Phim Ảnh

'Ngày độc lập: Tái chiến' - Sau 20 năm, nhân loại vẫn kiên cường

Khắc Tâm
Chia sẻ

Tiếp theo nội dung của phần tiền truyện ra mắt năm 1996, "Ngày độc lập: Tái chiến" hứa hẹn sự quay trở lại vô cùng hoành tráng và chinh phục thế hệ khán giả mới.

20 năm sau khi chiến thắng kẻ xâm lược ngoài hành tinh, một ủy ban Liên hiệp quốc thành lập “hệ thống phòng thủ không gian toàn cầu” (ESD) nhằm đối phó nếu kẻ thù quay trở lại. Dựa vào công nghệ mà chúng để lại, con người đã phát triển được rất nhiều loại vũ khí và tàu không gian tối tân. Tuy nhiên, khi bọn người ngoài hành tinh quay lại, công nghệ và sức mạnh của chúng cũng đã phát triển hơn rất nhiều lần. Loài người lại một lần nữa phải đoàn kết với nhau để đối mặt với một cuộc chiến gần như không có phần thắng.

id4-gallery2

Gần như toàn bộ dàn diễn viên đã làm nên tên tuổi của phần 1 đều trở lại với vai diễn của mình như Jeff Goldblum, Bill Pullman, Brent Spiner,… Ngoài ra, phim còn có sự bổ sung một một số lượng lớn diễn viên trẻ như Liam Hemsworth, Angelababy, Jessie Usher và Maika Monroe. 

ngaydoclap

Những diễn viên cũ của phim đều hoàn thành tốt vai diễn và thể hiện rõ nét nhân vật của mình như phần phim trước đó. Nhà khoa học David Levinson của Jeff Goldblum vẫn giữ nguyên sự thông thái nhưng tưng tửng của mình. Ông tiếp tục đóng vai trò mấu chốt của cuộc chiến đồng thời tạo tiếng cười cho phim.

Điểm nhấn thuộc về Bill Pullman với vai tổng thống Thomas J. Whitmore. Là người đã dẫn dắt loài người đi đến chiến thắng trong phần phim trước, Whitmore bây giờ chỉ là một ông già luôn gặp ác mộng về lũ người ngoài hành tinh. Tuy nhiên, khi kẻ thù quay lại, ông đã dẹp bỏ mọi sự sợ hãi của bản thân và sẵn sàng hy sinh để loài người có thể chiến thắng một lần nữa. Từ hình ảnh một ông già lẩm cẩm, khó tính cho tới một vị anh hùng giàu tình thương đều được Bill Pullman diễn tả một cách rõ nét.

giphy

Diễn xuất của Liam Hemsworth đã có nhiều tiến bộ kể từ The Hunger Games. Anh đã hoàn thành khá tốt vai diễn phi công Jake Morrison của ESD. Jake là một trẻ mồ côi từ cuộc tấn công lần trước. Anh gia nhập ESD để trở thành người giỏi nhất và có thể trả thù cho cha mẹ. Vì thế, tính cách của Jake có phần khá ngông và hiếu thắng nhưng cũng tràn đầy tình cảm đối với những người xung quanh. Dù còn khá trẻ nhưng diễn xuất của Maika Monroe trong vai Patricia Whitmore, con gái tổng thống Whitmore, lại là một điểm sáng của phim. Maika đã khắc họa thành công hình ảnh một cô gái mạnh mẽ nhưng phải chịu sự đau khổ tột cùng khi tiễn cả cha và người yêu tham gia một trận chiến mà tỉ lệ sống sót gần như bằng 0. 

giphy (1)

Ngoài ra, các diễn viên còn lại đều dừng ở mức tròn vai. Đặc biệt, vai diễn của Angela Baby khá nổi bật khi nhiều khán giả cho rằng cô được thêm vào là để “bán vé” ở thị trường Trung Quốc và sẽ chỉ xuất hiện trong vài phân cảnh. Trên thực tế, Angela Baby được dành cho khá nhiều đất diễn và cũng phần nào thể hiện được khả năng diễn xuất của mình.

