Được dẫn dắt bởi đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, Ngôi nhà bươm bướm quy tụ dàn diễn viên gạo cội vốn quen thuộc trên màn ảnh như NSƯT Thành Lộc, Quang Minh, Hồng Đào và những diễn viên trẻ đầy triển vọng như Liên Bỉnh Phát, Hoàng Yến Chibi, Trịnh Tú Trung,…
Ngôi nhà bươm bướm nói về hành trình vượt qua trở ngại của Hoàng (Liên Bình Phát) và Mai (Hoàng Yến Chibi) để đi đến cuộc hôn nhân mơ ước. Qua nhiều phen “chiêu dụ”, khó khăn lắm Mai mới thuyết phục được bố mẹ từ ngoài Bắc vào Nam, cả hai, Mai và Hoàng đã sắp xếp được buổi gặp cho hai gia đình. Nhưng chính từ đây, câu chuyện oái oăm của nhà trai bị phơi bày và đem đến tình cảnh có một không hai cho buổi gặp mặt.
Đến với Ngôi nhà bươm bướm khán giả sẽ không khỏi bất ngờ trước khía cạnh chính mà nội dung khai thác, không đơn thuần như những gì mọi người thấy trong trailer mà đó là tình yêu đam mỹ bền chặt của cặp đôi “dì” Hân (NSƯT Thành Lộc) và ông Cường (Quang Minh). Có thể nói, motif phim nói về LGBT đã không còn quá lạ lẫm với những người yêu điện ảnh, thậm chí cách đây ít lâu Thưa mẹ con đi nói về đề tài này vừa được ra mắt và thu hút đông đảo sự chú ý của khán giả. Vậy điều gì tạo nên dấu ấn và sự đặc biệt của Ngôi nhà bươm bướm, đây chắc hẳn là điều khiến người ta tò mò nhất!
Thành Lộc vào vai dì Hân, một nghệ sĩ Drag Queen chuyên nghiệp, Vedette của quán Bar do bà và ông Cường làm chủ. Cũng đã thật lâu rồi người ta mới thấy lại một Thành Lộc giả gái trọn vẹn và duyên dáng đến thế nào, anh như hóa thành một nữ diva thực thụ và quyền lực. Đề cập đến nghệ thuật Drag Queen - một lĩnh vực còn khá xa lạ đối với đại đa số người dân Việt Nam hiện nay - Ngôi nhà bươm bướm đã mang lại cho người xem một cái nhìn mới mẻ hơn về nghệ thuật hóa trang cũng như cộng đồng LGBT.
Từ xưa đến nay, người ta vẫn thường nói nam cho ra nam, nữ cho ra nữ nhưng như những thông điệp mà bộ phim truyền tải, cuộc sống này vốn muôn màu muôn vẻ, giới tính con người cũng vậy, huống chi kể từ khi sinh ra họ đã không thể tự lựa chọn giới tính của mình. Người ta vốn cho rằng những người nam hóa trang thành nữ mục đích chỉ để “mua vui” tuy nhiên đó cũng chỉ là một cái nhìn đầy phiến diện và không đáng có với một loại hình nghệ thuật đáng được trân trọng. Đến với Drag Queen, những người nghệ sĩ được sống với con người thật của mình sau lớp make up đậm, lông mày treo ngược, được khoác trên mình những bộ cánh lộng lẫy và đắm mình tỏa sáng dưới ánh đèn sân khấu rực rỡ.
Ở Thưa mẹ con đi, người ta dễ dàng rung cảm trước chuyện tình thanh xuân đẹp như mơ của bộ đôi diễn viên chính. Đó là những thước phim đầy thơ mộng của tuổi trẻ, của hoài bão và căng tràn sức sống. Mọi hành động, suy nghĩ của nhân vật đều toát lên sự tươi mới, chớm trưởng thành đâu đó là những quyết định còn vô tư vô lo nhưng lại hết mực đáng yêu và hợp lý. Tất cả hòa lại tạo nên một tác phẩm đam mỹ khiến người xem không khỏi thốt lên tại sao lại có thể dễ thương đến vậy!
Cùng khai thác về tình yêu đam mỹ nam - nam nhưng có lẽ cảm xúc mà Ngôi nhà bươm bướm mang lại cho mọi người lại theo một hướng khác. Cũng thật dễ thương đó, nhưng đó là nét dễ thương của những con người đã đi hơn nửa đời người, đã qua cái tuổi thơ ngây bồng bột từ rất lâu rồi. Họ cũng có những hành động âu yếm, thân mật nhưng đó không phải còn là sự hào hứng của đôi lứa lúc mới yêu mà hơn cả nó mang nhiều ý vị sâu sắc và đồng điệu trong tâm hồn.
Không còn những mơ mộng, lãng mạn của thuở tình đầu mà đó là tình cảm lớn được vun đắp qua thời gian, biến cố, thay đổi, thích nghi và hằng hà sa số những khó khăn trong cuộc sống lứa đôi mấy chục năm trời. Thậm chí họ cùng nhau nuôi con, cùng thương con và nhìn con khôn lớn. Chiếc tình nghĩa ấy quả thật rất khó để miêu tả bằng lời, huống chi họ còn là cặp đôi đồng tính, sống tại một đất nước còn nhiều định kiến về người đồng tính như Việt Nam, khỏi phải nói đã cùng vượt qua biết bao nhiêu là trở ngại, định kiến xã hội. Vậy mới nói, phải xem phim mới thấy được chỉ cần một câu nói, một ánh mắt của nhân vật cũng đủ khiến người ta xúc động và nghẹn ngào.
Vậy nên có thể xem rằng Ngôi nhà bươm bướm như một phiên bản 20 năm về sau của Thưa mẹ con đi, khi mà tình cảm của họ không chỉ còn là tình yêu đơn thuần mà nó còn là tình thương, sự thấu cảm, là trách nhiệm và tình tri kỷ. Khi con người ta trải qua bao giông tố cuộc đời, cái cách mà họ thể hiện cảm xúc cũng thật khác lúc còn trẻ, chín chắn hơn và biết suy nghĩ cho người khác hơn.
Có thể nói cả hai bộ phim như một tấm gương phản chiếu lại cuộc sống thực tế của bao cặp đôi đam mỹ ngoài kia và chắc chắn sẽ mang lại thật nhiều cảm xúc cho những người đã, đang và sẽ trải qua những thước phim như thế! Không chỉ vậy, thông qua mỗi cảnh quay thật sinh động, nhà sản xuất đều lồng ghép những thông điệp sống giàu ý nghĩa và triết lý nhân văn.
Ngôi nhà bươm bướm và Thưa mẹ con đi hiện đang được công chiếu tại hệ thống rạp trên toàn quốc!