Phim Ảnh

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã: Nếu tính về giá trị thương mại, VFS bằng 0 vì phim làm ra không bán được vé

Chia sẻ

Trịnh Thanh Nhã là một nhà biên kịch không xa lạ gì với khán giả yêu điện ảnh Việt Nam. Chị đã từng gắn bó cả cuộc đời mình với ngôi nhà số 4 Thụy Khuê trước khi về hưu cách đây vài năm nên đương nhiên người phụ nữ này không thể đứng ngoài những “lùm xùm” của sự việc 19,5 tỷ định giá VFS hiện nay.

Một thương vụ âm thầm

Cuộc sống hưu trí hình như không còn khiến chị quan tâm nhiều đến cơ quan cũ?

Có, tôi vẫn quan tâm nhưng có thể không sát sao tường tận như anh chị em hiện vẫn đang công tác tại đó.

Trinh Thanh Nha1

Theo chị, mấu chốt của cuộc mua bán này nằm ở chỗ nào?

Tôi nghĩ mấu chốt của vấn đề ở chỗ những người làm việc tại số 4 Thụy Khuê không được biết và không có quyền gì trong thương vụ này. Mọi chuyện diễn ra trong âm thầm cho đến khi bị phát lộ bởi sự bức xúc của những người đãn gắn đời mình với ngôi nhà đó. Giá trị của những người lao động tại đó không được quan tâm.

Chúng ta vẫn suy tôn VFS như là “Anh cả đỏ” trong ngôi nhà điện ảnh Việt nhưng thực tế trong vài năm trở lại đây, những dự án của VFS thường thất bại toàn tập, tiêu biểu bộ phim “Sống cùng lịch sử” không bán được một vé nào khi mà số tiền bỏ ra sản xuất lên đến 21 tỷ. Vậy giá trị của VFS đặt trong bối cảnh thị thường cũng cần phải xem lại, đúng không thưa chị?

Đúng, nếu nói về giá trị thương mại thì rõ ràng, VFS là 0 bởi phim làm ra không bán được vé thế nhưng đó không phải là sứ mệnh của những bộ phim đó khi được quyết định sản xuất. Giá trị của nó là tuyên truyền và thông tin phục vụ một mục đích khác. Nếu nói về giá trị con người thì không đâu nhiều người giỏi như VFS, đó là cái nôi đào tạo ra phần lớn những người làm nghề giỏi nhất hiện nay. Tiếc là những người giỏi đó vẫn đang ngày đêm cống hiến và lao động cho những hiệp hội, hãng khác để mưu sinh vì VFS không có đất để họ phô diễn tài năng.

Lãnh đạo không khiến anh em nể phục 

Chị nói về giá trị con người của VFS nhưng mặt khác những con người đó không cống hiến cho hãng này, mâu thuẫn nhỉ, vậy vai trò của người làm công tác quản lí để làm gì khi không thể tháo gỡ những cũng như kêu gọi anh em đoàn kết lại cùng vượt qua những khó khăn này? Đó chẳng phải là điều chúng ta vẫn được xem trong những bộ phim do VFS sản xuất đó sao?

Đó cũng là một trong những vấn đề cốt lõi khiến tôi quyết định nghỉ hưu sớm. Người lãnh đạo không khiến cho anh em phục và vấn đề bạn nêu ra về chuyện lao động thì rõ ràng người lãnh đạo tại VFS không có áp lực và trách nhiệm với điều đó. Hiện thực người lãnh đạo do cơ chế không ràng buộc. Do người ta không chịu trách nhiệm, cảm hứng của anh em và chính họ rơi vãi, thậm chí, rơi vãi về tài chính cũng có thể xảy ra. Cái đáng ngại nhất là cảm hứng làm việc của anh em không còn được toàn vẹn, làm cho sản phẩm không hoàn hảo.

Giám đốc hiện nay của VFS là đạo diễn Vương Đức

Giám đốc hiện nay của VFS là đạo diễn Vương Đức

Có một thực tế là hình như ngay cả cán bộ cộng nhân viên của hãng phim truyện Việt Nam cũng không mấy quan tâm về những khối tài sản mà VFS đang sở hữu cho đến khi toàn bộ những điều đó được phơi bày trên mặt báo thì sự nhốn nháo mới bắt đầu xảy ra và chuyện “khuất tất” mới được đề cập đến trong thương vụ này?

Hầu như tất cả thế hệ nghệ sĩ đều không quan tâm mình có gì trong tay. Ngay cả ở trụ sở số 4 Thụy Khuê cũng không có sổ đỏ là một điều hết sức hài hước, giá trị hết sức tạm bợ. Nó cũng là vấn đề bởi lãnh đạo chỉ quan tâm là làm sao trả lương cho đủ, không quan tâm đến chuyện sổ đỏ sổ hồng. Giá trị của máy móc thì bằng không vì rất tệ và cũ kĩ. Còn một vài lô đất khác của Hãng không biết đã có sổ đỏ hay chưa nhưng nếu như có rồi thì bạn hãy hình dung những lô đất nằm giữa trung tâm Hà Nội như vậy thì giá trị nó lớn hơn mấy chục lần của con số được rao bán hiện nay. Tôi đã nói là tất cả những thông tin về hãng không minh bạch và người lao động không có cơ hội được đưa ra ý kiến.

Xin chân thành cảm ơn chị về những chia sẻ! 

Theo dòng sự kiện: 

Việc cổ phần hóa hãng phim truyện VFS đã được đăng tải ba số liên tiếp trên báo Kinh tế và Đô thị từ ngày 16 đến 19-1-2016, cũng như trên bản tin của công ty TNHH Một thành viên Phim truyện Việt Nam.

Trụ sở của Hãng phim truyện Việt Nam - VFS - tại số 4 Thụy Khuê, Hà Nội

Trụ sở của Hãng phim truyện Việt Nam - VFS - tại số 4 Thụy Khuê, Hà Nội

Đến thời điểm hết hạn nộp hồ sơ, tức 15h ngày 26-1-2016, nghĩa là sau 11 ngày kể từ ngày bắt đầu đăng báo, chỉ có duy nhất Tổng công ty vận tải thủy Vivaso nộp hồ sơ đáp ứng đủ tiêu chí và cam kết nên được Bộ VH-TT&DL phê duyệt.

VFS bán ra 3,25 triệu cổ phần (tương đương 65% vốn điều lệ) cho nhà đầu tư chiến lược được chọn là Tổng công ty vận tải thủy với giá 32.5 tỷ đồng.

Số cổ phần bán đấu giá ra công chúng là 525.000 cổ phần tương đương 10,5%, tối thiểu thu về 5.25 tỷ đồng. Nhà nước nắm giữ 20%. Số còn lại bán cho cán bộ, công nhân viên của hãng. Như vậy hãng phim truyện VFS được định giá trên 50 tỷ đồng.

Trả lời trên Zing, đạo diễn, nghệ sĩ ưu tú Vương Đức - Giám đốc thứ 12 và cũng là giám đốc cuối cùng của hãng phim truyện VFS cho biết, thực chất quá trình cổ phần hóa hãng phim truyện VFS đã diễn ra 7,8 năm trước.

Theo ông Vương Đức, hãng phim VFS “thua lỗ triền miên” suốt nhiều năm qua, từ trước khi ông về nhận chức giám đốc năm 2009.

Đó cũng chính là lý do buộc hãng phim VFS phải bán một lượng lớn cổ phần ra ngoài để lấy tiền trang trải cho những chi phí còn tồn đọng lâu nay mà hãng không thể giải quyết.

Số tiền thu được từ việc phát hành thêm cổ phần được dùng vào việc trả nợ tiền thuê đất, các khoản nợ khác, đầu tư cơ sở vật chất phục vụ việc sản xuất và phát hành phim. Khoảng 10 tỷ đồng sẽ được dùng để đầu tư cho việc sản xuất phim.

Việc cổ phần hóa VFS cũng có nghĩa là, kể từ nay Công ty TNHH một thành viên Phim truyện Việt Nam sẽ được chuyển giao sở hữu cho Tổng công ty vận tải thủy. Đơn vị này có vốn điều lệ là 320 tỷ đồng.

Trong phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt, phía Tổng công ty vận tải thủy cam kết tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phim ít nhất trong 5 năm dưới sự giám sát của Bộ VH-TT&DL.

Bên cạnh đó, “ông chủ mới” của VFS sẽ mở rộng lĩnh vực kinh doanh khác như nhà hàng, quán ăn, xuất khẩu các mặt hàng kinh doanh của nhà đầu tư.

Thương vụ mua - bán hãng phim VFS được dư luận đặc biệt quan tâm. Nhiều người tỏ ra nghi ngờ với kết quả cổ phần hóa, không chỉ vì thời gian mua bán diễn ra quá nhanh, mà còn bởi nhà đầu tư là một công ty chuyên vận tải đường thủy, chưa từng có hoạt động gì liên quan tới nghệ thuật.

Hơn nữa, kết quả kinh doanh của đơn vị này cũng không mấy khả quan khi lỗ 8 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm 2015.

Tại sao VFS lại chỉ được định giá có trên 50 tỷ đồng? Tại sao lại bán một hãng phim truyện có lịch sử gần 60 năm cho một công ty chuyên vận tải đường thủy? Tại sao một thương hiệu có tầm ảnh hưởng tới cả nền điện ảnh nước nhà lại được định giá bằng 0?

Theo bản công bố thông tin bán đấu giá cổ phần, chỉ tính riêng tài sản đất mà VFS đang sở hữu đã là một cơ ngơi đồ sộ trị giá cả nghìn tỷ, bao gồm: 5.443,5m2 đất tại số 4 Thụy Khuê, khu đất được giới bất động sản đánh giá là khu đất vàng của Hà Nội.

Khu đất này hãng VFS được sở hữu dưới hình thức thuê đất của nhà nước đã hơn 50 năm qua. Chưa kể 904,9m2 đất ở ngõ 151 Hoàng Hoa Thám mà hình thức sở hữu là giao đất; 6.382,8m2đất ở Đông Anh trường quay Cổ Loa, hình thức sở hữu cũng là giao đất.

Ngoài ra, VFS còn đang sở hữu 1.208,72m2 đất ở số 6 Thái Văn Lung, quận 1, TP.HCM dưới hình thức sở hữu là thuê đất của nhà nước. Đây cũng là một trong những vị trí đắc địa của TP.HCM.

Được biết, VFS đang làm thủ tục để được tiếp tục sử dụng các khu đất này sau khi hết hạn thuê. 

Chia sẻ

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất