Phim Ảnh

'Ngày mai Mai cưới': Một luồng gió lạ cho phim hài Việt Nam

Kim Ngân
Chia sẻ

"Ngày mai Mai cưới" của Diệu Nhi là bộ phim Việt ra mắt giữa lúc những siêu phẩm Âu - Mỹ đang trên đà thống lĩnh phòng vé. Tuy nhiên, không vì vậy mà "đứa con" của đạo diễn Nguyễn Tấn Phước tỏ ra lép vế.

Motif phim hài truyền thống

Giống như những bộ phim hài khác, Ngày mai Mai cưới được xây dựng trên nền tảng những motif đã khá quen thuộc với khán giả. Phim xoay quanh câu chuyện về những con người trẻ tuổi, khao khát vươn ra thế giới để đạt đến ước mơ, hoài bão của bản thân mình. Bên cạnh đó, còn là sự trăn trở của họ đối với tình yêu, hôn nhân và tình bạn.

Diệu Nhi trong vai Mai.

Trong phim, Mai (Diệu Nhi đóng), Bến, Mành, Gừng (FAPTV đóng) là những người bạn “thanh mai trúc mã”. Đứa nào cũng ấp ủ những giấc mơ riêng, nhưng chẳng thể thực hiện được vì rào cản gia đình. Là con gái, Mai luôn bị ba mẹ mình đốc thúc chuyện cưới hỏi để nhanh chóng yên bề gia thất. Trớ trêu thay, sao bao lần xem mắt chẳng tới đâu, Mai lại “đổ gục” trước Phong (Minh Beta đóng) - con trai của tình địch ba mình năm xưa. Mẹ cô cũng vì vậy mà kịch liệt phản đối hai người, ép Mai lấy bạn thân của mình là Bến. Nhưng đến cuối cùng, Mai cũng được ở bên cạnh Phong, nhờ vào tình yêu chân thành họ dành cho nhau.

Nhóm FAPTV.

Có thể thấy, câu chuyện này không quá phức tạp để khán giả có thể đoán trước được cái kết. Hay nói cách khác, diễn biến của Ngày mai Mai cưới không khác nhiều so với những phim hài Việt trước đây.

Minh Beta trong vai Phong. 

Đặc biệt vì điều gì?

Thật bất ngờ khi điểm nhấn của phim không chỉ sáng lên ở các tuyến nhân vật, mà còn ở bối cảnh của phim. Ngày mai Mai cưới được lấy bối cảnh từ một làng chài ven biển Gò Công Đông, dải đất của miền Tây sông nước. Từ trước đến nay, biển luôn là địa điểm để các nhà làm phim chọn làm bối cảnh cho những thước phim lãng mạn, nhưng một bộ phim hài được quay ở đây chắc chắn sẽ gây được cảm giác mới lạ cho người xem. Khó có thể tin được rằng bờ biển với những bãi nghêu trải dài tít tắp của bà con làng chài, lại có thể phù hợp với câu chuyện mang tính chất thời đại, như Ngày mai Mai cưới.

Nghệ sĩ Trung Dân.

Bối cảnh làng chài.

Không gian đậm chất Việt Nam với nhà tranh, mái lá, bếp lửa.

Bên cạnh đó, việc xây dựng hình tượng nhân vật và chọn diễn viên cũng góp phần tạo nên hiệu ứng tốt cho phim. Diệu Nhi trong vai Mai gần như đã bộc lộ trọn vẹn những nét tính cách của cô gái này. Một người con gái miền biển mạnh mẽ, vui vẻ, thẳng thắn, đôi lúc hơi “hâm” nhưng có khi vô cùng sâu sắc và nội tâm. Ba anh chàng của nhóm hài FAPTV lại gây ấn tượng với người xem bằng những miếng hài rất riêng, rất duyên khi vào vai ba chàng trai làng chài hài hước, dễ gần.Nếu bạn đang tìm một bộ phim mang thông điệp nhẹ nhàng, vui vẻ và giàu tính giải trí, thì Ngày mai Mai cưới có lẽ sẽ rất phù hợp để thư giãn cùng bạn bè và gia đình.

Nét duyên dáng của nhóm FAPTV.

