*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, tiết lộ một phần nội dung phim:
Người Vợ Cuối Cùng đánh dấu sự tái xuất của Victor Vũ sau 2 năm vắng bóng, là một trong 2 dự án được chú ý trên đường đua điện ảnh cuối năm 2023. Đây là phim cổ trang thuộc thể loại tâm lý - tình cảm, gắn nhãn T18, phù hợp với khán giả trên 18 tuổi với các phân cảnh bạo lực, cảnh nóng không liên tục. Dự án này quy tụ dàn cast được yêu thích của hai miền Nam - Bắc như: Kaity Nguyễn, Thuận Nguyễn, Quốc Huy,... cùng các bảo chứng diễn xuất: NSƯT Kim Oanh, NSƯT Quang Thắng,...
Nhìn chung, Người Vợ Cuối Cùng ghi điểm bởi sự chỉn chu trong nội dung và hình thức, đánh dấu bước đột phá trong cách làm phim của Victor Vũ. Phim đáng xem, được đánh giá là dự án cổ trang ấn tượng nhất trong lịch sử điện ảnh Việt. Tuy nhiên, một số hạn chế trong kịch bản, cách xây dựng tính cách nhân vật đã khiến phim mất điểm đáng tiếc.
Phim đẹp từ hình thức đến nội dung
Người Vợ Cuối Cùng được lấy cảm hứng từ tiểu thuyết Hồ Oán Hận của tác giả Hồng Thái. Victor Vũ đã dụng công tìm hiểu nhiều tư liệu về lịch sử, văn hóa Việt Nam để áp dụng vào đứa con tinh thần của mình. Phim mượn bối cảnh thời phong kiến để vẽ nên câu chuyện giả tưởng về tình yêu và nỗi đau của người phụ nữ.
Chuyện phim xoay quanh Linh (Kaity Nguyễn), một cô gái xinh đẹp, đang đắm chìm trong hạnh phúc lứa đôi thì biến cố ập đến. Nhà nghèo, mẹ bệnh tật, bố rơi vào vòng lao lý, Linh phải bấm bụng làm vợ ba của quan tri huyện Đức Trọng (NSƯT Quang Thắng).
Dù mang danh bà ba, nhưng Linh bị đối xử như kẻ hầu người hạ, bị xem là “máy đẻ” để giúp gia đình quan tri huyện tìm con trai nối dõi. Linh hạ sinh bé gái tên Đông Nhi, nhưng cuộc sống cô cũng không khấm khá hơn, trái lại còn là nơi để chồng và bà cả trút giận mọi lúc mọi nơi.
Linh cứ sống tủi nhục như vậy, chịu sự dày vò về thể xác từng ngày, cho đến khi cô gặp lại Nhân (Thuận Nguyễn) - thanh mai trúc mã được cô hết mực yêu thương. Lúc này, một thế giới khác của Linh được mở ra, cô lần đầu được yêu, được nâng niu, cháy với cảm xúc của mình, nhưng cuối cùng, bi kịch lại không buông tha cho “đôi trẻ”.
Người Vợ Cuối Cùng mang đến những thước phim đẹp mãn nhãn về bối cảnh làng quê Bắc Bộ xưa, được phục dựng chỉn chu, chân thật đến từng chi tiết. Đây là điểm cộng lớn nhất của tác phẩm, hình ảnh họp chợ vùng quê, cảnh xem rối nước, cảnh đám giỗ, những ngôi nhà mái ngói truyền thống, thậm chí là đến màu sắc của trang phục,... cũng được thể hiện một cách tinh tế, đẹp mắt. Những thước phim quay ở hồ Ba Bể đẹp nên thơ, hùng vĩ, phảng phất chút trầm buồn.
Bên cạnh bối cảnh, phục trang, cái đẹp ở đây còn được thể hiện ở nội dung thông điệp mà phim mang lại. Ở đây, Victor Vũ đã thể hiện sự tinh tế khi khắc họa một số chi tiết đối lập, đáng chú ý là cảnh nóng giữa Linh với 2 người đàn ông.
Cảnh nóng giữa Linh và quan tri huyện nhuốm mùi cam chịu, an phận, bởi gia đình kia chỉ xem cô là “máy đẻ”. Hình ảnh sợi dây thòng lọng đặt dưới chân giường Linh để cô treo chân, “hứng từng hạt vàng hạt ngọc” của nhà quan để sớm đậu thai.
Trong khi đó, khi ở bên Nhân, Linh được đắm chìm trong tình yêu, cô được nâng niu, chiều chuộng. Nhân yêu từng vết xước trên người Linh, trân trọng cô dù Linh đã là người của nhà quan. Sự đối lập này nhấn mạnh nỗi đau của người phụ nữ trong xã hội xưa, đồng thời cho thấy vẻ đẹp bất diệt của tình yêu đôi lứa.
Bên cạnh đó, vẻ đẹp tâm hồn người Việt Nam xưa cũng được Victor Vũ cài cắm thành công. Có thể nói, từng người dân của làng Cua Ngộp đều mang tâm thế lạc quan, nụ cười luôn thường trực dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nghèo đói, họ sẵn sàng giúp đỡ, bảo bọc lẫn nhau. Những phân cảnh làng quê thanh bình, phản ánh cuộc sống sinh hoạt của người dân, mang đến sự dễ chịu khi xem, giúp cân bằng, giảm căng thẳng sau chuỗi cảm xúc hồi hộp, dồn dập.
Dàn cast tròn vai, Quốc Huy là điểm sáng
Quy tụ dàn cast giàu kinh nghiệm, Người Vợ Cuối Cùng không có nhiều lỗ hổng về diễn xuất, chỉ có điều, đất diễn ít ỏi khiến họ chưa đạt đến đỉnh cao cảm xúc. Đầu tiên phải nói đến sự trưởng thành của Kaity Nguyễn, thời gian đầu, cô nhận nhiều sự hoài nghi về năng lực diễn xuất.
Tuy nhiên, Kaity đã chứng minh, tuổi tác không là vấn đề khi khắc họa thành công chân dung mợ ba quan tri huyện, dù chỉ mới 24 tuổi. Diễn xuất bằng mắt của nữ diễn viên là một điểm cộng lớn, giúp lột tả được hết những diễn biến tâm lý của Linh, từ hạnh phúc vỡ òa đến nhịn nhục, đau đớn.
Trong phim, Kaity Nguyễn có màn tung hứng ăn ý với Thuận Nguyễn, cả hai không chỉ đẹp đôi, mà còn tạo được phản ứng hóa học tốt. Với Thuận Nguyễn, phim đánh dấu sự chuyển hình mạnh mẽ của anh sau Thanh Sói, Bẫy Ngọt Ngào,...
Nam diễn viên ghi điểm bởi sự mộc mạc trong đài từ, diễn xuất lên tay thấy rõ, nhất là ở các cảnh quay nặng tâm lý. Một điểm trừ hiếm hoi có thể kể đến lại liên quan đến hình tượng nhân vật Nhân do anh đảm nhiệm, đôi lúc mang đến cảm giác ngô nghê, khó chịu, nhưng lỗi này lại nằm ở kịch bản.
Vai diễn của Quốc Huy nhận nhiều đánh giá tích cực sau những suất chiếu sớm. Nam diễn viên vào vai quan tra án, được mời về làng Cua Ngộp để điều tra về những vụ án mạng tại địa phương. Nét diễn đậm chất trinh thám, phá án của Quốc Huy được khen, thậm chí còn được ca ngợi là điểm sáng lớn, làm bớt đi sự… buồn ngủ ở một số cảnh phim. Từ màn thể hiện của Quốc Huy, nhiều người kỳ vọng, Victor Vũ sẽ làm thêm một tựa phim với chủ đề tương tự về sau.
Đinh Ngọc Diệp được khen “diễn như không diễn” khi vào vai bà Hai, với nét tính cách vô tư, thẳng thắn, “miệng hỗn nhưng tâm tốt”, đậm chất trào phúng. Đây cũng là nhân vật đóng vai trò cân bằng mạch cảm xúc của phim.
Bên cạnh đó, màn thể hiện của NSƯT Kim Oanh, NSƯT Quang Thắng cũng khá tròn trịa, tuy nhiên, còn khá “kịch”, mang đến cảm giác nặng nề. Ngoài ra, dàn diễn viên phụ như bé Lưu Ly (vai Đông Nhi), bố mẹ Linh, người bán quýt, bán cá ngoài chợ,... cũng được chọn kỹ lưỡng, diễn xuất ổn định.
Điểm trừ
Khó có thể xem Người Vợ Cuối Cùng là một bộ phim hoàn hảo, đúng tầm vóc Victor Vũ. Dự án này đáng xem, nhưng điểm trừ tồn đọng không ít, chủ yếu liên quan đến khâu xây dựng kịch bản. Đầu tiên, phim được chia làm 3 hồi, dài 132 phút, mạch phim chậm, dông dài, khiến người xem dễ mất tập trung, sốt ruột, cùng với đó là nhiều tình tiết được đưa vào không hợp lý.
Phim thiếu điểm nhấn, ở đây Victor Vũ muốn khai thác nhiều yếu tố như lãng mạn, trào phúng, phá án, châm biếm, nhưng mọi thứ lại dàn trải, thành ra chưa có tính chiều sâu. Việc xây dựng hình tượng, tính cách nhân vật cũng chưa thuyết phục, nhất là nhân vật Nhân, bà Cả và cả quan tri huyện.
Giọng nói của các nhân vật cũng là điều khiến khán giả hoang mang. Victor Vũ quyết định không lồng tiếng, bởi anh casting nhân vật dựa trên diễn xuất và sự hợp vai. Tuy nhiên, việc giọng miền Nam - miền Bắc đan xen khiến trải nghiệm xem phim của một số khán giả cũng bị chùng xuống, đôi lúc cũng không hợp bối cảnh.
Kịch bản phim dễ đoán, chưa gợi được sự tò mò, cú “twist” không gây bất ngờ. Đặc biệt, kết phim được xây dựng an toàn, không đủ thuyết phục để kết lại câu cả một câu chuyện lớn. Người xem cần đâu đó một hướng giải quyết thấu đáo, ấn tượng hơn. Ngoài ra, nhạc phim cũng chưa đặc sắc, chưa đủ để hỗ trợ cho sự tăng tiến trong tâm lý nhân vật, diễn biến chung của bộ phim.
Dù chưa thuyết phục hoàn toàn về mặt nội dung, song Người Vợ Cuối Cùng vẫn là một dự án đáng xem, đáng để học hỏi về cách dàn dựng bối cảnh, chuẩn bị phục trang,... Đây chưa phải là một “bom tấn” như kỳ vọng của nhiều người, nhưng một khía cạnh nào đó, phim đánh dấu sự lên tay của Victor Vũ, cùng sự trưởng thành trong diễn xuất của dàn cast.
Theo Box Office Vietnam, tính đến chiều 3/11, Người Vợ Cuối Cùng thu về gần 13 tỷ đồng sau 1 ngày công chiếu chính thức và 2 ngày chiếu sớm, tạm đứng đầu phòng vé Việt. Dự án này 'sáng cửa" hòa vốn, sinh lời, bởi đường đua phim ảnh Việt sắp tới không có quá nhiều đối thủ mạnh, trong khi Đất Rừng Phương Nam lại đang hạ nhiệt. Theo tiết lộ từ Đinh Ngọc Diệp, ngưỡng hòa vốn của phim chưa tới 80 tỷ đồng.