Người cần quên phải nhớ xoay quanh hành trình của nữ phóng viên Loan (Hoàng Yến Chibi) thuộc tòa soạn CP. Express, điều tra, vén màn bí mật đằng sau cái chết bí ẩn, đột ngột của cha mình là ông Minh (NSUT Đức Hải) tại bệnh viện tâm thần Đức Châu. Trong lúc thu thập chứng cứ, cô tình cờ gặp gỡ và dần phải lòng Bình (Trần Ngọc Vàng), chàng thanh niên lang bạt bị mất trí nhớ đồng thời là đối tượng tình nghi trong vụ án.
Phim có cách kể chuyện mạch lạc, tỉ mỉ, khúc chiết, rành mạch. Những trường đoạn flashback hay slowmotion hiện đại đủ nhấn nhá khiến cho bộ phim thu hút và lôi cuốn hơn, cảm động hơn khi mà ta ngỡ mạch phim đang bị lặp lại hay chùng xuống, Âm thanh, ánh sáng đều rất chỉn chu, hút mắt. Việc dùng những bài hát của Chillies cũng là một cách hay để Người cần quên phải nhớ gợi một cảm giác của một tác phẩm rom-com (hài hước - lãng mạn) ngọt ngào, xua tan đi những nghi hoặc, căng thẳng đến từ yếu tố trinh thám của phim.
Những phân cảnh xuất hiện tại bệnh viện tâm thần Đức Châu cũng chưa bao giờ xuất hiện một cách "quái" như vậy, nó đem đến mùi vị châm biếm mà cũng rất đời, cứ như phiên bản bênh viện (dù tầm vóc nhỏ hơn rất nhiều) của khu dân cư xập xệ trong Tuyệt đỉnh Kungfu và cũng gợi nhớ đến MV tương tự Thật bất ngờ của Trúc Nhân. Đây chính là cái tài của nhà sản xuất và biên kịch,
Về mặt diễn xuất, Hoàng Yến Chibi làm rất tốt, khiến cho nhân vật Loan vừa toát ra vẻ ngây thơ, trong sáng, năng động nhưng vẫn trưởng thành và hiểu chuyện. Dù nhỏ bé, nhưng Loan vẫn mạnh mẽ và tràn đầy ý chí, dám nghĩ dám làm, xứng đáng là hình mẫu lí tưởng cho những cô gái trẻ học hỏi.
Trần Ngọc Vàng cũng thế, anh đã hoàn thành vượt chỉ tiêu, xóa tan định kiến "trai đẹp đóng phim" để hòa nhập vào nhân vật Bình ngây ngô, dễ thương, đang ra sức khoác lên mình chiếc áo quá rộng - kẻ xấu. Bất luận là cảnh bi hay cảnh hài hước, hành động, Trần Ngọc Vàng không hề bị thoát vai, cứ ngỡ như anh và nhân vật Bình đã hợp làm một.
Karen Nguyễn đã có tiến bộ so với hình ảnh trong các MV nhạc hay trong chính cô với Sắc đẹp dối trá, khi mà biểu cảm của cô đa dạng hơn, nhiều góc khuất hơn. Nếu đào sâu thêm nhân vật Vân, hẳn là Karen Nguyễn vẫn có thể đảm đương được những trường đoạn nội tâm góc cạnh.
"Vua phòng vé" Thái Hòa với vai diễn nhà văn thần kinh James Bo chính là nhan tố gây đột phá lần này. Ở anh, vẫn là sự hài hước, lầy, bựa quen thuộc kèm thêm chút điên khùng thực thực giả giả rất nhuần nhuyễn, đôi khi lấn át cả sự xuất hiện của các nhân vât khác. Tuy nhiên, Thái Hòa thỉnh thoảng vẫn có một số cảnh lặp lại chính mình trong vài tác phẩm cũ như phân cảnh bị tiêm thuốc cuối phim rất giống với Để Hội tính vậy. Trần Xuân Phúc hay Huyme cũng tròn vai.
Người cần quên phải nhớ hơi thiếu tính bùng nổ, thăng hoa vì ngay cả plot twist cuối cũng dễ đoán và giải quyết đơn giản và quá nhanh gọn, có phần bị loãng. Tuyến tình cảm của Loan và Bình hơi đều đều, và chưa đủ đặc sắc so với những các câu chuyện tình từng xuất hiện trong phim của Đỗ Đức Thịnh hay Charlie Nguyễn trước đó. Tâm lí các nhân vật nhân vật đôi khi bị gượng và khiên cưỡng, và nhân vật Dũng Răng Vàng hay Vân lại chưa làm "tới" để cho tình tiết phim kịch tính hơn.
Phim công chiếu các rạp toàn quốc từ 25/12/2020.