Được mệnh danh là một trong “Tứ đại danh tác" của Trung Quốc, Tây Du Ký gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ người Việt Nam. Cứ 6h chiều nghe nhạc hiệu đoán chương trình, đứa nào đứa nấy ngồi ngay ngắn trước TV để theo dõi hành trình thỉnh kinh của 4 thầy trò Đường Tăng, dù xem đi xem lại không biết bao nhiêu lần cũng chẳng thấy nhàm chán.
Sau “Tân Hoàn Châu Cách Cách", thời đại “bình cũ rượu mới" của điện ảnh Trung Quốc chính thức nở rộ, thế nhưng lại nhận về không ít lời phê bình từ phía khán giả do lối làm mới bị cho là quá lố, ngôn ngữ sử dụng không hề phù hợp với ngữ cảnh của phim. Sau không ít sóng gió của “người tiền nhiệm”, “Tân Tây Du Ký” chính thức lên sóng đài TVS4, những tưởng cũng cùng chung số phận nhưng lại bất ngờ lộn ngược dòng với điểm vote vô cùng khả quan ngay từ những tập đầu tiên (40% khán giả chấm điểm 10 tròn trĩnh cho “Tân Tây Du Ký" chỉ thông qua 2 buổi chiếu đầu tiên). Điều gì đã tạo nên sức hút từ bản “làm lại" vừa lạ vừa quen này?
Làm mới chứ không làm quá, cốt truyện nguyên tác được giữ vững
Việc làm mới những nguyên tác đã quá quen thuộc trong tiềm thức của khán giả là một thách thức lớn với nhà làm phim. Điều tạo nên sự thành công của “Tân Tây Du Ký” chính là việc làm mới nhưng không cố làm quá, biến phim trở thành: hiện đại trên cái nền cổ điển, làm mất đi cái “thần" của nguyên tác. Đạo diễn Trương Kiến Á và Chế tác Trương Kỉ Trung đã bám khá sát vào nguyên tác năm 1986 và chỉ sửa lại 1 vài tình tiết nhỏ nhằm mục đích đem đến những cảnh quay kỹ xảo mãn nhãn nhất cho khán giả.
Phần “rượu mới" trong “Tân Tây Du Ký" được đánh giá khá cao, nhiều khán giả cho rằng: bản mới đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình, hoàn thiện những phần thiếu sót của bản cũ. Phần kỹ xảo vô cùng “nuột", cảnh Tôn Ngộ Không làm loạn tại Địa ngục hay bối cảnh Động Hải Long Cung khiến người xem phải choáng ngợp về độ hoành tráng, sống động và chân thật. Quả không uổng 100 triệu NDT (320 tỷ đồng) chi phí đầu tư vào cho bộ phim này!
Lời thoại của bản “remake" được nhiều người xem “soi" kỹ càng đến từng chi tiết nhưng vô tình lại trở thành điểm cộng cho “Tân Tây Du Ký”. Lời thoại đã được sửa đổi theo lối văn nói gần gũi với xã hội hiện đại nhưng chỉ ở mức chấp nhận được chứ không làm quá và tạo nên sự “xì-tin" không đáng có.
Bên cạnh những lời khen cũng có những phản hồi trái chiều về việc nhà làm phim đã đẩy cao vai trò của Phật trong bản remake này. Trong bản tiểu thuyết, Ngọc Hoàng Thượng Đế và Thiên Đình là người có quyền lực tối cao nhưng “Tân Tây Du Ký” đã đưa Như Lai Phật Tổ và cõi Tây Phương Cực Lạc lên thành nơi có tầm ảnh hưởng nhất đối với tam giới. Những fan “ruột" của tiểu thuyết gốc tỏ ra tiếc nuối vì nhiều chi tiết thú vị và ý nghĩa đã bị lược bỏ trong phiên bản này.
Tôn Ngộ Không Ngô Việt: diễn ngon ơ vai khó nhằn, không hề “nép bóng"
Nếu như Lục Tiểu Linh Đồng là cái bóng quá lớn khi đã thành công với vai diễn Tôn Ngộ Không trong bản nguyên tác Tây Du Ký thì Ngô Việt dù khó có thể vượt qua được hình tượng của người đi trước nhưng cũng đã làm tốt vai trò của mình.
Xuất thân là một diễn viên võ thuật, Ngô Việt không gặp nhiều khó khăn trong những pha đánh võ đẹp mắt, nét diễn chân thật tạo nên một hình tượng Tề Thiên Đại Thánh đầy oai phong, lẫm liệt nhưng cũng không kém phần hài hước. Các khán giả nhí được phen “đã mắt” với những màn đấu võ đỉnh cao, còn những người trưởng thành lại sớm được thỏa mãn bởi hình tượng Tôn Ngộ Không gần như vẫn giữ được cái gốc.
Với sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả, “Tân Tây Du Ký” được đánh giá là một trong những bản “remake" thành công nhất trong nền điện ảnh Trung Quốc. Phiên bản này đã được chiếu tại nhiều nước và nay được phát sóng trên Đài truyền hình Thành Phố Cần Thơ vào lúc 19h20 (thứ 2-thứ 6).Cùng đón xem bộ phiên bản Tân Tây Du Ký này nhé!