Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Ngô Thanh Vân và những lần làm mẹ trên màn ảnh rộng

Hình ảnh người mẹ cũng luôn mang ý nghĩa đặc biệt trong phim của "đả nữ" Ngô Thanh Vân. Đó là những người mẹ luôn hy sinh, bất chấp vì con, dù họ có hiền lành hay độc ác, sinh ra trong hoàn cảnh ra sao, bị người đời nhìn vào thế nào...

Không phải ngẫu nhiên, Ngô Thanh Vân vừa là “đả nữ” có sức hút bậc nhất Việt Nam, lọt top 50 ngôi sao trên website quốc tế IMDb, vừa là nhà sản xuất hàng đầu có thể trở thành cái tên bảo chứng cho các bộ phim thuộc mọi thể loại. Trước khi gặt được trái ngọt, nữ diễn viên đã cặm cụi đi lên từ những vai diễn nhỏ.

Từng được biết đến với tư cách Á hậu 2 cuộc thi Hoa hậu Việt Nam qua ảnh năm 2000, Ngô Thanh Vân có cơ hội tiếp xúc điện ảnh thông qua vai diễn chính trong bộ phim Hương Dẻ, một series phim ngắn trên đài HTV. Tuy nhiên, tác phẩm khiến khả năng diễn xuất của Ngô Thanh Vân được khán giả thực sự công nhận là Dòng máu anh hùng, bộ phim hành động võ thuật Việt Nam năm 2007, do hãng phim Chánh Phương và Cinema Pictures hợp tác sản xuất và đạo diễn Charlie Nguyễn thực hiện.

Sau những năm tháng “tung hoành” màn ảnh rộng và gây dựng thương hiệu “đả nữ”, Ngô Thanh Vân từng bước lui về sản xuất; trong những năm tháng ấy, không còn là cô con gái thủ lĩnh Đề Cảnh của Dòng máu anh hùng hay “đả nữ” Bẫy rồng, cô thích trở thành người mẹ: khi thì dịu hiền, lúc thì ác độc, song vẫn hết lòng hi sinh vì con.

Người mẹ mất con trong “Ngôi nhà trong hẻm”

Năm 2012, “đả nữ” đánh dấu bước ngoặt diễn xuất khi tham gia bộ phim kinh dị mang tên Ngôi nhà trong hẻm, phim xoay quanh bi kịch xảy đến với đôi vợ chồng trẻ: họ mất đứa con đầu lòng do người vợ (Ngô Thanh Vân thủ vai) sảy thai. Trở về nhà sau thời gian dưỡng thương trong bệnh viện, cặp vợ chồng Thành (Trần Bảo Sơn) - Thảo gặp những thay đổi kì lạ ở chính ngôi nhà.

Trailer “Ngôi nhà trong hẻm”.

Phim được đánh giá cao về những chi tiết hù dọa “rất đắt”, từ tiếng bước chân người chạy qua chạy lại, tiếng trẻ con khóc, cho đến các không gian hẹp, u ám: con hẻm nhỏ, ngôi nhà vắng, cánh cổng tự khép lại, mở ra… Đặc biệt, nỗi đau mất mát đến điên dại của người mẹ mất con được “đả nữ” Ngô Thanh Vân thể hiện sâu sắc, đẩy lên cao trào bằng hình ảnh cô cầm rìu đuổi chồng mình. Ngoài tình tiết kinh dị, nội tâm nhân vật là yếu tố không nhỏ tạo nên màu sắc trầm uất, bi thương đến “lạnh người” trong Ngôi nhà trong hẻm.

Mẹ Cám trong “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”

Đạt những thành công nhất định trên con đường diễn xuất, Ngô Thanh Vân - người phụ nữ đầy hoài bão và tận tâm với nghề - quyết định dần lui về cùng tư cách nhà sản xuất. Bắt đầu thử sức sản xuất ở Ngày nảy ngày nay (2015), “đả nữ” tiếp tục lên kế hoạch và thực hiện hàng loạt bộ phim gây tiếng vang, trong đó có Tấm Cám: Chuyện chưa kể. Đặc biệt, tạo hình mẹ Cám của Ngô Thanh Vân trong dự án phim nhanh chóng thu hút sự chú ý của khán giả.

Trong Tấm Cám: Chuyện chưa kể, bà dì ghẻ độc ác, cay nghiệt hết lần này đến lần khác gây khó dễ, hãm hại Tấm. Cùng với Ninh Dương Lan Ngọc, Ngô Thanh Vân tạo nên cặp đôi mẹ con độc ác bậc nhất phim điện ảnh Việt, từng cái chau môi, nhíu mày đều được “đả nữ” và “ngọc nữ” của màn ảnh rộng Việt Nam thể hiện rất đạt. Song, đằng sau tất cả những hành động sai trái ấy của dì ghẻ là câu chuyện về một người mẹ thương con, mong muốn tất cả những gì tốt đẹp nhất cho Cám bất chấp thủ đoạn ra sao.

Trailer phim.

Bà Thanh Mai trong “Cô Ba Sài Gòn”

Cuối năm 2017, cặp mẹ con Ngô Thanh Vân - Ninh Dương Lan Ngọc tiếp tục trở lại với Cô Ba Sài Gòn. Ở nhân vật bà Thanh Mai do Ngô Thanh Vân thủ vai, người xem thấy một thái độ trân quý tà áo truyền thống qua cách bà nâng niu từng chút, từng chiếc áo dài. Không những thế, nhân vật còn thể hiện tình mẫu tử thiêng liêng, sẵn sàng bao dung, tha thứ. Thậm chí, tình cảm ấy bộc lộ qua cái tát chủ nhà may Thanh Nữ dành cho con gái Như Ý - chi tiết từng được so sánh cùng cái tát đối với nàng Tấm (Tấm Cám: Chuyện chưa kể).

Bởi lẽ, sau khi hành động trong tức giận, chính bà cũng thảng thốt, người run lên, cúi vội nhặt từng bức vẽ của con… Do đó, dù xuất hiện không nhiều, hình ảnh bà Thanh Mai vẫn gây sức ám ảnh xuyên suốt bộ phim. Để cuối cùng, Như Ý có cơ hội một lần nữa về bên mẹ, khán giả vỡ òa vì xúc động.

Trong lần làm mẹ ở Cô Ba Sài Gòn, Ngô Thanh Vẫn đã khắc họa chân dung của một người mẹ thâm trầm hơn, song, tình yêu dành cho con gái của nhân vật Thanh Mai vẫn quyết liệt, đầy hy sinh không thua kém gì dì ghẻ độc ác.

Người mẹ bất chấp vì con trong “Hai Phượng”

Vai diễn người mẹ trong Hai Phượng là dự án phim cuối cùng của Ngô Thanh Vân trong vai trò đả nữ, trước khi chuyển toàn tâm toàn sức sang công việc nhà sản xuất phim. Lần này, cô dồn toàn bộ tâm huyết để đưa Hai Phượng lên màn ảnh rộng, dành thời gian ôn luyện võ thuật cùng ekip cascadeur, nghiên cứu kịch bản, thậm chí, người đẹp sinh năm 1979 đã gặp tai nạn trên phim trường khiến chân bị chấn thương nặng, tưởng chừng phải hủy kế hoạch quay vai diễn này.

Khiến khán giả “choáng váng” với những màn hành động kịch tính, đánh đấm quyết liệt, nhân vật người mẹ trong Hai Phượng của Ngô Thanh Vân chỉ có một động lực duy nhất: mang con trở về bên mình. Gắn hình tượng “đả nữ” lăn xả trên màn ảnh cùng với câu chuyện cảm động về tình mẫu tử, nữ diễn viên hứa hẹn sẽ đem đến cho khán giả một bữa tiệc cảm xúc: vừa “đã mắt đã tai”, vừa xúc động đến rơi nước mắt.

Trailer phim Hai Phượng.

Nhắc đến Ngô Thanh Vân, người ta thường nghĩ đến một nữ diễn viên, nhà sản xuất tâm huyết, tận tâm với những giá trị truyền thống. Không những vậy, hình ảnh người mẹ cũng luôn mang ý nghĩa đặc biệt trong phim của “đả nữ”. Đó là những người mẹ luôn hy sinh, bất chấp vì con, dù họ có hiền lành hay độc ác, sinh ra trong hoàn cảnh ra sao, bị người đời nhìn vào thế nào…

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Phương Thảo

Được quan tâm

Tin mới nhất
Thời điểm ra mắt iPhone SE 4