Thông điệp về tình bạn - tình cảm gia đình

Thêm một điểm cộng nữa cho bộ phim của đạo diễn Nguyễn Tấn Phước, đó là sự khéo léo kết hợp nhuần nhuyễn nhiều thông điệp với nhau. Ta sẽ bắt gặp sự gắn kết của bốn người bạn thân trong những giây phút Mai, Bến, Gừng và Mành cùng nhau chơi cờ cá ngựa; hay sự đoàn kết, “tương trợ” trong những lần ba anh chàng giúp Mai “xua đuổi” những người đến xem mắt cô. Thậm chí, tình bạn của họ còn đặc biệt tới mức Bến đã hy sinh hạnh phúc cả đời mình, gạt bỏ ước mơ và lấy Mai vì mong muốn của mẹ cô. Thiết nghĩ, sẽ rất khó tìm được những người bạn mà người ta sẵn sàng hy sinh vì nhau như thế.

Một điểm nổi bật khác trong Ngày mai Mai cưới không thể không nhắc đến, đó chính là sự yêu thương của ông bà Tư Cào (NSND Trung Dân và NS Cát Phượng) dành cho con gái. Hiểu được rằng những gì đôi vợ chồng này làm xuất phát từ mục đích muốn tốt cho Mai - đứa con cưng của mình.Nhưng có lẽ, họ chưa thật sự hiểu rằng Mai cần gì và muốn gì. Từ việc dán tin tìm bạn trai cho con, đến việc nhờ thầy làm phép cũng chỉ mong Mai sớm yên bề gia thất để họ an lòng khi về già. Bằng sự kết hợp ăn ý và kinh nghiệm diễn xuất nhiều năm, NSND Trung Dân và NS Cát Phượng đã bộc lộ rõ nét những trăn trở tất yếu của các bậc cha mẹ, đồng thời làm sáng lên tình yêu thương của các bậc phụ huynh dành cho con cái - tình yêu thương có đôi chút cố chấp. Bên cạnh đó, Mai cũng thể hiện rằng mình là một đứa con hiếu thảo. Mẹ cô giả bệnh vì không muốn cô đến bên Phong và đó chính là lý do khiến Mai hy sinh hạnh phúc của mình, chấp nhận lấy Bến.

Ở một khía cạnh nào đó, có thể cho rằng những thông điệp được lồng ghép vào phim là vô cùng có giá trị và ý nghĩa. Ngày mai Mai cưới đã không đi vào lối mòn của những phim hài Việt trước đây khi chỉ chú trọng tiếng cười hoặc tập trung cảm xúc quá nhiều cho phần bi. Ngược lại, câu chuyện này cân bằng được giữa yếu tố bi và hài, truyền tải thông điệp giá trị nhưng lại không quá nặng nề mà vẫn gây được tiếng cười thoải mái bằng những miếng hài nhân văn.

Những hạn chế nhất định

Không thể phủ nhận Ngày mai Mai cưới là một phim khá ổn về nội dung cũng như hình thức. Nhưng công tâm mà nhận xét, phim vẫn còn tồn tại những khuyết điểm nhất định mà đa số phim Việt mắc phải. Điển hình là sự bất hợp lý trong một số phân đoạn như việc Mai sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước nhưng lại không biết bơi; hay việc xây dựng tâm lý tình cảm của cặp đôi Phong và Mai còn hơi vội vàng và có phần gượng ép. Điều này không chỉ gây sự khó hiểu cho khán giả, mà còn khiến họ hụt hẫng trước cách giải quyết nút thắt của phim còn khá đơn giản, chưa tạo được cao trào.

Bên cạnh những điểm cộng của việc sử dụng motif làm phim truyền thống, chúng ta vẫn dễ dàng nhận ra những hạn chế. Ngày mai Mai cưới nói riêng và phim hài Việt Nam nói chung vẫn chưa thật sự bức phá lên trên đường đua của thị trường đang cạnh tranh ngày một gắt gao hơn. Điều này khiến dòng phim hài tuy có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng khó tạo được dấu ấn và gây được tiếng vang.

Trailer phim Ngày mai Mai cưới.

Phim hiện đang trình chiếu trên toàn quốc.

Chia sẻ

Bài viết

Kim Ngân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất