Lưu ý: Bài viết có spoil, vì thế hãy chắc rằng bạn đã đủ 18 tuổi và đã ra rạp thưởng thức Love, Simon trước khi đọc tiếp!
Ra mắt tại quê nhà Mỹ vào ngày 16/3, Love, Simon đã nhận được nhiều hiệu ứng tích cực khi mang dáng dấp của câu chuyện tình yêu LGBT mát lành, ngây ngô thời trẻ. Tưởng chừng thông điệp ngọt ngào của Simon sẽ bỏ qua đất nước hình chữ S, thế nhưng vào ngày 4/5 này, Love, Simon đã chính thức cập bến Việt Nam khiến bao bạn trẻ háo hức và mong chờ.
Được sản xuất bởi đạo diễn Greg Berlanti, Love, Simon là hành trình đi tìm tình yêu đầu đời của chành thanh niên đồng tính Simon khi một người bạn học có kí danh là “Blue” đã công khai trên diễn đàn về tính hướng thật sự của mình. Suốt 1 tiếng 50 phút của bộ phim là những câu chuyện, những bài học tuy cũ nhưng vẫn có sức nặng về tình cảm gia đình, mối quan hệ bạn bè tình thân, và những khát khao muốn sống thật, muốn thể hiện mình của những tâm hồn trẻ.
Việt Nam tạt gáo nước lạnh mang tên “C18” vào Love, Simon
Mang nhiều thông điệp lành mạnh và tiến bộ, nhưng không giống với một số quốc gia phát triển khác, ở Việt Nam Love, Simon lại bị dính nhãn “cấm trẻ em dưới 18 tuổi” khiến không ít khán giả hoang mang và thắc mắc.
Theo chia sẻ từ phía sản xuất, bộ phim ra đời nhằm hướng đến đối tượng khán giả trẻ, đặc biệt là những thiếu niên vẫn còn đang học trung học. Trong khi đó, xét về khái niệm của nhãn C18 tại thị trường điện ảnh Việt Nam, những phim mang đề tài về bạo lực, khoả thân và tình dục, có dính đến chất kích thích và gây nghiện như ma tuý, rượu bia, thuốc lá, mang yếu tố kinh dị và ngôn ngữ, hình ảnh, âm thanh thô tục thì mới được giới hạn khán giả từ 18 tuổi trở lên.
Love, Simon vốn chỉ là một câu chuyện tình yêu đơn thuần lấy bối cảnh vườn trường, các nhân vật chính đến phụ chỉ xoay quanh môi trường học đường gồm thầy cô, bạn bè và phụ huynh học sinh. Xuyên suốt bộ phim thì không hề có bất cứ cảnh quay nào quá đáng đến mức khiến phim bị liệt vào 1 trong số 5 tiêu chí bị dính nhãn C18 nêu trên. Ngôn ngữ trong Love, Simon đượctthể hiện trong sáng, bình dị và hài hước, bối cảnh tiệc tùng cũng không quá “be bét” hay chứa đựng tệ nạn, và cảnh “phản ứng hoá học” đáng nói nhất chỉ là màn hôn môi giữa Blue và Simon ở cuối phim.
Ngoài 5 yếu tố trên, những phim nếu muốn “thoát án” C18 ở Việt Nam còn phải có định hướng đúng đắn cho giới trẻ. Phim không được đề cập đến những yếu tố chính trị, tôn giáo, tội phạm, tâm lý không phù hợp với nhận thức và góc nhìn nhân sinh quan của thanh niên Việt. Nếu dựa trên thước đo này mà đánh giá, Love, Simon hoàn toàn không đáng phải bị giới hạn ở mức “trên 18 tuổi”, vì những vấn đề xoay quanh trường lớp, gia đình, bạn bè và tình yêu tuổi mới lớn là hoàn toàn hợp tình hợp lý với tâm sinh lý và đáng phổ cập đến bộ phận thanh thiếu niên đang học cấp 2, cấp 3 nước ta.
Nhìn xa hơn ở phía bạn bè quốc tế, Love, Simon được gắn mác 13+ tại quê hương Hoa Kỳ, ngoài ra còn có Canada và hai quốc gia Đông Nam Á khác là Campuchia và Philippines. Ở Anh, Brazil và Ireland, phim còn được mở rộng phân khúc khi chỉ ở mức “cấm trẻ em dưới 12 tuổi”, còn ở thị trường Úc và Hàn Quốc thì 15+ là mức “cấm đoán” cao nhất dành cho các khán giả ra rạp.
Bị gắn mác như “phim người lớn” chỉ vì nói về… tình yêu đồng tính?
Nếu phải tìm một vài lý do để củng cố và bênh vực cho bước đi này của Việt Nam đối với Love, Simon, thì đó có thể là do bộ đồ “cosplay” Wonder Woman của Abby có phần gợi cảm, hay bữa tiệc tại nhà Bram cùng cảnh chè chén say khướt của nhóm bạn Simon, thậm chí do việc Bram có “nhắc khéo” đến Donald Trump khi giải thích về nhân vật mình hoá trang cho lễ Halloween năm nay.
Tuy nhiên, nói gần nói xa không qua nói thẳng, dĩ nhiên yếu tố đồng tính của phim chính là vấn đề lớn nhất khiến cho khâu kiểm duyệt của Việt Nam đưa ra phán quyết cuối cùng rằng Love, Simon có nhãn C18. Nhưng liệu những bằng chứng trên có thật sự thái quá hay không phù hợp đến mức khiến một bộ phim vườn trường hài hước và đáng yêu này còn bị gắn nhãn cao hơn cả A Quiet Place hay bom tấn Avengers: Infinity War vốn mang đậm màu sắc giết chóc, kinh dị đến nghẹt thở nhưng chỉ dừng lại ở C16?
Với màn rating C21 gây “gió gầm sấm vang” của Singapore vừa rồi và hiện tại là Việt Nam với C18, có thể thấy dù những đấu tranh của cộng đồng LGBT đã trở nên khởi sắc trong gần 1 thập kỉ qua, nhưng ở đâu đó việc tình yêu đồng tính vẫn bị coi là nhạy cảm, hay thậm chí đi ngược lại thuần phong mỹ tục vẫn còn tồn tại. Thậm chí ở Trung Quốc, Love, Simon còn không có cửa oanh tạc phòng vé, huống chi là được lọt vào khâu kiểm duyệt độ tuổi.
Cố gắng hết sức để lan toả những “virus” tích cực đến giới trẻ thế giới thông qua một tựa phim rom-com (hài-tình cảm) nhẹ nhàng và có cái kết hạnh phúc, nhưng chính sự cực đoan và bảo bọc quá mức đến từ những đơn vị kiểm duyệt trong nước đã và đang vô tình giết đi hi vọng về một tương lai tươi sáng dành cho chính những cá nhân LGBT, những người hiện tại vẫn vật lộn, đấu tranh từng ngày để có được sự tôn trọng, chỗ đứng và tiếng nói, nhất là khi nhà trường lại là nơi mang đậm tư tưởng đi lùi về cách nhìn nhận và ứng xử đối với học sinh, sinh viên thuộc cộng đồng LGBT của mình.
Kết
Trailer phim Love, Simon.
Bỏ qua những vụ lùm xùm nhãn mác ở Việt Nam và các quốc gia khác, Love, Simon vẫn là một tựa phim đáng xem vì màu sắc ngọt ngào cùng cái kết tích cực khác hẳn với dòng chảy vốn mang đậm u buồn của thể loại phim về LGBT trong suốt nhiều năm qua. Love, Simon không chỉ là tiếng chuông hi vọng của người đồng tính, mà nó còn là bài học trân quý dành cho tất cả mọi người, nhất là giới trẻ về tình nhân ái, cách làm người và cách đối xử tốt với gia đình, bạn bè và mọi người xung quanh. Bất kì ai trên quả đất, ngay cả thế hệ thiếu niên dưới 18 tuổi của Việt Nam đều xứng đáng được một lần thưởng thức Love, Simon và được nhận cái kết đẹp như chính Simon có được cùng Blue.