Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Nghi vấn livestream phim 'Cô Ba Sài Gòn' là do Ngô Thanh Vân dàn xếp: Có dại mới đùa với pháp luật

Khi câu chuyện livestream phim "Cô Ba Sài Gòn" tưởng chừng đã khép lại thì bất ngờ một bộ phận khán giả lên tiếng cho rằng mọi việc chỉ là "chiêu trò PR" cho bộ phim của Ngô Thanh Vân.

Câu chuyện phim Cô Ba Sài Gòn bị livestream trái phép đã hao tốn nhiều bút mực của giới truyền thông cũng như tạo ra mối quan tâm lớn trong dư luận. Bản chất sự việc này như giọt nước làm tràn ly, từ lâu vốn được các nhà sản xuất, nhà phát hành phim tại Việt Nam bận tâm.

Mặc dù nhiều lần cảnh cáo cũng như báo chí đưa tin từ những vụ việc tương tự trước đó đối với phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Lô Tô, Em chưa 18..., thế nhưng nạn livestream “lậu” trong rạp vẫn hoành hành và tạo nên nhiều nhức nhối. Chính vì thế, khi Ngô Thanh Vân cương quyết làm rõ vấn đề này, nhiều người bày tỏ sự ủng hộ “đả nữ”.

Ngô Thanh Vân.

Tuy nhiên, dẫu là “nạn nhân” trong việc phim bị livestream nhưng trên thực tế, Ngô Thanh Vân vẫn vấp phải ý kiến trái chiều từ một bộ phận khán giả khi họ cho rằng đây chỉ là “chiêu trò PR” cho bộ phim Cô Ba Sài Gòn. Bởi lẽ, khi sự việc diễn ra, sự quan tâm của khán giả đổ dồn cho bộ phim với hàng trăm bài báo mỗi ngày.

“Phim Cô Ba Sài Gòn bị livestream” là từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên Google tại thời điểm đó với hơn 800,000 kết quả, đồng thời trên newsfeed của Facebook cũng chỉ toàn là thông tin, chia sẻ về vụ việc này. Bên cạnh đó, trước đây, ở Tấm Cám: Chuyện chưa kể, “đả nữ” và bộ phim của mình cũng vấp phải “thị phi” tranh cãi khác với một hệ thống rạp chiếu lớn, thế nên, nghi án “PR cho phim” xuất hiện là điều khó tránh khỏi.

Vậy nhưng, nếu bình tâm nhìn nhận lại vấn đề thì khán giả hoàn toàn có thể thấy rõ bản chất thật của câu chuyện. Giả sử Ngô Thanh Vân dàn xếp người thực hiện livestream bộ phim của mình, sau đó phối hợp với nhà phát hành truy tìm, phát hiện và cảnh cáo đối tượng. Kế đến, nhà sản xuất lên tiếng nghiêm khắc xử lý vấn đề này nhưng đằng sau đó lại “giơ cao đánh khẽ”, cuối cùng xử lý êm đẹp mọi chuyện sau khi truyền thông đã dành trọn 1 tuần chỉ để nói về vụ việc này.

Câu chuyện nghe có vẻ đơn giản là thế, rằng Ngô Thanh Vân hoàn toàn có khả năng sắp xếp những điều này, thế nhưng chúng ta đã “bỏ quên” một điều rất quan trọng: Cơ quan chức năng nhà nước. Bởi vì hành vi livestream, quay lén, vi phạm bản quyền phim đã không còn đơn giản là “chuyện của 2 người” để Ngô Thanh Vân có thể tự giải quyết nhẹ nhàng, mà nó còn vi phạm điều khoản của pháp luật.

Ngoài ra, sự việc đã đẩy lên quá cao, đi quá xa và được báo đài, truyền thông liên tục đưa tin, nên chắc chắn rằng các cơ quan chức năng, đại diện pháp luật khó lòng làm ngơ. Vì vậy, dù “đả nữ” có chấp nhận lời xin lỗi của đối tượng livestream, thì pháp luật cũng không bỏ qua nếu kẻ đó có tội. Thay vào đó, phía cơ quan chức năng vẫn tiếp tục điều tra, làm rõ vấn đề và đi đến phán quyết cuối cùng, bởi họ là người duy nhất có quyền kết luận “phạm tội hay không”.

Giả sử Ngô Thanh Vân và nhà sản xuất đã chi một khoản tiền đủ lớn cho đối tượng - ngang ngửa chi phí PR của 1 bộ phim “thường thường bậc trung”, thì liệu số tiền ấy có đủ để bù đắp những chỉ trích, lên án của mọi người đối với kẻ đã livestream?.

Không chỉ thế, khi đối diện trước pháp luật, liệu một thanh niên 19 tuổi nếu bị sai khiến, “giật dây” trong câu chuyện này, có thể bình tĩnh để giữ im lặng và nhận hết tội lỗi về mình, chỉ để đánh đổi một số tiền? Chưa tính đến giá trị “tiền mua chuộc”, chúng ta phải bàn đến tâm lý của một người trẻ với tương lai trước mắt, và những nghiêm khắc của luật pháp cùng cơ quan chức năng.

Song song đó, nếu nhà sản xuất “đứng sau” sự việc này, thì khi vụ việc vỡ lở và cơ quan nhà nước bắt tay vào điều tra, làm rõ thì hẳn Ngô Thanh Vân cũng vướng vào vòng lao lý.

Bạn có thể dắt mũi dư luận, dắt mũi truyền thông nhưng không thể đùa với pháp luật, với các cơ quan chức năng nhà nước. Cả tương lai của một người nghệ sĩ, một tập thể nhà sản xuất… liệu sẽ hy sinh chỉ vì một trò PR ư? Mà vốn dĩ Cô Ba Sài Gòn cũng đâu phải một bộ phim ra mắt trong “im hơi lặng tiếng”. Trước khi xảy ra scandal này, bộ phim cũng đã nhận được sự quan tâm lớn lao từ phía truyền thông và khán giả, hoàn toàn tự tin bước ra rạp chiếu mà không cần thêm chiêu trò xấu xa nào đằng sau đó.

Mới đây, “đả nữ” Ngô Thanh Vân cũng đã có vài dòng chia sẻ trên trang fanpage chính thức của mình về những nghi vấn đó:

[Dành cho những người nghĩ sai lệch những việc Tôi đang làm]

Câu chuyện livestream phim Cô Ba Sài Gòn được khép lại trên mặt báo vì Vân chấp nhận lời thành khẩn xin lỗi của thủ phạm. Song, đấy chỉ là vấn đề của cá nhân với cá nhân. Không phải là một sự nhân nhượng. Những vấn đề tiếp theo của hành vi vi phạm pháp luật, đã có các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Còn trách nhiệm với đối với điện ảnh Việt, Vân cũng đã chính thức chuyển đến Cục điện ảnh - Bộ Văn hoá Thể Thao Du Lịch, trước rất nhiều các Đại biểu tham dự Hội thảo tại Liên hoan phim năm nay.

Với tất cả trách nhiệm và khả năng cá nhân, Vân đã đủ cân nhắc “tình” và “lý”. Sự việc này, thêm một lần nữa Vân đã gửi đến tất cả những người có trách nhiệm để có thể có được những sự lên tiếng, bảo vệ điện ảnh một cách đúng đắn nhất.

Như vậy, tất cả những gì Vân có thể làm là:

1- Tha thứ cho một sai lầm và ghi nhận quyết tâm sửa sai của một cá nhân trẻ tuổi.
2- Hợp tác có trách nhiệm với cơ quan pháp luật. Việc xử phạt hành chính hoàn toàn phụ thuộc vào địa phương.
3- Đưa vấn đề ra các cơ quan quản lý điện ảnh, những người có tiếng nói, những người quan tâm tại Quốc hội để sớm có những điều luật mới hợp với sự phát triển của nền điện ảnh Việt Nam hội nhập. Luật điện ảnh cũng cần có những điều khoản mới cụ thể hơn trong tương lai gần để những hành động bảo vệ tác phẩm điện ảnh sẽ kịp thời, mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Những người thiếu ý thức, có hành vi xâm hại bản quyền điện ảnh sẽ bị trừng trị nghiêm minh thích đáng theo luật pháp.
Xin cám ơn !!!

Là một khán giả bên lề câu chuyện, mọi người hoàn toàn có quyền đưa ra những giả thuyết của mình, từ tích cực đến tiêu cực. Tuy nhiên, chúng ta cần bàn đến những căn cứ, những giá trị văn hóa đạo đức của người Việt cũng như yếu tố pháp luật. Hãy là một người bên lề sáng suốt, thấu đáo trong mọi chuyện, và phải thật bình tĩnh nữa. Có như thế, bạn sẽ không lo rằng mình bị “dắt mũi” bởi bất cứ điều gì.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Tiến Đạt

Được quan tâm

Tin mới nhất