Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Nhà phê bình Mỹ: Tạm quên Charlize Theron và Keanu Reeves đi, Ngô Thanh Vân tỏa sáng trong 'Hai Phượng'

Vai đả nữ cuối cùng của Ngô Thanh Vân trong phim "Hai Phượng" (Furie) đã nhận được cơn mưa lời khen ngợi từ bạn bè quốc tế.

Vào ngày 01/03/2019, bộ phim điện ảnh hành động Việt Hai Phượng đã chính thức ra mắt tại các phòng vé Mỹ. Thông qua buổi họp báo công chiếu trước đó, phim đã nhận được đánh giá cao của một số nhà phê bình phim quốc tế. Trang Elements of Madness - chuyên trang phê bình điện ảnh đã có bài đánh giá dành cho tác phẩm Furie (tên tiếng Anh của Hai Phượng) do Douglas Davidson thực hiện.

Sau đây là toàn bộ bản dịch bài viết review phim do SAOstar dịch lại nhằm chuyển đến độc giả Việt về cái nhìn khách quan của nhà phê bình Mỹ dành cho Hai Phượng:

Sau hàng loạt vai diễn hành động gây tiếng vang trong những siêu phẩm quốc tế nổi bật như Ngọa hổ tàng long, Ngọa hổ tàng long 2: Rồng ẩn giấu, Star Wars: The Last Jedi và Bright, khán giả quốc tế đặc biệt là Hoa Kì vẫn chưa hết ấn tượng với “đả nữ màn ảnh rộng” Ngô Thanh Vân đến từ Việt Nam, hay còn được biết đến với cái tên quốc tế Veronica Ngô. Giờ đây, sau hàng loạt tựa phim thành công trong nước, Ngô Thanh Vân trở lại cùng dự án của riêng mình, phối hợp cùng đạo diễn Lê Văn Kiệt để ra mắt Hai Phượng (tựa tiếng Anh là Furie). Trong phim, Ngô Thanh Vân vào vai một bà mẹ sông nước lên đường tìm kiếm và giải cứu con gái của mình khỏi bọn bắt cóc buôn người.

Poster chính thức của Furie - Hai Phượng tại Mĩ.

Một cốt truyện vốn tưởng chừng đã quá quen thuộc với khán giả nước ngoài, vì trước đó có không ít những ông bố, bà mẹ cũng lên đường chống lại giang hồ để cứu con (như Taken, Kidnap,…), song Hai Phượng mang lại luồng gió mới cho chính thị trường Việt, thêm vào đó là một số chi tiết mới lạ đầy hấp dẫn, như quá khứ dẫn đầu băng nhóm xã hội đen tung hoành khắp Sài Gòn của chị Phượng.

Tuy nhiên, thay vì mang đến những pha xả súng, thả bom bùng nổ như Taken, bộ phim của Lê Văn Kiệt lại nghiêng mình sang hơi thở mà Kidnap đâu đó mang lại: xây dựng kịch tính thông qua cách bày trí góc quay, khai thác sâu vào cốt truyện cũng như đẩy cao trào phim lên tột cùng bằng chính đặc điểm “văn hóa hắc bang” đất Việt.

Hai Phượng là sản phẩm có sự cân bằng giữa mạch cảm xúc và mạch hành động.

Bỏ lại quá khứ sau lưng, người mẹ đơn thân Lê Huỳnh Ngọc Phượng (do Ngô Thanh Vân thủ vai), hay quen được bà con hàng xóm gọi là Hai, về vùng quê yên bình để sống qua ngày cùng con gái Mai (do Mai Cát Vi thủ vai). Để có thể nuôi con và cho con ăn học, Hai cắn răng làm nghề đòi nợ thuê. Bỗng, biến cố xảy đến với hai mẹ con khi trong một lần xích mích trong chợ, Mai bị tách khỏi mẹ mình, sau đó không may bị bọn buôn người bắt cóc và chở đi. Hai Phượng kịch liệt đuổi theo, để rồi nhận ra bọn bắt cóc đang hướng về Sài Gòn. Từ đây, Hai phải gạt đi những kí ức không vui lúc trước, đối mặt với mảnh đất thù hận để đòi con về bên mình, dù cho có phải vượt qua bao nhiêu xác người hay nòng súng. Cuộc truy đuổi của Hai Phượng chỉ vừa mới bắt đầu!

Ngô Thanh Vân.

Mai Cát Vi.

Bàn về thể loại hành động, thông thường những gì khán giả muốn đều là một bối cảnh đơn giản, một cốt truyện không quá chồng chất phức tạp, để sau đó nhanh chóng dẫn dắt vào những trận đòn nghẹt thở. Tuy nhiên, Hai Phượng lại không hề đi theo mô-tuýp đó, mà tập trung khai thác yếu tố tình cảm giúp cho mạch phim không bị đơn điệu. Có thể nhìn vào ví dụ điển hình của John WickJohn Wick: Chapter 2. Trong khi phần đầu tiên giống như một chiếc bập bênh cảm xúc, khi đưa tâm trạng người xem lên xuống đa dạng, bổ trợ mạnh mẽ cho những pha đấm đánh thần sầu đến tinh tế, thì phần 2 của loạt phim lại dành quá nhiều thời gian để kiến tạo những cảnh chiến đấu mãn nhãn, nhưng thiếu đi nét chấm phá của tâm lý.

Điều khán giả mong đợi là một chuyện, nhưng thực tế khi ra rạp xem một bộ phim hành động chỉ tập trung vào mỗi… “hành động”, thì phần lớn người xem lại không ưng ý với mong muốn trước đó của chính mình. Giữa hành động và tâm lý, cảm xúc cần có sự cân bằng, tương tác và hỗ trợ lẫn nhau, và Lê Văn Kiệt đã làm được với chính Furie - Hai Phượng.

Ngay từ đầu, tính cách và “máu hành động” của Hai đã được khắc họa rõ nét qua cuộc sống thường ngày, và cả công việc đi đòi nợ. Sau đó bé Mai xuất hiện, mang đến cho khán giả cái nhìn cận cảnh về giá trị cuộc sống xoay quanh hai mẹ con này. Và rồi biến cố chính thức xảy ra, chỉ ngay sau khi tình cảm mẹ con giữa 2 nhân vật chính đã phát triển chín mùi. Từ đó đến hết phim, dù cho có những lần tiết tấu phim giảm chậm lại, để giới thiệu các nhân vật sừng sỏ khác, hay để Hai có chút thời gian dưỡng thương, thì phim vẫn thành công trong việc duy trì “động cơ chiến đấu” nhưng vẫn mang đến cốt truyện có sức nặng.

Dĩ nhiên, không chỉ vì tập trung vào cốt truyện hay cách xây dựng tâm lý nhân vật mà bỏ qua “đặc sản” của thể loại hành động - những chuỗi đấm đá liên hoàn. Tài năng chỉ đạo của Lê Văn Kiệt đã mang đến hàng loạt những cảnh giáp đấu gay cấn, chân thật đến mức khó có khán giả nào nghĩ đây thực chất đều là màn trình diễn của các diễn viên đóng thế.

Không theo đuổi cách quay dồn dập, có phần rung lắc của một số phim Mĩ, Hai Phượng luôn cố gắng giữ cho các cảnh hành động thật trau chuốt và rõ ràng với người xem mà vẫn giữ được yếu tố hoa mỹ và nghệ thuật trong từng đòn công - thủ. Qua bàn tay quay phim của Christopher Morgan Schmidt, cộng thêm công tác thiết kế sản xuất đầu tư, tỉ mỉ đến từ Nguyễn Minh Dương, Hai Phượng đã mang miền quê sông nước và Sài Gòn thân yêu đến gần nhau hơn, với sự lồng ghép gam màu tươi mát, xanh mướt của rừng cây, xanh biếc của bầu trời, dòng nước, hay màu vàng rực rỡ của ánh nắng vào trong nét đèn tím u buồn, một chút màu xanh điện tử hiện đại đến từ từng góc xá phố thị.

Bảng màu làng quê dân dã, thân thuộc.

Bảng màu thành thị gai góc, u ám.

Hình tượng chị Hai đi tìm con trong chiếc áo bà ba màu hồng tím có lẽ đã gây ấn tượng vô cùng mạnh trong lòng người hâm mộ phim Việt, cùng với đó chính là một trái tim yêu thương thuần khiết cùng một hình tượng “nữ cường” chân thật nhất có thể. Xem phim, người xem có thể thấy một số điểm tương đồ của Phượng với Lorraine Broughton (Charlize Theron) trong Atomic Blonde. Không hề mang danh một “cỗ máy chiến đấu” để phục vụ giải trí cho khán giả, mà ở hai nhân vật đều mang những gì rất đời, đều ngậm đắng nuốt cay trước hàng loạt cơn đau buốt ồ ạt, để rồi gục ngã thật sự khi sức cùng lực kiệt. Chính khí chất dễ cảm toát ra từ một thân thể mảnh mai, thoạt nhìn nhỏ bé đã thành công mang người xem “vào team” của Hai Phượng từng chút từng chút một.

Tình cảm của người mẹ anh hùng khiến người xem phần nào đồng cảm.

Nhìn chung, Hai Phượng là một tựa phim hành động Việt Nam đỉnh cao, thể hiện tầm nhìn hiện đại, cầu tiến của nền điện ảnh nước nhà trước bạn bè quốc tế. Khán giả đến rạp xem phim cốt cũng chỉ để giải trí, và Furie chính là giải pháp lý tưởng nhất trong mùa phim hiện tại. Một Lê Văn Kiệt mát tay, một kịch bản có trọng lượng, một chuỗi những pha hành động như bước ra từ di sản của Thành Long đại hảo hán, và một “đả nữ” Ngô Thanh Vân cũng là đủ để bảo chứng cho một Hai Phượng đầy hấp dẫn, hứa hẹn mang đến cho người xem một cuộc đua ngoạn mục, nơi vinh quang và thất bại đều ngọt ngào và đắng cay theo cách của riêng chúng.

Xem qua trailer chính thức tại Mĩ của Furie - Hai Phượng.

Hai Phượng - Furie chính thức công chiếu vào ngày 1/3/2019 tại một số cụm rạp ở Mĩ.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Đông Hải

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giới trẻ nghĩ gì về Yamaha Janus hoàn toàn mới, nâng cấp có xứng đáng?
Lee Hooyeon kể trải nghiệm thú vị khi cùng Wukong hẹn hò tại New World Phu Quoc