Kỹ xảo chính là một trong những điểm sáng nhất của Ngày độc lập: Tái chiến. Được đạo diễn bởi Roland Emmerich, bậc thầy dòng phim “tận thế”, nên những cảnh tàn phá trên màn ảnh được khắc họa rất chân thật. Khán giả dễ dàng cảm nhận được mức độ phá hủy và sự diệt vong mà con người phải đối mặt. Những góc quay toàn cảnh được sử dụng một cách hợp lý để khán giả có thể thấy được sự chênh lệch về kích thước giữa con tàu của người ngoài hành tinh và những vũ khí được cho là “lớn nhất” của loài người. Vậy nên khán giả dễ bị choáng ngợp bởi sự hoành tráng mà phim mang lại.

tumblr_o61b18jcOf1tu1ckro3_500

Đạo diễn Emmerich vốn có kinh nghiệm làm những bộ phim đề tài ngoài hành tinh như Stargate, Universal Soldier,.. nên những cảnh chiến đấu trong Ngày độc lập: Tái chiến được chăm chút khá kĩ lưỡng. Hình ảnh những chiếc máy bay của cả 2 phe xả đạn và lao vào nhau gợi nhắc tới trận chiến kinh điển ở phần trước đó. Tuy nhiên, với kỹ xảo tiến bộ hơn rất nhiều, những cảnh chiến đấu này trở nên mãn nhãn và ác liệt hơn hẳn. Chính lúc này, phim đã khéo léo sử dụng những góc quay cận hay lấy góc nhìn của diễn viên để người xem có thể cảm nhận được sự nguy hiểm mà các nhân vật phải đối diện.

giphy (2)

Thomas Wanker và Harald Kloser, vốn cộng tác rất nhiều lần với Roland Emmerich và góp phần tạo nên thành công của những bộ phim như 2012, The Day After Tomorrow…, đảm nhận phần nhạc cho phim. Nhờ phần nhạc nền dẫn dắt cảm xúc người xem mà những cảnh chiến đấu thêm phần hào hùng và những mất mát trở nên đau thương hơn hẳn.

Song song giữa cuộc đối đầu của quân đội với người ngoài hành tinh, Ngày độc lập: Tái chiến còn xen kẽ vào sự mất mát và trốn chạy của những dân thường vô tội, khiến cho cuộc chiến thêm phần chân thật và khốc liệt. Tuy nhiên, nó cũng khiến mạch phim bị loãng đi không ít. Do phải xử lý một khối lượng nhân vật quá lớn nên đất diễn bị chia nhỏ ra rất nhiều và từng người không bộc lộ hết tính cách của mình.

giphy (3)

Cốt truyện của Ngày độc lập: Tái chiến có phần một chiều và không có điểm nhấn như người tiền nhiệm. Tình tiết của phim khá rời rạc và thiếu sự liên kết. Phần cao trào cũng chưa gây ra được cảm giác “đã” cho người xem. Sức mạnh của chủng tộc ngoài hành tinh lớn hơn rất nhiều nhưng những gì chúng thể hiện được lại không ghê gớm như phần trước đó khiến cuộc chiến có vẻ “dễ dàng” hơn cho con người. 

Dù còn nhiều thiếu sót nhưng không thể phủ nhận tính giải trí của Ngày độc lập: Tái chiến là khá cao. Nếu là fan của phần trước đó hay đề tài tận thế thì đây là một bộ phim khán giả không thể bỏ qua.

Xem thêm >>> 15 điều thú vị trong hậu trường ‘Cuộc chiến của những đứa con hoang’

Những chủng tộc ngoài hành tinh ‘bá đạo’ trên màn ảnh

Trước Taylor Swift, đã có bao nhiêu ‘người tình màn ảnh’ đi qua đời Tom Hiddleston?

10 điều thú vị có thể bạn đã bỏ lỡ trong ‘Finding Dory’

Chia sẻ

Bài viết

Khắc Tâm

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất