Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

‘Trần Tình Lệnh’: Nhiếp Hoài Tang - Vở kịch lớn này cũng đến lúc nên hạ màn rồi!

Nhiếp ảnh đế, vở kịch này ngài diễn suốt từng ấy năm, diễn hoàn mỹ đến không tì vết, mục đích đã thực hiện được, cũng đến lúc nên hạ màn rồi!

Trần Tình lệnh chuyển thể từ tiểu thuyết Ma đạo tổ sư của Mặc Hương Đồng Khứu xoay quanh cuộc đời và tình cảm sâu nặng giữa hai nhân vật chính: Di Lăng lão tổ Ngụy Vô Tiện (Tiêu Chiến) Hàm Quang Quân Lam Vong Cơ (Vương Nhất Bác) đã khép lại sau 50 tập phim với đại kết cục khá hợp tình hợp lý. Và ở tập cuối cùng, đại boss ẩn thân “nguy hiểm” nhất Tu Chân giới đã lộ diện, chính là kẻ không ai ngờ tới nhất - Tông chủ của Thanh Hà Nhiếp thị - Nhiếp Hoài Tang (Kỉ Lý).

Hắn từng là một thiếu niên vô tư

Nhiếp Hoài Tang chính thức xuất hiện trong phim là tại Vân Thâm Bất Tri Xứ, đến để cầu học tiên sinh Lam Khải Nhân của Cô Tô Lam thị, là bạn bè đồng trang lứa với Lam Vong Cơ, Ngụy Vô Tiện và Giang Vãn Ngâm.

Nhiếp Hoài Tang là con trai thứ hai của cựu tông chủ Nhiếp thị đời trước, em trai cùng cha khác mẹ của tông chủ đương nhiệm khi đó - Xích Phong Tôn Nhiếp Minh Quyết.

Nhị công tử của Thanh Hà Nhiếp thị, đó là ánh hào quang duy nhất của Nhiếp Hoài Tang.

Bởi vì ngoài xuất thân ra thì hắn thực sự không có gì nổi bật hơn người. Thực ra nếu xét kỹ thì cả xuất thân cũng không quá cao quý, hắn chỉ là “thứ xuất”, không phải là “đích tử”. Trong số những công tử thế gia cùng thế hệ với hắn năm đó, ở Cô Tô có Lam thị song bích nổi danh rực rỡ, ở Giang gia có Vân Mộng song kiệt phóng khoáng tài năng, ở Lan Lăng có Kim Tử Hiên anh khí ngạo mạn, ở Kỳ Sơn thì không cần nói nữa, hai huynh đệ Ôn Húc-Ôn Triều cậy danh Tiên đốc của phụ thân đi huênh hoang khoe mẽ khắp nơi.

Những con cháu thế gia đồng lứa với Hoài Tang ai nấy đều rất nổi danh trên giang hồ, dù là nhờ tài năng hay do tai tiếng.

Ở Thanh Hà Nhiếp thị, người đời chỉ biết đến gia chủ Nhiếp Minh Quyết trong băng có lửa, uy thế bức người.

Giữa những vị công tử phong quang chói lọi như thế, có mấy ai chú ý đến một Nhiếp Hoài Tang mờ nhạt?

Văn không thành, võ không thạo, khả năng tu tiên thì chính hắn còn nói đùa rằng “có khi mất luôn từ trong bụng mẹ rồi”, tính cách nhút nhát, thân thể “công tử bột”, học hành chểnh mảng, đến Cô Tô học mấy năm liền vẫn chưa tốt nghiệp nổi. Trong mắt người đời thì một vị công tử như thế có thể tóm gọn trong hai chữ - “vô dụng”. Đến năm thứ ba đi cầu học, hắn gặp được một người bạn có tính cách cực kỳ hợp với hắn - đại đệ tử của Vân Mộng Giang thị, Ngụy Anh, tự Vô Tiện.

Tính cách của hai vị này khá hợp nhau.

Ngụy Vô Tiện tính cách tinh nghịch, hoạt bát, nói nhiều không ai bằng, thích náo nhiệt, thích trêu chọc người khác, lên rừng bắt gà xuống sông mò cá, uống rượu tụ tập, ăn vặt chém gió,… đủ các trò nghịch ngợm không gì không biết. Vì tính cách đôi bên đều cởi mở dễ gần, tuổi tác lại ngang bằng, Ngụy Anh và Hoài Tang nhanh chóng trở thành bạn thân của nhau, kéo thêm cả Giang Trừng, thành lập nhóm học sinh cá biệt đất Cô Tô.

Hoài Tang và Tiện Tiện kết bạn với nhau từ lần đầu gặp mặt.

Nhị công tử Nhiếp gia còn có một sở thích đặc biệt là… sưu tầm Xuân Cung Đồ bản giới hạn và “share” cho bạn tốt Ngụy Anh đọc chung.

Chơi thế là không vui nha bạn Tiện ba tuổi…

Bạn Tang ba tuổi bắt cá vui ghê hen!

Đây là vẻ mặt của học sinh yếu khi nghe học sinh giỏi trả lời câu hỏi của thầy giáo.

Đây là vẻ mặt khi biết đứa bạn thân ham chơi học giỏi hơn mình tưởng.

Hội học sinh cá biệt đất Cô Tô.

Hoài Tang vô tư đơn thuần, nhưng chưa bao giờ là kẻ ngốc nghếch. Trí thông minh của hắn rất cao, chỉ là không dùng cho việc học mà thôi. Sở thích của hắn thiên về nghệ thuật nhiều hơn: thích nuôi chim cảnh, thích vẽ tranh, thích chăm chút y phục đẹp đẽ, gu thưởng thức rất tinh tế, chọn quạt cầm tay hay chọn giấy làm đèn cũng đều phải là hàng cực phẩm mới dùng, chuyện phong nhã chốn giang hồ như Thi Hoa Nữ thì lại càng thuộc nằm lòng.

Rất có hứng thú với việc nuôi chim cảnh quý hiếm.

Đèn lồng giấy cũng phải là hàng cực phẩm.

Những chuyện phong lưu chốn giang hồ như Thi Hoa Nữ thì nắm rất rõ.

Thực tế cả A Tiện và Tang Tang đều rất yêu quý đối phương, là tình cảm bạn bè trong sáng vô tư, hai bên đều chân thành.

Kể cả sau này, Hoài Tang vẫn chưa bao giờ hết quý mến người bạn thuở thiếu thời của mình, cho dù hắn không đủ khả năng để lên tiếng bảo vệ Ngụy Anh trước sự phẫn nộ của huyền môn bách gia, nhưng hắn chưa từng nói xấu hay làm hại gì đến Di Lăng lão tổ cả. Một đứa trẻ quen được yêu thương sẽ lớn lên lương thiện, lại càng khó để ghét bỏ người khác.

Hoài Tang của những năm tháng ấy, thực sự là một thiếu niên trong sáng đơn thuần.

Diễn tròn vai một Tông chủ nhu nhược

Phụ mẫu qua đời sớm, Hoài Tang từ nhỏ đến lớn đều do đại ca chăm sóc bảo vệ, nuôi dạy nên người. Hắn cứ thoải mái vô tư mà sống, chẳng phải lo lắng sợ hãi điều gì là vì phía trước hắn có một Nhiếp Minh Quyết oai hùng dũng mãnh, che gió chắn mưa cho hắn mọi bề. Hắn không cần phải nỗ lực, cũng không ép bản thân phải trưởng thành sớm làm gì.

Nhiếp Minh Quyết là con nhà võ, tính cách bộc trực thẳng thắn, tuy thường dọa đánh gãy chân Hoài Tang khi hắn thi trượt nhưng thực chất lại hết sức dung túng nuông chiều em mình. Trong mắt Hoài Tang, Nhiếp Minh Quyết không chỉ là huynh trưởng mà còn là phụ thân thứ hai, là thần hộ mệnh, là cả thế giới của hắn.

Chỉ cần đại ca còn, Hoài Tang vĩnh viễn không cần tự vệ, vì đã có đại ca bảo vệ hắn rồi.

Hoài Tang khi ra ngoài ăn mặc cầu kỳ, thường đeo đao đeo vòng đầy đủ, nhưng cả thiên hạ đều biết đao của hắn chỉ để làm cảnh, căn bản chưa rút ra khỏi vỏ bao giờ. Cây đao ấy giống như Hoài Tang vậy, không nhiễm bụi hồng trần, không hiểu rõ thế tục.

