những thứ vi mô cho đến những thứ vĩ mô. Chính nguồn tư liệu luôn dồi dào: từ tài liệu thành văn chính thống đến những nguồn sử liệu thứ cấp, đặc biệt hơn cả là cả Tử Cấm Thành đã được bảo tồn gần như nguyên vẹn với hàng triệu hiện vật vô giá được giữ đến ngày hôm nay là nguồn cảm hứng và động lực bất tận cho bất kì nhà làm phim nào. Chính kịch, cung đấu, ngôn tình, thậm chí đam mỹ đều có một nền tảng tư liệu và văn hóa khổng lồ để thực hiện - vấn đề chính nằm ở kinh phí và cái tâm của đoàn làm phim ấy ở mức nào mà thôi - thế nên, “thượng vàng hạ cám” có đủ.

'Như Ý truyện': Không chỉ là đại chế tác, mà đã đẩy khái niệm 'cung đấu' lên tầm cao mới! Ảnh 7

Khi xét về yếu tố văn hóa Thanh triều đưa vào văn hóa đại chúng thông qua bộ môn nghệ thuật thứ bảy, có thể xem bộ phim điện ảnh đạt giải Oscar năm 1988 - The Last Emperor (Hoàng đế cuối cùng) là dấu mốc quan trọng đầu tiên, mở ra cho thế giới hình ảnh về hoàng triều cuối cùng trên đất nước Trung Hoa. Ba thập kỉ trôi qua, đã có hàng trăm tác phẩm, từ điện ảnh đến truyền hình, tập trung khai thác đầy đủ về triều đại này: giai đoạn Thanh sơ có thể kể đến Hiếu Trang bí sử, Đại Ngọc Nhi truyền kì; giai đoạn Thanh trung, đặc biệt tập trung vào giai đoạn Khang-Càn thịnh thế (chỉ giai đoạn Đại Thanh phát triển cực thịnh trải qua ba đời Khang Hi, Ung Chính, Càn Long) được khai thác mạnh nhất với hàng loạt các tác phẩm đình đám như: Vương triều Khang Hy, Hậu cung Chân Hoàn truyện, Bộ bộ Kinh tâm, Họa khuông Nữ nhân, Cung tỏa Trầm Hương… bên cạnh đó còn có Thâm cung nội chiến, Vạn phụng chi vương; giai đoạn Thanh mạt ghi nhận các tác phẩm như Đại Thái giám, Thương khung chi mão, Mặt trời lặn sau Tử Cấm Thành…

Tất cả đều góp phần tạo dựng nên một dòng phim rất riêng trong tổng thể phim cổ trang Hoa ngữ, mà tạm gọi bằng cái tên: “phim Thanh cung”. Các phim về những triều đại khác không phải là không có, phim về thời Xuân Thu Chiến Quốc, về Tam Quốc, về các triều Hán, Đường, Minh,… không hề ít, nhưng cũng chưa thể so sánh với triều đại nhà Thanh về số lượng đồ sộ các tác phẩm, nên vẫn khó có thể tách ra thành một “dòng” đứng riêng được.

'Như Ý truyện': Không chỉ là đại chế tác, mà đã đẩy khái niệm 'cung đấu' lên tầm cao mới! Ảnh 8

Và cuối cùng, có thể xem Như Ý truyện là sự kết tinh của các tác phẩm đi trước, rất nhiều khán giả sau khi chiêm ngưỡng các cảnh quay của tác phẩm và nước phim đã phải thốt lên: “Như được xem lại The Last Emperor vậy, cảm giác cổ điển, thâm trầm quá!”. Như vậy, một vòng lặp đã được hoàn tất, Như Ý truyện đã đạt đến giới hạn cao nhất mà The Last Emperor đã đặt ra ở ba thập kỉ trước. Lịch sử vốn không phải là một đường thẳng vô tận, mà là những vòng lặp lớn. Như Ý truyện đã hoàn tất sứ mạng thiêng liêng để kết thúc vòng lặp đầu tiên do The Last Emperor khởi đầu, kể từ giờ phút này, một vòng tròn khác đã bắt đầu được lăn bánh, nó kéo dài bao lâu? Có lẽ khó ai trả lời được…

'Như Ý truyện': Không chỉ là đại chế tác, mà đã đẩy khái niệm 'cung đấu' lên tầm cao mới! Ảnh 9

'Như Ý truyện': Không chỉ là đại chế tác, mà đã đẩy khái niệm 'cung đấu' lên tầm cao mới! Ảnh 10

Khác với rất nhiều các ê-kíp làm phim khác, trong quá trình sản xuất bộ phim đều phải tính toán cẩn thận để có thể giảm mức chi tiêu xuống thấp nhất có thể, đội sản xuất của Như Ý truyện thì ngược lại. Họ dường như muốn chứng tỏ mức độ “đại gia” của mình - để xứng với 600 triệu NDT kinh phí sản xuất - khi liên tục đưa khán giả đi từ ngạc nhiên này đến bất ngờ khác về độ “chịu chi” của mình. Những giá trị rất lớn mà Như Ý truyện mang lại về mặt văn hóa - lịch sử là khó có thể phủ nhận được.

'Như Ý truyện': Không chỉ là đại chế tác, mà đã đẩy khái niệm 'cung đấu' lên tầm cao mới! Ảnh 11

Khán giả đã được dịp mãn nhãn với các đại cảnh vô cùng choáng ngợp, tái hiện các nghi thức quan trọng nhất của triều đình Mãn Thanh lúc bấy giờ: Đại tang của tiên đế Ung Chính, Đại điển đăng quang của Càn Long đế, Đại tang của Hiếu Hiền Hoàng hậu Phú Sát Lang Hoa, Đại điển sách lập Hoàng hậu của Ô Lạt Na Lạp Như Ý. Tất cả các cảnh trên đều là các đại cảnh, quy tụ dàn diễn viên quần chúng đông đảo, nhất nhất các lễ nghi quỳ bái đậm tính chất tiền hô hậu ủng.

'Như Ý truyện': Không chỉ là đại chế tác, mà đã đẩy khái niệm 'cung đấu' lên tầm cao mới! Ảnh 12

Bên cạnh đó, một trong những đại cảnh cực kì vĩ đại mà đoàn làm phim đã tái hiện được chính là cảnh săn bắn tại Mộc Lan vi trường. Mộc Lang vi trườnglà một địa điểm có thật, ngày nay thuộc lãnh thổ Mông Cổ, phía Bắc Trung Quốc. Thuở xưa, người Mãn Châu giành được giang sơn trên lưng ngựa, nhờ các kĩ năng cưỡi ngựa, bắn cung mà đánh bại Minh triều, lập ra Thanh triều. Do vậy, Hoàng tộc Ái Tân Giác La - nhà Mãn Thanh hàng năm tổ chức các buổi tranh đấu kĩ năng du mục tại Mộc Lan vi trường - như một hành động để tưởng nhớ tổ tiên. Đây cũng là dịp Hoàng đế Thanh triều gặp gỡ các đầu mục, Thân vương Mông Cổ để thắt chặt liên minh Mãn-Mông theo truyền thống. Toàn bộ ê-kíp, hàng trăm con người đã rong ruổi đến tận đất nước Mông Cổ xa xôi, đến đúng tận địa điểm bãi săn bắn Mộc Lan khi xưa để tiến hành cảnh quay đắt đỏ này…

'Như Ý truyện': Không chỉ là đại chế tác, mà đã đẩy khái niệm 'cung đấu' lên tầm cao mới! Ảnh 13

'Như Ý truyện': Không chỉ là đại chế tác, mà đã đẩy khái niệm 'cung đấu' lên tầm cao mới! Ảnh 14

Vấn đề về phim cổ trang Việt Nam chỉ có thể lạm bàn trong vài đoạn để không vượt quá khuôn khổ bài viết, tuy nhiên đây là một yếu tố vô cùng quan trọng khó có thể bỏ qua. Có thể thấy, với sự cổ vũ rất lớn từ Diên Hi công lược lẫn Như Ý truyện, cộng với những động lực âm ỉ được tích tụ nhiều năm trước, chỉ trong vòng những tháng cuối năm 2018, đã có rất nhiều dự án cổ trang của Việt Nam ra đời, đáng chú ý là sự xuất hiện của hàng loạt web drama cung đấu với mức độ chưa từng có trước đây. Tuy nhiên, liệu đó có phải là một trào lưu tốt?

Có thể thấy, hầu như những bộ web drama mang hai chữ “cung đấu” đang xuất hiện tại Việt Nam chỉ mới đáp ứng được duy nhất về yếu tố “cổ trang”, còn về yếu tố “cung đấu”, tất cả chỉ dừng lại ở mức rất cơ bản, mà đối với người hâm mộ dòng phim cung đấu lâu năm chỉ có thể lắc đầu ngán ngẩm. Thực tế, hai từ “cung đấu” đang bị khá lạm dụng trong thời điểm hiện tại để gán lên các sản phẩm web drama mang tính chất giải trí, tạo ra sự ngộ nhận và méo mó khá nhiều. Về nội dung, rõ ràng các đoạn clip phát trên YouTube trên khó có thể được gọi là “cung đấu”, dù chỉ theo nghĩa cơ bản nhất của nó - vì đa số đều là các sản phẩm hài, các yếu tố tạm gọi là “cung đấu” vẫn còn bị gán ghép một cách vụng về và ngô nghê với mục đích chính xoay quanh việc tạo ra tiếng cười. Dù có hạ hết kì vọng hay tiêu chuẩn, thì chắc chắn fan của dòng phim này vẫn có thể chấp nhận được.

Bên cạnh đó, về yếu tố bối cảnh và trang phục cũng là một điểm trừ rất lớn. Trong khi Như Ý truyện và cả “hậu bối” là Diên Hi công lược được đánh giá cực kì cao về mặt tạo hình - thì trang phục và tạo hình trong loạt web drama cổ trang cung đấu của Việt Nam hoàn toàn nằm ở mức chắp vá. Đây không phải là một vấn đề của riêng bất kì ê-kíp nào vì khi nói đến cổ phục Việt Nam, trong tâm thức của người Việt Nam hiện tại, có đến tám mươi, chín mươi phần trăm chỉ có thể gói gọn trong áo dài, khăn đóng, áo tứ thân và yếm, và khi thiết kế, họ chỉ có thể kết hợp được ngần ấy dạng thức trang phục. Với các bộ web drama kinh phí thấp, họ có thể sẵn sàng thuê các trang phục và đạo cụ mang đậm màu sắc Trung Quốc để tiện lợi và tạo hiệu ứng hình ảnh bắt mắt, hoặc nếu có làm thì cũng là các dạng áo dài được cách tân, thêm vào các chi tiết gây áp đảo thị giác mang hơi hướng của nghệ thuật cải lương, tuồng chèo - hoàn toàn không đúng với những dạng thức trang phục cung đình thực sự ở Việt Nam.

Như vậy, câu hỏi đặt ra: liệu rằng phim cổ trang-cung đấu Việt Nam có đường ra? Câu trả lời là có, nếu nhà làm phim có đủ tâm và đủ tầm, cũng như phải chấp nhận hi sinh. Cách đây 5-6 năm, đó có thể là câu trả lời bất khả thi, nhưng hiện tại, các hội nhóm phục dựng cổ phục Việt Nam chính thống đã và đang ra đời, giờ đây, chúng ta đã có thể thấy lại các loại trang phục tưởng chừng như đã thất truyền: Nhật bình của Hoàng hậu, phi tần và mệnh phụ triều Nguyễn, Địch y của Hoàng hậu triều Lý, Trần, Lê sơ, ngoài ra các dạng thức trang phục thời Nguyễn như áo tấc, áo ngũ thân, hay giao lĩnh, viên lĩnh, đối khâm thời Lý, Trần, Lê đã và đang được phục dựng lại bởi những người trẻ. Phần lớn các trang phục đã và đang được phục dựng đều cố gắng đáp ứng được hai yếu tố: về độ chuẩn xác với kiểu dáng trong lịch sử, đồng thời đáp ứng được tính mỹ thuật, làm thỏa mãn thị giác của người xem. Dù vẫn còn một con đường dài, rất dài phía trước để có thể đưa cổ phục chính thống của Việt Nam ra đến đại chúng, nhưng niềm hi vọng thắp lên là không hề nhỏ.

Tuy nhiên, bài toàn khó nhất đến giờ vẫn chưa ai có thể tìm ra lời giải, chính là Việt Nam vẫn chưa có một phim trường để quay phim cổ trang đúng nghĩa. Khó có thể sử dụng Kinh thành Huế vì nhiều lí do, chùa Bái Đính là một lựa chọn khả dĩ cho các dự án cổ trang trước đây của Việt Nam tuy nhiên vẫn không đáp ứng được đầy đủ các nhu cầu. Đây có vẻ là bài toán nan giải nhất, cần có một sự đồng lòng và đầu tư đáng kể, giống như cách mà Trung Quốc đã xây dựng nên phim trường Hoành Điếm huyền thoại.

Bên cạnh đó, các câu chuyện về hậu cung Việt Nam minh tranh ám đấu cũng không hề thiếu. Nếu như Trung Hoa có một Võ Tắc Thiên quyền uy thiên hạ, hay một Từ Hi Thái hậu buông rèm nhiếp chính suốt nhiều đời vua thì Việt Nam cũng có một Tuyên Từ Hoàng Thái hậu triều Lê sơ từng bước ngồi sau bức màn thùy liêm thính chính (buông rèm nhiếp chính); Trung Hoa có được truyền thuyết về mối xung đột giữa Từ An và Từ Hi Thái hậu thì “vụ án Thượng Dương cung” giữa Thượng Dương cung Hoàng Thái hậu với Linh Nhân Hoàng Thái hậu (tức Ỷ Lan Nguyên phi) là câu trả lời tương xứng…. và còn rất nhiều câu chuyện khác nữa, đều nằm ẩn trong những trang sách sử như một viên ngọc quý bị lớp bụi thời gian che mờ. Tất cả đều nằm ở cách khai thác của các nhà làm phim Việt Nam, và quan trọng hơn cả - là tâm lí đón nhận của người Việt Nam, liệu đại đa số khán giả có sẵn sàng gác một bên những định kiến cá nhân đã ngấm sâu vào máu, để tiếp nhận một bộ phim cung đấu dựa trên những phi tần có thật trong lịch sử Việt Nam? Đó là câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ…

'Như Ý truyện': Không chỉ là đại chế tác, mà đã đẩy khái niệm 'cung đấu' lên tầm cao mới! Ảnh 16

Trên đây chỉ là một vài chi tiết nhỏ, trong tổng thể muôn vàn chi tiết khác, mà đoàn làm phim Như Ý truyện đã cất công thực hiện, và chắc chắn sau khi bộ phim kết thúc, những giá trị, dư âm và tầm ảnh hưởng của nó sẽ còn kéo đến một thời gian rất dài, không thua kém những “siêu phẩm” cung đấu kinh điển khác. Và thật vậy, Như Ý truyện đã tự đặt nên một chuẩn mực, đẳng cấp mới quá cao, mà các bộ phim sau khi nhìn đến cũng phải ngao ngán lắc đầu. Vì đúng như lời chia sẻ của diễn viên Hoắc Kiến Hoa - “Quay xong bộ phim này, quả thật chả biết phải nên làm gì khác nữa, vì mọi thứ đã ở tầm quá cao mất rồi!”.

'Như Ý truyện': Không chỉ là đại chế tác, mà đã đẩy khái niệm 'cung đấu' lên tầm cao mới! Ảnh 17

Rất nhiều người hâm mộ, sau khi khép lại những trang cuối cùng của bộ tiểu thuyết Hậu cung Như Ý truyện đã không ngừng van nài Lưu Liễm Tử hãy viết thêm một bộ cung đấu nữa đi. Và họ tự vẽ nên trong đầu rất nhiều lựa chọn: đó có thể sẽ là một bộ cung đấu lấy bối cảnh triều đại Khang Hi, xem như là tiền đề của Hậu cung Chân Hoàn truyện, hoặc có thể lấy bối cảnh thời Gia Khánh, khi con trai của Ngụy Yến Uyển (Nguỵ Yến Uyển là nhân vật phản diện của phim), trở thành Hoàng đế… Viết các tác phẩm tiểu thuyết về Thanh triều thì không hề thiếu, nhưng viết nên một tác phẩm đủ tầm vóc để chuyển thể thành hai bộ phim cung đấu Thanh triều kinh điển, thì quả thật, vẫn chưa ai có thể làm được như nữ sĩ họ Lưu.

Các nhân vật trong Như Ý truyện chắc chắn sẽ có một sức sống lâu dài, rồi đây, khán giả sẽ nhớ đến một Như Ý cả đời giữ trọn vẹn trái tim, một Càn Long “tra nam” đầy nghi kị và thù hận, một Lang Hoa cả đời bị áp đặt vào những khuôn mẫu, một Hi Nguyệt bỗng một ngày nhận ra mình đã đi quá xa khỏi sự thiện lương ban đầu, một Ngọc Nghiên cả đời đặt trái tim ở ngoài Tử Cấm Thành, một Ý Hoan khờ dài với trái tim cuồng si Hoàng đế,…

'Như Ý truyện': Không chỉ là đại chế tác, mà đã đẩy khái niệm 'cung đấu' lên tầm cao mới! Ảnh 20

Cuối cùng, Như Ý truyện với người hâm mộ mà nói, đã vượt xa khuôn khổ và giới hạn của một bộ phim thông thường, nó dường như đã thành triết lí, thành một nguồn cảm hứng sống rất lớn từ người hâm mộ. Ai trong chúng ta đều có thể soi được bóng dáng của mình với một nhân vật nào đó của Như Ý truyện, để rồi ấp ôm đồng cảm như để xoa dịu cho chính mình. Cho những ai đã từng khóc, cười theo từng nhân vật của phim, hay nói ví von là “dành cả thanh xuân” để chờ đợi phim, đoạn kết này chắc chắn không phải là dấu chấm hết, mà nó chính là sự khởi đầu mới, sẽ không phải nói lời tạm biệt đâu, đúng không?

'Như Ý truyện': Không chỉ là đại chế tác, mà đã đẩy khái niệm 'cung đấu' lên tầm cao mới! Ảnh 21

Bài viết

Minh Khôi

Thiết kế

Tuấn Lê

Chia sẻ