Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

'Ngày không còn mẹ': Dẫu biết ai rồi cũng phải học cách nói lời chia ly…

Cũng như tôi, những khán giả bước vào rạp xem "Ngày không còn mẹ" ngày hôm ấy đều biết trước rằng mình sẽ rơi nước mắt... 

Ngày không còn mẹ  kể về câu chuyện của hai mẹ con Ae Soon và In Gyu. Cậu con trai In Gyu (Kim Sung Kyun), năm nay 30 tuổi nhưng chỉ có trí óc của một đứa trẻ 7 tuổi, phải sống dựa hoàn toàn vào mẹ mình. Bà Ae Soon (Go Doo Shim) làm chủ một tiệm tạp hóa nhỏ trong khu phố ở Seoul. Dù nghèo khổ nhưng bà luôn lạc quan và dành hết tình thương, sự quan tâm cho đứa con khiếm khuyết. Cuộc sống rau cháo, vui vầy có nhau của hai mẹ con có lẽ cứ trôi qua bình yên như thế và nếu không có một ngày, bà Ae Soon phát hiện ra mình bị bệnh u não. Bà quyết định dùng những ngày ít ỏi cuối đời để dạy con trai cách sống tự lập…

Bộ phim mở đầu với một dự cảm buồn nhưng tổng thể lại tràn đầy màu sắc tươi sáng, ấm áp. Có lẽ bởi cuộc sống vốn đã không thiếu “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” nên đạo diễn Cho Young-joon chọn kể câu chuyện của mình theo một cách riêng. Ông tập trung vào việc con người đối diện và vượt qua bất hạnh như thế nào thay vì lạm dụng những tình tiết sụt sùi câu nước mắt. Tình mẫu tử trong phim giống như ánh mặt trời chiếu rọi giữa cơn mưa, buồn bã mà không bi lụy, chạm đến tận cùng tuyệt vọng nhưng sau tất cả vẫn ngời lên sự lạc quan cần phải có.

Để làm nên chiều sâu và sự xúc động cho phim, ngoài nội dung mang đậm tính nhân văn không thể không nhắc đến màn hóa thân tuyệt vời của tài tử Kim Sung Kyung và nữ diễn viên gạo cội Go Doo Shim.

Diễn xuất của Kim Sung Kyung trong phim hoàn toàn chạm đến cảm xúc của người xem. Vào vai In Gyu, một cậu chàng năm nay đã ngấp nghé tam tuần nhưng lại có trí óc của một đứa trẻ, Kim Sung Kyung cho thấy sự ngô nghê, khờ dại của nhân vật nhưng không tạo cảm giác khó chịu hay khiến khán giả bực bội.

In Gyu luôn đeo chiếc ống nhòm trước ngực. Cậu tò mò về mọi thứ xung quanh, từ tờ rơi dán trên cửa kính xe, bông hoa bên vệ đường cho đến cô giáo dạy trẻ ở gần nhà. In Gyu cũng thích ăn trứng, mê bánh ngọt, say sưa xem chương trình thám hiểm như mọi đứa trẻ khác. Cậu vẫn nghĩ thiên đường là nơi mọi người đáp máy bay đến chơi một vài hôm rồi quay về. Cuộc sống trong mắt In Gyu luôn giản đơn, tươi đẹp như bài hát mà cậu vẫn hát cho mẹ nghe mỗi khi bà mỏi mệt hay buồn phiền.

Thế giới trẻ thơ của In Gyu trong veo không tỳ vết đối lập hẳn với thế giới khắc nghiệt của những người trưởng thành như bà Ae Soon. Bị bủa vây bởi sự túng thiếu và bệnh tật, người mẹ chỉ còn cách duy nhất là gồng lên để chống đỡ và bảo vệ đứa con trai bé nhỏ. Chính trong hoàn cảnh tuyệt vọng đó, tình mẫu tử tỏa sáng hơn bao giờ hết.

Rất nhiều khán giả đã rơi nước mắt khi nhìn thấy bóng dáng mẹ mình trong cách bà Ae Soon vui vẻ ăn cơm trắng, nhường cho con trai đĩa trứng ốp la. Là khi bà đau ốm nhưng lại không dám đi bệnh viện vì sợ tiêu lạm vào số tiền chắt chiu dành dụm cho con sau này. Và dẫu cái chết đã cận kề, bà vẫn cặm cụi đan cho xong chiếc áo len màu đỏ những mong con trai đủ ấm trong mùa đông tới. Đâu đó trong những hình ảnh ấy có những hồi ức về mẹ mà trong chúng ta chẳng ai có thể lãng quên.

Trước giông tố của cuộc đời, mỗi người mẹ đều trở thành chiến binh. Nhưng trớ trêu thay, đối thủ của bà Ae Soon không phải là sự nghèo khó hay cái nhìn kì thị của người đời mà chính là cái chết. Bà phải chạy đua với thời gian, chạy đua với căn bệnh quái ác, chạy đua cùng chúa trời và định mệnh nghiệt ngã.

…Con ơi, thiên đường không phải là vùng đất xa xôi nào đó, nơi người ta có thể mua vé máy bay đến chơi rồi lại về, không phải là chuyến du lịch ngắn ngày mà sau đó ta sẽ còn gặp lại. Chết là hết. Phân ly lần này là vĩnh viễn, một đời chẳng thể nhìn thấy nhau.

Còn gì đau đớn hơn với một người mẹ khi quyết định cho đứa con trai thiểu năng của mình đối diện với sự thật tàn nhẫn ấy. Bà Ae Soon để In Gyu tận mắt nhìn thấy cái chết của những chú gà con rồi lại đưa cậu đi dự đám tang chỉ để dạy cậu bài học về sinh ly tử biệt. Sự chuẩn bị tâm lý của cả hai mẹ con là phân đoạn giằng xé nhất trong bộ phim.

Nữ diễn viên gạo cội Go Do Shim đã có một màn hóa thân tuyệt vời trong vai người mẹ. Được mệnh danh là “Bà mẹ Quốc dân” xứ sở Kim Chi với vô số vai diễn ấn tượng trong các bộ phim gia đình, Go Do Shim dễ dàng khiến khán giả rơi nước mắt bằng chính diễn xuất chân thực và giàu cảm xúc của mình.

Phim kết thúc bằng cuộc chia ly đã được báo trước ngay từ lúc bắt đầu. Nhưng thay vì những khung hình buồn day dứt, bộ phim chọn khép lại bằng cái vẫy tay tạm biệt và nụ cười của In Gyu. Thiên đường xa vời nhưng vẫn hiện hữu. Ở một nơi nào đó, mẹ của In Gyu vẫn sẽ dõi theo cậu. Đó là niềm an ủi vô hình nhưng có sức mạnh lớn lao giúp cho cậu một mình bước tiếp về phía trước.

Teaser phim Ngày không còn mẹ.

Ngày không còn mẹ là một tác phẩm điện ảnh giản dị nhưng chân thành, sâu lắng và chạm tới tận cùng cảm xúc của mỗi người. “Sẽ ra sao, nếu một ngày ta không còn mẹ?...” là giả định mà bất cứ ai cũng từng thảng thốt tự hỏi trong đời. Phim như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng, thấm thía về giới hạn của thời gian. Vậy nên “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc. Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không…”

Độc giả có thể truy cập TVING để xem lại các tập phim Hàn Quốc hoặc theo dõi thông tin phim tại Ghiền phim Hàn.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Thu Phương

Được quan tâm

Tin mới nhất
Quỳnh Kool cưới?