Nhiếp Minh Quyết giống như vỏ của cây đao ấy, dốc lòng bảo vệ em trai, nên “Hoài Tang” chưa từng phải ra khỏi vỏ để chiến đấu bao giờ.

Vậy mà đột ngột, cây đao ấy mất đi vỏ, bị buộc phải đối mặt với thế gian.

Tận mắt nhìn thấy đại ca tẩu hỏa nhập ma, bạo thể mà chết ngay tại Thanh Đàm thịnh hội ở Kim Lân Đài, Hoài Tang đã sợ hãi đến mức nào, đau đớn đến mức nào, khi cả thế giới của hắn sụp đổ ngay trước mặt, khi vòng an toàn của hắn bị chọc thủng tan tành.

Hoài Tang mất đi đại ca, cũng là mất đi tất cả, không còn bất kỳ một chỗ dựa nào nữa, không còn ai che chở cho hắn nữa, không còn ai có thể tin tưởng nữa. Khi bị ép vào đường cùng, là thỏ cũng có thể hóa cáo. Hoài Tang không thể đơn thuần được nữa, không thể vô tư mà sống được nữa.

Hắn bị hoàn cảnh ép phải trưởng thành, là chín ép để trưởng thành.

Hắn kìm nén đau thương trước cái chết của đại ca, bất đắc dĩ ngồi lên chiếc ghế Tông chủ của Bất Tịnh Thế, gánh vác cả gia tộc trên vai, suốt từng ấy năm chống chọi áp lực từ mọi bề để giữ vững Nhiếp thị, đối nội đối ngoại đều phải hành xử khéo léo không được mất lòng ai. Hắn che giấu sự thông minh tài trí, diễn vai một Tông chủ yếu đuối nhu nhược, ai hỏi gì cũng chỉ nói một câu “không biết”, bị dồn ép quá thì liên tục nói “ta không biết” ba lần.

Diễn xuất của Nhiếp Tông chủ thật không tồi.

Hắn làm sao không biết người ngoài nói về hắn có bao nhiêu khinh thường chứ? Một Tông chủ “hỏi một không biết ba”, một kẻ vô dụng chỉ dựa vào huyết thống mà ngồi lên địa vị gia chủ, tu vi thấp kém, con đường tu tiên gần như chẳng có hi vọng, chuyện gì cũng không tự giải quyết được, hết chạy đi nhờ Liễm Phương Tôn lại sang nhờ Trạch Vu Quân, chỉ biết dựa dẫm vào các mối quan hệ của huynh trưởng ngày xưa chứ chẳng có thực lực gì. So với các vị Tông chủ Nhiếp gia tự cổ chí kim đều hô mưa gọi gió, oai phong lẫm liệt, Nhiếp Hoài Tang thảm hại cỡ nào đã quá rõ ràng.

Suốt những năm ấy hắn đau khổ như thế nào, áp lực như thế nào, lại không ai hiểu được.

Chèo chống một gia tộc đơn giản lắm sao? Phải đi nhờ vả khắp nơi vinh hạnh lắm sao? Đại ca chết không rõ nguyên do, thi thể không tìm thấy, cây đao Bá Hạ biến mất, đao linh không khống chế được, bản thân bị đè nặng đủ loại trách nhiệm của Tông chủ trên vai, hắn có đêm nào được ngủ yên? Hắn thống khổ, dằn vặt, mệt mỏi, nhưng vẫn cố ép bản thân phải vững vàng.

Phía trước không có ai, phía sau còn cả một Thanh Hà Nhiếp thị, hắn lại là gia chủ.

Cây đao Hoài Tang không còn vỏ, chính thức chiến đấu với trần thế này, ai cũng nghĩ chỉ là cây đao cùn, lại không biết đây là cây bảo đao sắc bén nhất, cũng nguy hiểm nhất. Ôm nỗi oán hận thấu xương tủy hơn mười năm trời, bí mật điều tra nguyên nhân cái chết của huynh trưởng. Đến khi đã biết rõ hung thủ là ai, đã nung nấu ý định trả thù sôi sục, nhưng bề ngoài vẫn diễn tròn vai một kẻ ngu ngơ chẳng biết gì.

Nhiếp Hoài Tang - Thủ khoa Học viện điện ảnh Tu Chân giới Khoa Biểu diễn.

Kẻ đã hại chết đại ca của Hoài Tang không phải người lạ, lại chính là Mạnh Dao phó sứ năm xưa hắn từng coi như người thân của mình, là vị “tam đệ” từng kết bái được Nhiếp Minh Quyết tin tưởng, là kẻ lúc nào cũng cung kính gọi anh một tiếng “đại ca”, là kẻ đã ôm lấy Hoài Tang an ủi dỗ dành vào cái đêm Nhiếp Đại qua đời.

Kẻ thù lại là người quen, là Mạnh Dao phó sứ năm xưa từng thân thiết.

Là tam đệ từng kết bái năm nào.

Là người ôm Hoài Tang an ủi vào cái đêm đại ca tạ thế.

Lúc biết được sự thật, Hoài Tang đau khổ như thế nào, thù hận như thế nào, không ai hiểu. Chỉ biết rằng trong những năm ấy, số lần Nhiếp Tông chủ chạy tới Kim Lân Đài không ít, vẫn nói cười vui vẻ với Kim Quang Dao, vẫn gọi một tiếng “tam ca”, vẫn mè nheo làm nũng đòi kẻ thù giúp hắn bao nhiêu việc.

Khi bạn là thiên tài diễn xuất nhưng bị cuộc đời ép làm Tông chủ.

Hắn bày trò như thế, diễn giỏi như thế dĩ nhiên là để che giấu một âm mưu, một vở kịch lớn đã lên kế hoạch tỉ mỉ kĩ càng từng bước một. Hắn làm được như thế, phải ẩn nhẫn, chịu đựng và đè nén đến mức nào? Khi đứng bên quan tài rỗng của đại ca trong Tế Đao Đường, ánh mắt của Hoài Tang lạnh giá đến tột cùng, mưu mô xảo quyệt, không còn lưu lại chút gì sự trong sáng đơn thuần của những năm tháng thanh xuân đi học ở Vân Thâm Bất Tri Xứ ngày xưa.

Cậu thiếu niên Nhiếp Hoài Tang vô tư trong sáng, nhưng Nhiếp Tông chủ thì không.

Boss cuối ẩn thân, thao túng tất cả

“Kim Quang Dao tính kế cả thiên hạ… chỉ duy nhất bỏ sót Nhiếp Hoài Tang…”.
(Trích bài cảm nhận về Kim Quang Dao trên fanpage “Góc nhỏ của YY”).

Kim Quang Dao không tính toán đến Nhiếp Hoài Tang bởi vì hắn mờ nhạt, bởi vì trông hắn vô hại, bởi vì chẳng ai nghĩ hắn làm nên trò trống gì.

Chỉ là thiên hạ không biết, Nhiếp Hoài Tang thông minh tuyệt đỉnh.
Hắn ngốc nghếch ư? Hắn vô dụng ư? Hắn nhút nhát ư?
Không đâu! Người nằm trong kế hoạch của hắn là cả giới tu tiên này, từ Kim Tiên đốc đến Lam Tông chủ, từ Ngụy Vô Tiện đến Lam Vong Cơ, từ dàn con cháu thế gia đến cả bí mật nơi Nghĩa thành. Làm gì có kẻ ngốc nào có thể bày ra một màn kịch lớn tỉ mỉ chi tiết như thế, suốt hơn mười năm không ai phát hiện ra bọn họ đang là con cờ bị xoay trong kế hoạch của Nhiếp Tông chủ.

Fans gọi hắn là “Nhiếp ảnh đế”, danh xứng với thực, vì hắn diễn quá giỏi, trước lúc kịch hạ màn không ai phát hiện ra hắn là chủ mưu, kể cả Kim Quang Dao hay Lam Hi Thần. Hắn thông minh nhất chính là vì hắn thấu hiểu nhân tâm, nắm bắt được điểm yếu của người khác, cũng lợi dụng chúng một cách triệt để.

Người đầu tiên nhận ra Ngụy Anh trở về nhân thế dĩ nhiên là Lam Trạm, nhưng người thứ hai nhận ra không phải là Giang Trừng, mà là Nhiếp Hoài Tang.

Ở quán trọ Kỳ Đinh hôm ấy, ngay từ giây phút Lam Vong Cơ dìu vị công tử áo đen vào phòng, Nhiếp Hoài Tang đã nhận ra đó là ai rồi.

Trước lúc vào phòng, Lam nhị công tử có nhắc Tiện Tiện đeo mặt nạ để đi gặp “một vị bằng hữu cũ”, nói hơi phũ phàng nhưng đây là một hành động rất vô dụng.

Bởi vì đã là “bằng hữu cũ”, một cái mặt nạ che giấu được điều gì?

Giang Trừng chỉ liếc qua một cái biểu hiện sợ chó của Ngụy Anh là đã biết thừa đây là đứa bạn lớn lên cùng mình rồi. Còn Nhiếp Hoài Tang, hắn từng gặp Mạc Huyền Vũ, năm xưa lại là bạn thân của “Ngụy huynh”, làm gì có chuyện hắn không nhận ra?

Hắn nhận ra chứ, chỉ là giả bộ không biết thôi.

Nói vài câu thăm dò để xác định rõ.

Cây quạt này đúng là hàng xịn, dùng suốt 16 năm không hỏng…

Đương nhiên rồi, xương quạt của người ta làm bằng Huyền Thiết đó.

Nhiếp Hoài Tang thực ra cũng là một kẻ cố chấp.

Mấy năm tìm xác đại ca không tìm được gì ngoài đao linh của Bá Hạ, mà đao linh này lại còn bị nhiễm hắc linh hung tàn, không thể lưu lại bên người. Bản thân không xử lý được, dĩ nhiên phải nhờ người giúp đỡ.
Nhờ ai? Nhờ Di Lăng lão tổ.

Nhưng Di Lăng lão tổ chết rồi!

Tốn bao công sức lôi được “Ngụy huynh” từ địa ngục lên, rải tẩu thi quanh Mạc gia trang, người Mạc gia sợ hãi, đương nhiên sẽ cầu Cô Tô Lam thị trợ giúp. Mấy cái tẩu thi đơn giản, Lam gia chỉ phái hậu bối đi luyện tập là đủ. Lúc này lại vứt đao linh có nhiễm hắc linh của Âm Hổ Phù vào Mạc gia, nếu đám hậu bối không đối phó nổi mà trọng thương hay chết thảm, Lam thị nhất định sẽ truy xét ngọn nguồn.

Nếu đám hậu bối có mệnh hệ gì, Lam gia nhất định sẽ truy cứu nguyên nhân.

Không ngờ trùng hợp, đúng vào ngày đó, Mạc Huyền Vũ dùng cấm thuật Xả Thân Chú, Di Lăng lão tổ trở lại nhân gian, Hàm Quang Quân tới trợ giúp hậu bối nhà mình.

Di Lăng lão tổ trở lại nhân gian.

Hàm Quang Quân tới trợ giúp đám hậu bối.

Kế hoạch bước đầu thành công, mọi chuyện từ đó về sau đều do Ngụy Vô Tiện và Lam Vong Cơ tốn công tốn sức đi tìm chân tướng, phơi bày sự thật, đối mặt với mọi nguy hiểm khó khăn đều là bọn họ, Nhiếp Hoài Tang vẫn diễn vai nhu nhược yếu đuối, bên trong bí mật giám sát là được.

Mọi chuyện nhờ hai vị xử lý giùm nhé.

Bày kế giết mèo dụ đám hậu bối các nhà và cặp đôi Vong Tiện vào Nghĩa thành, mục đích là để bọn họ phát hiện ra một nửa Âm Hổ Phù được khôi phục trong tay Tiết Dương, lại truy tìm kẻ đào mộ bí ẩn.

Lam Trạm và Ngụy Anh phát hiện ra thi thể không đầu của Nhiếp Đại.

Đao linh Bá Hạ hiện ra hoàn chỉnh.

Lam Tông chủ cũng tới tìm hiểu tình hình.

Giật dây Bích Thảo viết thư tố cáo tội ác của Kim Quang Dao đưa cho Tần Tố.

Ngạc nhiên chưa?

Thật luôn?

Cứu Tư Tư và mua chuộc Bích Thảo để hai người họ đến tố cáo những việc mà Kim Quang Dao đã làm trước toàn thể các vị gia chủ.

“Tiện tay” gửi thêm bức thư uy hiếp Kim Tông chủ, dọa sau bảy ngày sẽ công bố rộng rãi chuyện này hoặc để Kim tiên đốc tự mình lấy cái chết tạ tội.

Tráo hài cốt của mẹ Kim Quang Dao thành xác của Nhiếp Minh Quyết.

Trong miếu Quan Âm vẫn diễn tiếp vai vô tội yếu đuối tình cờ xuất hiện.

Cố tình bị thương kích động đao linh của Bá Hạ.

Bày trò khiến Lam Hi Thần tự tay đâm chết Kim Quang Dao.

Vì đại ca báo thù, bày ra mưu thâm kế hiểm, mặc kệ tính mạng người khác, nhưng cuối cùng lại hữu kinh vô hiểm, vạn sự trót lọt, mưu kế thành công. “Quân tử báo thù 10 năm chưa muộn”, hắn là boss cuối, hắn thắng rồi, dù chiến thắng này không có gì vui vẻ. Đại thù đã báo được, nhưng đại ca không về được nữa.

Chúc mừng Nhiếp ảnh đế, ván cờ này - ngươi thắng rồi!

Từ nay về sau không ai dám nói Hoài Tang vô tích sự, người đời nhận xét về hắn là “Nhiếp Tông chủ này coi vậy mà cũng khá đấy”. Đâu chỉ là “cũng khá”, khi không cần diễn kịch nữa, tài trí của Hoài Tang sẽ từ từ bộc lộ, đem đến bất ngờ cho tất cả mọi người.

Nhưng hắn không muốn sống tiếp cuộc sống đầy áp lực ấy nữa.

Ở tập cuối khi Hoài Tang đến Vân Thâm Bất Tri Xứ để cảm ơn Tiên Đốc và Tiên Đốc phu nhân đã giúp hắn báo thù, Ngụy Anh hỏi hắn rằng: “Nhiếp Tông chủ bỏ ra biết bao công sức như vậy, không lẽ không muốn làm Tiên đốc sao?”

Hoài Tang đã mỉm cười trả lời rất thẳng thắn, cũng rất ngạo nghễ: “Ta là người biết điều. Những việc cần làm ta sẽ không đẩy cho người khác, nhưng việc không cần làm, ta cũng không làm được”.

Hắn thực sự là một người rất biết điều, trách nhiệm của bản thân sẽ không trốn tránh, nhưng tuyệt không tham những thứ không phải của mình!

“Những việc cần làm” là gánh vác Nhiếp gia, báo thù cho huynh trưởng, hắn đều đã làm, dốc hết tâm sức để làm. “Những việc không cần làm” là trở thành Tiên đốc, cai quản Tu chân giới, nắm quyền lực tối cao, việc ấy hắn không muốn làm, cũng không làm được.

Hoài Tang trước giờ chưa từng là kẻ ham muốn quyền lực, hắn không cần những điều đó. Nếu đại ca còn sống, Hoài Tang tuyệt đối không bao giờ có mong ước sẽ ngồi lên địa vị Tông chủ. Cũng như vậy, bây giờ Lam Vong Cơ là người xứng đáng nhất ngồi lên ngôi vị Tiên đốc, hắn cung kính một lòng, tôn trọng ủng hộ y, tuyệt không có ý nghĩ quá phận.

Non cao biển rộng, giang sơn mỹ cảnh vô số, từ nay Hoài Tang sẽ chu du thiên hạ, sống cuộc đời tự do tự tại mà hắn mong muốn, trở về là một Nhiếp Hoài Tang yêu mến phong nhã, đam mê nghệ thuật năm nào.

Có lẽ lựa chọn như thế chính là cuộc sống lý tưởng mà Hoài Tang khao khát nhất, cũng là cái kết đẹp nhất cho một “boss cuối” thông minh!

* Tái bút: Người viết lấy mốc thời gian 10 năm dựa trên bài hát “Thanh Hà Quyết” - ca khúc chủ đề về Thanh Hà Nhiếp thị, có thể không chính xác tuyệt đối, bởi trong phim không đề cập rõ chi tiết này.

“Nhiếp Tông chủ” Kỉ Lý ngoài đời.

Hai phong cách khác biệt!

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Băng Ly

Được quan tâm

Tin mới nhất